Tháng 7/2009, có dịp về Phan Thiết tham gia lớp tập huấn về HIV/AIDS cho 20 tỉnh thành phía Nam, tôi tranh thủ giờ giải lao đến thăm chùa Phật Quang nằm trên đường Võ thị Sáu, xưa là đường Huyền Trân Công Chúa, dẫn ra bãi biển Thương Chánh nổi tiếng. Trước kia tôi đã từng nghe ở Phan Thiết có một ngôi chùa cổ còn lưu giữ một bộ kinh Kim Cang khắc trên đồng rất xưa nên nhiều lần muốn tìm thăm mà chưa có dịp.
Hóa ra không phải kinh Kim Cang khắc trên đồng mà là kinh Pháp Hoa khắc trên gỗ thị đỏ, cách đây trên 300 năm, vẫn còn nguyên vẹn vẻ sắc sảo của từng đường nét câu chữ và hình vẽ.
Anh bạn nhà thơ Đỗ Quang Vinh, và một người bạn của anh đưa tôi đến thăm chùa.. Thật bất ngờ khi anh giới thiệu tôi với một nhà sư trẻ tình cờ gặp ở khuôn viên- thầy Nguyên Minh- thì thầy biết ngay tôi là tác giả của “Nghĩ từ trái tim” và niềm nở mời chúng tôi vào chùa trong ngồi uống trà, đợi thầy trụ trì là Hòa thương Huệ Tánh đang bận tiếp khách phương xa. Tiếp đoàn khách xong, thầy Huệ Tánh vào hậu liêu gặp tôi- như một người đã quen biết từ lâu, thầy thân mật trò chuyện rồi nắm tay tôi dẫn vào căn phòng nhỏ kế bên, mở khóa tủ, bưng các tấm gỗ thị đỏ khắc kinh Pháp Hoa bày cho tôi xem. Bộ kinh đựơc khắc trên từng mảnh gỗ đen tuyền, nặng chịch, khoảng 50 x 80cm. chữ sắc nét, hình ảnh đẹp đến không ngờ. Thầy Huệ Tánh năm nay 82 tuổi, trụ trì chùa Phật Quang đã 23 năm, ốm tong ốm teo như một nhà sư khổ hạnh, nhưng ánh mắt tinh anh, tai thính, nụ cười hiền lành rất dễ thương. Thầy cho biết bộ kinh Pháp Hoa khắc gỗ thị đỏ này đã được thực hiện vào thời vua Lê Thuận Tông, bắt đầu năm 1706, hoàn thành năm 1734, ròng rã 28 năm, gồm 7 quyển, 28 phẩm, 60.000 từ, với nội dung gút lại chỉ gồm trong 9 chữ mà thôi, đó là “Khai thị chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật”…
Thấy bên cạnh thầy Huệ Tánh có cây đàn mandoline nhỏ xíu, ngộ nghỉnh, tôi bỗng nhớ Nam nhạc Hành Sơn Mạc Đại tiên sinh trong Tiếu ngạo giang hồ (Kim Dung) bèn nói thầy đờn cho nghe vài khúc đi thầy. Thầy Huệ Tánh cười lỏn lẻn rồi cầm đàn lên dạo mấy câu… thiệt dễ thương!
Hôm sau, không hẹn trước, tôi một mình trở lại chùa thì thầy Huệ Tánh đi vắng, đệ tử là thầy Nguyên Minh ân cần tiếp đón tôi, chuyện trò rôm rã một lúc rồi lén thầy trụ trì cho tôi coi bản kinh Pháp Hoa độc bản in trên giấy dó. Một cơ duyên hi hữu! .
Nhớ lại trước đây tôi đã từng như bị “hút” vào Tâm Kinh để rồi từ đó cảm xúc mà viết Nghĩ từ trái tim, rồi sau đó loay hoay thế nào lại như bị “hút” vào Kim Cang, cùng với những Tứ niệm xứ, Thân hành niệm, Nhập tức xuất tức niệm.. để rồi viết Gươm báu trao tay chia sẻ cùng bạn bè anh em những cảm nghĩ của mình trong quá trình tìm học… Nhưng hình như vẫn còn đó điều gì chưa rõ, tự dưng tôi lại lò mò tìm đến với Pháp Hoa. Duyên may thế nào lần này lại được chiêm ngưỡng bộ kinh Pháp Hoa khắc trên gỗ thị đỏ đã 300 năm về trước tại ngôi chùa Phật Quang, Phan Thiết, ngay nơi chính quê hương mình mà bấy lâu chẳng hề hay biết! .
Cho nên rời chùa mà lòng còn cứ mãi lâng lâng.
Đỗ Hồng Ngọc
(Phan Thiết, 7.2009)
“Chúng duyên nhi sanh” ! Chú Ngọc có duyên may được chiêm ngưỡng bộ Kinh Pháp Hoa khắc trên gỗ thị đỏ 300 năm trước, thì con biết được “chúng sanh” nào sắp được hình thành …
Hy vọng trong một thời gian không xa , bạn đọc lại bị “hút” vào một tác phẩm được “hiện thực hóa” từ tâm trạng “lâng lâng” của chú hôm nay.
Chú cảm ơn HT. Trời ơi, con “thuộc bài” còn hơn chú! May mà mới trao “gươm báu” có mấy ngày mà đã múa vô chiêu giỏi như vậy rồi! Hy vong sẽ “hiện thực hóa” một cái gì đó “hút” được vài ba người là vui lắm rồi!
