Thư đi… Tin lại
Ghi chú: Nhat Duong 18 tuổi. Qua Mỹ lúc 16. Đang chuẩn bị học thi vào Y khoa. Hai năm sống ở Mỹ, em có những cảm nhận thật sâu sắc. Riêng với tôi còn là một bất ngờ, đáng quý. Vì thế, trên mục “Thư đi…Tin lại” kỳ này tôi muốn chia sẻ cùng các bạn trẻ và các vị phụ huynh một cái nhìn từ một người trẻ xa nhà. Tôi cũng đã mạn phép em chuyển thư này đến nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Thân mến,
Đỗ Hồng Ngọc.
Nhat Duong nhatduong@yahoo.com
Minnesota, ngay 3 thang 10 nam 2011,
Kính gửi Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc
Kính thưa Bác sĩ,
Con tên là Nhat Duong, hiện nay đang học ở Mỹ. Con chỉ vừa mới qua đây được 2 năm, nay con đã 18 tuổi rồi; cái tuổi thiệt đẹp phải không Bác sĩ?
Trong khi viết những dòng này cho Bác sĩ, con có một cảm giác thật hồi hộp mà con nghĩ Bác sĩ- hơn 60 năm về trước- cũng đã trải qua khi “đánh bạo” viết thư cho cố học giả Nguyễn Hiến Lê. Hồi hộp vì không biết có được trả lời thư hay không, hoặc Bác sĩ sẽ đánh giá sức học, trình độ văn hóa qua cách viết của mình như thế nào…
Con, đặt chân lên nước Mỹ năm 16 tuổi, thấy mình thật may mắn vì đã được “hít thở” không khí Á Đông, cụ thể là Viet Nam, thấy được vẻ đẹp của thành phố Sai Gon thân yêu mỗi sáng, nét duyên dáng của tà áo dài nữ sinh sau mỗi giờ tan học mà nói như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong truyện Mắt Biếc là “một kỳ quan.” Nếu được chọn lại, con vẫn sẽ chọn mình được sinh ra và lớn lên ở Sai Gon, Viet Nam, dù cho sau này con có phải vất vả học tiếng Anh như thế nào đi chăng nữa. Đối với con, tiếng Việt đẹp một cách lạ kỳ, đặc biệt kể từ hồi con qua Mỹ đến giờ. Đẹp đên mức trong những lần thắp nhang khấn Phật, con đã xin Phật cho con mãi là người Viet Nam, kiếp này và cả những kiếp sau nữa…
Cơ duyên đã cho con được “gặp” Bác sĩ qua những tác phẩm như “Như ngàn thang thuốc bổ”, “Thầy thuốc và bệnh nhân”, “Gió heo may đã về”, “Thư gởi người bạn rộn”… từ rất sớm, năm đó con chỉ đang học lớp 8 mà thôi. Mà lại lén giấu ba mẹ để đọc, sợ ba mẹ phát hiện được lại nói mình “ông cụ non”! Mà đọc lén cũng có cái thú của nó, Bác sĩ đồng ý với con chứ? Cảm giác lúc đầu của con khi đọc lời tựa “Như ngàn thang thuốc bổ” là sự kính trọng xen lẫn sợ sệt khi nghe Bác sĩ làm việc “như điên trong nhiều năm trời,” để rồi bị “tai biến mạch máu não, phải mổ gấp.” Lúc đó con đã từ bỏ ý định trở thành Bác sĩ. Nhưng rồi những tác phẩm tiếp theo của Bác sĩ đã làm con phải suy nghĩ lại, thậm chí suy nghĩ rất nhiều. Tất cả những tác phẩm của Bác sĩ, ngọai trừ “Gươm báu trao tay” và “Nghĩ từ trái tim,” con không nhớ đã đọc bao nhiêu lần từ năm lớp 8 đến nay, nhưng đủ nhiều để con thấm thía những bài học trong đó. Nhờ Bác sĩ mà con không se sua quần áo, không đua đòi ba me này nọ; rằng chỉ có học giỏi mới được mọi người “mua chuộc”.
