Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Tập hợp các bài viết của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Ghi chép lang thang
  • Nhận bài mới qua email

ĐỌC BÀI “THĂM THI SĨ QUÁCH TẤN” CỦA ĐỖ NGHÊ, NHỚ NHA TRANG

23/12/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

 

ĐỌC BÀI “THĂM THI SĨ QUÁCH TẤN” CỦA ĐỖ NGHÊ, NHỚ NHA TRANG

Hai Trầu Lương Thư Trung

Tình cờ vào trang nhà bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đọc được bài:“Thăm Thi Sĩ Quách Tấn” của Đỗ Nghê (tháng 6.1970); rồi từ đó, mấy ngày liền, bổng nhiên tôi thấy mình rất nhớ Nha Trang!

Nhớ ngày ấy, khoảng đầu năm 1970, lần đầu tiên tôi đến Nha Trang bằng chuyến bay của hãng hàng không Air Việt Nam từ Sài Gon đi Nha Trang, loại máy bay cánh quạt DC6 dù không nhanh như sau này có máy bay phản lực nhưng không khỏi ngạc nhiên và trầm trồ khi máy bay bắt đầu giảm cao độ từ thành phố biển mà sau này tôi mới biết địa danh áy là thành phố Cam Ranh và rồi phi cơ xuống thấp dần, thấp dần cho đến lúc máy bay đáp xuống phi trường Nha Trang và dưới xa kia nước biển xanh màu biển xanh chập chùng… Lúc bấy giờ thành phố biển này đã hớp hồn tôi bằng bãi biển với cát trắng chạy dài mà sau này tôi mới biết đây là con đường Duy Tân cặp mé biển từ Hải Học Viện lên tới chỗ ty Bưu điện nhìn về hướng biển sóng vổ rì rào. Xa xa ngoài kia là hòn Tre, hòn Rùa, hòn Yến… nằm lúp súp trên mặt biển bao la với nước là nước… Kể từ lúc ấy, tôi bắt đầu làm quen với Nha Trang, và nay đọc bài của Đỗ Nghê “Thăm thi sĩ Quách Tấn”, mới biết nhà thơ Đỗ Nghê lúc ấy còn rất trẻ và ông cũng có mặt nơi này; nhưng phải thành thật nhận ra rằng, biển đời mênh mông, đôi lúc gặp nhau đó giữa đời trôi nổi nhưng làm sao quen biết nhau cho được!

 

Nha Trang ngày xưa (internet)

 

Hồi đó, khi tới Nha Trang, lớp học trò mới vào đời như ở tuổi tụi tôi, chừng 27-28 tuổi, là đã có lần đọc được cuốn Nước Non Bình Định của thi sĩ Quách Tấn rồi, biết lờ mờ là ông quê quán Qui Nhơn nhưng sống ở Nha Trang; nhưng hồi xưa dưới con mắt người đọc trẻ lòng non dạ tụi tôi đâu có ai dám lại gần các tác giả, nhứt là các tác giả tên tuổi như Quách Tấn…Nên đọc được cuộc trò chuyện giữa Đỗ Nghê và Quách Tấn vào tháng 6.1970, tôi mới thấy Đỗ Nghê, có lẽ ông lớn hơn tụi tôi vài tuổi nhưng ông tỏ ra già giặn hơn và kinh nghiệm đời hơn tụi tôi nhiều với cách đặt câu hỏi vừa khéo léo, vừa thông minh mà mở ra được nhiều hướng nhìn về một nhân vật văn học sử nhưng không ra ngoài chủ đề mà tác giả đã định sẵn trong bụng vậy! Giờ ngồi hồi tưởng lại mới thấy ngày xa xưa hơn nửa thế kỷ ấy với cái nhìn của kẻ nhà quê như tôi lạc bước tới Nha Trang ấy cái gì của Nha Trang cũng lạ! Con đường lạ, phố xá lạ và người người nơi chốn ấy đều lạ… Tôi không nhớ lúc đầu mình về căn nhà trọ bằng cách nào và có những ai cùng trọ chung với mình không; nhưng có một điều chắc chắn là con đường Độc Lập là con đường chánh của thành phố Nha Trang ấy, và dường như nó chạy từ trên chỗ ngã ba phường Phương Sài đi qua rạp hát Tân Tân, tới khách sạn Nha Trang gần chỗ góc đường Công Quán rồi nối dài xuống tới đầu đường Phan Bội Châu, chạy ngang qua chỗ chợ Đầm và gặp con đường Bến Chợ mà trong bài của Đỗ Nghê có nhắc nhà của thi sĩ Quách Tấn nằm trên đường Bến Chợ ấy.

