Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Tập hợp các bài viết của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Ghi chép lang thang
  • Nhận bài mới qua email

Thư gởi bạn (14.7.2020)

14/07/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thư gởi bạn (14.7.2020)

Chuyện của Nghĩ Từ Trái Tim

 

 

Cảm ơn bạn đã muốn biết thêm chi tiết về cuốn Nghĩ Từ Trái Tim viết về Tâm Kinh Bát Nhã của mình, do Nhà xuất bản Tổng hợp TP in lần đầu 2003, sau khi đọc bài Huỳnh Ngọc Chiến trên Giác Ngộ Online 2009 đã gởi mình để post lại. Như mình đã có lần nói, mình chỉ học Phật lõm bõm, thấp thoáng thôi như đã “giải trình” trong TÔI HỌC PHẬT (Tệp tuyển do Nguyễn Hiền Đức thực hiện, thuvienhoasen 2019). Lúc trẻ thì mình cũng đọc Krishnamurti, Suzuki… đọc cả Lão Trang, Khổng Mạnh như bao bạn bè cùng lứa. Đọc cho biết. Nhưng có lẽ mình có chút duyên với Phật nên hồi 4,5 tuổi đã được Cha mẹ, cậu dì cõng đi Chùa Cú ở Phan Thiết, nơi có “Linh Sơn Trường Thọ tự”, vì nhà bà Ngoại mình ở gần ngay dưới chân núi.  Nhỏ xíu, chỉ còn nhớ khi tới Đá Bàn, thì nghỉ chân, giở mo cơm ra ăn và nhìn cá bơi lội, lên chùa thì nước lạnh ngắt…

Năm 1997, sau một trận bệnh thập tử nhất sanh, những ngày nằm viện sau mổ cấp cứu vì tai biến mạch máu não, có người bạn (Bs Ngọc Ánh) cho mình mượn cuốn sách mỏng viết về Tâm Kinh (Trái tim hiểu biết của thầy Nhất Hạnh) mình mới có dịp nghiền ngẫm sâu và tìm kiếm thêm nhiều tài liệu khác nữa để tham khảo và nhất là đi vào thực hành nhằm tự chữa bệnh cho mình, bởi thuốc men không lợi ích gì nhiều trong trường hợp bệnh lý này.

Có lẽ nhờ không phải “đọc cho biết” như xưa nữa mà đọc để “tự chữa bệnh” cho mình nên có gì đó như sáng dần ra. Sau 3 năm nghiền ngẫm, thực hành… Rồi nghĩ. Hay là nên ghi lại kẽo quên. Vậy là viết. Viết ào ào, như “mây trôi gió cuốn”, say mê, quên hết mọi thứ xung quanh, hơn 6 tháng thì xong (12/2000 đến 7/2001). Thở một hơi.  Nhưng vẫn chưa dám nói năng chi. Gởi bản thảo viết tay đến vài ba người bạn Phật tử thuần thành nhờ đọc. Rồi tiếp tục nghiền ngẫm, thực hành thêm. Sau cùng, gởi đến Ni sư Trí Hải nhờ “thẩm định”. Ni sư nói hôm đó ở Hóc Môn bị cúp điện, phải đốt đèn cầy đọc suốt đêm thứ “chữ bác sĩ” nguệch ngoặc của mình, nhưng sáng sớm hôm sau đã phone khen ngợi, và khuyến khích “nên in ra đi vì sẽ có lợi ích cho nhiều người”, Sư nói vậy. Mình nghe lời, năm 2003 mang đến Nxb Tổng hợp, Giám đốc là ông Trần Đình Việt nói sách “tôn giáo” khó in lắm. Rồi nể mình, anh chịu đọc qua. Nói được. Thôi để tôi in thử chừng ngàn cuốn cho anh. Ai dè… sách bán chạy quá, anh in tiếp, in tiếp… tái bản dài dài. (Đến nay đã tái bản chính thức lần thứ 14). Lúc đó, Trang mạng Khuông Việt của thầy Thiện Niệm ở Pháp gởi thư xin đưa lên net. Xin cứ tùy nghi. Thầy Thanh Tuệ, An Tiêm cũng viết meo xin in ở Pháp, nhưng rồi sau đó thầy mất, chưa kịp thực hiện. Nhiều nơi làm Audiobook, ra đĩa… Xin cứ tự nhiên. Năm 2013 thấy có Radio SBS ở Úc đọc trong một chương trình nào đó, sau đó có gởi về mình một đĩa như để … xin phép tác giả. Xin cứ tùy hỷ. Một người bạn bên nửa vòng trái đất nói đọc xong, phải lái xe đi hơn hai giờ để mang đến cho người bạn khác đọc. Có người xin ấn tống. Xin cứ tùy nghi…

Vậy đó. Câu chuyện của Nghĩ Từ Trái Tim.

Xin gởi thêm bạn vài ba bài dưới đây, một của GS Trần Văn Khê khi  nằm bệnh viện Chợ Rẫy để chữa bệnh (2003), có thì giờ đọc Nghĩ Từ Trái Tim (do chị Lý Thị Lý- vợ nhà báo Trần Trọng Thức- ghi âm); một của nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã đăng trên Tạp chí Văn hóa Phật giáo (2006) , và một của “NA blog” (2009) mà tới giờ này mình vẫn không biết là ai. Thôi, cho phép chia sẻ nơi đây cùng bè bạn bè thân thiết.

Đa tạ tất cả.

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc.

(Về thu xếp lại)

 

Con đường đi tới Tâm Kinh của tôi (*)

GS Trần Văn Khê

 

(…) Con đường đi tới Tâm kinh của tôi vòng vo như vậy, mãi cho tới khi gặp bà Karfung tôi mới hiểu rõ hơn. Bà Karfung là một thầy thúôc châm cứu, dạy khí công của tôi. Suốt một năm rưỡi bà chỉ chuyên tâm cắt nghĩa Tâm kinh bằng tiếng Pháp..

Bà Karfung đọc và giảng từng câu cũng như Đỗ Hồng Ngọc đã đề cập trong cuốn sách của mình. Bà Karfung cho rằng không dịch ra mà để nguyên chữ Phạn, chỉ đọc ra âm thanh thôi. Âm thanh đó nhắc nhở con người phải hành, phải đi tìm chân lý, bến giác. Đến chữ “Yết đế” trong câu Yết đế, Yết đế, Bala yết đế, Bala tăng yết đế, bồ đề, tát bà ha!, bà dịch là avant, encore en avant, toujours en avant et plus loin en avant (đi tới, đi tới, còn đi tới nữa và luôn luôn đi xa tới hơn nữa) để tới đáo bĩ ngạn, tới Paramita.

Lần này về Việt Nam được đọc cuốn sách Nghĩ từ trái tim của Đỗ Hồng Ngọc, những điều tôi biết về Tâm kinh từ bà Karfung đều được Đỗ Hồng Ngọc nói rõ ràng bằng tiếng Việt, văn phong chẳng những giản dị mà còn dí dỏm, kèm thêm những thí dụ trong cuộc đời, lâu lâu lại chêm vàì câu Kiều, thơ của Xuân Diệu hay lời ca của Trịnh Công Sơn. Càng đọc tôi càng thấy thấm thía và có phần gần gũi. Tôi đọc mà vô cùng thú vị, qua đó cho thấy hiểu biết của tác giả rất sâu sắc. Có những điều tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả. Mọi người cho rằng trong Tâm kinh, đức Phật phủ định tất cả những gì mình đã dạy. Nhưng Đỗ Hồng Ngọc lại nghĩ ngài không phủ định mà chỉ khẳng định lại những điều mình đã dạy một cách rõ ràng hơn. Điều đó đúng quá, Đức Phật nói lần lần cho người ta hiểu.

Đỗ Hồng Ngọc là một bác sĩ, làm như phải có khoa học thì mới tìm được những chi tiết trong Tâm kinh. Người bác sĩ này có cả tâm hồn hướng về con người nên đã viết cho trẻ con, cho những người già, người sản phụ, tìm hiểu căn bệnh để trừ bệnh, để giúp cho người ta bớt bệnh bớt khổ. Tâm tư đó là tâm từ đi tới bi. Người bác sĩ đó có được một tinh thần phóng khoáng, một tâm từ, còn là một nhà văn dí dỏm, một nhà thơ mộc mạc dễ thương nên hiểu được Tâm kinh như thế. Phải trải qua một trận đau, một lần bị giải phẫu, khi đó cả một cơ thể mình chuyển động thay đổi, tâm tư thay đổi thì tự tìm lấy cách để trị bệnh cho mình. Trong khi học trị bệnh tức là đã hành. Tâm kinh không chỉ đọc hiểu không thôi mà phải hành. Đỗ Hồng Ngọc nhờ tổng hợp được những yếu tố đó mà viết ra được quyển Nghĩ từ trái tim như thế này thì tôi cho đây là một tuyệt tác, nắm được tinh hoa của đạo Phật giảng ra một cách dễ hiểu, dễ dàng để cho người ta tìm thấy được mỗi chuyện làm ở trong đời….

(*)Tựa của ĐHN.

bài do chị Lê Thị Lý ghi âm (trích 2003)

 

Đức Phật và lời dạy của cha tôi

Nguyễn Thánh Ngã

Tôi không nhớ rõ tôi đến với Đức Phật như thế nào, nhưng cái thời khắc nhỏ nhất mà Phật đến với tôi, thì tôi không thể nào quên được! Đó là dấu ấn suốt đời, kiếp kiếp.
Khoảng năm lên 7,8 tuổi, tôi rất thích bắt những chú kiến bỏ vào hộp diêm. Lúc thì chơi đùa với chúng, lúc thì lại giết đi. Một hôm cha tôi thấy vậy nói: “Con không nên giết hại sinh vật, dù chúng có bé nhỏ tới đâu, vì chúng cũng muốn có được niềm vui như con vậy!”. Rồi cha đem những chú kiến còn lại thả cho chúng bò đi, miệng lầm rầm những điều không rõ. Ánh mắt cha thương tôi một cách lạ thường. Tôi đã nhận ra (dù còn là khờ dại) trong ánh mắt ấy, hình ảnh Đức Phật soi chiếu tâm tôi. Ngài đã đến với tôi bằng lời của cha tôi. Ngài đã tọa nhập vào tôi bằng ánh mắt của cha tôi. Sau này tôi mới vỡ lẽ như thế. Còn lúc đấy, một cách tự nhiên, thật thơ ngây, Đức Phật đến!
Ngài ngồi đó, giữa hoang địa tâm trí tôi. Cha mẹ tôi tất bật chạy lo cơm áo. Tôi lớn theo từng manh áo của mẹ. Nhưng hàng ngày mẹ luôn nhắc tôi “làm lành lánh dữ”. Hàng ngày cha nhắc niệm Phật. Đức Phật của tôi vẫn còn xa tôi nhiều lắm. Cả những lúc bíu áo mẹ đi chùa, tôi vẫn không hề biết lời Phật dạy có sức mạnh tiềm ẩn trong tôi đến vậy. Tôi học cách lượm một mảnh chai giữa đường, học cách bắt một cọng cỏ qua dòng nước cho bầy kiến bò qua… Tôi làm tất cả những điều ấy mà vẫn chưa hiểu gì nhiều. Nhưng chắc chắn những “điều không có gì” đó lại thay đổi cuộc đời tôi. Hướng dẫn tôi gội rửa tâm của mình.
Gội rửa tức là làm sáng bóng một hình tượng. Nhưng vì quá mê tín, tôi xem Đức Phật của tôi như Thượng đế, tôi buộc ngài ban phát cho tôi những điều tôi cầu xin. Xin được tôi đem lòng tham. Không được tôi đem lòng nghi hoặc. Tôi chạy theo ảo ảnh của cuộc truy tìm. Tôi đem kiến thức nhà trường để đọc kinh Bát Nhã. Đức Phật trong tôi ngày một mù mịt. Tôi nghĩ rằng những quyển sách triết sẽ cứu vãn tôi. Tôi đem Khổng Khâu, Socrate, Sartre, Nietzsche… để lấn át Đức Phật của tôi. Và rồi chỉ còn là ngọn đèn leo lắt trong tâm tôi giữa những ngọn gió lớn!
Ngông nghênh với một cái đầu đầy thiền triết của “Vô môn quan”, của hiện sinh…, tôi đâm ra coi thường tất cả. Tất cả cuộc đời đều là phi lý, buồn nôn… Tôi đảo điên. Tôi mộng ảo. Tôi bế tắc. Dĩ nhiên là tôi có quyền cho phép mình độc đoán, khát vọng không tưởng, và thể hiện cả những thói ích kỷ nhỏ nhen, thù ngịch. Tôi sử dụng trình độ của mình để coi rẻ, phân ly. Tôi thoả thích chạy theo rượu chè. Cuộc đời với tôi là những sự lẩn quẩn. Tôi trở nên một người trống rỗng. Cách đây 4,5 năm gì đó, báo Giác Ngộ gởi tặng tôi quyển Tâm Kinh (Kinh Trái Tim). Sách quý nhưng đọc… chỉ là để đọc! Sau đó, tôi đem tặng cho một người bạn. Tặng xong tôi lại nhận được một quyển khác. Tôi đọc và tiếp tục mê tín trở lại! Trầm trọng hơn. Một hôm lang thang ở tiệm sách, cầm trên tay quyển sách “Nghĩ từ trái tim” của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc mà tôi thấy mình có một Đức Phật thật bình dị, thật đơn giản, thậm chí thật hồn nhiên nữa! Câu thơ của ông mà tôi thuộc lòng từ lâu đã ám ảnh tôi: “Sóng/ quằn quại thét gào/ Không nhớ mình/ là nước!”. Tôi đọc và vỡ lẽ từng chữ, từng câu. Bằng cách viết làm thất vọng nhiều thứ bằng cấp, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã giúp tôi vượt qua mê tín mà lâu nay tôi ngỡ là chánh tín. Đây là lời cảm ơn của tôi đối với người bác sĩ mà tôi chưa từng quen biết. Trong tôi thức dậy một tình yêu mới, rất hồn nhiên thơ ngây. Tôi cố gắng quét sạch mọi thành kiến, xa rời mọi triết luận. Và tôi đã có một Đức Phật cho riêng mình. Đức Phật từ thời cha tôi dạy và Đức Phật trong chữ nghĩa của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nhập làm một: thật hồn nhiên, thật giản dị, nhưng rọi chiếu tâm tôi. Đức Phật của tôi luôn nhắc tôi: “Đừng tin ta khi con chưa hiểu ta!”.

 (Tạp chí Văn hóa Phật giáo, 15.8.2006)

 

Blog của NA, 2009

“…Trước giờ mình là một đứa vô thần. Hồi còn bé, mình không thích Phật giáo, không hiểu lý do vì răng. Nếu không kể những gì được học ở trường Đại học thì cuốn Nghĩ từ trái tim của Đỗ Hồng Ngọc là cuốn đầu tiên về Phật giáo mình đọc được. Lúc đầu mình không biết là ông viết về Tâm kinh Bát Nhã, tìm đọc chỉ vì thích Đỗ Hồng Ngọc.Đây là cuốn mình đọc đi đọc lại nhiều nhất, tới bảy tám lần. Cũng là cuốn mình mua nhiều nhất, mua cho và mua tặng, cũng khoảng bảy tám lần.

Cứ mỗi lần thấy trong lòng có chi đó không vui là mình lại lấy cuốn Nghĩ từ trái tim ra đọc. Điểm đặc biệt ở chỗ, mỗi lần đọc là lại thấy một điều chi đó mới mẻ, hoặc ngẫm ra được một cái chi đó thú vị để áp dụng vào cuộc sống hằng ngày. Chỉ cần cầm cuốn đó lên đọc vài hàng là đã thấy trong người nhẹ nhàng thư thới. Thấy những vọng động trong mình lắng xuống. Thấy mọi tranh chấp hay bon chen ngoài kia không đáng để cho mình phải lao tâm khổ tứ nữa.

