“Sách bỏ túi” cho người cao tuổi: CON ĐƯỜNG AN LẠC
(tiếp theo)
Đỗ Hồng Ngọc
Tuổi già học Phật
Khi về già, tôi học Phật cách khác. Mỗi kinh sách, bài giảng dài dòng, thêm bớt… tôi chỉ học một câu, một chữ, một bài kệ và tự nghiền ngẫm, đặt câu hỏi, giải đáp và thực hành trong đời sống hàng ngày. Con đường học Phật phải là con đường an lạc, con đường “diệt khổ”, chớ nếu học Phạt mà “khổ thêm” thì chắc học sai!
(Nguyên Giác PTH)
Với Tâm Kinh Bát Nhã, chỉ cần học và hành một câu: “ Quán Tự Tại Bồ-Tát hành thâm Bát Nhã Balamatđa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai “KHÔNG”, độ nhất thiết khổ ách.”
Bồ-Tát Quán Tự Tại nhờ thực hành thâm sâu Bát Nhã Balamatda mà thoát mọi khổ đau ách nạn!
Tôi tự hỏi: Quán Tự Tại là ai? Bồ-tát là gì? Hành thâm là sao? Bát Nhã Balamat là gì? “Độ” tất cả khổ đau ách nạn thiệt không?…
Rốt lại chỉ cần học một chữ KHÔNG (Prajna, Bát Nhã) đó là đủ. Khi hiểu chữ Không do “Duyên sinh” thì ta không dễ bị lường gạt nữa bởi những cái hình tướng, danh tự bên ngoài. “Thấy vậy mà không phải vậy!” “Nghe vậy mà không phải vậy!”, tránh được những “biến kế sở chấp” và “y tha khởi” tác động, không còn bị dích mắc và từ đó, có thể “vô sở trụ”. Trong đời sống hàng ngày, ta thường luôn bám chấp, nghe lời đường mật, thấy hình tướng bên ngoài mà tưởng thiệt nên bị gạt gẫm bao phen, tỉnh ngộ thì đã muộn! Thời đại ngày nay càng cần “cảnh giác” nào fake news, deep fake, AI… các thứ!
Với Kim Cang, chỉ cần học một câu Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm. Thấy mọi sự do cái tâm mà sinh ra. Nhưng tâm sinh thì cứ sinh, miễn đường “trụ” vao đó, đừng dính mắc vào đó. Dính mắc khổ dài dài ráng chịu! Nếu Tâm sinh kệ nó, đừng thèm trụ vào đâu cả. Cho nên lấy Vô trụ làm Gốc (bản) trong Pháp Bảo Đàn Kinh của Lục tổ Huệ Năng, lấy Vô Niệm làm tông. Tâm không “sinh sự” được nữa. Tâm bất sinh. Tâm trở về với “bổn lai diện mục” của nó. Trở về cái thể “vô tướng” thanh tịnh của nó. Muốn vậy, phải vào Thiền Định. Kim Cang dạy thiền định, dạy ly tướng, ly niệm, để đạt tới cái “Như Như bất động” của Như Lai.
Với Kinh Hoa Nghiêm, tôi nghĩ chỉ cần học Hội Thứ Nhất ở Bồ Đề đạo tràng, với các phẩm đầu là đủ. Dĩ nhiên sau đó là phần thực hành, “Nhập pháp giới”, nghĩa là thực hành, là “Vào đời”. Và mỗi chúng ta đều là Thiện Tài đồng tử, lòng rộng mở, khiêm tốn học tập với tất cả mọi người.
“Thế Chủ Diệu Nghiêm”- làm chủ thế giới- chắc chắn không phải là một ông thần, ông thánh, vua chúa, hoàng đế nào đó mà phải là một người đạt được “Diệu nghiêm”. Đó là một Bồ tát, ung dung, tự tại vô ngại, đã “hành thâm Bát Nhã, chiếu kiến ngũ uẩn giai Không” mới được.
Như Lai vốn “vô tướng” tự nhiên lại “hiện tướng” ra một ông Phật làm chi cho vất vả, thì ra chỉ vì lòng Đại bi. Ta cũng từ “Như Lai tạng” mà được/bị “nặn” ra để chịu bao phiền não chẳng biết do duyên gì, y báo chánh báo gì, nói chung là do cái Nghiệp! Ngày nào trả xong Nghiệp thì trở về với cõi “vô sanh” đó thôi.