 

Nha Trang ngày đó (Internet)

 

Tôi nhớ dường như con đường Bến Chợ này có Ty Lộ Vận (nơi cấp bằng lái xe và đăng bộ xe cộ) và tôi có bằng lái xe hạng B do Ty Lộ vận này cấp năm 1970. Ngoài ra, trên đường này chạy dài xuống gần tới ty Bưu Điện Nha Trang dường như còn có nhà hàng  La Frégate rất nổi tiếng về các món ăn sang mà hồi đó tụi tôi ít khi nào dám vào nhà hàng này ăn thử, dù chỉ một lần duy nhứt…

Sau thời gian ở đó tạm quen quen, tôi mới để ý thấy Nha Trang có nhiều con đường song song với nhau. Chẳng hạn lấy con đường Độc Lập làm con đường chánh thì các con đường Trần Quí Cáp, đường Nguyễn Hoàng, đường Lê Văn Duyệt, đường Duy Tân là những con đường chạy song song với nhau từ hướng Tây xuống hướng Đông… Đặc biệt đường Duy Tân cặp mé biển là con đường sang nhứt với nhiều biệt thư xây theo kiểu nóc bánh ít thời Tây còn để lại và con đường Duy Tân này cũng là nơi có nhiều cơ quan chánh phủ tọa lạc, có cả viện Pasteur Nha Trang cũng nằm trên đường này mặt nhìn ra hướng biển. Hồi đó, những hàng quán nằm trên đường Duy Tân mà khách du lịch thường lui tới là các Kiosque số 1, số 2 với các món cua rang muối là hết sẩy; lúc bấy giờ tụi tôi đâu có tiền, nên ít dám vô mấy chỗ này, nhưng lâu lâu mấy anh em cũng rủ nhau ra chỗ này kêu món cua rang muối ăn thử cho biết. Nhưng phải công nhận Nha Trang hồi đó có món bánh khoái rất rẻ mà ngon; có món xe phở lưu động bán vào ban đêm cũng là một món dễ ăn nhứt; xuống đường Trần Quí Cáp có món hũ tiếu, món bánh ướt; gần rạp chiếu bóng Tân Tiến có món gà xối mỡ; gọc đường Công Quán & Độc Lập có món pâté chaud của tiệm Hương Hoa (theo nhà văn Lê Ký Thương có lần nhắc tên tiệm bánh này)uống với sửa đậu nành nóng cũng là món vừa túi tiền mà ngon; thêm nữa hồi tụi tôi ở đó mỗi sáng hay ăn sáng ở cà phê Tân Tân hoặc chỗ cà phê quán con Cò (La Cigogne) nằm trên đường Lê Văn Duyệt với các cô chủ quán khá đẹp; hôm nào có chút mạo hiểm thì mấy anhem rủ nhau xuống gần chỗ chân cầu Hà Ra ra quán bán gõi cámai chấm với mắm nêm cá cơm, quán này bán món gõi cá nổi tiếng.

Về sách vở, dường như hồi đó ở Nha Trang chỉ có nhà sách Huy Hoàng trên đường Độc Lập (ngang với khách sạn Nha Trang bên kia đường) là nhà sách chánh. Mấy năm ở đó, tụi tôi ưa ghé nhà sách này đọc sách cọp mà theo nhà văn Lê Ký Thương thì chỗ nhà sách Huy Hoàng này hồi đó: “Anh Huy Hoàng và chị Vân vợ anh thì tôi rất thân. Trên chuồng cu, phía sau nhà sách anh chị nuôi một số anh em văn nghệ trốn lính và trẻ bán báo”. Bên cạnh, sát vách với nhà sách Huy Hoàng hồi đó có cái quán bề ngang hẹp chừng vài ba thước có ông cụ bán la-ve và nem, chả lụa Ninh Hòa, giá rất rẻ và ngon vô cùng.

