Tuyển Tập TÔI HỌC PHẬT của Đỗ Hồng Ngọc
do Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ấn hành (2023)

(Bìa Mai Quế Vũ)
Tôi học Phật
Lời thưa,
Càng có tuổi, hình như tôi càng nhận ra có cái gì đó ở ngoài ý chí mình, can thiệp vào mình tùy hứng khiến mình đôi lúc không khỏi chưng hửng, ngỡ ngàng, thầm nghĩ “duyên” chăng? Nhưng duyên là gì thì không biết. “Nghiệp” chăng? Nhưng nghiệp là gì cũng không biết. Thôi thì, cứ để nó trôi chảy, tự nhiên, bởi nó có vẻ chẳng cần đến ta, chẳng phải là ta, chẳng phải của ta…
Ngoài tuổi 80, tôi nghĩ đã đến lúc “về thu xếp lại”, đã đến lúc “nhìn lại mình…” như người bạn nhạc sĩ họ Trịnh kia đã nói.
Về thu xếp lại, bởi “chút nắng vàng giờ đây cũng vội”, vì rất nhanh thôi, các tế bào thân xác kia đã có vẻ rả rượi, ù lì, và cũng rất nhanh thôi các tế bào thần kinh nọ cũng mịt mờ, mỏi mệt… Đầu năm 2019, tôi gom góp in cuốn Về thu xếp lại như một cột mốc, một hẹn hò, rồi cuối năm tiếp tục gom góp in thêm cuốn Biết ơn mình như một nhắc nhở, rồi đến 2022, in tiếp cuốn Buông…
Tôi mong gom góp, tập hợp một số bài viết, một số biên chép bấy nay trong lúc lõm bõm học Phật, thấp thoáng lời kinh, làm thành một tập tư liệu để ngẫm ngợi khi cần và chia sẻ cùng bè bạn thân quen. Muốn thì muốn vậy, nhưng lực bất tòng tâm rồi.
Duyên may lại đến.
Cách đây mấy năm, một buổi chiều, khi đi café với một người bạn trẻ về đến nhà thì nhận được 3 cuốn bản thảo “Tuyển tập Đỗ Hồng Ngọc” dày cả ngàn trang A4 của một người không quen biết gởi tặng. Giật mình. Ai vậy cà? Thấy có kẹp mảnh giấy nhỏ, ghi số điện thoại tên Nguyễn Hiền Đức. Bèn phone thăm hỏi mới biết đó là một bạn đọc quý mến mình, đã “dõi theo” hành trình viết lách của mình từ lâu, nay tỉ mẩn ghi chép lại cả một tuyển tập đồ sộ gởi tặng và nói còn sẽ gởi tiếp mấy tập nữa! Lúc đầu tưởng anh gom góp từ trên mạng, nhưng không, anh cho biết anh đã gò lưng đánh máy từ những trang sách mà anh ưa thích! Thời buổi này. Lạ thiệt.
Rồi hẹn gặp, mới biết Nguyễn Hiền Đức (thường gọi anh 5 Hiền), trước 1975 từng có thời là Thư ký Tòa soạn Tạp chí Tư Tưởng, Trưởng phòng Tu Thư Đại học Vạn Hạnh, thư ký của Thầy Thích Minh Châu. Một hôm, một người bạn bên kia nửa vòng trái đất cho hay thấy có Tuyển tập Đỗ Hồng Ngọc “Thấp Thoáng Lời Kinh” trên Thư Viện Hoa Sen (30/11/2019) tôi khá bất ngờ…
Sau đó, được thư anh 5 Hiền “trần tình”:
Tôi bắt đầu “gõ” và “gõ”, mải mê “gõ” cuốn “TUYỂN TẬP ĐỖ HỒNG NGỌC – THẤP THOÁNG LỜI KINH” này từ năm 2010 và kết thúc năm 2018. Tôi rất thích từ “Thấp thoáng” vì nó thể hiện rất rõ, rất đúng cái chất “thấp thoáng”, “lõm bõm” của tôi khi học Phật.
Ngay trong bước đầu “tập tễnh học Phật” tôi đã chọn cách học hợp với sở thích của mình. Đó là chọn bài, chọn sách rồi… rị mọ. cặm cụi, kiên trì “gõ” vào máy. Cách làm này giúp tôi đọc chậm, đọc kỹ từng đoạn, từng trang, từng bài, rồi chú tâm sửa lỗi. Tôi đọc ít nhất 5 lần cho mỗi trang với lòng thanh thản, thư thái. Tôi không “ép” mình phải ghi, phải nhớ một điều gì cứ để nó trôi chảy như một dòng sông. Rồi biết đâu mười năm sau, hay hơn nữa những gì tôi đã đọc, đã “gõ” sẽ giúp tôi nhiều hơn, tốt hơn trên con đường học Phật. Tôi chỉ đặt ra một thứ kỷ luật tự giác mà tôi phải tuân thủ, đó là mỗi ngày “gõ” ít nhất 5 trang, mỗi tháng tối thiểu 120 trang học Phật (…).