Mình biết có một số người không thích Đỗ Hồng Ngọc tự nhiên chuyển sang viết về Phật giáo, mình chưa đủ trình độ để đánh giá là Đỗ Hồng Ngọc viết như thế nào so với những người khác cùng viết về lĩnh vực ni. Nhưng Nghĩ từ trái tim đã có một công lao rất to lớn đó là thay đổi cái nhìn của mình với Phật giáo. Điều mình thấy quý và thích Đỗ Hồng Ngọc là cách viết và cách chia sẻ của ông trong Nghĩ từ trái tim rất gần gũi, đơn giản, và dung dị. Chính vì rứa mà những cái rất khó hiểu và trừu tượng như Tâm Kinh Bát Nhã trở nên dễ hiểu, dễ đi vào lòng người và dễ thấm”….

(www.dohongngoc.com)

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Lõm bõm học Phật, Nghĩ từ trái tim

Huỳnh Ngọc Chiến: Tản mạn cùng “Nghĩ từ trái tim”

12/07/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Ghi chú: Sau buổi “Ra mắt bỏ túi” Để Làm Gì ở NXb Tổng Hợp Tp.HCM, bạn Huỳnh Ngọc Chiến đã gởi đến tôi bài viết này của anh đã đăng trên Giác Ngộ Online 2009.

Trân trọng cảm ơn HNC và xin được chia sẻ cùng bạn bè thân thiết.

ĐHN

 

Tản mạn cùng “Nghĩ từ trái tim”

Huỳnh Ngọc Chiến

 

Thật khó lòng tưởng  tượng khối năng  lượng khổng lồ được  giải phóng từ hai quả bom nguyên tử kinh người tại Hiroshima và Nagasaki lại bắt nguồn từ công thức vật lý chỉ có vỏn vẹn năm ký tự E=mc2. Cũng thế, thật khó lòng tưởng tượng toàn bộ khối kinh sách đồ sộ trong hệ tư tưởng Bát nhã Phật giáo, nói về trí huệ siêu việt thượng thừa thù thắng làm kinh động tất cả tam thiên đại thiên thế giới, lại bắt nguồn và được khoáng diễn từ một chữ KHÔNG, rồi lại được cô đọng trong bài Tâm kinh chỉ vỏn vẹn có 260 chữ. Đủ thấy bản thân mỗi chữ trong Tâm kinh đều hàm ẩn một dạng năng lượng khổng lồ E=mc2 như thế nào rồi! Diệu dụng của chữ KHÔNG thật vô bờ bến.

“Sắc bất dị Không, Không bất dị sắc; sắc tức thị Không, Không tức thị sắc; thọ, tưởng, hành, thức, diệc phục như thị. Xá-Lợi-Tử! Thị chư pháp Không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Thị cố Không trung, vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức; vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp; vô nhãn giới, nãi chí vô ý-thức-giới, vô vô-minh diệc, vô vô-minh-tận, nãi chí vô lão-tử, diệc vô lão-tử-tận; vô khổ, tập, diệt, đạo; vô trí diệc vô đắc”.

Toàn bộ thế giới vật lý và tâm lý với lục căn, lục trần, lục thức, cho đến thuyết Tứ diệu đế và Thập nhị nhân duyên nền tảng của Phật giáo đều bị quét sạch trong cơn lốc phủ định toàn triệt của hai chữ BẤT và VÔ. Bởi vậy, không ngạc nhiên gì khi chư Phật không ngớt khuyến cáo thính chúng đừng sợ hãi khi nghe thuyết giảng kinh Bát Nhã. Không kinh hãi sao được khi mà mọi chỗ an tâm lập mệnh, mọi sở trú của con người đều bị phủ định vì “Tứ đại giai không, ngũ uẩn phi hữu” và con người dễ có cảm giác như bị rơi tõm vào cõi hư không mù mịt giữa cõi Ta bà?

Thế nhưng, phủ định toàn triệt là thể cách vi diệu để đưa đến sự khẳng định toàn triệt trong cảnh giới tự do tuyệt đối. Tuy Chân Không mà lại là Diệu Hữu. Có lẽ để hậu thế dễ tiếp cận hơn với tư tưởng KHÔNG, nên toàn bộ kho tàng kinh sách Bát Nha khổng lồ, đặc biệt là 600 cuốn Đại Bát Nhã, đã được cô đọng trong bản Tâm kinh. Chung quanh Tâm kinh vẫn luôn là những huyền thoại với những năng lực siêu nhiên cùng với bước chân hành hương của nhà chiêm bái vĩ đại Huyền Trang, hiểu theo nghĩa nó là “đại thần chú, đại minh chú, vô thượng chú, vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư”. Tâm kinh vẫn mãi mãi là một huyền án đối với những ai quan tâm đến Phật học và luôn chờ những lời chú sớ. Trong tác phẩm “Thiếu Thất lục môn”, mà theo tương truyền là của Tổ Bồ Đề Đạt Ma, có chú giải về bản Tâm kinh này, với cửa thứ nhất là “Tâm kinh tụng”. Muốn vào được động Thiếu Thất phải lọt qua cửa ải Tâm kinh. Song bản chú giải “Tâm kinh tụng” theo kiểu bình tụng trong “Thiếu Thất lục môn” cũng khó hiểu như nguyên bản cần được chú giải bởi vì chư Tổ giải minh Tâm kinh từ cảnh giới giải thoát bất khả tư nghì của mình, khiến những độc giả sơ cơ như chúng ta khó lòng tiếp cận. Đó là cách đem ẩn ngữ trùm thêm lên ẩn ngữ, khiến cho nó càng “huyền chi hựu huyền”, nên xưa nay nhiều Phật tử thường chỉ học thuộc lòng suông Tâm kinh với thái độ “kính nhi viễn chi ”. Nói đúng ra là chư Tổ không muốn phu diễn (vulgariser) nội dung Tâm kinh bằng ngôn ngữ quy ước trong thế giới khái niệm. Các ngài không chú giải Tâm kinh mà chỉ ghi lại kinh nghiệm thực chứng của mình từ Tâm kinh bằng những lời bình tụng, cũng như người xưa thích “chú giải” một bài thơ bằng cách làm một bài thơ khác! Đây là thể cách thường thấy trong lịch sử văn hóa phương Đông, đặc biệt là ở Trung Quốc.

Chỉ khi nào đạt đến cảnh giới của chư Tổ, chúng ta mới  mong chia sẻ kinh nghiệm của các ngài qua các lời bình tụng đó, vì trong thực tế lắm khi do sự bất toàn của ngôn ngữ quy ước, lời bình chú dễ vướng vào vấn nạn “démystifier pour mieux mystifier” , theo Dominique Duvivier,  nghĩa là muốn giải thích rõ ràng một sự việc thì ta lại càng làm cho nó trở nên khó hiểu. Theo cách nói của ngôn ngữ Thiền tông, đó là “Tuyết thượng gia sương” (Trên tuyết lạnh lại đổ thêm sương).

Trong giới Thiền tông, dường như chỉ có Thiền sư Động Sơn Lương Giới, khai tổ tông Tào Động, mới đặt ra nghi vấn về nội dung Tâm kinh. Ngữ lục Thiền tông ghi lại rằng thuở nhỏ, sư theo thầy tụng Tâm kinh đến câu “vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý ”, sư chợt lấy tay sờ lên mặt mà hỏi thầy:

– Con có đầy đủ mắt, tai, mũi, lưỡi, cớ sao trong kinh nói là không?

Vị bổn sư lấy làm kinh ngạc, bảo:

– Ta chẳng phải thầy của ngươi.

Và giới thiệu sư đến núi Ngũ Tiết làm lễ xuất gia với Thiền sư Linh Mặc.

Câu hỏi của Thiền sư Lương Giới là cách trì tụng Tâm kinh đúng nghĩa, vì sư không muốn nắm bắt huyền nghĩa Tâm kinh bằng khái niệm. Hôm nay, có một người không xuất thân từ chốn thiền môn, quanh năm không hề rau dưa kinh kệ, mà lại “dám” theo chân chư Tổ để khám phá thêm những ẩn ngữ của Tâm kinh. Đó là bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc với tác phẩm “Nghĩ từ trái tim” qua lời tự bạch:

“Tác giả viết cuốn này là để tự chữa bệnh cho mình và cũng giúp cho vài bạn bè trang lứa, đồng bệnh tương lân. Cái nhìn về Tâm kinh trong Nghĩ từ trái tim là cái nhìn của một người thầy thuốc, một bác sĩ, có thể rất khác với những người khác và mong được chia sẻ” (Lời cuối sách).

Có lẽ nhờ vậy mà người đọc dễ dàng bị cuốn hút bởi những suy nghĩ nhẹ nhàng không nặng về học thuật. Tâm kinh, qua cái nhìn của một thầy thuốc với những kinh nghiệm hành trì thực sự, bỗng nhiên trở nên nhẹ nhàng dễ hiểu. Nó hòa nhập và mang hơi thở bình dị của cuộc sống đời thường một cách thật dễ dàng. Theo lời tâm sự trong sách, tác giả đã “ngộ” ra Tâm kinh sau một cơn đau thập tử nhất sinh. Do thân bệnh mà thấy được tâm bệnh. Nhờ chữa bệnh của thân mà chữa luôn được bệnh của tâm. Quả là một cơ duyên hy hữu để thể nghiệm được cảnh giới “Tuyệt hậu tái tô” trong cõi “Nhân thân nan đắc, Phật pháp nan phùng”. Tôi cảm nhận được rất rõ điều này khi đã một lần tìm về cõi Sinh từ cõi Tử. Lúc đó, chỉ có những gì giúp ta một mình đối diện với cái chết bằng tinh thần vô úy mới thực sự có ý nghĩa, ngoài ra ta sẽ thấy tất cả mọi thứ trên đời đều vô nghĩa và phù phiếm. Tâm kinh có lẽ là một hành trang cần có cho chúng ta trên đường về cõi Chết, một khi ta cảm nhận được rằng “vô lão-tử diệc vô lão-tử-tận”. Tôi tin rằng tác giả “Nghĩ từ trái tim” phải có những kinh nghiệm nhất định khi trì tụng Tâm kinh mới có thể viết được những trang sách bình dị mà sâu sắc đó.

“Tâm kinh ở đây là một loại” chân kinh” cần phải được rèn luyện, thực tập, thực hành, thực chứng… chớ không lý thuyết suông, không để học hỏi tụng niệm thuộc lòng…” (tr.19).

Mọi thứ văn chương biên khảo với tất cả các ngôn ngữ quy ước đều phù phiếm và bất lực, một khi nó không dựa trên kinh nghiệm thực. Huống gì là lời bình giải cho bản Tâm kinh. Lúc đó kiến thức sẽ nhường bước cho kinh nghiệm và sự hành trì. Tôi ghi nhận điều này qua bài viết “Ngã ba ngôn ngữ”, và biết bài viết của chính mình vẫn chứa quá nhiều yếu tố bất toàn về ngôn ngữ, nên đã có lần nói với anh: “Có lẽ mọi ngôn ngữ quy ước đều bế tắc. Có khi viết nghiêm túc một cách cà rỡn như Bùi Giáng hoặc viết nhẹ nhàng như anh mà lại hóa hay”. Nghĩa là cứ viết bằng sự cảm nhận những điều tưởng chừng huyền mật từ hơi thở bình dị của cuộc sống đời thường. Tác giả Đỗ Hồng Ngọc phần nào đã làm được điều này, theo cách của riêng anh.

Đọc Tâm kinh, “hành thâm Bát nhã” suy cho cùng cũng chỉ là cách học tập để an trú trong cõi đời bằng một thể cách khác. Cực lạc cũng là đây mà A-tỳ-địa-ngục cũng chính là đây. Thử hỏi trong đời có gì xấu xí bằng hình ảnh ngọ ngoạy của con sâu, và có gì đẹp bằng hình ảnh phất phới bay của con bướm màu sặc sỡ? Nhưng hai con chỉ là một từ trong bản chất. Đó là điều huyền mật nhất giữa trần gian. Sinh tử hòa nhập với Niết bàn, tội lỗi trộn lẫn với thanh cao, giác ngộ ẩn tàng trong vô minh, bóng tối chan hòa cùng ánh sáng, tất cả đều chỉ là một. Đáo bỉ ngạn là vượt qua sông để đến với bờ bến bên kia. Bên kia là Bồ đề, là giác ngộ. Nhưng đến bờ bến bên kia là để trở lại bên này, và:

“… làm cách nào thực hiện được Tâm kinh trong đời sống hàng ngày của một người bình thường, giúp họ thay đổi thái độ, có cái nhìn mới mẻ về cuộc sống, về cõi người, về vũ trụ và nhờ đó thấy cuộc sống đẹp hơn, quý giá hơn, sống có trách nhiệm hơn với thiên nhiên, với đời, với người, với bản thân…; làm việc hiệu quả và năng suất cao hơn, góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi thành viên… (tr.34-35)”.

Cuốn “Nghĩ từ trái tim” được tái bản đến lần thứ tám, một điều cực kỳ hiếm hoi đối với một cuốn sách dạng biên khảo, khi mà cái học thực dụng thô thiển đã biến sự đơn bạc về tình cảm, sự hời hợt trong tư duy trở thành một nét đặc trưng đau xót trong xã hội hiện nay. Nhưng khi đọc xong thì tôi hiểu. Văn chương thực chưa chắc đã hay, nhưng văn chương muốn hay thì phải thực. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc không suy nghĩ từ khối óc mà “nghĩ từ trái tim”. Tất cả những gì anh viết đều là những điều cảm nhận từ kinh nghiệm hành trì của bản thân, cũng như từ những suy tư bình dị và chân thành của trái tim. Mà những gì phát xuất từ trái tim chân thực đều dễ dàng đi vào tận trong sâu thẳm lòng người.

Huỳnh Ngọc Chiến

(Giac Ngo Online 4.2009)

 

 

Filed Under: Gì đẹp bằng sen?, Góc nhìn - nhận định, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

Thư gởi bạn (5.7.2020)

08/07/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thư gởi bạn (5.7.2020)

“Ra mắt” ĐỂ LÀM GÌ để làm gì?

Mình không có ý định “Ra Mắt” cuốn ĐỂ LÀM GÌ để làm gì, vì vốn nó chỉ là một Tạp tuyển những bài viết ngắn ưng ý như một kỷ niệm trong buổi “về thu xếp lại” này thôi, nhưng truyền thống của các Nhà xuất bản nói chung cũng hay: Ra mắt là dip để “giao lưu” giữa tác giả và người đọc, và quan trọng không kém là để quảng bá, giới thiệu tác phẩm mới đến bạn đọc, nếu không, sách “ế” cũng nguy, nhất là trong thời Cô-Vi này. Sách mình xưa này không đến nổi ế, tuy chưa “best seller” như cuốn Gió heo may đã về dạo nọ, nhưng các nhà xuất bản đều gọi là loại “long seller” mà!

Sau cùng mình chọn làm buổi “gọi là ra mắt” nho nhỏ, kín đáo một chút, riêng tư một chút, thân mật, gần gũi ở ngay trong Nhà xuất bản thay vì làm “hoành tráng” ở Đường Sách đông đúc nhộn nhịp.

Chỉ khoảng 40-50 bạn tham dự, cũng ngộ là thấy có lớp trẻ cũng khá đông. Mình gởi bạn vài hình ảnh và mấy lời phát biểu của các “trưởng lão” được một bạn ghi lại vậy nhe.