Nói về nhà văn nhà thơ thì nói chung miền Trung rất nhiều, chỉ riêng Nha Trang đời trước có thi sĩ Quách Tấn, nhà văn Võ Hồng, nhà văn Cung Giũ Nguyên, lớp kế là Châu Hải Kỳ, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Thị Hoàng; sau này đọc sách báo biết thêm có Trần Hoài Thư, Lê Ký Thương, Cao Kim Quy, Triều Đẩu, Huyền Chiêu, Nguyễn thị Khánh Minh, Nguyễn Vy Khanh và hổng biết còn có ai nữa hông, tôi hổng rành lắm. Hồi đó mấy anh em làm chung, thỉnh thoảng ưa ghé qua nhà số 53 đường Hồng Bàng thăm nhà văn Võ Hồng. Lúc bấy giờ nhà văn Võ Hồng khoảng ngoài năm mươi (theo như bài của Đỗ Nghê, Võ Hồng 50 tuổi), ở nhà một mình vừa đi dạy học vừa viết văn; mỗi lần có người ghé thăm, ông rất vui!

Nhớ lại hồi đó, từ Nha Trang nếu bạn muốn ra Ninh Hòa, bạn ngồi xe đò qua cầu Hà Ra, đèo Rù Rì, qua cua quẹo làng Lương Sơn, qua đèo Rọ Tượng dọc theo quốc lộ 1 về hướng Bắc, và Ninh Hòa cách Nha Trang chừng hơn 30 cây số… Nếu bạn đi tiếp về hướng bắc quốc lộ 1, bạn sẽ ra Đại Lãnh, vùng Vạn Ninh, Vạn Giã với bải biển Đại Lãnh nước trong leo lẽo và nếu bạn đi thêm chút nữa thì bạn sẽ tới chân đèo Cả cao chót vót với đỉnh dèo cao mà phía bên kia chưn đèo là địa phận quận Hiếu Xương của tỉnh Phú Yên là quê hương của nhà văn Võ Hồng, của Nguyễn Lệ Uyên, của Nguyễn Đình Tư với các dịa danh như Tuy Hòa, Tuy An, Cù Mông chạy dài tận “Nước Non Bình Định” nằm về phía bên kia chưn đèo Cù Mông với dừa là dừa và tôm hùm cùng cua biển nổi tiếng cả vùng…

Còn từ Ninh Hòa, nếu bạn muốn lên đèo Phương Hoàng, đèo Mẹ Bồng Con và qua bên kia đèo để về quận Khánh Dương thuộc tỉnh Khánh Hòa (Nha Trang) bạn ngồi xe đò đi ngang qua huấn khu Dục Mỹ, xe sẽ đưa bạn qua bao thắng cảnh kỳ tích vùng đồi núi vùng cao này. Còn từ Nha Trang, nếu bạn muốn lên thăm Thành (tức là quận lỵ của quận Diên Khánh) bạn theo con đường Độc Lập, rồi bạn đi lên, đi lên một chút nữa, bạn sẽ gặp Thích Ca Phật Đài bên tay mặt ở trên cao và dưới chân tượng Đức Phật là Viện Phật Học Hải Đức; rồi đi tiếp, đi tiếp nữa là bạn sẽ gặp những xa quạt đưa nước lên ruộng và con đường dài cách Nha Trang chừng 9 cây số là bạn sẽ gặp bờ thành cũ và nơi đó có một địa danh được là gọi là Thành tức là quận lỵ của quận Diên Khánh trù phú về dân cư và cây trái; lúc bấy giờ, có dịp lên thăm vùng này, tôi thấy ở đó có nhiều chuối lá xiêm, có xoài và thanh long… Theo nhà văn Lê Ký Thương trong một lần trò chuyện, ảnh cho biết trên Thành còn có món bánh ướt ngon ơi là ngon nữa!