Làm sao không cảm động với một người bạn không quen biết chí tình như vậy. Cho nên tôi đã gởi thêm cho anh cuốn Cõi Phật Đâu Xa viết về kinh Duy-ma-cật. Vậy là tập sơ thảo Tôi Học Phật hình thành dưới sự trợ giúp của Nguyễn Hiền Đức. Tôi nghĩ không có anh 5 Hiền mải mê rị mọ “gõ” và “gõ” như vậy suốt tám năm những trang tôi viết về chuyện “học Phật” của mình rồi mạnh dạn tung lên mạng thì tôi vẫn cứ còn mãi ngần ngại, đắn đo, chưa dám phổ biến. Cho tôi nói lời cảm tạ chân thành đến Nguyễn Hiền Đức (5 Hiền) nơi đây. Thật lạ, hôm qua Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM vừa gởi tặng tôi bản chính thức Tôi học Phật (2023) vừa in xong này cũng chính là dịp Kỷ niệm 100 ngày Nguyễn Hiền Đức đã đi xa.
Tôi nhớ thuở xưa, nơi rừng Simsapa nọ, Phật nắm trong tay một nhúm lá và hỏi các đệ tử rằng nhúm lá trong tay ta nhiều hay lá trong rừng Simsapa kia nhiều hơn? Rồi ân cần giải thích “Ta chỉ dạy các ông những điều như nhúm lá trong tay này, còn cái ta biết thì như lá trong khu rừng kia…”.
Tôi hiểu nhúm là trong tay Phật chỉ là những “key words”, còn Phật dành nguyên cả khu rừng mênh mông kia cho ta tự tìm lấy, tự học lấy trong chính mình, quay về nương tựa chính mình, “đến để mà thấy”.
Tôi người thầy thuốc, tìm học Phật- bậc Y vương- là để tự chữa bệnh thân – tâm cho chính mình và chia sẻ cho những bạn bè đồng bệnh tương lân. Tôi chưa từng tụng kinh gõ mõ. Tôi chỉ lõm bõm tự học, tự hành, tự lần mò tìm kiếm trong khu rừng bí mật – “Con người, kẻ xa lạ” (L’homme cet inconnu, Alexis Carrel) trong tự bản thân mình đây, một con đường tu tâm dưỡng tánh theo lời bậc “đạo sư” và thấy có nhiều phúc lạc.
Trong tuyển tập Tôi học Phật này, tôi chân thành sẻ chia những điều mình đã học và đã hành suốt mấy chục năm qua. Có thể bạn thấy hạp, có thể bạn thấy không hạp, thậm chí dị ứng. Điều đó là rất bình thường, bởi khi học Phật, bậc đạo sư đã chỉ dạy cho ta mỗi người mỗi khác, tùy “căn cơ”, tùy bối cảnh. Phật là một nhà khoa học, một “thầy thuốc vĩ đại”, không chỉ chữa nỗi đau mà chữa nỗi khổ của kiếp người nên vẫn được xưng tụng là bậc Y vương .
Phật từng dặn dò “Đừng vội tin ta, hãy đến nếm thử đi rồi biết”. Thử là thực hành, nếm là cảm nhận. Nói khác đi là hãy tự mình thể nghiệm, trải nghiệm, tự chứng, tự nội.
Chân thành,
Đỗ Hồng Ngọc
(Saigon tháng 3, 2023)
***
Vài nhận xét:
Ngô Tiến Nhân, người bạn trong Nhóm Học Phật tại chùa Xá Lợi cùng tôi hơn mười năm qua đã có nhưng nhận xét:
(…) Hãy xem cách “lõm bõm” học Phật của Đỗ Hồng Ngọc:
Trước rừng thiên kinh vạn quyển Phật học Anh chọn cho mình chỗ đột phá: Tâm kinh. Đây là cốt tủy của Bộ kinh Bát nhã 600 quyển rút còn 260 từ rồi rút nữa còn 4 từ (ngũ uẩn giai không) rồi kết tinh trong một chữ Không. Đây cũng là liễu nghĩa của Trung quán luận, là hạt nhân của Phật học, ai ngộ nhập được sẽ mở lối vào Phật đạo thênh thang, sẽ đến vô trí vô đắc vô ngã… thật dũng mãnh mà cũng thật sảng khoái!
