Salon Văn Hóa Cà Phê Thứ Bảy 13/7/2019
CÀ PHÊ THỨ BẢY
THƯ MỜI
CÀ PHÊ GẶP GỠ & ĐỐI THOẠI
Anh chị và các bạn thân mến!
Vào lúc 9 giờ sáng thứ bảy 13/07/2019
tại SALON VĂN HÓA quán CÀ PHÊ THỨ BẢY,
lầu 1, số 38 Võ Văn Tần Q.3 TPHCM
sẽ diễn ra buổi CÀ PHÊ GẶP GỠ & ĐỐI THOẠI
“Cà phê” với BS ĐỖ HỒNG NGỌC
Chủ đề: TÂM TÌNH CỦA MỘT NHÀ KHOA HỌC
– NHÀ VĂN ĐỖ HỒNG NGỌC
Chủ trì: DƯƠNG THỤ
Rất mong các bạn đến tham dự.
Hân hạnh được đón tiếp
GĐ CPTB
Dương Thụ
__________________
LỜI DẪN
“Đỗ Hồng Ngọc nổi tiếng từ rất sớm. Trước năm 1975, anh sáng tác thơ với bút danh Đỗ Nghê, đã có tác phẩm đăng trên các báo Bách Khoa, Tình Thương… Nhiều bài nổi tiếng như Em còn sống mãi, Tâm sự Lạc Long Quân, Lời ru, Cổ tích về ngôn ngữ v.v… Sau này anh đã tập hợp in trong tập thơ đầu tay Tình người, xuất bản năm 1967.
Nhớ đến anh, lập tức những câu thơ trong bài Thư cho bé sơ sinh thấm đẫm tính nhân văn, thấu hiểu lẽ vô thường trong cõi nhân sinh lại vọng về trí nhớ: Khi anh cắt rún cho em/ Anh đã xin lỗi chân thành rồi đó nhé/ Vì từ nay em đã phải cô đơn/ Em đã phải xa địa đàng lòng mẹ
Từ 1972, nhà văn hóa Nguyễn Hiến Lê nhận xét về anh: “Một bác sĩ mà lại là một thi sĩ thì luôn làm cho chúng ta ngạc nhiên một cách thú vị”. Câu này, càng về sau lại càng thấy đúng.
Từ quyển sách Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò (1972), và nhất là Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng (1974) đã tái bản rất nhiều lần, đáng chú ý nhất là các tập sách mà anh phân loại một cách dí dỏm là viết cho “Tuổi hườm hườm” như Gió heo may đã về; Già ơi… chào bạn, Chẳng cũng khoái ru?, Những người trẻ lạ lùng, Thư gởi người bận rộn… Những năm tháng gần đây, anh đã chú tâm nghiên cứu về Phật học, về thiền. Có thể kể đến những tập sách như Nghĩ từ trái tim, Gươm báu trao tay, Thiền và Sức khỏe, Gì đẹp bằng sen?… Đọc anh còn là một cách thư giãn, như được trò chuyện với một người bạn gần gũi và thân mật.
Nhắc đến bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, lập tức chúng ta nghĩ ngay đến một nhân vật khá đặc biệt: lãng tử và phiêu bồng trong thơ, dí dỏm và mạch lạc khi viết về y học, trầm mặc và sâu lắng trong tạp bút và thỉnh thoảng ông cũng ký họa chân dung bạn bè… Ông không ồn ào và gần như ít la cà chốn đông người. Và cứ thế, lặng lẽ sống an nhiên và lao động hết mình, ông đã có nhiều tác phẩm quen thuộc với bạn đọc.”
(Trích trong bài viết “Một người bạn gần gũi và thân mật” của nhà thơ Lê Minh Quốc).
Một con người như thế sẽ tâm tình với chúng ta trong buổi cà phê mà CPTB đặc biệt dành cho ông.
__________________
VÀI NÉT VỀ DIỄN GIẢ
Tiến sĩ Y khoa quốc gia, tốt nghiệp Y khoa Đại học đường Saigon, năm 1969.
Tu nghiệp Y tế công cộng tại Đại học Harvard Hoa Kỳ (1993) và Giáo dục sức khỏe tại CFES, Pháp (1997).
Nguyên giám đốc Trung tâm Truyền thông – Giáo dục Sức khỏe Tp.HCM.
Nguyên giảng viên thỉnh giảng Đại học Y dược; nguyên Trưởng Bộ môn Khoa học hành vi & Giáo dục sức khỏe, Cố vấn Bộ môn Y đức-Khoa học hành vi Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Tp.HCM.
Website: www.dohongngoc.com
Email: dohongngocbs@gmail.com