MC Xuân Huy dặn bác Ngọc phải ngồi hàng dưới kia, chờ con giới thiệu xong sẽ lên “giao lưu” nhé. Mình nói không. Ở đây ai cũng quen biết nhau cả mà. Không cần phải bày đặt, hình thức làm chi!

Chủ nhật 5.7.2020
tại Nhà xuất bản Tổng hợp Tp.HCM

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Lệ Uyên đến sớm nhất, Hoàng Kim Oanh ôm theo một bó hoa cúc vàng, Nguyên Cẩn, Ngô Tiến Nhân, Nhật Chiêu rồi Huỳnh Ngọc Chiến, Trần Đình Sơn, Hoàng Anh, Trần Quang Hiếu, Hồng Vân… và khá đông các bạn trẻ.

Hoàng Kim Oanh, tiến sĩ văn chương, nói về lối viết… “văn nói” của ĐHN

 

Nhà văn Nhật Chiêu nói đọc ĐHN có lúc thì cười tủm tỉm có lúc thì cười ha hả…

 

Nhà nghiên cứu Phật học, Huỳnh Ngọc Chiến (tác giả “Lai rai chén rượu giang hồ” ngày trước, nay đang viết “Lai rai câu kệ Lăng Già”) phát biểu về cách viết của Đỗ Hồng Ngọc trong lãnh vực nghiên cứu Phật học.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ngô Tiến Nhân: “Không làm gì mà làm tất cả. Làm tất cả mà cũng không làm gì”… Nguyên Cẩn (áo xanh): ĐHN viết như bông lơn mà càng đọc càng thấm…

 

 

 

 

Hoàng Anh nhắc lại chuyện xưa, với cuốn “Viết cho các bà mẹ…” của ĐHN và về cậu con trai nay đã là một vị bác sĩ.

 

 

 

 

 

 

 

 

… và Trần Đình Sơn, Nhà NC Phật học…

 

Bất ngờ có một cô bé, tự giới thiệu mình tên là Đỗ Hồng Ngọc Uyên, quê Quảng Nam, xin chụp với bác Ngọc tấm hình để gởi về cho Cha ( Cha cô là người đã đặt tên cho cô), vì ông là độc giả của ĐHN từ lâu…

 

 

 

Rồi ký tên cho bè bạn thân quen…

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Tư Tường Minh, thay mặt NXB gởi một bó hoa đẹp.

 

 

 

 

 

 

 

Dưới đây là một vài phát biểu:

Nhà văn Nguyên Cẩn

Anh Ngọc với tôi là bậc thầy về y học , đàn anh về Phật pháp và văn chương . Lối viết của anh đáng học hỏi : viết nhẹ nhàng tưởng chừng không có gì như bông lơn nhưng càng đọc càng thấm. Về cuốn Để Làm Gì , tôi mới cầm sáng nay nên chỉ đọc phớt qua phần đầu anh viết về An lạc. Qua đó anh phân biệt rõ hạnh phúc (happiness) không phải là an lạc (well- being) ví như cô hoa hậu đăng quang hôm trước , hôm sau đã bị vây quanh với bao âu lo hay như một người trúng Vietlott phải đối phó phiền muộn từ những người thân ngay sau đó.  An lạc là một phẩm tính đến từ tâm tĩnh tại và quan trọng là phải có tuệ giác mới lĩnh hội được. Cũng rất tình cờ tôi lật những trang cuối sách thấy bài viết về Ngọn lửa, từ ngọn lửa của Phật mà có người hỏi nếu có nhiều người chia lửa, liệu có hao hụt đi không? Nhưng câu trả lời đã rõ : càng nhiều người thì ánh sáng càng lan toả chứ chẳng hề hao hụt. Tác giả liên tưởng tới ông thầy: nếu chỉ truyền trao kiến thức một cách lạnh lùng trong thời buổi Google có thể trả lời mọi thứ thì có nhất thiết phải có thầy không? Ông thầy theo DHN là người truyền lửa , phải thổi niềm đam mê tri thức hay sự yêu thích nghiên cứu cho học trò, thậm chí sự dấn thân vào đời trong tâm thế tích cực cũng đến từ người thầy, nếu không làm được thì vai trò người thầy hết sức mờ nhạt. Phải chăng ông thầy bs DHN cũng đã từng là người truyền lửa cho bao thế hệ bác sĩ. Tôi cũng là một thầy giáo nên rất thấu hiểu điều này. Đấy là những điều tâm đắc tôi cảm nhận khi cầm sách đọc thoáng qua sáng nay. Chắc là còn bao điều lý thú nữa dang chờ người đọc khám phá nơi cuốn sách hấp dẫn trên 400 trang này .

 

Nhà văn Nhật Chiêu:

Để làm gì nghĩa là chẳng làm gì theo quan điểm vô vi như hình bìa, một chữ “Không” khép lại. Cái hay của DHN là viết có vẻ không nghiêm túc mà vẫn chuyển tải điều cần chuyển tải. Đọc anh lúc thì tôi cười tủm tỉm, lúc thì cười ha hả! Ai đọc Sến Già Nam cũng thích…! Nói một cách nào đó ĐHN trở về tâm thức trẻ thơ mà trong triết học đó là trạng thái trở về sau khi người ta ngao du trong bể kiến thức rồi cuối cùng tìm về như một đứa trẻ nhìn cuộc đời và ĐHN đạt được cảnh giới đó . Khi nói ĐHN viết ko nghiêm túc cũng nằm trong ý đó, viết giản dị nhất có thể mà vẫn khiến người ta hiểu và cảm điều mình cần nói, ko cần khoa trương , triết luận chi nhiều. Người viết nào cũng mong như thế

 

Ngô Tiến Nhân:

Đỗ Hồng Ngọc là ai, khó mà định danh. Là bác sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu Phật học?… Theo tôi, anh là một thi sĩ. Có chất thơ trong văn anh, trong các bài viết tản mạn, trong các ký họa của anh. Lãng đãng nhưng chăm sóc rất kỹ, trau chuốt nhưng không làm dáng, lững thững, cà rỡn mà sâu sắc. Anh có cái hồn nhiên ngay cả trong học Phật, đạt một tâm thái vô vi, tự tại của một người… vô sự! Không làm gì mà làm tất cả. Làm tất cả mà cũng không làm gì. Để Làm Gì là vậy.

 

Thân mến,

Hẹn thư sau,

Đỗ Hồng Ngọc

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Góc nhìn - nhận định, Vài đoạn hồi ký

vnexpress: ĐHN với “Để Làm Gì”

07/07/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

https://vnexpress.net/do-hong-ngoc-ra-sach-de-lam-gi-4126032.html

Đỗ Hồng Ngọc ra sách ‘Để làm gì’

Quỳnh Quyên

Trong quyển “Để làm gì”, tác giả Đỗ Hồng Ngọc nói về hành trình tìm kiếm bình an nhờ “thân tâm nhất như”.

Tạp bút Để làm gì dày hơn 400 trang gồm các bài viết về kỷ niệm với bạn văn, bạn thơ cùng các câu chuyện tản mạn trong cuộc sống của Đỗ Hồng Ngọc.

 

(Video trên vnexpress.net)
Bác sĩ, nhà văn, nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc nói về ý nghĩa tựa đề “Để làm gì”. Video: Quỳnh Quyên.

 

Trong buổi giao lưu ngày 5/7 tại NXB Tổng hợp TP HCM, tác giả cho biết viết sách để lan tỏa an lạc – bình an trong tâm hồn. Theo ông: “An lạc phải cả thân và tâm. Thân tâm nhất như, tâm có an thì thân mới lạc. Tâm có lạc thì thân mới an. Tìm đến an lạc là tìm đến sự kết nối của thể chất khỏe mạnh và tâm hồn thư thái”. Trong sách có chuyện quen thuộc như Một hôm gặp lại – cảm thức của tác giả về truyện Hoàng tử bé (Antoine de Saint-Exupéry) với hình con voi trong chiếc mũ hay Tôi học Phật kể ông “có chút duyên với Phật, nhưng đến với Phật rất trễ”.

Tên sách Để làm gì xuất phát từ câu nói của nhà văn Pháp – André Maurois: “Khi nào trong đầu mình nảy ra cái ý ‘Để làm gì’, lúc đó mình đã già thiệt rồi”. Từ cái ý về “nghệ thuật già” này, Đỗ Hồng Ngọc thú nhận lâu nay ông biết mình già, nhưng vẫn đang nghĩ là “già giả”. Cái già đối với ông là cái mặt nạ, còn bên trong vẫn là một đứa trẻ hừng hực lửa yêu thương. Tác giả còn lấy cảm hứng từ bài hát Để gió cuốn đi của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không. Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi”.

Ông có giọng văn không lẫn đi đâu được: lững thững, tinh nghịch, dí dỏm. Theo nhà nghiên cứu văn học – nhà thơ Nhật Chiêu, sách mang lại niềm vui mới đúng là sách. Nhật Chiêu cho biết ông “cười quá trời quá đất” khi đọc các câu chuyện hài hước, gấp sách lại, ông thấy như “đứa trẻ rong chơi ngày nào đã trở lại hồn ta”. Khi chạm tuổi “gió heo may đã về”, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc chế tác các viên thuốc tinh thần bằng các câu chuyện hóm hỉnh. Người đọc lân la, đọc đi đọc lại vì cảm thấy thoải mái, dễ chịu với giọng văn không giáo điều.

 

Để làm gì được NXB Tổng hợp TP HCM phát hành. Ảnh: NXB Tổng hợp.

“Để làm gì” được NXB Tổng hợp TP HCM phát hành. Ảnh: NXB Tổng hợp.

Theo tác giả Nguyên Cẩn: “Đỗ Hồng Ngọc viết văn nhẹ nhàng, tưởng không là gì nhưng càng đọc, càng sâu sắc”. Bác sĩ viết văn từ cảm nhận, trải nghiệm cá nhân và lấy chất liệu từ cuộc sống. Do đó, độc giả có thể bắt gặp chính mình trong các câu chuyện và tìm thấy sự đồng cảm.

 

Đỗ Hồng Ngọc (bút hiệu Đỗ Nghê), sinh năm 1940. Trước khi làm bác sĩ chuyên khoa nhi, Đỗ Hồng Ngọc đã là thi sĩ với các bài thơ cộng tác trên báo. Các tác phẩm của ông khai thác đa dạng đề tài. Tập thơ tiêu biểu: Tình Người (1967), Thư cho bé sơ sinh & những bài thơ khác (2010). Tạp văn, tạp bút như Gió heo may đã về (1997), Về thu xếp lại (2019). Ông viết về y học phổ cập trong Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò (1972)…

Quỳnh Quyên

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

PNO: Biển rì rầm kể chuyện

03/07/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Biển rì rầm kể chuyện

LỤC DIỆP

PNO – Một cuốn sách không nặng nề suy niệm, tiếc nuối mà ngược lại, rất tươi mới, hóm hỉnh. Một tinh thần “rất trẻ” và tràn đầy năng lượng sống.
“Rồi một hôm, trong buổi “về thu xếp lại”, tôi gom góp một số bài tùy duyên, tùy hứng, tùy nghi, tùy hỷ…bấy lâu mình ưa thích làm thành một “tạp tuyển” ở tuổi 80 này, như một món quà lưu niệm dành riêng đọc vui một mình, rồi biết đâu cũng có người đồng điệu…” – bác sĩ – nhà văn Đỗ Hồng Ngọc bộc bạch như vậy, khi in cuốn Để làm gì (tạp bút, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành).

Tôi đọc sách ông viết trên những chuyến xe dài, những trang viết ngắn dễ đọc, dễ cảm; đa dạng đề tài, nhiều cảm xúc. Cảm giác đọc Để làm gì như cách người ta thưởng thức một tách trà, nhẩn nha, ngẫm ngợi; lúc miên man cảm xúc lúc lại bật cười, thú vị. Đó là một cuộc đối thoại vô ngôn cùng tác giả, cùng chạm đến những tâm tư, ký ức của người viết theo cách lặng lẽ cảm nhận và sẻ chia. Những năm về sau, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc theo học Phật pháp, nên chữ của ông cũng tỏa ra năng lượng an lạc, tích cực.

Có những lúc xe ngang qua mưa, tôi giở đến những bài tác giả viết dành cho những người bạn văn chương, xúc động với một cuộc đời “cô đơn uy nghi” của nhà văn Võ Hồng; ấm áp trong tình cảm chan hòa giữa những người bạn thơ: Võ Phiến, Nguyễn Như Mây, Từ Thế Mộng… Đây có lẽ là cuốn tạp bút viết cảm thơ nhiều nhất mà tôi từng đọc.

Cái sự “tùy duyên” mà bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nói được thể hiện qua cả những ký ức thơ, phát hiện tình cờ hoặc những tập thơ được bạn bè gửi tặng ông. Trong mạch nguồn thơ len lỏi chảy suốt tập sách nhỏ này, thấy rõ nhất hai chữ “chân tình” mà tác giả dành cho bạn bè thơ văn khắp chốn. Đó là những bài viết: Làm mới thơ, Chiều nước lên, Một cốt cách ở đời, Lắm nỗi không đành, Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi…

Có những mẩu chuyện tưởng chừng rất nhỏ nhưng xâu chuỗi lại là những “gói ghém tinh thần”, truyền tải những điều lớn lao hơn về những nhận diện và hạnh ngộ. Một người già cầm bút, viết trong tâm thế tùy duyên và an lạc, nên cuốn sách nhỏ có ký ức về quê biển Phan Thiết, có những chuyến đi xa xôi cả trong và ngoài nước, những chia sẻ về nghề với người…

Vậy nhưng cuốn sách ấy không nặng nề suy niệm, tiếc nuối mà ngược lại, rất tươi mới, hóm hỉnh. Một tinh thần “rất trẻ” và tràn đầy năng lượng sống. Bởi thế mà trong nhiều chuyến đi tình cờ, ông đã gặp được những độc giả lâu nay vẫn gối đầu giường sách Đỗ Hồng Ngọc. Họ chia sẻ rằng nhờ đọc những quyển sách ông viết mà học hỏi được nhiều điều hay, tinh thần suy nghĩ tích cực hơn. Thậm chí, nhờ sách ông mà những người già biết cảm thông với tuổi già của nhau hơn.

Để làm gì như lời biển rì rầm kể chuyện, hết đợt sóng này đến lớp sóng khác. Những mẩu chuyện xếp lên nhau tạo thành một mảng dày kiến thức, trải nghiệm, tâm cảm, kỷ niệm… từ một đời người kể từ bãi biển Phan Thiết, đỉnh Tà Cú, Lagi quê nhà tác giả đến Huế, Hội An, Đà Lạt, sông nước miền Tây, Melbourne (Úc), mùa thu vàng ở Boston (Mỹ), những cuộc hành hương trên đất Phật Ấn Độ… Xen lẫn vào đó là những mẩu hài hước về chuyện Ếch kêu, Sáng mắt chưa, Bò sao lại điên, Sến già nam, Chơn mạng đế vương…

Tản văn của Đỗ Hồng Ngọc thật lành, thật nhã. Sáng, trưa, chiều tối với “trà Tào-Khê, cơm Hương-Tích, thuyền Bát-Nhã, trăng Lăng-Già…”.

“Và thấy hình như có mình trong đó, nhận ra mình cần chậm lại, để nghe trái tim lên tiếng, để cảm nhận những chuyển biến dù nhỏ nhất xung quanh mình, trong bản thân mình” – tâm sự của bạn đọc trẻ như một thay lời dành cho Để làm gì. Một cuốn sách truyền tải được năng lượng tích cực, nhận được sự đồng cảm, trân trọng của bạn đọc – đó đã là thành công lớn của người viết.