Kính gửi: Bác Sĩ,
Đọc trong bài “Gặp Pháp Hoa ở Chùa Phật Quang, Phan Thiết” của BS, thấy được hình Thầy Huệ Tánh, trụ trì chùa Phật Quang.
Thật là tình cờ, vì thầy Huệ Tánh chính là thầy Hiệu Trưởng ở Trường Trung Học Bồ Đề Cam Ranh, mà tôi đã học vào từ những năm 1966 trở đi, sau giải phóng 1975 thì gia đình tôi rời Cam Ranh về Định Quán ở, và sau đó tôi về sống làm việc ở Biên Hòa từ sau đó, biền biệt tôi đi mà không về lại Cam Ranh, tới năm 2002 tôi mới về tìm những người bạn xưa của tôi, biết được Thầy Huệ Tánh đang ở Phan Thiết, chúng tôi vài người bạn – là học trò cũ của thấy – trên đường từ CR về SG, cùng đi tìm thầy, thì hôm đó thầy đi vắng không có ở chùa, không gặp được thầy chúng tôi lại về. Bây giờ thấy lại hình thầy, thầy vẫn như ngày xưa, vẫn gầy ốm như thế.
Khi cơ duyên đến thì Bác sĩ thấy được bản Kinh ngay trên quê hương mình, mà trước nay không biết. Còn tôi, đọc thấy BS viết thầy đã 82 tuổi, chợt thấy mình đã quên rằng thời gian sẽ không đợi ai cả, vì từ năm đó đi tìm thăm thầy mà không được gặp rồi sau đó vẫn cứ hẹn lần lửa chưa sắp xếp đi thăm thầy được.
Bây giờ cuối năm rồi, về VN lần này, lại viện cớ với bao bận rộn, chắc lại tự nói với mình rằng vẫn chưa sắp xếp được thời gian để đi thăm thầy nữa thôi! Mà thầy thì không biết có thường online không nữa, sẽ không thể qua trang web này mà thấy được học trò cũ đang thăm hỏi thầy!
Kính
TTM
2009/12/06 – 8:54′ PM
Cam on Bac Si da viet bai len mang.Chung toi rat mong sao co co hoi de noi chuyen voi Thay Hieu truong truong Bo de o Cam Ranh cua chung toi ngay xua. Nhin Thay khong thay doi nhieu du gan 30 nam. Neu co dieu kien xin Bac Si giup cho xin so dien thoai cua Thay.
Cam on Bac Si rat nhieu.
Hoc tro cu cua Thay Hieu Truong
BS ơi!
Hôm rồi thầy Huệ Tánh có về Cam Ranh, Thầy đã gặp lại các học trò của thầy, và các bạn đã kết nối điện thoại đến PP cho M nói chuyện với Thầy rồi.
Giọng thầy vẫn như xưa! Và thầy vẫn nhớ vanh vách học trò của thầy.
Hôm nay xin mượn nơi đây viết đôi giòng, để nhớ về ngôi trường ngày xưa ấy!
Cám ơn Bs.
TTM
Kính BS Đỗ Hồng Ngọc, em cũng là dân PT ,nhưng chưa có duyên lành như Bs,mãi tận hôm nay mới đọc được trang nầy,lòng buồn lâng lâng,nhưng tự nhiên lại nhớ tới một câu đăng trên báo Trắng Đen trước 75:”Khi nào PT 3 cầu người dân PT phát giàu phát quan”không hiểu có đúng không?Cầu mong là như vậy.Kính chúc BS thât nhiều sưc khỏe,để cho đởi những chuyện vui như tâm nguyện của BS.Kính.
Cám ơn Anh Ngọc rất nhiều, nhờ đọc bài viết của Anh ( giống cẩm nang du lịch), lần này về lại Phan Thiết em mới có dịp ghé viếng cảnh chùa Phật Quang dù cách đây 15 năm em đã từng sống và làm việc tại PT 18 tháng, ngày nào cũng đi ngang qua lối vào chùa ( trên đường Võ Thị Sáu- nhà ở cách chùa có 1km) vậy mà không ” phát hiện ra”. May quá, mấy ngày bão vừa qua, ngày nào cũng mong mưa tạnh để ghé chùa- sáng 2/4 trời quang cả nhà được thỏa ước mong.
Được biết, bộ kinh Pháp Hoa khắc gỗ của chùa đến nay đã được 305 năm tuổi và chùa đang có kế hoạch xây Bảo Tháp …
Xin cập nhật vài thông tin cùng tác giả.
Thanh Thúy
Nếu em được gặp Thầy Huệ Tánh nữa càng hay! Thầy dễ thương lắm. Xưa dạy trường Bồ Đề ở Cam Ranh và Phan Thiết. Thầy rất “tếu”. Có người gọi thầy là “Bồ tát” vì đã có công phát hiện và gìn giữ bộ kinh Pháp Hoa khắc trên gỗ thị đỏ trên 300 năm tại chùa này, nhưng thầy tự xưng mình là “Bò tót” thôi. Sau đó thầy còn “diễn giảng” rộng hai chữ “BT” đó ra cho anh nghe như BT còn có nghĩa là Bần tăng, Bình Thuận, Bố thí, Bề trên, Bịnh tật, Bất tài, Bội tình, Bó tay… Thầy còn ngâm nga câu thơ “Bần tăng là kẻ tu hành…”
Anh mới ghé thăm thầy cách đây mấy hôm. Thầy năm nay tròn 85 tuổi, có một cái răng sún rồi!