Cơ duyên cũng cho con “gặp” nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và học gỉa Nguyễn Hiến Lê qua những tác phẩm tuyệt hay của hai ông. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nuôi dưỡng hạt giống tuổi thơ trong con, giup con yêu Viet Nam hơn. Từ hồi đọc truyện Nguyễn Nhật Ánh, con tự thay đổi mình rất nhiều. Không hiểu sao truyện Nguyễn Nhật Ánh vừa có tính chất giải trí vừa có tính giáo dục rất cao. Còn về học gỉa Nguyễn Hiến Lê, thật sự con chỉ biết thưởng thức những tác phẩm của ông mà không có bất cứ 1 lời phàn nàn nào, vì những tác phẩm được viết quá khéo và quá hay!
Thưa Bác sĩ, nãy giờ con trải lòng với Bác sĩ như vậy để Bác sĩ hiểu con hơn, ngoài ra để Bác sĩ có đủ “tư liệu, thông tin” để tư vấn cho con vấn đề sau đây:
Con đang theo học để thi vào Y khoa ở Mỹ. Mục tiêu của con là trở thành Bác sĩ, cứu chữa được thiệt nhiều người, đặc biệt là người nghèo. Mặc dù con biết Y khoa là ngành khó nhất ở Mỹ, phải có bằng cử nhân (bachelor degree) và điểm thi MCAT, cộng với những sinh hoạt ngoại khóa khác. Thế nên, con rất muốn nghe lời khuyên của Bác sĩ về việc làm thế nào để trở thành 1 vị bác sĩ tốt. Được vậy con cảm ơn Bác sĩ nhiều lắm…
Một chuyện nữa là Bác sĩ cho con lời khuyên chọn vợ như thế nào sau này. Con biết Bác sĩ sẽ nghĩ con lo chuyện “nữ nhi tình trường” mà không chú tâm vô học. Nhưng Bác sĩ ơi, con sợ rằng khi con cần hỏi thì Bác sĩ đã trăm tuổi rồi…
Chuyện cuối cùng là việc nên nuôi dạy con của con ở Việt Nam hay Mỹ. Con biết vấn đề này hơi nhạy cảm một tí, nhưng thực tình con rất muốn nuôi dạy con của con ở Việt Nam. Bác sĩ cũng đã biết nuôi dạy con cái khó như thế nào, đặc biệt ở Mỹ, nơi mà nếu muốn, đứa trẻ có thể gọi 911 bất cứ lúc nào để “bỏ bót” cha mẹ nó, cùng hằng trăm khác biệt văn hóa khác. Sẽ thật tuyệt vời nếu Bác sĩ có thể cho con một lời giải cho “bài toán” này.
Con thực tình xin lỗi Bác sĩ vì đã viết 1 bức thư dài như vậy (con biết Bác sĩ mới mổ cườm mắt gần đây), nhưng xin Bác sĩ hãy cho con 1 lời khuyên để con vững tin hơn trên bước đường con đã, đang, và sẽ chọn sau này…
Nhat Duong
Saigon 7.10.2011
Tg Nhat Duong,
1. Bác thật sự ngac nhiên thấy con mới 18 tuổi, đã qua Mỹ 2 năm rồi mà con viết tiếng Việt rất tốt, nhất là những suy nghĩ của con rất Việt Nam, có lẽ nhờ con đã sống trong một nền nếp văn hóa gia đình.
2. Không đến 60 năm đâu, mới 54 năm thôi. Đó là năm 1957 khi bác “đánh bạo” viết thư cho ông Nguyễn Hiến Lê hỏi ý kiến về chuyện học hành. Hồi đó viết thư tay chứ không như bây giờ có máy vi tính, có internet. Viết tay còn có thể bị đánh giá qua chữ viết nữa đó chứ (Đời người qua nét bút)!
3. Con có thể nói rõ hơn, tại sao con thấy may mắn vì được « hit thở » không khí Á Đông ? Cho vài ví dụ? Bởi nhiều bạn trẻ như con qua được đến Mỹ thì coi như mình được “giải thoát” và hội nhập vào văn hóa Mỹ rất nhanh! Có phải con sanh ra ở Saigon? Gia cảnh ra sao? Bố mẹ làm nghề gì? Như vậy Bác mới hiểu con nhiều hơn. À, đặc biệt con thấy tiếng Việt “đẹp một cách lạ kỳ” ở chỗ nào?