Lục Diệp

(Nguồn: Phụ Nữ Online- PNO Tp.HCM 3.7.2020)

Filed Under: Già ơi....chào bạn, Góc nhìn - nhận định, Đọc sách

Giao lưu tác phẩm ĐỂ LÀM GÌ của Đỗ Hồng Ngọc

30/06/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc 1 Comment

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Góc nhìn - nhận định, Vài đoạn hồi ký

Văn hóa Phật giáo: TÔI HỌC PHẬT

30/06/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

TÔI HỌC PHẬT

(Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 347 ngày 01.7.2020)

Ghi chú: Bạn tôi, anh Trần Tuấn Mẫn, Tạp chí Văn hóa Phật giáo cho biết anh đã thôi việc ở Tòa soạn kể từ ngày 1.7.2020 vì tuổi đã cao. Tôi gởi anh bài này như một kỷ niệm riêng. Bài đã in trên Tạp chí VHPG số 347 ngày 1.7.2020. Xin chia sẻ cùng các bạn.

ĐHN

 

TÔI HỌC PHẬT

Đỗ Hồng Ngọc

Càng có tuổi, hình như tôi càng nhận ra có cái gì đó ở ngoài ý chí mình, can thiệp vào mình tùy hứng khiến mình đôi lúc không khỏi chưng hửng, ngỡ ngàng, thầm nghĩ “duyên” chăng? Nhưng duyên là gì không biết. “Nghiệp” chăng? Nhưng nghiệp là gì cũng không biết. Thôi thì, cứ để nó trôi chảy, tự nhiên, bởi nó có vẻ chẳng cần đến ta, chẳng phải là ta, chẳng phải của ta…

Vào tuổi tám mươi, tôi nghĩ đã đến lúc “về thu xếp lại”, đã đến lúc “nhìn lại mình…” như người bạn nhạc sĩ họ Trịnh kia đã nói. Về thu xếp lại, bởi “chút nắng vàng giờ đây cũng vội”, vì rất nhanh thôi, các tế bào thân xác kia đã có vẻ rã rượi, ù lì, và cũng rất nhanh thôi các tế bào thần kinh nọ cũng mịt mờ, mỏi mệt, nhớ trước quên sau… Đầu năm 2019, tôi gom góp in cuốn Về thu xếp lại như một cột mốc, một hẹn hò, rồi cuối năm tiếp tục gom góp in thêm cuốn Biết ơn mình như một nhắc nhở… Bên cạnh đó, cũng đã tạm một bản thảo Đi để Học, Ghi chép lang thang… chủ yếu là một dịp để “nhìn lại mình”… và gần đây nhất là tập Tạp bút Để Làm Gì không phải để hỏi cũng chẳng phải để thở than chi! Tôi cũng mong gom góp, tập hợp một số bài viết, sách, biên chép bấy nay trong lúc lõm bõm học Phật, thấp thoáng lời kinh, làm thành một tập tuyển học Phật để ngẫm ngợi khi cần. Muốn thì muốn vậy, nhưng lực bất tòng tâm!

Duyên may lại đến.

Cách đây mấy năm, một buổi chiều, nhận được 4 cuốn bản thảo “Tuyển tập Đỗ Hồng Ngọc” dày hơn ngàn trang A4 của một người không quen biết gởi tặng. Giật mình. Ai vậy cà? Thấy có kẹp mảnh giấy nhỏ, ghi số điện thoại tên Nguyễn Hiền Đức. Bèn phone thăm hỏi mới biết đó là một bạn đọc quý mến mình, đã “dõi theo” hành trình viết lách của mình từ lâu, nay tỉ mẩn ghi chép lại cả một tuyển tập đồ sộ gởi tặng và nói còn sẽ gởi tiếp mấy tập nữa! Lúc đầu tưởng anh gom góp từ trên mạng, nhưng không, anh cho biết đã gò lưng đánh máy từ những trang sách mà anh ưa thích! Thời buổi này. Lạ thiệt.

Rồi hẹn gặp, mới biết Nguyễn Hiền Đức (thường gọi anh 5 Hiền), trước 1975 từng có thời là Thư ký Tòa soạn của tạp chí Tư Tưởng của Đại học Vạn Hạnh, thư ký riêng của HT Thích Minh Châu… Anh tốt nghiệp Báo chí và Xã hội học, rồi cao học Sử ở Đại học Vạn Hạnh. Đó là một người gầy gò, trông khắc khổ, nghiêm túc, nhưng rất nhiệt tâm và nói chung… dễ thương.

Gần đây, một người bạn bên kia nửa vòng trái đất cho hay tình cờ thấy có Tuyển tập Đỗ Hồng Ngọc “Thấp Thoáng Lời Kinh” trên Thư Viện Hoa Sen online.  Nghĩ chắc… Nguyễn Hiền Đức đây rồi! Và đúng vậy.

Nguyễn Hiền Đức tâm sự: Tôi bắt đầu “gõ” và “gõ”, mải mê “gõ” cuốn “TUYỂN TẬP ĐỖ HỒNG NGỌC –  THẤP THOÁNG LỜI KINH” này từ năm 2010 và kết thúc năm 2018. Tôi rất thích từ “Thấp thoáng” vì nó thể hiện rất rõ, rất đúng cái chất “thấp thoáng”, “lõm bõm” của tôi khi học Phật.

Ngay trong bước đầu “tập tễnh học Phật” tôi đã chọn cách học hợp với sở thích của mình. Đó là chọn bài, chọn sách rồi… rị mọ. cặm cụi, kiên trì “gõ” vào máy. Cách làm này giúp tôi đọc chậm, đọc kỹ từng đoạn, từng trang, từng bài, rồi chú tâm sửa lỗi. Tôi đọc ít nhất 5 lần cho mỗi trang với lòng thanh thản, thư thái. Tôi không “ép” mình phải ghi, phải nhớ một điều gì cứ để nó trôi chảy như một dòng sông…

 

* * *

Tôi có chút “duyên” với Phật, nhưng đến với Phật rất trễ. Lại đến một mình.  Sanh ở Phan Thiết mấy ngày thì tôi được về nhà Ngoại ở làng Phong Điền, Hiệp Nghĩa, dưới chân núi Tà Cú, nơi có Linh Sơn Trường Thọ Tự. Nhỏ xíu, tôi đã được theo cha mẹ, các cậu, dì, lên chơi Chùa núi. Khi là sinh viên ở Saigon, tôi cũng đọc Bát Nhã, đọc Suzuki, Krishnamurti… nhưng đọc chỉ để mà đọc. Đến năm tuổi gần 60, sau một cơn bệnh thập tử nhất sinh, tôi thấy mọi sự khác hẳn đi. Tôi đọc Tâm Kinh thấy không khó nữa. Như vỡ ra. Và với Tâm Kinh, tôi thấy chỉ cần học một chữ thôi. Chữ Không. Từ đó mà vô trụ, vô trí, vô đắc… Từ đó mà gaté, gaté, paragaté… Nó như giúp tôi trả lời câu hỏi cho chính mình, Why, tại sao? Tôi vẫn thường tự đặt ra cho mình những câu hỏi “tại sao” như vậy. Rồi lại hỏi bằng cách nào đây (How?) để mà “hành thâm Bát nhã”? Câu trả lời nằm ở Kim Cang. Ở Kim Cang tôi học Vô ngã (nhân vô ngã, pháp vô ngã), và Thiền định. Dĩ nhiên không thể không học những bước cơ bản: Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Thập nhị nhân duyên… Không có chánh định thì làm sao có chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ… Con đường từ thể nghiệm, thực nghiệm đến ứng dụng trong đời sống hàng ngày. Ở Pháp Hoa, học vô tướng, thực tướng, gặp Như Lai Đa Bảo của mình như luôn tủm tỉm cười chọc quê mình! Cái học y khoa, tâm lý học, xã hội học cũng đã giúp tôi thấy rõ hơn vai trò thầy thuốc, tham vấn viên của bậc Y vương qua hình tượng các vị Bồ tát Thường Bất Khinh, Dược Vương, Quán Thế Âm… với tôn trọng (respect), chân thành (guenuine), thấu cảm (empathy) để không chỉ học hiểu lời kinh mà còn vận dụng vào nghề nghiệp…  Ở Duy-ma-cật, học Bất nhị. Kinh mở ra một cách tiếp cận mới, sinh động, cho dòng chảy mênh mang rộng khắp.

Chắc chắn Phật không muốn chỉ có các đệ tử ngồi thiền định dưới gốc cây, tới giờ đi khất thực và đợi ngày nhập Niết bàn. Phật cần có những vị Bồ-tát đem đạo vào đời, tự giác giác tha. Thế nhưng, các vị Bồ-tát đầu tròn áo vuông cũng khó mà “thõng tay vào chợ” giữa thời đại bát nháo này. Vì thế mà cần Duy-ma-cật. Một thế hệ cư sĩ tại gia, nhằm thực hiện lý tưởng của Phổ Hiền Bồ-tát…!

Rồi từ những điều học hỏi, nghiền ngẫm, thể nghiệm… bấy nay mà tôi mạnh dạn sẻ chia với “Thấp thoáng lời Kinh”,  “Thoảng hương Sen”, “Thiền và Sức khỏe”, “Nếp sống An lạc”… như một ứng dụng Phật pháp vào đời sống.

Khi được hỏi “kinh nghiệm” về học Phật, tôi nghĩ trước hết, cần nắm được các thuật ngữ, sau đó là hiểu được các ẩn dụ, ẩn nghĩa, hàm chứa trong lời Kinh và quan trọng nhất là thực hành, ứng dụng vào đời sống, ở đây và bây giờ…

Những năm sau này, tôi có dịp cùng học với nhóm bạn về Lăng Nghiêm, Viên Giác, Lăng Già… Con đường học Phật thênh thang như cánh rừng kia mà ta mới tiếp cận vài hạt bụi rơi từ nắm lá Simsapa dạo nọ.

Tôi lại gặp duyên may trong lúc một mình lõm bõm học Phật như vậy khi gắn bó với Tạp chí Văn hóa Phật giáo. Tôi còn nhớ buổi họp đầu tiên để thực hiện tạp chi Văn Hóa Phật Giáo có sự hiện diện của quý thầy cùng với các vị cư sĩ tôi hằng mến mộ như Cao Huy Thuần, Trần Tuấn Mẫn, Trần Đình Sơn, Nguyên Cẩn… Anh Cao Huy Thuần sau đó nói riêng với tôi: Này, tôi “thách” anh Đỗ Hồng Ngọc viết được mỗi tháng một bài cho Văn hóa Phật giáo đó. Thế là tôi gắn với Văn hóa Phật giáo từ thuở ban đầu đó đến nay đã gần 15 năm!  Thực ra tôi viết Văn Hóa Phật Giáo là để học.

Nhớ những bài viết đầu tiên gởi Văn Hóa Phật Giáo tôi băn khoăn nên để mục này là “Lõm bõm học Phật” hay “Thấp thoáng Lời Kinh”, bởi biết mình chỉ học lõm bõm, thấp thoáng, chẳng chính quy hiện đại gì cả. Trần Tuấn Mẫn kêu “Lõm bõm” thiếu nghiêm túc. Chọn “Thấp thoáng Lời Kinh” nhé.  Chẳng ngờ độc giả “chịu” cách viết “bên lề” như vậy. Thường khi bài đăng xong tôi hỏi Trần Tuấn Mẫn thế nào, có bị “rầy la, sỉ vả” gì không? Mẫn bảo viết tiếp đi, nhanh lên, được khen lắm đó. Đó là một lời khuyến khích động viên qúy báu, giúp mình tự tin hơn. Tôi viết từ những cảm nhận riêng với một văn phong đời thường về Tâm Kinh Bát nhã, về Kim Cang, Pháp Hoa, Duy-ma-cật… Tôi biết ở Ban Biên tập có những bậc tôn túc, những cao nhân và nhất là độc giả Phật tử khắp nơi đều là những vị thầy của mình, sẽ là “bộ lọc” cho những bài viết của mình, có gì sai họ sẽ chỉ dẫn. Thật vậy, thỉnh thoảng Trần Tuấn Mẫn giúp tôi chỉnh  một chữ, thỉnh thoảng anh Lê Văn Lợi từ Huế khen một câu hoặc nhắc cho một ý…  Khi tôi viết mục “Thoảng hương sen”, là những suy gẫm, những cảm nhận tích lũy trong nhiều năm tháng học Phật của mình, Văn Hóa Phật Giáo đã sửa thành “Hương Sen” mà bỏ đi chữ “Thoảng”. Tôi hiểu. Với tôi, viết cho Văn hóa Phật giáo là một cách học Phật tốt nhất.

Khi tôi xuất bản cuốn Thấp thoáng Lời Kinh thì Trần Tuấn Mẫn viết trên Văn hóa Phật giáo, số 163, ngày 15-10-2012:

Đọc xong tác phẩm Thấp thoáng lời kinh của Đỗ Hồng Ngọc. Im lặng, thanh thản, hoan hỷ như vừa trải qua một cuộc du lịch kỳ thú đến những vùng đất xa xôi, kỳ ảo, để rồi sau đó tâm trí như loãng đi, mơ hồ, lung linh, băn khoăn trong niềm vui thú vị vẫn còn đó, quanh quất lâu dài. Gập sách lại, tôi bỗng thấy thấp thoáng lời sách, từ ngữ, câu văn từ bài này chuyển sang bài nọ, chữ nghĩa nhẹ nhàng đổi chỗ nhau, nhưng vẫn rất tự nhiên, rất trật tự và rất đẹp. Phải chăng tác giả cũng thấy thấp thoáng chứ không nghe văng vẳng lời kinh vì không trực tiếp nghe được kim thanh của Đức Phật. Anh chỉ tự nghiên cứu kinh điển, tự cảm nghiệm và những dòng kinh chợt đến chợt đi trong tâm tưởng. Có lẽ anh dùng từ thấp thoáng cũng là do sự khiêm tốn, muốn bảo rằng những gì anh viết ra không phải là từ sự nghiên cứu mang tính kinh viện mà chủ yếu là do cảm nhận, do sự suy nghĩ và trải nghiệm cá nhân. Tôi vui vì nghĩ như thế, vì nghĩ mình thông cảm được với anh và được anh truyền cho niềm cảm hứng và mấy phần kiến thức Phật học (…).

Các bài viết ở đây, theo lời tác giả, là “những loay hoay, bứt rứt”, “những cảm nghiệm riêng tư, rất chủ quan của người thầy thuốc, bấy lâu nay tìm kiếm, thử nghiệm trên mình rồi mới dám mà sẻ chia cùng bạn bè tương lân”. Những lời tâm sự ấy là chân thật, là tình nghĩa và những gì anh viết ra thì chân xác trong chừng mức có sự chấp nhận của những người đã học Phật, đã tu Phật hay từng chiêm nghiệm về cuộc đời. Anh nhận định sâu sắc về các đề tài nói trên, nhưng vốn là một bác sĩ nhiều kinh nghiệm chữa trị thân và tâm, có khi anh tế nhị và có đôi chút dí dỏm nên chuyển ý sang bình diện cụ thể, thiết thực, gợi ý chúng ta về sự suy nghĩ, về thái độ tích cực trong cuộc sống hằng ngày nên cố ý chuyển ý nghĩa của vài lời kinh như là một thể cách khế cơ (…).

Nhẹ nhàng mà thâm sâu, dí dỏm mà chân thật là tính chất của Đỗ Hồng Ngọc. Thật hay và thật vui khi anh bàn về Hơi thở ra vào, Bồ-tát Di lặc, Du hý ta-bà, Luân hồi sanh tử v.v…

Đọc Thấp thoáng lời kinh của Đỗ Hồng Ngọc, tôi bỗng cảm thấy mình chỉ thấp thoáng lời anh và loay hoay, bứt rứt về cái kiến thức Phật học của mình. Những đoạn kinh tôi đã thuộc lòng bỗng trở nên “thấp thoáng”…

Với tôi, Trần Tuấn Mẫn vừa là bạn, mà cũng là thầy, từ thuở Vô Môn Quan, đến Bàng Ẩn, rồi Lăng Già… và nhất là Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo suốt 15 năm qua.

