Ghi chú:
Mùng 4 Tết Giáp Thìn (13. 02. 2024), tại Huyền Không Sơn Thượng, Huế, Sư Giới Đức trao cho tôi cuốn sách này, và dặn dò, bác sĩ nhớ đọc kỹ nhe. Và, tôi đọc kỹ, ngạc nhiên, thì ra có một vị Sư đã “học” và đã “hành” Phật pháp theo “một lộ trình tu tập” như vậy đó…
Đỗ Hồng Ngọc.
Vài Lời Về Dịch Phẩm
“Vị Thánh Tăng Cận Đại”
Tỳ-khưu Giới Đức
(Minh Đức Triều Tâm Ảnh)
Sư Tường Phát, đệ tử của ngài Pháp Tông, chùa Huyền Không-Huế, trao tôi một tập bản thảo dày hơn một trăm năm mươi trang khổ giấy A4, nói đây là bản dịch của một nhóm Phật tử chùa Bửu Long, đệ tử của thiền sư Viên Minh, về cuộc đời của một vị Thánh, nhờ tôi xem và nhuận sắc.
Nghĩ là cần một vài lời giới thiệu để độc giả nắm bắt khái lược những chi tiết nội dung mà tôi cho là hay, là độc đáo, là cần thiết cho mọi người tu Phật.
1- Đại đức Mahn Bhūridatta, sinh năm 1870 và mất năm 1949 tại Thái Lan, ngài khởi tâm tu và xuất gia từ nhỏ, học hành không được nhiều. Sau khi thọ giới tỳ-khưu năm 22 tuổi rồi theo thầy là đại đức Sao cùng vào núi rừng tu hạnh đầu-đà, và thọ trì được bảy trong mười ba chi pháp của đời sống khổ hạnh này.
2- Nhờ đại đức Sao hướng dẫn vài cách thức tập thiền ban đầu, sau đó ngài phải tự mày mò hành trì một mình. Khi gặp những hoài nghi hoặc bế tắc nào đó, đại đức hỏi thầy thì thầy đáp, đại lược là: “Tâm của ông khác tâm của tôi, vậy ông hãy tự tìm ra phương pháp, giải pháp cho mình”. Nghĩa là, bắt đầu từ đó, đại đức không còn ai là thầy nữa trên lộ trình đầy cam go, gian khổ để giải quyết những tham sân, phiền não của chính mình.
3- Không bao lăm chữ nghĩa, không trang bị kinh điển, không có thầy trực tiếp hướng dẫn, đời sống hoàn toàn cơ cực, thiếu thốn nhưng đại đức đã quyết tâm tự tu tập một cách kiên trì và bất khuất. Đối diện với cọp dữ, voi rừng, ma thiêng, chướng khí, đói rét… đại đức không hề thối chí, ngả lòng. Những khi ốm đau, nhất là bị bệnh sốt rét hành hạ, đại đức không dùng thuốc men, chỉ sử dụng “pháp dược” tự chữa trị cho mình. Và suốt đời, đại đức đã dùng “pháp” để đánh bại tất cả chướng ma ngoại giới cũng như nội tâm.
4- Lộ trình tu tập của đại đức ban đầu là thiền định; có định sâu, thành tựu một vài thắng trí, có thể cảm hóa hung thần, có thể đi thăm thiên đường, địa ngục. Sau, đại đức chuyển sang tu tập vipassanā, tuệ quán cho đến lúc giải thoát tất thảy mọi tham sân phiền não. Từ đó, đại đức tuyên bố định-tuệ song tu, không có tuệ thì định có thể bị lầm lạc, dính mắc.
5- Đại đức có giới luật nghiêm minh, suốt đời thân giáo, giáo giới nghiêm khắc, không mệt mỏi đến chúng đệ tử, nhất là chư sư đầu-đà khổ hạnh. Đại đức đã làm sống lại bảy trong mười ba pháp hạnh đầu-đà, đồng thời thổi vào nếp sống thiền môn không khí tu tập cổ xưa thời đức Phật, đấy là giới, định, tuệ một cách rất điển hình, mẫu mực và nghiêm túc. Các vị thiền sư nổi tiếng ở Thái Lan đương đại, đều là lớp đệ tử thế hệ thứ hai, thứ ba, thứ tư… nối tiếp được truyền thừa này và hiện đang phổ cập trên thế giới.