Để thấy biết “Như lai hiện tướng” ra sao thì phải vào Tam muội Phổ Hiền. Tam muội ấy là Samadhi, thứ Định sâu nhất. Vào định Phổ Hiền mới thấy từ Vô tướng “Một ông Phật hiện ra, Ba con ma biến mất!”. Ma Tham, ma Sân, ma Si không còn quậy phá ta!
Thế giới thành tựu đầy “hoa tạng” trước mắt ta, dĩ nhiên đều do từ Tâm ta mà hiện ra. Nào sanh diệt, nào đoạn thường, nào huyễn hoá… tuyệt vời như vậy mà ta không biết, cứ khổ đau, phiền não, chướng ngại, ráng chịu thôi. Cứ “nhập thế” dạo chơi một vòng như Thiện Tài đồng tử thì cuối cùng cũng thấy ra thôi. Thấy gì? Thấy Tỳ- lô- giá- na (vairocana). Thấy “Nhất thiết chư Phật tỳ- lô- giá- na như lai tạng thân” (Kinh Hoa Nghiêm). Bây giờ ta biết vạn vật đều từ ADN mà ra, và ADN thì từ… không có gì mà ra (bổn lai vô nhất vật) đó thôi. Lý vô ngại rồi thì Sự Sự vô ngại. Cái núi Tu Di to đùng kia nhét vào hạt cải, bốn biến mênh mông nọ rót vào một lỗ chân lông…
Với Kinh Pháp Hoa thì cái hay là chỉ cách làm thế nào để “mau thành Phật”. Lâu nay ta cứ tưởng thành Phật không dễ, phải tu nhiều đời nhiều kiếp. Hôm đó dưới chân núi Linh Thứu, Phật nói với các đệ tử, ta nay đã già, sắp nhập Niết bàn rồi, các thầy có ai muốn hỏi gì thì hỏi ngay đi! Vị Đại Bồ tát dẫn đầu hỏi ngay: Làm thế nào để “mau” thành Phật? Tưởng Phật sẽ rầy la, ai dè Phật trả lời: Dễ lắm! Chỉ cần học Pháp môn “Vô lượng nghĩa xứ” thì xong ngay. Mà Pháp môn đó lại chỉ có một pháp thôi: “Đó là Vô tướng”. Rồi Phật giải thích thêm: “Vô tướng ở đây là vô tướng mà chẳng phải vô tướng, chẳng phải vô tướng mà vô tướng, nên gọi là Thực tướng”. Hoá ra, vô tướng chính là thực tướng. Thực tướng chính là vô tướng. Chẳng cũng khoái ru? Chìm đắm trong vô tướng là sai. Mà lặn ngụp trong thực tướng cũng sai. Cho nên “thấy như thực” không phải là thấy thực, chỉ là “như” (thực) mà thôi. Ta phải thấy cái “vô tướng” của nó kìa, mới biết nó vô thường, vô ngã, biết nó duyên sinh, duyên khởi, có mà không, không mà có. Thấy biết vậy, ta không còn dính mắc! Bất tận Hữu vi mà bất trụ Vô vi. Chẳng hữu chẳng vô gì cả. Ta cũng học được các đức tính Tôn trọng (Respect) của Thường bất khinh, Chân thành (Genuine) của Dược vương và Thấu cảm (Empathy), biết Lắng nghe (Listening) của Quán Thế Âm.
Với Pháp Hoa, tôi tự hỏi mục đích Khai thị chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật là sao? “Tri kiến Phật” có gì hay? Sau khi ngẩm ngợi, nghiền ngẫm rồi mới thấy hay thiệt. Vô thường, vô ngã, khổ, bất tịnh… cũng chính là Thường Lạc Ngã Tịnh đó thôi, chẳng qua vì “điên đảo” mộng tưởng!
Với Kinh Duy Ma Cật, học rằng cõi Phật chẳng đâu xa. Cõi Phật trong ta đó thôi. Tâm ta mà thanh tịnh thì cõi Phật thanh tịnh. Tâm ta chưa thanh tịnh thì thấy đâu cũng là gò nỗng, hầm hố, gai góc, thanh tịnh rồi thì cõi đất bỗng nhiên trở nên rộng lớn, nghiêm đẹp, ánh vàng khắp nơi nơi…
Học rằng phương tiện mà không trí huệ không xong. Trí độ là mẹ Bồ Tát. Tùy nghi phương tiện là cha. Phải có Trí độ (Bát Nhã) trước đã. Rồi, phương tiện mới tùy nghi được.