 

Đỗ Hồng Ngọc

(Saigon 6.2020)

 

 

 

 

 

 

Filed Under: Gì đẹp bằng sen?, Góc nhìn - nhận định, Vài đoạn hồi ký

N.Q.Chơn đọc “Để làm gì” của Đỗ Hồng Ngọc

28/06/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

“Để làm gì” của Đỗ Hồng Ngọc

Nguyễn Quang Chơn (Đà Nẵng)

Tập sách của anh Đỗ Hồng Ngọc gởi bằng bưu điện, đến với mình vào đúng trưa mồng năm tháng năm âm lịch, ngày giỗ ông Khuất Nguyên. Sách được anh bọc cẩn thận trong một bao gương sạch, đẹp, với “người gởi”, “người nhận” rõ ràng, trang trọng.
Tập sách này đã được thấy, đã được nghe, trên trang nhà dohongngoc.com của anh rồi. Mình đã từng tìm trong hiệu sách mà không thấy. Giờ nhận quà từ tác giả qua bưu điện, thấy cuốn sách đẹp hơn, giá trị hơn và…nặng ký hơn!…
Đó là cuốn “Để làm gì” của anh mới in tháng 5/2020. “Để làm gì” không hỏi, chấm, làm người ta dễ đặt câu hỏi: ông đặt tựa như vậy để làm gì?
“Để làm gì” thì thường ở thể nghi vấn, còn được dùng ở thể khẳng định nữa. Nên phải đi kèm với dấu hỏi hoặc dấu than. Còn ở đây không có dấu gì, dạng “trung tính”, thì phải xem trong đó ông ấy viết gì!…
Đọc lời mở. Đã thấy sơ sơ ý của tác giả. Lật trang kế tiếp, đã thấy bài quen quen. Tiếp tục cũng quen quen. Vậy ra anh chọn lọc những bài ký, bài tản mạn…đã in rải rác đâu đó trên nhiều ấn bản để làm thành một selection kỷ niệm tuổi 80, cái tuổi mà anh hay nói với tôi là “già tới nóc”. Bộ già tới nóc là hết già rồi sao? Già thêm một tí nữa thì sẽ lọt qua cái nóc, rớt cái bịch không chừng. Có lẽ bởi thấy mình tới nóc. Nên anh dừng…già lại, giở mấy cuốn sách cũ ra xem. Hứng, nên chọn. Vui, nên gom lại một tập. Rồi anh lại nghĩ. Mình viết nhiều, in nhiều, nhiều thể loại. Từ thơ, văn, đến nghiên cứu, khảo luận, và nhất là Phật pháp. Rồi anh hỏi. Mình viết nhiều vậy “để làm gì?” Biết đâu có ai đó đọc xong rồi tặc lưỡi, viết mấy cái này chi, chẳng “để làm gì!” Hoặc, một người lững thững, “để làm gì….”…
Nên chi, thôi thì tập hợp lại mấy bài viết hồi hườm hườm, hồi già già, hồi già tới nóc, mà chỉ là những tản mạn, những ký. Dạng văn này thì nó không làm nhọc lòng ai, người đọc không nghĩ ngợi chi nhiều, không đi sâu vô một cái gì, nó vui vui, nó chẳng làm gì…., và, vì vậy, anh lấy một cái tựa “Để làm gì” để dành cho độc giả ghi tiếp thêm, sau khi đã đọc. Người thắc mắc thì thêm dấu hỏi (?). Người không ưa thì thêm dấu than (!). Và người trầm tư hơn thì thêm ba chấm (…)…
Nhưng tuyệt vời nhất là ông hoạ sĩ Mai Quế Vũ, ông trình bày cái bìa với một nét cọ mực xạ hình tròn phóng túng ôm cái tựa “Để làm gì” của tác giả. Cái vòng tròn mang “tánh không” đó là đủ bao trùm cả dấu hỏi, dấu than, dấu chấm, dấu gì gì đó nữa hết rồi. Bởi dấu nào cũng rứa, cũng là không! Cái ánh sáng màu trắng tinh khôi không sắc màu kia chẳng phải đã mang đủ trong nó cả đỏ xanh vàng lục lam chàm tím…đó ư?
Nên chăng, “để làm gì” của ĐHN đã có đủ các dấu trong đó rồi. Đọc đi, rồi nghĩ gì thì nghĩ, để làm gì cũng được!…
Nguyễn Quang Chơn
Tối thứ bảy, 27/6/20

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Góc nhìn - nhận định, Vài đoạn hồi ký

Ngãnh Tam Tân (LaGi)

28/06/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thư gởi bạn,

Ngãnh Tam Tân (LaGi)

 

Bài viết La-Gi Du Ký rất thú vị của nhà văn Nguyễn Lệ Uyên khiến có bạn hỏi thêm mình về địa danh “Ngãnh” khá lạ lùng ở vùng này.

Xưa, từ Lagi quê nội của mình về quê ngoại ở Phong Điền, Hiệp Nghĩa chỉ cách chừng 15-16km, nhưng toàn phải đi đường biển, ngang qua Nước Nhỉ (giếng Nguồn Chung) rồi đến Ngãnh Tam Tân (nay là Tân Hải), vượt thêm đoạn đường dốc, rừng rậm… đến Cầu Cui, cầu Quan qua sông Đợt mới về đến ngoại, gần chân núi Tà Cú. Vùng này thời đó còn có cọp lộng hành, ra bắt người ăn thịt.

Làng chài Tam Tân ngay sát Ngãnh khá trù phú, là quê của cậu Nguiễn Ngu-Í (Nguyễn Hữu Ngư), nơi đây ngày nay còn ngôi mộ của ông và gia đình.

Lúc nhỏ, đi qua Ngãnh mình sợ lắm. Rừng mênh mông, âm u, có một hồ nước đen ngòm chảy tràn ra biển, có khi rộng đến vài chục mét, sâu đến bụng (cậu bé là mình). Nghe Má kể lúc đám cưới Má, phải cưỡi ngựa để đi qua dòng nước ở Ngãnh, có lẽ do mặc đồ cưới không thể lội nước, chớ bình thường bà vẫn gánh cau trầu đi bộ dọc biển xuống tận chợ Lagi bán, do vây mà gặp Ba mình. Bà thì giỏi, tảo tần, lo buôn bán, làm ăn, trong khi ông thì… công tử ở Chợ, chơi violon, đóng kịch, thỉnh thoảng còn mời bạn bè là ca sĩ ở Saigon ra Lagi hát hò! Chuyện sẽ kể sau khi có dịp.

Từ “Ngãnh” không thấy có trong Tự điển Tiếng Việt, Nxb Khoa học xã hội Hà Nội 1988. Chỉ có “Ngoảnh”…

Phan Chính, tác giả địa phương chí viết nhiều sách báo về văn hóa, địa danh của vùng đất cực Nam trung bộ là Hàm Tân, Lagi (tỉnh Bình Tuy…) này, tuy có nhiều tài liệu phong phú nhưng cũng khá lúng túng. Trong bài Nghĩ về địa danh Ngảnh Tam Tân đăng trên báo Bình Thuận, anh viết:

BT- Đó là một đoạn bờ biển có cảnh quan đẹp. Cách xa bờ khoảng 50m nổi lên một cụm đá lô nhô như đang khỏa mình với những làn sóng êm ả không ngớt dội vào. Ngảnh Tam Tân thuộc xã Tân Tiến cách trung tâm thị xã La Gi khoảng 12 km. Đây cũng là địa danh nổi tiếng gắn liền với khu di tích Dinh Thầy Thím huyền thoại và nay đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch tâm linh kết hợp nghỉ dưỡng.

Không những với khách xa đến mà kể cả người địa phương vẫn đặt ra những câu hỏi về địa danh Ngảnh Tam Tân? Với người dân bản địa thì đã trở thành quen thuộc nhưng khi gợi lại mới thấy thật sự bồi hồi tưởng chừng đang trở về với vùng đất “địa linh” của người xưa thuở còn hoang sơ. Từ “ngảnh” ở đây là chỉ về một địa hình thiên nhiên rất đặc trưng. Nhưng với ngữ âm thường gặp khi nói về địa hình dọc dài vùng biển từ miền Bắc vào Nam chưa ở đâu có từ “ngảnh”. Địa hình ghềnh, gành, mỏm, mỏ, mũi… là phần đất có đá từ bờ nhô ra sông, biển thì có nhưng “ngảnh” thì lại không… (Phan Chính).

May thay, mình tìm thấy từ Ngãnh (dấu ngã) trong Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức-Lê Ngọc Trụ 1970 tại Saigon (Nxb Khai Trí):

 

—  https://ia800603.us.archive.org/26/items/viet-nam-tu-dien-khai-tri-1970/viet-nam-tu-dien-khai-tri-1970.pdf

Viêt Nam Tự Điển Khai Trí- 1970, trang 1013

Ngãnh: Phần đất đột ngột nhô ra biển, không lớn không dài, thường có những gộp đá.

***

Lần này đi với Thân Trọng Minh, Lê Ký Thương, Kim Quy, Nguyễn Lệ Uyên về quê nhà LaGi, Tam Tân (nay là Tân Hải), mình tìm thăm nhà bà con cũ ở Tam Tân, gần như không còn ai, hỏi những người cao tuổi… thì đều đã qua đời. Nhà Bà Năm, Má cậu Năm Chi, có cái giếng nước ngọt nổi tiếng cả vùng, nay con cháu đã bán đất, lấp giếng…

Tam Tân, một vùng chài lưới đầy những rặng dừa xanh mát bỗng chốc… bê tông hóa gần hết. Không buồn sao được! May rồi cũng gặp được vài người trẻ, thế hệ thứ hai thứ ba gì đó… hỏi ra chỉ ngậm ngùi như… Từ Thức bơ vơ. Mới 70-80 năm chớ có xa xôi chi lắm đâu!

Xin gởi vài tấm hình bạn coi thôi vậy nhé.

Internet
Ngãnh Lagi, Bình Thuận

 

nhớ Má (Nghê Thị Như và cậu Nguyễn Ngu Í, tức Ngê Bá Lí, Tân Fong Hiệb, theo cách viết của ông)

 

 

 

Dòng nước đổ ra biển ở Ngãnh giờ cũng mênh mông! Nay đã là khu chợ cá biển, ghe thuyền về tấp nập, cách Dinh Thầy Thím chỉ vài cây số. (Ảnh ĐHN 21.6.2020)

 

Ngãnh Tam Tân LaGi. Hòn Bà xa xa… (ảnh ĐHN, 21.6.2020)

 

Do Hong Ngoc ngồi “thiền” trên gộp đá Ngãnh (ảnh NLU)

Nhóm bạn đến Ngãnh Tam Tân (6.2020).

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

ĐHN lang thang một mình ở Ngãnh Tam Tâm (ảnh MTriết, 21.6.2020)

Hẹn thư sau,

Thân mến.

Đỗ Hồng Ngọc

(Saigon 28.6.2020)

Filed Under: Ghi chép lang thang, Góc nhìn - nhận định, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

Lam Điền: Khi bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc hỏi ‘Để làm gì’

18/06/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc 2 Comments

 

Khi bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc hỏi ‘Để làm gì’

18/06/2020 13:48 GMT+7

TTO – Ở tuổi 80, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc vẫn rất duyên cùng câu chữ khi ra mắt quyển tạp bút mới nhất mang nhan đề ấn tượng: “Để làm gì” (NXB Tổng Hợp TP.HCM).

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc – Ảnh: NGỌC HIỂN

Mỗi khi bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc có sách mới “trình làng”, bạn đọc luôn tìm thấy chi tiết thật đặc biệt. Lần này là từ câu nói của André Maurois, rằng “khi nào trong đầu mình nảy ra cái ý “Để làm gì”, lúc đó mình đã già thiệt rồi”. Từ cái ý của Maurois về “nghệ thuật già” ấy, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc thú nhận rằng lâu nay ông biết mình già, nhưng quả thật ông vẫn đang nghĩ là mình đang “già giả” thôi.

Cái ý đó đặc biệt và gợi ra một hình ảnh thú vị: Tác giả vừa cảm nhận tuổi già của chính mình, vừa lục soạn lại mớ gia tài trước tác bấy lâu nay trong ý niệm thường trực “để làm gì”, rồi gạn lọc lại, hình thành thêm một quyển sách nữa, chính là những trang sách dẫn bạn đọc theo bước ông về lại không gian sống của nhiều “cảnh giới”.

 

 

Câu hỏi ở nhan đề sách thật hóc hiểm, do lẽ không chỉ viết lách để làm gì, mà ghi nhớ chuyện nọ chuyện kia, tâm đắc thứ này thứ khác, buồn vui hờn giận, cay đắng nhục vinh… bao nhiêu chìm nổi đã trải qua trong tám chục năm sống ở đời, rốt lại là để làm gì?

Câu hỏi còn nguyên đó, bởi không dễ tìm ra lời đáp. Chỉ có những trang sách bắt đầu một công việc khác: đặt ra trước mỗi người đọc hôm nay những câu chuyện chân chất, thiệt tình mà đầy cảm xúc, ý vị của chính tác giả.

Đỗ Hồng Ngọc có cách kể chuyện như sực nhớ lại chuyện hay hay của chính mình, tiện chỗ bạn bè nên kể lại cho vui, vậy mà người đọc bị cuốn theo lúc nào không biết. Đến chừng nhận ra mới thấy dường như đã có một thời, người ta sống với nhau chan hòa quá, giao hảo đối đãi nhau ý nhị tinh tế quá, tâm đắc và sâu sắc đến nỗi dư vị còn mãi trong nhiều trang sách hôm nay.

Đó là tình bạn tình thơ với Nguyễn Bắc Sơn, Từ Thế Mộng; là kỷ niệm nơi Bình Tuy, Phan Thiết quê nhà; và quan trọng hơn là ở tinh thần “học bạn” của chính tác giả.

Dường như với người bạn nào, Đỗ Hồng Ngọc đều nhìn ra cái hay để học, từ ông bạn Hai Trầu với câu thơ tuy chợ búa mà vẫn ý đạo: Đạo cang thường chẳng phải cá tôm / Đang mua mớ nọ, chạy chồm mớ kia; đến ý tưởng “thy đạo” của Nguyễn Bắc Sơn như một điểm bấu víu trong những tháng ngày chông chênh tuổi tác; rồi Hoài Khanh lúc cuối đời vẫn kịp nhắc ông chữ trơ vơ khác với chơ vơ; hay cũng chính bạn bè cắt nghĩa cho ông những địa danh mang phương ngữ Chàm xưa: Tà là núi (Tà Zôn, Tà Cú, Tà Pao), La là sông (La Ngâu, La Ngà, La Gi), Hàm là ruộng (Hàm Tân, Hàm Thuận, Hàm Cường)…

Bạn đọc thấy mình trôi theo biết bao điều thú vị qua câu chữ, ngoảnh lại nhìn cái nhan đề sách, bừng tỉnh nhận ra: thì chỉ cần vậy thôi chứ đâu cần phải hỏi “để làm gì?”.

.

LAM ĐIỀN

(https://tuoitre.vn/khi-bac-si-do-hong-ngoc-hoi-de-lam-gi-20200618085532577.htm)

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

Để Làm Gì: Nghĩ đến câu trả lời!

13/06/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Đọc sách

ĐỂ LÀM GÌ, nghĩ đến câu trả lời!

