TÌM CHỐN NƯƠNG TỰA TRONG THẾ GIỚI NHIỀU BIẾN ĐỘNG
Trần Đăng Khoa
Trong hai tiếng đồng hồ tối ngày 27/12/2023, buổi Trò chuyện về “Cân bằng trong Khủng hoảng”, khán phòng The Prism của Nam Thi House chật kín chỗ ngồi, hơn một trăm độc giả đã có mặt để lắng nghe hai diễn giả của chương trình – nhà văn – bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cùng nhà văn Nguyễn Tường Bách chia sẻ câu chuyện về cân bằng trong khủng hoảng của xã hội hiện đại.
Giữa không gian ấm cúng nhưng cũng không kém phần sôi nổi, liên tục nhiều câu hỏi, trăn trở hàm chứa nỗi bất an, vô định đã được gửi đến hai diễn giả để mong muốn tìm kiếm được lối thoát trước tình thế bế tắc của đời sống.
Nhà văn Đỗ Hồng Ngọc và nhà văn Nguyễn Tường Bách đã có những kiến giải về nguồn gốc của làn sóng khủng hoảng hiện tại từ góc nhìn của những người làm khoa học thấu triệt tinh thần Phật giáo. Từ đó gợi mở ra con đường lạc quan từ quan điểm của phương Đông và phương Tây, của khoa học và thiền học.
Theo bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, chúng ta đang sống trong thời đại VUCA – Volatility (Biến động), Uncertainty (Không chắc chắn), Complexity (Phức tạp), và Ambiguity (Mơ hồ)…
Xã hội đầy rẫy những ngổn ngang, khiến nhiều người không thể bình an, thậm chí bị tâm thần!
“Như căn bệnh phổ biến trên toàn thế giới ngày nay chứ không riêng gì chúng ta, được gọi là S.A.D (viết tắt của Stresse- căng thằng, Anxiety- lo âu, sợ hãi, và Depression- trầm cảm). Đó là 3 thứ “tâm bệnh” không có thuốc nào chữa khỏi, mà phải chữa bằng Tâm lý trị liệu, Thiền định…”, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cho biết.
Còn nhà văn Nguyễn Tường Bách thì cho hay, ngay cả ở các nước giàu như Mỹ và châu Âu vẫn phổ biến tình trạng rối loạn lo âu. Mỗi cá nhân sẽ có những mối lo âu riêng dẫn đến khủng hoảng, khủng hoảng cá nhân kéo theo khủng hoảng xã hội. Và thế giới đang phải đối mặt với năm vấn đề nghiêm trọng, đó là: Thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, chiến tranh và di dân. Năm sự khủng hoảng đó dường như cảnh báo chúng ta về một vũ trụ đang xoay trục.
Cả hai diễn giả đều nhấn mạnh đến những hệ lụy nhãn tiền sự phát triển của công nghệ trong đời sống hiện đại. Biểu hiện rõ nhất là tình trạng lạm dụng internet trong giai đoạn giãn cách xã hội, gây nên các biểu hiện lệch lạc về đời sống tinh thần, thúc đẩy lo âu và mâu thuẫn trong quan hệ vợ chồng… Hai vị diễn giả cũng cảnh báo về nguy cơ của trí tuệ nhân tạo (AI), khi công nghệ tưởng chừng như đỉnh cao phát kiến của nhân loại lại đang quay ngược trở lại kiểm soát và điều khiển hành vi con người.
Quay về bên trong, “nương tựa chính mình” chính là lối thoát cho cuộc khủng hoảng hiện tại, đó là quan điểm chung của hai diễn giả với con mắt của những người học Phật. Tuy nhiên, ngày nay khi nói về thiền, chúng ta lại cảm thấy bối rối vì có quá nhiều “thầy”, quá nhiều sách, vô hình trung trong cuộc tìm kiếm hướng đi ta lại bị dẫn vào mê cung của giải pháp. Theo bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, để không bị lạc lối, chúng ta có thể lựa chọn thực tập thiền theo phương pháp đơn giản và khoa học nhất đó là tập trung vào hơi thở (Anapanasati).
Ngoài ra, theo nhà văn Nguyễn Tường Bách, bên cạnh thiền định, nghiên cứu ở các nước phương Tây cho thấy những hoạt động tìm về với thiên nhiên, chơi thể thao, học một môn nghệ thuật cũng có tác dụng tích cực giúp thư giãn tâm trí.
“Cân bằng trong khủng hoảng” là chủ đề lớn, trong thời lượng giới hạn của chương trình khó có thể giải quyết thật rốt ráo. Song chương trình đã “xới lên” nhiều vấn đề xã hội quan tâm, đó cũng là cơ sở để mở ra nhiều cuộc đàm luận tương tự trong thời gian tới!
(TĐK)