Tuy nhiên, điều tôi tâm đắc để giới thiệu cuộc đời đại đức không chỉ do tất thảy các tiêu biểu kể trên mà còn chính là “lộ trình tu tập”! Đa phần người ta thường nghiên cứu kinh điển, tìm nghĩa lý, nắm rõ giáo pháp rồi mới hạ thủ công phu. Lộ trình ấy tạm đúc kết theo tiến trình thứ tự là giáo, lý, hành và quả. Trường hợp này là phổ thông trên thế giới, xưa và nay vì dựa vào kinh điển. Tuy nhiên, nếu điểm tựa kinh giáo (giáo) chỉ cần bị “khúc xạ một ly” thì ý nghĩa (lý) trong đó đã “lệch lạc một dặm”; do đó, việc tu tập (hành) không biết đắc được cái đạo (quả) nào? Người dựa vào kinh điển hoặc chưa chứng nghiệm, giác ngộ, giải thoát mà đã dạy đạo, dạy thiền thường rơi vào trường hợp “sai một ly, đi một dặm” nêu trên.
Đại đức Mahn Bhūridatta không đi theo công thức ấy, vì có điều thật lạ lùng là ngài chẳng có giai đoạn giáo và lý; tuy có hành nhưng không có kinh điển, không có thầy, thế là tự mình mầy mò cho đến lúc giác ngộ (quả) giải thoát luôn. Sau đó mới xuống non hoằng pháp. Vậy thì đại đức đã đi ngược lại tiến trình do chư “học giả Phật giáo” thiết định. Đại đức đã đi thẳng, trực tiếp từ tâm, học “cái thực” từ nơi tâm, miệt mài đối trị, chuyển hóa, phấn đấu, lắng nghe, nhìn ngắm, “điều tra” cái bộ mặt thực của tham sân si nó ra sao – hoàn toàn trong cô liêu, đơn độc và thầm lặng. Sau khi giác ngộ, giải thoát (đạo) rồi, đại đức mới hướng dẫn đệ tử tu tập (hành) từ “cái thực” mà ngài đã chứng nghiệm. Lý và giáo như thực cũng từ đó mà sinh ra. Thật không ngạc nhiên gì, khi sau này, đại đức đọc kinh điển rồi giải thích nghĩa lý (lý, giáo) cho chư đệ tử nghe mặc dầu ngài không rành thông hoặc kinh qua kinh điển. Trường hợp này là đại đức chỉ lấy kinh điển để so sánh, đối chiếu với tâm và tuệ của mình thôi.
Con đường tu tập được bắt đầu học “cái thực” từ nội tâm là đúng đắn, là chơn chánh. Tứ đế nằm ở đấy. Chân lý, Sự Thật, Thắng Nghĩa, Tự Tánh, Bản Lai Diện Mục, Vô Vị Chân Nhân, Đạo, Niết-bàn, Bờ Kia, Tuyệt Đối, Bất Tử, Vô Sanh, Chân Phúc… ở đây và bây giờ trong mỗi chúng ta, trong tương quan vận hành duyên khởi. Nó không có biên ranh giữa tiểu thừa, nguyên thủy, đại thừa, kim cương thừa, Zen, thiền tông…
Viết đến đây, tôi sực nhớ cách đây khoảng mười mấy năm về trước, thiền sư Viên Minh đã thuyết giảng “cái thực” này tại Huế, sau đó, Phật tử ở Pháp xin in và họ lấy tên là “Thực tại hiện tiền”. Thiền sư Viên Minh là người đã bác lãm chư kinh điển Đại Thừa, đã nghiên cứu thấu đáo tinh hoa của Khổng, Lão; lại còn suốt thông các Nikāya và Abhidhamma, nhưng khi tu tập, ngài không trụ, không ly chư kinh giáo, lắng nghe “cái thực” trong tâm mà xử lý mọi vấn đề vi tế ở nội tâm. Khi đã nắm chắc, thấy rõ “cái thực” là gì rồi, nhiều năm nay, thiền về “cái thực” này đã được ngài giảng nói qua cả hằng chục khóa thiền ở Bửu Long, Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Úc, Malaysia, Mỹ quốc, Châu Âu… Ngài đã chỉ bày, gợi mở cho mọi người nắm “cái nguyên lý” mà lên đường chứ không đi qua “pháp môn phương tiện” nào cả! Và đã giúp cho rất nhiều hành giả giải thoát khỏi những vướng mắc về kinh giáo, lạc định, ước lệ, phạm trù của tâm trí cùng những bản ngã sở đắc! Trả vô thường lại cho vô thường, trả dukkha lại cho dukkha, trả vô ngã lại cho vô ngã! Và rồi, chư kinh giáo, nếu có nói đến cũng chỉ để nhằm đối chiếu, so sánh với “cái thực” này mà thôi!
Pháp đang hiện tiền, “cái thực đang hiện tiền” và nó luôn thuyết pháp không ngưng nghỉ, ngày cũng như đêm. Ai có tai hãy nghe, có trí hãy tìm hiểu!
Huyền Không Sơn Thượng,
Mai Trúc Am, Sơ Xuân Giáp Ngọ
Tỳ-khưu Giới Đức
(Minh Đức Triều Tâm Ảnh)
Để lại một bình luận