Phan Chính

Bìa tạp bút “Để Làm Gì” của Đỗ Hồng Ngọc, 2020

 

Tập sách ĐỀ LÀM GÌ của Đỗ Hồng Ngọc dày 416 trang, do Nxb Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh ấn hành tháng 5/2020 với 68 tạp bút và phụ lục. Cũng với khổ vuông 17x17cm như xưa nay của tác giả Đỗ Hồng Ngọc/ Đỗ Nghê trên hàng chục đầu sách dù là thơ, tùy bút, tản văn về các đề tài thiền học, Phật học hay sức khỏe, gia đình…

Dễ tưởng Để làm gì là một câu hỏi (?) nhưng thật ra tác giả đã tự hỏi với mình từ tập tản văn “Về Thu Xếp Lại” năm 2019 mới đây. Anh hỏi mình mà không trả lời và như trong Lời ngỏ: “…không thể không trầm ngâm ngẫm ngợi với “để làm gì”, với “sáng, trưa, chiều, tối”… như một câu thơ của Vũ Hoàng Chương “Ta đã làm chi đời ta”, có thể thấy đã “giải mã” cho cái tựa bỏ lửng phần nào! Trong tập có đến chục bài anh viết từ ký ức một thời tuổi thơ, về bạn văn thân thiết, về mảnh đất Phan Thiết, La Gi (Vơ vẩn cùng Mây, Thy đạo, Lẽo đẽo phương quỳ, Về Phan Thiết, Bãi Phan Thiết, Biết bao điều thì thầm, Một chuyến đi hụt…). Cái tình đó đã ngấm từ thời còn trẻ, dường như từ thuở “Mũi Né ơi người xưa đã xa/ Mùa ơi gió bấc nhớ không ngờ”… là một câu thơ trong bài “Mũi Né” của anh đăng trên tạp chí Bách Khoa năm 1970. Ở phần Bạt, nhà thơ Trần Vấn Lệ (cùng quê Bình Thuận) viết: “Đỗ Hồng Ngọc cho ra đời đúng lúc tập tùy bút ở tuổi tám mươi này. Chúng ta thử nghĩ rằng mình đang gặp lại cái gì đây, chuyện gì đây, người nào đây… và các bạn sẽ gặp lại chính mình”. Cũng ở phần Bạt, nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh viết: “Nhìn những bong bóng nước vỡ tôi thấy mình quá thắm thía câu tủm tỉm, để làm gì. Có phải khi người ta bình yên nói để làm gì là lúc người ta buông bỏ mọi mong cầu, là lúc người ta không còn đôn đáo với những mục tiêu mà mới đây thôi đã là điểm cho họ hăm hở bước đến?”

Nhiều cái tưởng là chuyện “cà kê dê ngỗng” theo anh nói, mà rất tinh tế, đầy ắp sự rung động, mặn mòi. Như ở “Bãi Phan Thiết” (trang 237), Đỗ Hồng Ngọc viết: “Bãi ở đây dĩ nhiên là bãi biển rồi! Không thể không thiên vị khi nói về bãi biển Phan Thiết của tôi. Với tôi, đó là một bãi biển tuyệt đẹp, đẹp nhất… thế giới, chạy từ Cà Ná đến Cù Mi, qua Cổ Thạch, Mũi Né, Kê Gà, La Gi đến tận Bình Châu-Bà Rịa”. Theo anh, ẩm thực quê nhà bao giờ cũng là ngon hơn cả: “Dân Phan Thiết thường cho rằng bánh Căn xứ mình là… ngon nhất, đúng “chuẩn” nhất! Bánh Căn thực chất là một món bột gạo nướng, ăn với nước mắm. Có lẽ vì nước mắm Phan Thiết nổi tiếng nên bánh Căn Phan Thiết… cũng ngon hơn các nơi khác chăng” (Về Phan Thiết-trang 234).

Tản mạn trong tập là những nơi anh đến, những chỗ anh ngồi và những khoảnh khắc cho anh nhiều kỷ niệm… Đó đây từ miền bắc, Hà nội đến Huế, Tây nguyên, rồi miền Tây sông nước và xa nữa Boston, Paris, Melbourne, Cà-tì-la-vệ (Nepal)… Chuyện bạn bè, Đỗ Hồng Ngọc không thôi nhớ đến một thời quá đẹp với tạp chí văn chương Ý Thức từ 1967 ở Phan Rang chỉ in ronéo, rồi chững chạc typo giữa Sài Gòn với tài quán xuyến của Nguyên Minh. Những bút danh định hình cho đến sau này như Lữ Kiều (trg.56), Lữ Quỳnh (trg.183), Lê Ký Thương (trg.199), Trần Hoài Thư (trg.120), Trần Hữu Lục, Võ Tấn Khanh (trg.202), Ngụy Ngữ… và Đỗ Nghê/Đỗ Hồng Ngọc cũng từ đó.

Vẫn một phong cách viết dung dị, gợi mở, trầm tư để người đọc ngộ ra nhiều điều thú vị và đôi chút ngậm ngùi của yêu thương. Nhưng rồi mình cũng nhận ra được câu tự trả lời “để làm gì” với dòng sông đời đang chảy.

 

(PC, Lagi)

 

Filed Under: Già ơi....chào bạn, Góc nhìn - nhận định, Vài đoạn hồi ký

Thư gởi bạn (5.6.2020): “ĐỂ LÀM GÌ”

06/06/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thư gởi bạn (5.6.2020)

“ĐỂ LÀM GÌ”

 

Để Làm Gì không phải là để làm gì mà là để làm gì.

Chẳng phải là một câu hỏi. Cũng chẳng là một thở dài, một cảm thán… Không. Nó chỉ Để Làm Gì vậy thôi.

 

 

Sách về đã ba bốn hôm, mình cứ băn khoăn có nên viết đôi dòng về cuốn “Tạp văn” mới mà không mới này gởi đến bạn bè thân thiết không? Nhớ ông cậu Nguiễn Ngu Í của mình ngày xưa, có ý định in một cuốn sách có tựa là Tạb Nhạb (theo kiểu viết của ông) mà đến cuối đời, ý nguyện vẫn chưa thành: “bao nhiêu chí trẻ rồi tro bụi/ một thoáng tình xa cũng ngậm ngùi” (thơ Ngu Í).

Mình đang buổi “về thu xếp lại” mà, nên cứ loay hoay thu thu xếp xếp, khiến người bạn trẻ mới tuổi năm mươi nơi xa kia trách sao anh nói thu xếp gì đâu mà cứ thấy bày biện ra thêm… Ơ hay. Thì cũng phải bày biện ra rồi mới gom góp, chọn lọc, chắt mót, lượm nhặt, thu thu xếp xếp được chứ!

Như trong “lời ngỏ” tập này, mình đã viết:

…………

Rồi một hôm, trong buổi “về thu xếp lại”, tôi gom góp một số bài tùy duyên, tùy hứng, tùy nghi, tùy hỷ … bấy lâu mình thích mà làm thành một “Tập”, mà tôi gọi là Tạp bút như một món quà lưu niệm dành riêng đọc vui một mình, rồi biết đâu cũng có người “đồng điệu”, cũng “nòi tình” mà cùng sẻ chia trong chốn thân quen…

Không ngờ mà khi thu xếp, gom góp lai rai như vậy, tôi đã không cầm được nước mắt khi đọc lại “nỗi cô đơn uy nghi” của Võ Hồng, “người ta ở bển” của Trần Vấn Lệ, “gọi chiều nước lên” của Trần Hoài Thư, và “lắm nỗi không đành” của Võ Tấn Khanh…

Rồi cũng không thể không cười một mình với “làm mới thơ”, với “vơ vẩn cùng Mây” với “hỏi không đáp, bèn…”

Rồi lại cũng không thể không trầm ngâm ngẫm ngợi với “để làm gì”, với “sáng, trưa, chiều, tối”…

Mít ướt. Nó vậy đó. Biết sao.

 

Người đầu tiên tận tụy giúp tôi “thu xếp” là bạn 5 Hiền, tức Nguyễn Hiền-Đức đã viết mấy dòng thiệt dễ thương như vầy:

Đọc kỹ Để Làm Gì, Hiền thấy nó rất “mới”, rất “lạ”. Lâu nay bạn đọc vẫn quen với mảng sách y học, rồi Phật học, chứ chưa đọc được thể loại tạp bút Đỗ Hồng Ngọc. Tập tạp bút này sẽ khiến người đọc tò mò, thú vị hơn “Nhớ Đến Một Người”, lại sâu lắng, chắt lọc hơn “Ghi Chép Lang Thang” lại vừa bàng bạc những nỗi niềm của “Thư Gửi Bạn Xa Xôi”. Vì thế Hiền rất muốn, sau khi sửa chữa, bổ sung Thầy nên, rất nên cho xuất bản tạp bút này nhe.

Rồi anh Hai Trầu Lương Thư Trung cũng khuyến khích:

Xin đa tạ Bác sĩ đã gởi cho đọc tạp bút này; mà thực sự đây là những bài “tùy bút” rất hấp dẫn, chẳng những bác sĩ nắm tay dẫn người đọc đi thăm khắp các miền với cảnh với người xưa cùng thăm luôn đời sống của cư dân xưa qua mỗi bước chân đời của bác sĩ nữa nên đọc hoài hổng biết ngán!

Làm sao mà không mê những dòng cảm xúc khi tác giả nhớ đến những chuyến phà Vàm Cống, An Hòa của cả vùng sông nước quen thân mà tôi biết bao lần chờ Bắc chờ đò để qua sông qua biết bao mùa mưa nắng ấy!

Làm sao mà không mê những cảm xúc khi một bác sĩ với kiến thức uyên bác cùng kinh nghiệm già giặn mấy chục năm vậy mà khi bắt gặp “những mùa màng ngày cũ” như bắt gặp lại chính mình ở vùng quê Phong Điền ngày nào của tuổi ấu thơ qua bài “Còn thương rau đắng”?

Làm sao mà không nôn nao trong lòng đôi lúc muốn rụng rời khi nghe câu hỏi “Năm nay người có về ăn Tết?”

Còn nhiều và nhiều lắm những trang sách rất chân tình và đầy cảm xúc như thế, nhiều lắm không làm sao kể cho hết qua vài hàng xúc cảm bồi hồi khi mở ra đọc liền lúc vừa nhận được sách còn nóng hổi này vậy!

Tôi có một điều ước là “phải chi sắp tới có sách in trên giấy thiệt” thì chắc đọc còn mê hơn nữa!

Nhà văn Nguyễn Lệ Uyên gởi mấy dòng:

“…Đọc hết rồi, đọc trên máy. Mở chữ lớn ra mà đọc muốn bay 2 tròng kính!

Đọc xong thấy cái đầu nhẹ, như thể chữ nghĩa trong tạp bút Đỗ Hồng Ngọc là bàn tay em Cô-Vy 19 mát xa!

Có điều anh hơi “thiên vị” khi “dồn lại” những gì gọi là tinh túy cho xứ Phan Thiết tài hoa của anh thì phải?

Vui nghen.

NLU

… Vậy đó, cho nên mình đánh bạo đưa cho Nhà xuất bản Tổng hợp xem sao.

Một người bạn trẻ của Nhà xuất bản đọc bản thảo, viết môt cảm nhận bất ngờ:

Lững thững, dễ thương, hóm hỉnh. Mỗi bài viết mỗi góc cạnh mới.

Vừa đọc vừa hồi hộp, vừa vui sướng kiểu như đợi từng con chữ hiện ra.

Không biết tác giả đang đưa mình đi đâu đây. Nên cứ thế mà trôi. Trôi rồi cũng có lúc neo mình lại để suy nghĩ, để ngẫm ngợi.

Và thấy hình như mình có thấy mình trong đó. Nhận ra mình cần chậm lại, để nghe trái tim lên tiếng, để cảm nhận những chuyển biến, dù là nhỏ nhất xung quanh mình, trong bản thân mình.

Rồi những bùi ngùi, hụt hẫng khi có những chuyện xưa. Một thời ta sống cùng nó, nay đã không còn như vậy nữa…

Đọc “Để làm gì” không phải để tìm thấy câu trả lời mà rốt cuộc chỉ để nhận ra mình cần sống tỉnh thức trong hiện tại, với những cảm xúc thực của mình: vui, buồn, thương, nhớ, thảng thốt, mến yêu… Biết để sống, biết để thương, với tấm lòng nhạy cảm, rưng rưng với mỗi sự thay đổi quanh mình.

Với những ai đã ở cái tuổi trải nghiệm nhiều, “bùi nhùi” đã sẵn, thì nên cẩn  thận, bởi từng trang sách như từng hơi thở, sẽ sẵn sàng làm bùng lên những cảm xúc sâu thẳm nhất của con người: tình bạn, tình quê, tình đời, tình người… tình nhân gian…

***

Hôm qua, bèn mời hai người bạn già thân thiết gần 60 năm qua – mà người trẻ nhất nay đã 75, ra nhâm nhi cà-phê Đường Sách làm cái gọi là “ra mắt” Để Làm Gì vậy:

 

Từ trái: Đỗ Hồng Ngọc, Thân Trọng Minh, Lê Ký Thương (Đường Sách Saigon, 5.6.2020).

Mấy ngày trước đó, Lê Ký Thương cũng vừa in tập Dịu Ngọt Lời Quê, gom góp một số bài viết ngắn “dịu ngọt” của mình làm kỷ niệm. Khuất Đẩu còn in hẳn một tập hoành tráng: Tám Mươi Năm Soi Bóng Mình, trong khi Thân Trọng Minh tự ‘xuất bản” cuốn Lữ Kiều Thân Trọng Minh và Những người bạn, do Nguyễn Hiền Đức thực hiện… Lại nghe Nguyên Minh  sắp in một tập 800 trang khổ 16 x 24cm! Thiệt vui.

 

Từ trái : Thân Trọng Minh, Lê Ký Thương, Khuất Đẩu, Nguyễn Lệ Uyên, Đỗ Hồng Ngọc…

 

 

Thì ra, mình chẳng đơn độc tí nào!

“Vui thôi mà”, Bùi Giáng nói vậy phải không?

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc.

(Saigon, ngày 06.6.2020)

Filed Under: Ghi chép lang thang, Góc nhìn - nhận định, Những người trẻ lạ lùng

Về một cuốn sách… xưa: “SỨC KHỎE GIA ĐÌNH”

25/05/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Về một cuốn sách… xưa:

“Sức Khỏe Gia Đình”

Ghi chú: Cô Khánh Tâm, ở báo Phụ Nữ Tp.HCM hôm rồi muốn tôi kể lại vài chuyện liên quan báo Phụ Nữ Tp.HCM nhân dịp Kỷ niệm 45 năm thành lập của báo. Tôi đã gởi cô vài tư liệu để tùy nghi.

Năm 2008-2009, suốt hai năm liền, mỗi tuần tôi viết cho báo Phụ Nữ Tp.HCM một bài ngắn (quy định 600 chữ), Mục GIA ĐÌNH VUI KHỎE. Đây là một Mục được đánh giá “ăn khách” lúc đó, đăng ngay ở trang nhứt của báo, với một hình minh họa rất dễ thương.

Sau, tôi tập hợp lại, hoàn chỉnh, in thành cuốn SUC KHOE GIA ĐÌNH do Nhà xuất bản Tổng hợp TP. thực hiện. Sách được giới thiệu ngay trong Hội sách 2010 và cũng đã được tái bản nhiều lần.

Chuyện cũ, đã hơn mười năm rồi, nhưng Sức Khỏe Gia Đình vẫn thực sự còn có giá trị vì đề cập vấn đề sức khỏe một cách toàn diện, không chỉ đơn thuần là y tế, bệnh tật…

Một cô giáo ở Trà Vinh, Lê Uyển Văn viết một bài nhận xét rất thú vị (2010) và mới đây, Trần Thiên Dũng ở Canberra Úc (2020) vừa viết bức thư “cảo thơm lần giở” cũng vui vui…

Xin được chia sẻ.