Nhưng không “túc duyên” thì dễ gì ngộ nhập!
Rồi Anh tấn công vào kinh Kim Cang để giải phóng mình ra khỏi mọi hệ quy chiếu (ưng vô sở trụ), mọi mô thức tư duy, mọi hình thái của não trạng để tự do trực nhận chân lý!
Anh chọn Kinh Pháp Hoa với tinh thần “khai thị chúng sinh – ngộ nhập trí kiến Phật”
Thế là tạm đủ để Anh xây dựng một nền tảng vững chắc cho việc đi hết con đường Phật học!
Rồi nữa Anh chọn kinh Duy Ma Cật để thống nhất Đạo – Đời để xây cầu Bất nhị để thấy đời không chỉ khổ đau mà còn phúc lạc để thấy cõi Phật đâu xa…
Khi “công phá” một công án Anh tiếp cận đa ngành có hệ thống. Anh vừa có tư duy khoa học phân tích mổ xẻ của một bác sĩ y khoa vừa mở con mắt trực giác của một thiền giả cộng thêm sự nhạy cảm của một thi sĩ Đỗ Nghê. Đừng quên Anh có sự mẫn cảm về sinh tử qua các bài thơ viết từ hồi 1965(Thư cho bé sơ sinh) hay “Mới hôm qua thôi”(1993) ở Montreal Canada, có kinh nghiệm cận tử nghiệp và tái sinh sau cơn bạo bệnh cùng kinh nghiệm làm truyền thông với kiến thức tâm lý học và xã hội học. Anh tiếp cận một vấn đề bài bản cả về bản thể luận lẫn phương pháp luận, thấy cả Thể – Tướng đặc biệt là Dụng của nó. Anh đào từ hai đầu theo cách nói của Harari tác giả Lược sử loài người.
(…) Thế nên vẫn phải miên mật văn tư tu, miên mật giới định tuệ, không phải chỉ tọa thiền mà sống thiền, không phải tụng Tâm Kinh mà phải sống Tâm Kinh trong từng sát na để rồi Gate gate paragate parasamgate…
(14-8-2021)
***
Nguyên Giác Phan Tấn Hải:
“(…) nhưng tận cùng thích nhất của tôi vẫn là đọc Đỗ Hồng Ngọc viết về kinh Phật. Và tôi tin, nhiều thế hệ sau sẽ nhớ tới một Đỗ Hồng Ngọc viết về lĩnh vực này, đó là những gì anh đã đọc, đã hiểu, đã sống và đã ghi xuống các trang giấy trọn một pháp giới học Phật của anh.
Làm thế nào Đỗ Hồng Ngọc viết được như thế? Phước đức, học lực của một đời hẳn là không đủ. Hẳn phải là nhiều đời. Tôi suy nghĩ về câu hỏi đó, khi đọc Tôi học Phật
(…) Tuyệt vời nơi Đỗ Hồng Ngọc là “chúng sinh” muốn nghe chuyện gì thì anh nói chuyện đó. Muốn nghe chuyện ứng dụng thế gian, họ Đỗ trở thành một bác sĩ phân tích về sức khỏe thân và tâm. Muốn nghe chuyện giải thoát, họ Đỗ liền trở thành một người kể lại các kinh nghiệm học Phật mà ai cũng có thể học theo và tự chứng ngộ được.
(…) Có thể tin rằng, những gì tác giả Đỗ Hồng Ngọc viết về học Phật sẽ lưu giữ rất lâu trong nền văn học Phật giáo quê nhà, vì toàn văn tuy rời rạc, nhiều chủ đề, nhưng vẫn xuyên suốt là một tập luận thư để chú giải kinh Phật. Điều rất khác giữa Đỗ Hồng Ngọc và nhiều vị tiền bối là từ chỗ rất lơ mơ trong 6 thập niên, chứ không phải vào chùa học Phật từ thời thơ ấu, cho nên văn phong của anh là một pháp giới xen lẫn của một nhà văn, một nhà thơ, và là một nhà khoa học. Đây cũng là chỗ độc đáo không chỉ của anh, mà là của rất nhiều người từ một thế hệ học Phật cùng thời (….).