3. Đọc lén, thú lắm chứ! Nhưng lén đọc “bậy bạ” thì lại không nên. Có lẽ gia đình con, Ba mẹ con đã có sẵn một số sách của Bác nên con mới có cơ hội đọc lén? Con sợ ba mẹ phát hiện nói con là ông cụ non thì Bác thấy con trở thành ông cụ non thiệt rồi đó qua thư này! Con cho Bác biết, vì sao con đọc sách của Bác mà lại thích? Bác đâu có viết “tiểu thuyết” như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh?
4. Không se sua chưng diện, tốt. Có lẽ Ba mẹ con chắc cũng ngạc nhiên thấy có thằng con không se sua chưng diện, chỉ lo học hành, lo hoạch định tương lai từ nhỏ? Tại sao ngoại trừ Gươm báo trao tay và Nghĩ từ trái tim không đọc? Có phải vì nó khó hiểu hay vì nó viết về Phật giáo?
5. Con nhận xét về 2 tác giả Nguyễn Hiến Lê và Nguyễn Nhật Ánh rất đúng.( Bác mạn phép chuyển thư này đến nhà văn NNA, để ông thấy ông được giới trẻ đánh giá ra sao). Bác hy vọng NNA sẽ ngày càng nâng cao tính giáo dục của tác phẩm mình, sẽ có ích nhiều cho tuổi trẻ.
5. Con phải đặt Mục tiêu từng bước. Đừng đặt Mục tiêu quá xa. Phải xong Bachelor, phải chuẩn bị thi MCAT cho thật tốt… Sau đó mới tính chuyên trở thành một bác sĩ “tốt” là như thế nào được. Ở đời nhiều khi mình tính đường này nó ra đường khác. Bác chúc con “thuận buồm xuôi gió”, nhưng đừng đặt kỳ vọng quá xa, vì nếu không thành công sẽ dễ nản chí, ngã lòng. Đọc thư con, Bác biết con là người có ý chí, nghị lực, có “văn hóa” rộng. Như vậy, dù con không thành Bác sĩ đi nữa thì vẫn sẽ thành công trên đường đời, vẫn sẽ là một người tốt, giúp ich được cho gia đình và xã hội.
6. Chọn vợ? Đây là chỗ mà Bác nói con trở thành “ông cụ non”. Lo xa quá! Chọn vợ như thế nào ư? Nhiều khi phải có « duyên » và « nợ » con ạ ! Có duyên mà không nợ, có nợ mà không duyên, cũng không thành. Trong mọi tình huống, đều phải biết uyển chuyển, trung dung. Đặt nhiều điều kiện quá dễ thất bại lắm! Con có thể tìm đọc cuốn “Tương lai trong tay ta” của Nguyễn Hiến Lê. Ông có chỉ cách “chọn vợ” trong đó.
Con 18 tuổi chắc cũng đã bắt đầu quan tâm đến chuyện nam nữ, mới thấy “áo dài” nữ sinh đẹp như thế nào phải không? Vậy là tốt. Tốt vì con là “con trai” thực sự. Hãy để thời gian tập trung lo học. “Tình duyên” sẽ đến sau. Bác còn gần 30 năm nữa mới được… trăm tuổi. Lúc đó con cũng lớn bộn rồi! Đừng lo.
7. Chuyện “dạy con” để tới đó hẳn hay. Lúc đó, con sẽ có nhiều vấn đề để giải quyết lắm. Học xong con về Việt Nam hay ở Mỹ luôn? Vợ con là ai? Ý kiến vợ con thế nào? Con phải tôn trọng, bàn bạc. Ý kiến Ba mẹ con thế nào? Còn “Ba mẹ vợ” nữa chứ! Lỡ con cưới một cô gái Mỹ hay Tàu… thì sao? Ai biết được? Que sera sera. Dù sao, con cũng nên để dành cuốn Khi Người Ta Lớn và Tuổi Mới Lớn… cho con của con! Dù sao, con của con cũng nên được trui rèn trong nền văn hóa Việt phải không?