ĐHN

 

 

11/03/2010

Lời Ngỏ cuốn “Sức Khỏe Gia Đình” (2010)

Ta đang sống trong một thời đại ngộ nghỉnh. Thực phẩm béo bổ ê hề, sẵn sàng dụ dỗ ta làm cho ta… béo phệ để sinh ra vô số bệnh tật, rồi cạnh đó, lại mở ra nhiều bệnh viện, nhà thuốc để cứu vớt ta, chăm sóc chữa trị cho ta. Cũng vậy, bia rượu thuốc lá tràn lan, sẵn sàng dụ dỗ ta làm cho ta… gặp đủ thứ tai nạn thương tích, ung thư này nọ rồi cạnh đó tổ chức cấp cứu chấn thương, đặt thêm giường bệnh… Cuộc sống tốc độ, đầy cạnh tranh, căng thẳng, mọi người hùng hục lao vào kiếm tiền cho thật nhiều, phung phí sức khỏe, để rồi dùng tiền đó phục hồi sức khoẻ…

Y học ngày càng tiến bộ, kỹ thuật ngày càng cao, thuốc men ngày càng nhiều thì… bệnh tật cũng ngày càng phát triển, gia tăng, đôi khi đe dọa cả hành tinh…

Các nghiên cứu cho thấy khi fastfood tiến từ Bắc Mỹ xuống Nam Mỹ thì đồng thời béo phì và bệnh tật cũng tăng theo tỷ lệ thuận. Khi thuốc lá, rượu bia bị hạn chế, cấm ngặt ở các nước phát triển thì họ đẩy mạnh sản xuất ở các nước nghèo khó…Rồi bò thì điên, heo thì tai xanh, trâu dê thì lở mồm long móng, rau trái đầy hóa chất, thuốc trừ sâu, sữa cho trẻ con cũng chẳng an toàn, bánh mứt hạt dưa đầy đe dọa… Rồi đây khi cây rừng không còn xanh lá, Oxygen cũng không còn đủ, khí quyển nóng dần lên, ngột ngạt, mọi người sẽ cùng khò khè khó thở và lúc đó Oxygen được giành giật cho vào bình để bán. Trốn chạy vào đâu?

Đó chính là lúc bản thân ta, gia đình ta phải tự cứu lấy mình… trước khi trời cứu!

Bởi chỉ có gia đình mới có thứ tình yêu thương đích thực, mới là bóng mát chở che cho mỗi thành viên. Bởi chỉ có gia đình mới có thể đem lại sự sảng khoái (well being) về thể chất, tâm thần và xã hội, để từ đó mà có được niềm vui và hạnh phúc. Một cách hít thở đơn giản, một cách rèn luyện thân tâm không tốn kém thời gian… đủ đem lại sự sảng khoái, thong dong cho cuộc sống bộn bề. Một bữa cơm sum hợp, lành mạnh, đạm bạc trong thời buổi ngộ nghỉnh này… đủ đem lại sức khỏe, niềm vui cho mọi người trong gia đình.  Sức khoẻ, niềm vui không phải tự trên trời rơi xuống, không phải bỗng dưng mà có vậy!

Tôi chân thành cảm ơn báo Phụ Nữ Tp.HCM trong suốt hai năm qua đã dành cho tôi một góc Gia đình vui khỏe, ở đó tôi có dịp được lắng nghe, được chia sẻ cùng bạn đọc gần xa, và nay tập hợp, sắp xếp lại để hình thành tập sách nhỏ này gởi tới bạn bè. Tôi cũng cảm ơn NXB Tổng hợp Tp.HCM đã giúp cho tập sách kịp thời ra mắt trong dịp Hội sách Tp.HCM năm 2010.

Trân trọng,

  1. Đỗ Hồng Ngọc

……………………………………………………….

 

“Sức khỏe gia đình” – Cuốn sách của mọi nhà

31/03/2010

Ra mắt bạn đọc lần đầu tiên tại Hội sách TP.HCM năm 2010, cuốn sách “Sức khỏe Gia đình” của BS Đỗ Hồng Ngọc vẫn còn “nóng hổi”. Thế nhưng với những ai yêu quý vị bác sĩ này cũng như quan tâm  đến những bài viết của ông sẽ dễ dàng nhận thấy tập sách “Sức khỏe gia đình” là tập hợp những bài viết suốt hơn 2 năm qua (2008-2009) trong chuyên mục “Gia đình vui khỏe” rất “ăn khách” của ông trên báo Phụ nữ TP.HCM .

Nhận xét về  cuốn sách này, Dược sĩ Phan Minh Tịnh viết: “Đây là một quyển sách cần thiết cho mỗi gia đình. Với lời văn giản dị, dễ hiểu, sẽ giúp người đọc tiếp nhận dễ dàng các kiến thức về y khoa, hầu biết cách phòng ngừa và đối phó với một số bệnh tật thông thường”…

 

                                     Quang cảnh buổi giao lưu tại Hội sách Tp.HCM 2010.

Khi tập hợp thành sách, những bài viết này đã được sắp xếp lại theo một tổng thể nhất quán có chủ đề từ những bài viết rời rạc. Là bác sĩ nhưng văn phong trong từng bài viết của ông không hề “hàn lâm” mà ngược lại rất giản dị, gần gũi, sống động và dễ hiểu… nên từ giới bình dân đến trí thức đều có thể “lĩnh hội” được.

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc ký tên sách cho độc giả (tại Hội sách Tp HCM 2010)

Cuốn sách “Sức khỏe gia đình” phản ánh nhiều vấn đề xã hội “nóng” thông qua các vấn đề sức khỏe. Từ chuyện ăn uống, thuốc lá, rượu bia, sức khỏe tâm thần đến cả việc thi rớt, chứng khoán, kẹt xe, lô cốt… đều được tác giả vẽ ra hết sức sinh động. Một cuốn sách gối đầu giường của chúng ta lúc ốm đau hay cả khi đang khỏe mạnh để vui khỏe hơn và yêu đời hơn.

K.T

…………………………………….

Lê Uyển Văn (Trà Vinh)

07/04/2010

 

Hạnh phúc của người mẹ ở cuối ngày là được nhìn con mình trong giấc ngủ, hơi thở nhẹ nhàng, khuôn mặt thanh thản như thoáng nét cười; hạnh phúc nhiều hơn khi nhìn thấy bên gối con là một cuốn sách. Tôi đang hưởng niềm hạnh phúc ấy, lòng vui râm ran khi nhìn thấy “các chàng trai” chuyền nhau đọc cuốn “ Sức khỏe gia đình” của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc.

Không vui sao đựơc, khi tôi biết từ cuốn sách này các con tôi ( cả gia đình tôi) sẽ học được nhiều điều. Trước nhất, chúng hiểu rằng “chỉ có gia đình mới có tình yêu thương đích thực, mới là bóng mát chở che cho mỗi thành viên…”, hiểu được điều giản dị : FAMILY là Father And Mother I Love You !

Cuốn sách dày trên 300 trang, gói hành trình của đời người bằng những điểm trọng yếu nhất trong mỗi giai đoạn . Vẫn là phong cách của Đỗ Hồng Ngọc, con chữ của Đỗ Hồng Ngọc – lấp lánh yêu thương – sao như lần đầu được gặp, chúng tôi đọc mải miết, những kiến thức đã từng biết bỗng trở nên gần gũi và sống động lạ thường.

Không đúc kết nào gọn gàng hơn “ BUSĂC” – phổ biến những điều căn bản nhất để nuôi con sao cho khỏe mạnh. Không cách so sánh nào cụ thể, dễ nắm bắt mà xúc động hơn cách hướng dẫn làm dung dịch như Oresol tại nhà : “…pha xong nếm thử thấy nó y như nước mắt là được / Nước mắt ở đâu mà thử?/ Thì bà mẹ nào có con tiêu chảy cấp mà không khóc chứ ?”. Cũng không gì thuyết phục hơn khi khuyên mẹ tự làm thức ăn cho con: “Bây giờ có nhiều thức ăn làm sẵn / Phải, nhưng không có thứ “tình thương” làm sẵn nào cả !”….

… “ Mẹ cứ kỳ vọng vào con đi” ,“ Có hiểu mới thương” ,“ Quân tử “trả thù” mười năm chưa muộn” “ Thương nhớ…đòn roi” …đều là những “ Bài học quý giá” mà tôi, các con tôi đang rất cần. Có những điều, tôi không sao nói được với con mình thì tác giả đã nói hộ rồi, tôi chỉ cần hỏi “ con đã đọc “bài học quý giá” của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc chưa?”, con đáp “ dạ, rồi !” ,tôi nghe như trút vài gánh đá, đọc rồi nghĩa là con hiểu con phải làm gì để đối diện với kỳ thi đang rất gần kề.

Có ai như tôi không, từng tuổi này mới vỡ lẽ ra “khi nào thì người ta có thể bắt đầu yêu?”. Đó là khi biết yêu chân chính. “ Tình yêu thứ thiệt” phải thứ tình giúp ta thêm năng lực, thêm yêu quý cuộc đời; thúc đẩy ta giỏi giang hơn, hăng say hơn trong công việc ; giúp ta có khả năng chấp nhận, tấm lòng rộng mở, chứ không phải muốn chiếm hữu hay chuyển hóa người mình yêu ; giúp ta tăng lòng tự trọng, tin cậy lẫn nhau, đối với nhau chân thành và có trách nhiệm….Tôi học được điều này một cách muộn mằn từ những trang sách về sức khỏe !

Tôi vẫn chưa nghiền ngẫm hết cuốn sách “ Sức khỏe gia đình” của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nhưng tôi nóng lòng muốn chia sẻ với mọi người về cuốn sách rất xứng đáng nằm ở nơi trang trọng trong tủ sách của mọi gia đình nên viết bài này. Cũng như ngày mai, tôi sẽ đọc cho học sinh của mình nghe “ Ai bảo chăn trâu là khổ?”. Rất mong trời mau sáng, để chóng đến ngày mai…..

…………………………

Trần Thiên Dũng (Canberra, ÚC)

30/03/2020

 

Cảo thơm lần giở

lá thư Úc Châu
Anh Ngọc ơi
Hổm rày truyền hình,báo chí Úc loan liên tiếp các biện pháp của chính phủ nhằm khuyến khích mọi người chung sức vượt qua khó khăn về sức khỏe, kinh tế, lẫn tinh thần để do COVID-19 tạo nên.
Tình cờ em lấy trên kệ sách quyển “Sức Khỏe Gia Đình” của anh xuất bản cuối tháng 3 năm 2010. 10 năm rồi còn gì!
Lần giở ra lại nhằm ngay bài viết “Cúm và những câu hỏi nóng bỏng”. Anh trả lời hai câu hỏi nóng bỏng 1) Nên hay không nên mang khẩu trang? và 2) Nên hay không nên làm xét nghiệm.
Cứ như xin xăm ấy. Những hàng chữ dí dỏm trả lời thật dễ hiểu, hết lo.
Anh lại khuyên thêm làm nhẹ cả người: “Bệnh cúm đã có từ nhiều ngàn năm trước và sẽ tiếp tục nhiều ngàn năm sau. Có điều khi virus cúm thay hình đổi dạng mà ta chưa kịp thích nghi, chưa có sức đề kháng thì ta bị bệnh. Đã có những trận dịch cúm xảy ra trong lịch sử y học. Sau đó là một giai đoạn “sống chung hòa bình”.
Mong cho hòa bình sớm tới, anh nhỉ.
Mừng 10 năm “Sức Khỏe Gia Đình” ra đời
Cám ơn hiền huynh nhiều lắm.

ngu đệ xứ Úc

dũng
Canberra 30 tháng 3 năm 2020

 

 

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Nghĩ từ trái tim, Ở nơi xa thầy thuốc, Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc, Thầy thuốc và bệnh nhân

Thư gởi bạn (12.5.2020)

12/05/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc 3 Comments

 

Thư gởi bạn (12.5.2020)

Đúng là có vài cái mới bạn ạ.

1. Lớp Phật học và Đời sống ở Chùa Xá Lợi đã học lại buổi đầu tiên vào ngày thứ bảy 9.5 vừa rồi sau hơn 2 tháng tạm nghỉ vì dịch bệnh. Buổi học này “tập trung” vào chuyện Cô-Vi mà thôi. Nói chung, anh chị em thấy nhờ… Cô-Vi mà có thời gian “nhìn lại mình…”, có thời gian học Phật kỹ hơn, nghiền ngẫm nhiều về Tứ diệu đế, về Vô thường…

Dĩ nhiên dịp này mình cũng nhắc lại về vi sinh vật, về mối quan hệ giữa con người và vi khuẩn, virus, nấm mốc…; giữa con người và thiên nhiên, môi trường sống, thực phẩm, không khí… Và trả lời những câu hỏi về các “trường phái” (biện pháp) đang thực hiện trên thế giới để ngăn chặn đại dịch như tạo “miễn dịch cộng đồng” hoặc “cách ly xã hội” hoặc kết hợp cả hai trong khi chờ đợi có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu. Đồng thời cũng giải thích về 2 thứ Xét nghiệm (Test): một về Kháng nguyên (Antigen) và một về Kháng thể (Antibody). Thử Kháng nguyên là để biết có ĐANG BỊ mắc bệnh hay không, còn thử Kháng thể là để biết ĐÃ TỪNG mắc bệnh chưa? Về Dịch tễ học thì cứ 100 người mắc bệnh trong cộng đồng thì có khoảng 80 người (80%) mắc bệnh nhẹ, không triệu chứng, tự khỏi, nhờ sức đề kháng tốt, và cơ thể từ đó đã có kháng thể để chống bệnh; khoảng 20 người (20%) bệnh có triệu chứng, phải theo dõi, chăm sóc tại bệnh viện và trong đó chừng 5 người có thể bị nặng, nguy hiểm. Người mắc bệnh nhẹ không triệu chứng, nhưng vẫn có thể lây bệnh cho người khác rồi, gọi là “người lành mang mầm bệnh”, do đó vẫn rất nên mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên và giữ khoảng cách theo hướng dẫn của y tế.

2.  Lớp sáng Thứ Tư của Nhóm Học Phật bọn mình ( chỉ gồm 9, 10 anh chị em) tại chùa Xá Lợi Tp.HCM cũng đã học lại vào ngày thứ tư 6.5 vừa qua. Tiếp tục học Kinh Lăng Già.  Vẫn học với phương pháp “giáo dục chủ động”, tranh luận sôi nổi… Đến nay Lớp sáng thứ Tư hằng tuần này cũng đã được 7 năm!

Nhóm Học Phật, chùa Xá Lợi, Tp.HCM, ngày thứ Tư 6.5.2020. Tứ trái: Thanh Nguyên, Trần Phi Hùng, Ngô Tiến Nhân, Đỗ Hồng Ngọc, Trần Đức Hạ, Minh Ngọc, Diệu Châu, Diệu Thúy (ảnh: Tô Văn Thiện)

3. Về cuốn Tạp bút ĐỂ LÀM GÌ của mình cũng đã xong phần ruột. Và đây là Bìa 1, vừa được họa sĩ Mai Quế Vũ chuyển đến. Tựa Để Làm Gì không có dấu hỏi (?) nhé. Bởi nó không phải là một câu hỏi, không có vấn đề nào đặt ra và cũng không có sự trả lời… nào ở đây cả!