Học rằng Bồ-tát không đắm mê các tầng thiền để bỏ quên đời, phải thấu cảm cùng nỗi khổ đau vô tận của chúng sanh. Cho nên Bồ-tát “Tu học lẽ không mà chẳng lấy lẽ không làm chứng đắc. Tu học vô tướng, vô tác, mà chẳng lấy vô tướng, vô tác làm chứng đắc”.
Học rằng tâm khó mà nhận thấy! Làm sao để tâm an? Chỉ có cách tiếp cận qua thân. Cho nên “giả bệnh” như Duy Ma Cật là cách tốt nhất. Bệnh thì bình đẳng, không phân biệt. Mọi người đều bình đẳng trước… bệnh! Duy-ma-cật nói “Thân này không thể tin cậy được. Nó không phải của ta, không phải là ta, không phải là tự ngã của ta. Phải thấy thân Phật, tức thấy pháp thân.”
Học rằng chúng sanh là những ảo vật do nhà ảo thuật là chính ta tạo ra. Mà nhà ảo thuật cũng là một chúng sanh. Chẳng qua là những bóng hình trong gương, mặt trăng đáy nước, dấu chân chim giữa hư không…
Học rằng bốn Ma là “thị giả”, luôn ở cạnh ta, giúp ta. Ma phiền não bủa vây và nhắc nhở sẵn có bốn vạn tám ngàn cách thoát ra; Ma ngũ uẩn thì thân thiết, nhắc rằng mấy thứ lăng nhăng nó quấy ta chỉ là những kết hợp tạm bợ, lắp ghép lai rai; Ma trời (thiên ma) là lời cảnh giác, đừng tưởng bở! Còn Ma chết (tử ma) lại là bạn thiết gắn bó với ta từ thuở còn trong bụng mẹ…
Học rằng có thứ hương thơm nuôi cả thân và tâm bất tận đó chính là Giới đức. Thứ hương thơm đó mới có thể bay cao, bay xa, bay ngược chiều gió…
……………………
Nhìn lại chặng đường lõm bõm học Phật của mình, tôi thấy có thể tự vẽ một phác đồ để nhắc nhở mình cho đừng quên:
Pháp Hoa là cốt lõi, ở trung tâm, vị Đạo sư đã mở tung một bí tạng, một “bí kíp” mà các Đức Phật xưa nay còn giấu nhẹm, không tiện nói ra, nay Phật Thích Ca đã “khai thị” cho ta thấy biết Như Lai, từ đó mà “ngộ nhập”, mà sống cùng, sống với, từ đó mà ung dung, tự tại, thuận với pháp, tùy với duyên, một khi biết tất cả đều cùng từ một Như Lai tạng, một “bào thai Như Lai”. Nó vậy là Nó vậy. Vô thủy vô chung. Tương tác từ Như Lai tạng mà hình thành pháp giới trong vũ trụ vô vàn… Với Trí Bát Nhã được “trang bị” ta không còn bị đắm chìm với những “phân biệt”, những “biến kế”, những “y tha” chằng chịt, quấn quít, khiến ta không thấy được cái Như như…
Thấy biết như vậy rồi thì ta mới có đủ Tự tin để Tự tại, hoàn toàn tự do và chịu trách nhiệm về duyên về nghiệp của mình, mà không đổ thừa, không nhờ vả. Ta biết quay về “nương tựa” chính mình và nhận ra một khi đã “tịnh kỳ ý” thì cái tâm ta đã trở về với “Thanh tịnh bổn nhiên” như được Phổ Hiền Bồ-tát dẫn vào lâu các Tỳ-lô-giá-na vốn là Pháp thân của chính mình.
Cuối cùng Duy-ma-cật sở thuyết là nỗi hoài vọng của Phật, muốn lan tỏa đến mọi con người, mọi ngóc ngách đời sống, tạo nên một cõi Phật, một pháp giới bình đẳng, an vui, hạnh phúc cho kiếp người!
Đỗ Hồng Ngọc
(Saigon, 11.10.2024)