Trước mắt tập trung lo học, đạt Muc tiêu từng bước. Rèn nghị lực, nhân cách. Giữ gìn sức khỏe.
Chúc con mọi sự tốt lành.
BS Do Hong Ngoc.
Minnesota, ngay 7 thang 10 nam 2011
Kính thưa Bác sĩ,
Con thiệt không biết nói gì hơn là cảm ơn Bác sĩ đã trả lời thư của con. Từ hồi nhỏ đến giờ đây là lần đầu tiên có người trả lời thư cho con, mà lại là Bác sĩ nữa! Con thích lắm, cảm giác vừa hồi hộp, vừa vui mừng.
Lý do con nói rằng con “may mắn được hít thở không khí Á Đông” vì con thấy cuộc sống ở Mỹ sao mà cực quá! Người Mỹ có lẽ không biết khái niệm “sống nhàn nhã” như người phương Đông, lúc nào vẻ mặt cũng căng thẳng, âu lo, vì phải lo trả tiền nhà, tiền xe, tiền điện, nước,…Ngay cả trong cách ăn uống con cũng thấy người Mỹ đang tự hủy hoại bản thân mình. Bác sĩ biết không, bên này ở các cửa hàng người ta bán các “thanh dinh dưỡng” (nutrition bar), nhìn bề ngoài gióng như mấy thanh kẹo socola; ví dụ đến bữa trưa, nếu Bác sĩ không cảm thấy muốn ăn trưa thì Bác sĩ có thể ăn 1 “thanh dinh dưỡng” đó, bảo đảm no đến chiều (theo như lời 1 thầy giáo người Mỹ của con và nhiều người khác)! Con mặc dù chưa được học Y khoa đến nơi đến chốn, nhưng mới nghe qua cũng đã thấy khó tin rồi. Một chuyện nữa là chuyện con cái đối xử với cha mẹ. Sống bên Mỹ, chuyện con cái lớn tiếng với cha mẹ dường như đã thành…cơm bữa, hình như thiếu nó không được, thiếu thì không còn là Mỹ nữa. Nếu được giáo dục theo người Việt Nam, hẳn những bạn đó không bao giờ làm như vậy. Thêm nữa, chuyện con cái bỏ mặc cha mẹ một mình khi tuổi già sức yếu, thậm chí cho vào viện dưỡng lão, là con không chịu được. Nếu Bác sĩ biết rằng ở nơi con ở, đối diện với 1 viện dưỡng lão là …nhà quàn, thì Bác sĩ cũng sẽ bức xúc vô cùng. Một ví dụ nữa là chuyện ăn mặc của học sinh Mỹ. Nhiều người mặc quần xẻ….tới đầu gối, vào trường chỉ lo chưng diện, tai đeo iPod, bông tai (tại sao con trai lại đeo bông tai? Con không tài nào hiểu được), học hành thì lẹt đẹt, hoạ hoằn lắm mới có 1 người học kha khá. Con gái thì…càng làm con thấy tiếc những tà áo dài “2 phần gió thổi, 1 phần mây.” Trang điểm, đánh phấn, gắn lông mi giả,… Chưa đến 20 tuổi mà nhìn cứ như…ngoài 30! Trong lớp con có 1 cô bạn Mỹ, một lần ngồi nói chuyện xã giao mới biết rằng bạn đó không sống chung nhà với ba mẹ mà dọn ra ngoài sống với bạn trai 25 tuổi. Mà Bác sĩ biết bạn đó bao nhiêu tuổi không? Chỉ mới 19 mà thôi! Chuyện đáng nói ở đây là ba mẹ của bạn đó cũng đồng ý luôn! Trên đây chỉ là một vài ví dụ về những chuyện con thấy trước mắt, tất nhiên con không “vơ đũa cả nắm,” bởi vì vẫn còn những người Mỹ sống rất đàng hoàng, đúng mực, học hành giỏi giang. Bản thân con tiếp thu văn hóa Mỹ cũng rất nhanh; nhưng con chỉ “Mỹ” ở trường học thôi, về nhà con lại là người Việt Nam.