 

 

Hẹn thư sau,

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Góc nhìn - nhận định, Nghĩ từ trái tim

Hai Trầu: Nghề Nuôi Vịt Hãng

05/05/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc 1 Comment

 

Nghề Nuôi Vịt Hãng

 

Ghi chú: Anh Hai Trầu – Lương Thư Trung- năm nay tuổi cũng bộn, gần tám chục, hay ngồi buồn nhớ chuyện xưa, vừa gởi tôi “Lá thơ gởi anh Năm Hiền” kể chuyện một thời anh làm ruộng, giăng câu, chăn vịt đẻ… ở Mặc Cần Dung, Kinh Xáng Bốn Tổng… miệt Long Xuyên Sa Đéc rất thú vị.

Lương Thư Trung là tác giả nhiều sách viết về đời sống Nam bộ hơn nửa thế kỷ trước, trong đó cuốn Mùa Màng Ngày Cũ rất được bạn đọc ưa chuộng. Anh nói sẽ bổ sung thêm bài “Nghề nuôi vịt hãng” này… khi tái bản.

Tuy là “Lá Thơ Gởi Anh Năm Hiền”, thiệt ra, anh Hai Trầu cũng muốn gởi tới anh em bạn bè thân quen.

Vậy nên, xin chia sẻ chút tình nơi đây.

Đỗ Hồng Ngọc

(5.5.2020)

……………………………………………….

Lá Thơ Gởi Anh Năm Hiền

(Nhơn những ngày không đi ra đường vì Covid-19)

 Nghề Nuôi Vịt Hãng

 

Houston ngày 28 tháng 4 năm 2020

 

Nói về nghề nuôi vịt ở các vùng Mặc Cần Dưng, Cần Đăng,  Kinh Xáng Bốn Tổng… thuộc Long Xuyên hoặc Mỹ Hội Đông, Mỹ An Hưng, Gia Vàm… thuộc  Lấp Vò tỉnh Sa Đéc, người ta nuôi vịt dọc đường thì mỗi nơi nuôi mỗi khác nhưng có chung một bắt đầu là đi đặt vịt con và hốt vịt cùng một mùa.

Thập niên 1950-1960, ở Mặc Cần Dưng lúc bấy giờ còn làm lúa mùa, tới mùa lúa chín rồi người ta cắt gặt, trâu bò kéo lúa vô sân gom thành cà lang cao vòi vọi, xong đâu đấy nhà nông mới bắt đầu ra bã và rồi đem bò trâu ra đạp lúa; lúc bấy giờ đồng trống chỉ còn trơ gốc rạ và lung vũng nhiều chỗ còn nước đọng lại và những người nuôi vịt mới lùa vịt lên đồng cho vịt mò cua ốc và ăn lúa đổ, lúa rụng. Hôm nay cho vịt ăn miếng ruộng này, ngày mai họ lại lùa vịt cho ăn miếng ruộng khác; và như vậy cho tới khi nào đồng khô hết lúa thì thôi! Nhưng hồi đó cũng chưa có ai gọi nuôi vịt như vậy là “nuôi vịt chạy đồng”  hoặc nuôi vịt hãng. Sở dĩ gọi vịt hãng vì vịt này do các lò, các hãng ấp trứng vịt sản xuất vịt con hằng trăm hằng ngàn con nở cùng một lượt nên mới có cái tên như vậy.

 

Internet

 

Anh Năm chắc thắc mắc sao gọi là “hốt vịt” chứ gì? Tại vì dân quê ưa dùng chữ nào tượng hình và đơn giản, dễ hiểu! Thí dụ gặp cái gì nhiều quá mà mình muốn lấy cho mau thì hốt, còn lượm thì lượm như mót lúa sót thì lượm từ bông từ bông biết bao giờ mới đầy bồ? Ở đây cũng vậy, tới hãng ấp vịt đâu có lựa vịt tốt vịt xấu gì vì con nào cũng giống như con nào cứ lấy thúng giạ rồi đếm năm trăm, bảy trăm hoặc một ngàn con cho mau lẹ đặng còn đem vịt về lo nuôi nữa nên người ta gọi “hốt vịt” là do vậy!

Nói làm chuồng nghe cho vui vậy thôi anh Năm; chứ thiệt ra là người ta lựa chỗ nào bằng phẳng cặp mé mương hoặc mé ao rồi lấy lưới hoặc đăng ven xung quanh một nửa nằm trên đất, một nửa nằm dưới nước và thả vịt vô đó cho nó ở. Lúc đầu mới về vịt con còn mệt, người ta chưa cho nó ăn, qua ngày hôm sau thì lấy tấm mẳn cho vịt ăn, dần dần vịt quen cái quen nước rồi mình mới cho vịt ăn gạo lứt, rồi dần dần vịt lớn chút nữa bắt đầu cho vịt con ăn tép, ăn cua, ăn lúa hột. Vào mùa này là mùa nước cũng sắp lên rồi, có thể người ta thả vịt ra đồng cho vịt mò cua mò cá tép; hoặc người ta độn mô xúc lùm bắt cua tép cho vịt ăn cũng tiện…

Nuôi vịt đúng ba tháng là tới giai đoạn lựa vịt trống đem ra chợ bán, chỉ chừa lại vịt mái nuôi tiếp để cho chúng đẻ. Giai đoạn lựa vịt trống đem ra chợ như vậy người nhà quê gọi là “vịt tuyển cồ”. Thường thường mỗi một trăm con vịt mái người nuôi chỉ giữ lại chừng năm ba con vịt trống thôi, không để vịt trống nhiều vì nuôi vịt trống nhiều quá chúng giành nhau đạp mái nên khi vịt đẻ trứng, trứng ít có trống; vả lại vịt trống nhiều quá chúng ăn hao lúa mà trứng không có trống thì khi mình bán trứng vịt cho lò người ta lại mua giá rẻ mạt hà!

Làm sao biết trứng nào có trống, trứng nào không chứ gì? Cầm cái trứng vịt đưa lên chỗ ánh sáng, lấy bàn tay che lại một chút, sẽ thấy ở đỉnh đầu của trứng vịt có một vết bằng đầu đũa hơi sậm hơn các vùng xung quanh thì trứng vịt này có trống; còn bằng như mình hổng thấy chỗ nào đậm ấy chắc chắn  trứng này hổng có trống; trường hợp này mình để riêng ra để bán cho các bạn hàng ở chợ và gọi loại hột vịt này là hột vịt lạt đối lại với hột vịt muối mà mình ưa ăn với cháo trắng ở nhà lồng chợ Long Xuyên là hết sẩy!

Sao phải sau ba tháng kể từ ngày bắt đầu nuôi vịt con rồi mới tuyển cồ? Sở dĩ phải đợi tới ba tháng như vậy vì lúc bấy giờ vịt bắt đầu lớn bộn rồi, phân biệt được con nào là vịt trống và con nào là vịt mái rồi. Theo đó thì vịt mái hổng có gì thay đổi, còn vịt trống ở chỗ lông đuôi có những chiếc lông nó cong lên và người lựa những con vịt có lông đuôi quéo lên như vậy đem bán cho người ta mua về ăn thịt, ít khi nào bị lầm giữa trống và mái lắm!

Người nào nuôi vịt giỏi thì sáu tháng có thể vịt đẻ. Khi vịt đẻ như vậy người nhà quê gọi là “vịt rớt hột”. Khi vịt đẻ nhiều thì người ta gọi là “vịt đẻ rộ”, và ngày nào vịt cũng đẻ nhiều như nhau dân quê gọi là “vịt đẻ đều”. Khi vịt trong bầy đẻ hết rồi mà khi lùa vịt lên đồng cho chúng ăn lại có con chưa đẻ kịp, và chúng đẻ dọc đường người nhà quê gọi “vịt đẻ rớt”.

 

Internet

 

Thường thường mấy người nuôi vịt đẻ cắt lá chuối khô buộc lại thành từng chùm, từng chùm lớn bằng cái thúng giạ đựng lúa rồi treo ở một góc trong chuồng vịt. Tùy theo số vịt nuôi nhiều hoặc nuôi ít mà người ta làm lùm lá chuối cho đủ chỗ để chúng thay phiên nhau vào đó để đẻ. Nếu vịt ăn uống đầy đủ thì khoảng từ ba giờ sáng vịt bắt đầu đẻ cho dĩ chí tới năm giờ hoặc sáu giờ sáng là vịt đã đẻ xong. Chúng vui lắm, con nào tới cử đẻ thì chun vô mấy cái lùm lá chuối là đẻ, đẻ trứng xong là chun ra, rồi con khác lại chui vô và đẻ tiếp; cứ liên tiếp như vậy, sáng ra người nuôi vịt cứ vén mấy chum lá chuối lên là lượm trứng. Tùy theo vịt nuôi nhiều hoặc ít mà trứng nhiều trứng ít; nhưng trung bình một bầy vịt mà nuôi cho nó ăn đủ sức thì thường thường khoảng 100 con có tới 90 con đẻ trứng, nếu như nó đẻ ít hơn là nuôi vịt hổng có lời.

Lựa chỗ làm nền chuồng vịt là một trong những yếu tố làm cho vịt đẻ bền. Chỗ rậm rạp hay chỗ đất nhị tì thì chuột bọ dễ làm ổ, làm hang; do vậy nên khi đang lúc vịt ngủ mà mấy con rắn, mấy con chuột này từ các gò mả lùm bụi ấy xuất hiện thì vịt sẽ giựt mình và chúng chạy náo loạn trong chuồng, có khi vì chạy hoảng loạn như vậy sẽ làm chúng bị giập trứng nên nín đẻ luôn là vậy. Còn chỗ nền chuồng ở bờ đất cao thì mỗi khi bầy vịt hì hụt bò về chuồng cũng dễ làm cho vịt bị giập trứng, nên chúng ngưng đẻ dù đang giữa mùa đẻ trứng.

Nuôi vịt đẻ tới mùa chúng cho trứng ham lắm. Mấy năm về quê làm ruộng tôi có nuôi vịt đẻ nên ham lắm nhưng tới mùa vịt hết đẻ thì lại rầu vì vịt ăn dữ lắm, nếu lúc vịt đẻ mà mình hổng cụ bị mua lúa dự trữ để khi vịt thôi đẻ thì coi như bầy vịt của mình khó mập và đẻ đều như lúc chúng ăn uống đầy đủ.Đó là tôi kể là lúc mùa màng thời tiết bình yên, thuận lợi; còn gặp lúc trái gió trở trời thì vịt dễ sinh ra dịch bịnh mặc dù khi bắt vịt con về là người ta đã chích ngừa cho chúng rồi. Bầy vịt bị bịnh, dân nuôi vịt hổng gọi vịt bịnh mà gọi là “vịt bể”hoặc “vịt bị bể”! Hồi đời xưa lúc còn làm lúa mùa, lúc chưa có thuốc chích ngừa, chưa có thuốc trị bịnh cho vịt thì người ta tìm cách dời chuồng vịt đi nơi khác; mấy năm sau này khi có thuốc trị bịnh cho vịt, thì một mặt người ta dời chuồng vịt đến chỗ mới và mặt khác chích thuốc trị cúm cho chúng cũng như có con vịt nào chết vì bị bịnh thì tuyệt đối mình không ăn vịt chết và cách tốt nhứt là lấy rơm đốt mấy con vịt bị chết này cho cháy vàng lên, nếu được ở gần nhà thì thả xuống ao hồ cho cá nuôi dưới đó ăn cũng tiện. Tuy vậy cũng có lúc có nhiều bầy vịt “bị bể” nặng quá thì coi như phủi tay luôn và khăn gói về nhà với hai bàn tay trắng! Bởi vậy ở nhà quê người ta có một câu nói rất quen như một lời khuyên, một lời cảnh giác mà hàm súc: “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt”.Và bây giờ sau năm sáu chục năm qua rồi, nay khi tôi ngồi nhẩm tính lại thì tôi thấy lời nói ở cửa miệng nơi nhà quê như tôi vừa nhắc vậy mà nó trúng dữ lắm!

Vài hàng kể chuyện về việc nuôi vịt hãng để anh Năm nghe chơi cho vui. Âu đó cũng là một phần đời mà có bận tôi đã trải qua với những năm tháng tôi sống với nghề làm ruộng, rồi giăng lưới giăng câu, và cả cái nghề nuôi vịt đẻ nữa. Nhớ lại mà bùi ngùi, mình đã có một thời quá lam lũ và cực nhọc đến vậy!

 

Hai Trầu

(Lương Thư Trung)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Già ơi....chào bạn, Góc nhìn - nhận định

  • « Go to Previous Page
  • Go to page 1
  • Go to page 2
  • Go to page 3
  • Go to page 4
  • Go to page 5
  • Interim pages omitted …
  • Go to page 43
  • Go to Next Page »

Thư đi Tin lại

  • Lịch “Trò chuyện, giao lưu…”
  • Lại đính chính: “SAIGON BÂY GIỜ”
  • ĐÍNH CHÍNH: BSNGOC không phải là BS ĐỖ HỒNG NGỌC
  • Đính chính: BS NGỌC không phải là Bs Đỗ Hồng Ngọc
  • bsngoc đã lên tiếng đính chính
  • Thư cảm ơn và Đính chính về FACEBOOK Bác sĩ NGỌC
  • ĐÍNH CHÍNH: Bài viết "TÀN NHẪN" không phải của Bs Đỗ Hồng Ngọc

PHẬT HỌC & ĐỜI SỐNG

TẠP GHI (Lõm bõm…) kỳ 3

Tạp Ghi (Lõm bõm kỳ 2)

TẠP GHI (Lõm Bõm)

Nguyễn Xuân Thiệp: VỴ ƠI…

Truyện Phan Tấn Hải: QUÊN NHAU LÀ CHUYỆN KHÓ

Thêm một Tuổi Mới

PHĐS: Buổi học cuối năm (16.1.2021).

Biết rồi còn hỏi

Ba tầng của tâm thức – Vô Kỵ ở tầng nào?

“An cư kiết hạ” trong mùa Covi

Xem thêm >>

Chuyên mục

  • Một chút tôi
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy

Bài viết mới nhất!

  • TẠP GHI (Lõm bõm…) kỳ 3
  • Trần Hoài Thư: Thư Tết gửi bạn thơ Đỗ Nghê ở SG.
  • Trần Doãn Nho: Lạnh lùng Texas!
  • Tạp Ghi (Lõm bõm kỳ 2)
  • TẠP GHI (Lõm Bõm)

Bài viết theo tháng

Ý kiến bạn đọc!

  • Diêu Trong trong TẠP GHI (Lõm bõm…) kỳ 3
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong CHÚC MỪNG NĂM MỚI
  • Diêu Trong trong CHÚC MỪNG NĂM MỚI
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Sách Ở Trên Đường
  • Su Su Do trong Sách Ở Trên Đường
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Tĩnh lặng
  • Tịnh Phan trong Tĩnh lặng
  • Phan Minh Tịnh trong Tĩnh lặng
  • Trần Vạn Lợi trong Chuyện kể đêm Giáng Sinh
  • hai trầu trong Chuyến về Đà Lạt cùng Quán Văn

Cùng một tác giả

  • 0
  • 1
  • 1
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6

Thống kê

Nhà tài trợ

biệt thự vũng tàu
biệt thự vũng tàu cho thuê | biệt thự vũng tàu cho thuê theo ngày giá rẻ | cho thuê biệt thự vũng tàu có hồ bơi
© 2009 - 2016 Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Phát triển & Hỗ trợ kỹ thuật bởi SGC.
Trích dịch nội dung để dùng trong nghiên cứu, học tập hay dùng cho cá nhân đều được tự do nhưng cần phải chú thích rõ nguồn tài liệu và đối với các trích dịch với mục đích khác, cần phải liên lạc với tác giả.
  • Một chút tôi
    ?
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    ?
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    ?
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    ?
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    ?
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy
  • Nhận bài mới qua email