Một điểm đặc biệt trong Tôi học Phật của Đỗ Hồng Ngọc, và cũng hiếm thấy nơi các tác giả khác: bạn có thể ngưng ở bất kỳ trang nào, ở bất kỳ dòng chữ nào, để tự nghiệm những lời kinh được chú giải ngay trên thân và tâm của bạn. Bạn hãy đọc rất chậm và hãy nghiệm như thế, nơi từng hơi thở của bạn, nơi từng niệm và nơi từng cảm thọ của bạn. Những dòng chữ Đỗ Hồng Ngọc viết xuống trong sách cũng là từ các thể nghiệm thực chứng của tác giả. Đó là những dòng trực giải kinh Phật rất mực trang nghiêm, nơi đó từng dòng chữ đã trở thành những trận mưa hoa để cúng dường chư Phật. Nơi đó là hạnh phúc, là an lạc và là vô lượng công đức.
(Giác Ngộ Online 20.9.2021)
***
Giáo sư Cao Huy Thuần,
trong một thư riêng:
« (…) bây giờ tôi hỏi anh câu này nhé: Anh “học Phật” trước hay học Y trước? Chắc anh sẽ trả lời: hiển nhiên là học Y. Nhưng mà, nghĩ thêm chút nữa, cái gì xúi anh học Y? Cái gì xúi anh thích Y? Cái gì xúi anh thành ông bác sĩ như thế, lúi húi hành nghề rồi lúi húi dùi mài kinh kệ? “Cái đó”, tôi chắc là anh có trước khi học Y. “Cái đó”, tôi cũng chắc là ông Epstein có trước khi thành danh với bác sĩ tâm thần. “Cái đó”, chính là cái xúi anh đến với Phật mà anh không biết đó thôi, anh đến với Phật trước khi học Y. Anh “học Phật” từ lâu rồi, từ kiếp nảo kiếp nao, để bây giờ thành danh với… Đỗ Hồng Ngọc. Cho nên tôi nói: “Tiên học Phật, hậu học…”. Hậu học cái gì cũng được, cái gì cũng thành danh, ít nhất là thành danh con người.
Nhưng tôi chưa nói hết: anh đâu phải chỉ là ông thầy thuốc, cái danh của Đỗ Hồng Ngọc còn là con người thơ. Thơ đến với anh từ trước khi anh làm thơ. Thơ là tiếng nói trong tận cùng thâm cung bí sử của tư tưởng. Cái gì mà tư tưởng không nói nên lời được thì phải diễn tả bằng thơ. Thơ đời Lý đời Trần là như vậy. Và thơ đó, chắc anh đã đọc không phải chỉ ở trong kiếp này. Cho nên bây giờ hồn anh nhập vào thơ của Thầy Tuệ Sỹ. Cho nên bây giờ anh thấy Phật trong thơ. Cho nên bây giờ một tay anh bốc thuốc, một tay anh viết thơ, thuốc thơm mùi thơ, thơ thơm mùi thuốc»…
(Paris 29.10.2021)
***
Năm 2010, tôi nhận được một bức thư từ Canada của một Ni sư:
Xin chân thành cảm ơn Bác Sĩ đã gởi Gươm Báu Trao Tay. Nhận được tập sách tự dưng cảm động. In xuống đọc xong, mới hiểu mình cảm động vì nhận một tấm lòng. Bác sĩ chữa bệnh cho người đời rồi, lại nghĩ làm sao giúp họ bớt khổ. Chúng tôi nghĩ Gươm Báu Trao Tay hay Nghĩ Từ Trái Tim là những lá Thư nối tiếp bài thơ Thư Cho Bé Sơ Sinh của bác sĩ ngày xưa.
Cách viết của bác sĩ thật vui, uyên bác nhưng lại rất nhẹ nhàng, dí dỏm, giúp người đọc – nhất là người trẻ – đi vào Phật Pháp một cách nhẹ nhàng, hứng khởi. Viết về Phật Pháp mà viết như vậy là cả một nghệ thuật. Hiện nay ít người làm được. Xin phép bác sĩ cho chúng tôi được trích đăng & sử dụng tập sách mới này.(…)
GN (Chùa Diệu Không)
***
Nhưng cảm động nhất với tôi là bức thư viết tay của một bé 15 tuổi ở Bình Chánh (Saigon) kể rằng Bà em rất thích cuốn Nghĩ Từ Trái Tim, bắt em đọc mỗi ngày, đọc đi đọc lại cho Bà nghe nên khi bà mất, em đã đốt cuốn sách đó theo Bà…

Từ trái: Đỗ Hồng Ngọc, Thu Trà, Ngân Hà, Kim Quy, Lê Ký Thương. Đường Sách, TP. HCM (25.3.2023).

“Ra mắt sách” Tôi học Phật rất tình cờ ở Đường Sách TP.HCM 25.3.2023
Trả lời