Con được sanh ra và lớn lên ở Sai Gon (nhà con gần chợ Vườn Chuối ở quận 3 đó Bác sĩ), nhưng quê của bên nội con là ở Hà Đông. Bố con là nhân viên ngân hàng, mẹ con là nhân viên văn phòng. Bố mẹ con sống rất đơn giản, tiết kiệm, chi tiêu có ghi sổ sách đàng hoàng, và đặc biệt là đề cao việc học. Lúc còn nhỏ, nếu đòi mẹ con mua đồ chơi thì nhất quyết mẹ con không mua, nhưng nếu mua sách đọc thì thoải mái. Mà tính con hay xúc động, đọc truyện thấy có con mèo đi lạc, đi hoài không tìm đường về nhà được là con …khóc ngon lành. Về việc con thấy tiếng Việt “đẹp một cách lạ kỳ” ít nhiều bị ảnh hưởng bởi nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và… Bác sĩ. Ngôn từ trong truyện Nguyễn Nhật Ánh vừa phong phú, đa dạng, vừa dễ gây xúc động, làm tâm hồn mềm mại hơn; đặc biệt cốt truyện nửa thật nửa hư ảo, nhưng điều làm con thích là những câu chuyện ấy rất gần với cuộc sống hằng ngày của con. Duy chỉ có 1 điều làm con thấy hơi ghét nhà văn là hầu như truyện nào cũng có cái kết buồn ơi là buồn, lần nào đọc xong con buồn mất 2,3 ngày. Vậy mà vẫn thích đọc hoài. Con thấy cảm giác buồn này thiệt dễ chịu, cứ như là nếu không buồn thì không phải Nguyễn Nhật Ánh vậy!
Mặc dù Bác sĩ không viết “tiểu thuyết” như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhưng con thấy những câu chuyện của Bác sĩ có một cái gì đó vừa như những lời răn đe, dạy dỗ, vừa châm biếm những thói hư tật xấu trong xã hội phương Tây và Đông. Như con đã trình bày trong thư trước, cứ nhớ đến lời Bác sĩ dặn “ráng học tập Trần Minh khố chuối đậu trạng nguyên, lấy công chúa” là con như được tiếp thêm sức mạnh. Con hoàn toàn hiểu những gì Bác sĩ muốn gửi gấm đến người đọc trong chương đó. Một điều quan trọng nữa là tuổi thơ của Bác sĩ cũng khá… giống con, cũng bị đánh đòn, cũng đọc truyện lén. Cùng “cảnh ngộ” nên con thích đọc truyện Bác sĩ, chỉ đơn giản vậy thôi.
Về việc con không đọc “Nghĩ từ trái tim” và “Gươm báu trao tay” đúng như Bác sĩ đã “chẩn đoán”: nó hơi khó hiểu đối với con, mặc dù nhà con theo đạo Phat. Con cảm thấy hai tác phẩm này hơi… lạc lỏng giữa rừng tác phẩm Bác sĩ viết cho người đọc phổ thông. Con thích coi mấy dĩa CD mà trong đó Thầy giảng bài cho Phật tử nghe, lồng ghép ví dụ thực tế, như vậy con thích hơn.
Điều cuối cùng là về vấn đề “vợ, con.” Con rất cảm ơn lời khuyên của Bác sĩ và con hứa sẽ nghe theo. Nếu điều kiện cho phép, con vẫn thích về Việt Nam sống và làm việc hơn ở Mỹ.
Con xin phép Bác sĩ cho con dừng ở đây. Chúc Bác sĩ và gia đình luôn được nhiều sức khỏe, hạnh phúc và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.
Nhat Duong
Saigon 11.10,2011
Tg Nhat Duong,
Bác hiểu con đang bị một cú “sốc văn hóa”. Cần có thời gian. Điều quan trọng, hãy giữ gìn “bản sắc” văn hoá riêng của mình nhé. Khi con lớn thêm chút nữa, con sẽ đọc được “Nghĩ từ trái tim”…
Giữ sức khỏe và ráng học cho giỏi.
Bác Ngọc.