Nhơn đọc Đỗ Nghê: “Thăm Thi Sĩ Quách Tấn”,nếu bạn muốn biết rành rẽ hơn nữa về Nha Trang, về Khánh Hòa, bạn nên tìm đọc “Xứ Trầm Hương” của Quách Tấn là một tập địa phương chí viết về Nha Trang, ngay từ hồi đó tôi đã thấy thắng cảnh Nha Trang qua ngòi bút của thi sĩ Quách Tấn, cảnh nào cũng tuyệt diệu, không cuốn sách nào viết về Nha Trang về Khánh Hòa hay hơn cuốn này!Và thêm chút nữa, nhắc đến thi sĩ Quách Tấn, bạn không thể nào bỏ qua cuốn “Nước Non Bình Định”.  Học giả Nguyễn Hiến Lê có lần nhận định về cuốn “Nước Non Bình Định” của Quách Tấn:

“Tôi nghĩ dù không có tập Mùa Cổ Điển, và tập Mộng Ngân Sơn, một tập chứa nhiều bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt rất hay, mà sau này ai có muốn làm tiếp công việc phê bình của Hoài Thanh tất phải nhắc tới, dù không có hai tập đó đi nữa, thì chỉ nội công phu viết địa phương chí cho Bình Định, thi sĩ cũng xứng đáng là người con của Bình Định rồi.”

 

Nha Trang ngày xưa (internet) với các Kiosque trên bãi biển…

 

Sau cùng, xin cảm ơn nhà thơ Đỗ Nghê (tác giả của cuộc đi thăm thi sĩ Quách Tấn tháng 6.1970), đã cho tôi có dịp nhớ lại Nha Trang, nhớ lại một thời tuổi trẻ của mìnhvới những ngày chưa tới tuổi ba mươi mà bước chưn đời lang bạt đến với thành phố biển Nha Trang với biết bao kỷ niệm mà giờ qua rồi gần 52 năm mà lòng tôi vẫn không sao quên được! Nhớ lắm, nhớ lắm, xin cảm ơn, và xin cảm ơn!

Hai Trầu LTT

(Houston, 21-12.2021)

Filed Under: Ghi chép lang thang, Góc nhìn - nhận định, Vài đoạn hồi ký

CHIỀU BUÔNG…

18/12/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

 

Chiều buông…

 (đôi dòng về Không đứng mãi trong tranh của Lê Chiều Giang)

 

 

Đỗ Nghê

Không biết nên gọi Không đứng mãi trong tranh của Lê Chiều Giang là gì cho đúng? Tùy bút? Không phải. Tản mạn? Không phải. Viết ngắn? Không phải. Thơ… Ừ, thơ. Đúng là thơ rồi. Nó cuốn hút. Nó xao xuyến. Nó ray rứt. Nhưng, thực ra thì nó có hơi hướm của một hồi ký hơn với rất nhiều những năm, những tháng, những ngày… cùng với những yêu thương, khóc giấu, khổ đau… Nhưng hình như vẫn không phải là hồi ký, tuy dàn trải cả một đời người, một kiếp người. Tôi biết mình vẫn cứ lẽo đẽo tìm theo những rêu phong của ngày tháng cũ (64). Nó trộn lẫn thơ với nhạc với họa, âm thanh và màu sắc, tưởng tượng và sự kiện. Nó tuôn chảy như một dòng sông, “yên ba giang thượng” mỗi khi chiều xuống…

 

Ta có thể hỏi tò mò: Khi muốn Không đứng mãi trong tranh thì người ta làm cách nào? Mà thiệt ra có mấy cách đâu! Những bức tranh đời đó. Một bức bị xé toang với những lời chát đắng. Một bức bị giấu nhẹm với nước mắt và giận hờn. Một bức với những sắc màu sặc sỡ như để bù đắp mà không kịp hoàn tất, để rồi vùi theo với nhan sắc trăm năm.

 

Không đứng mãi trong tranh là lúc muốn xổ lồng bay xa. Thiệt không dễ! Bởi muốn bay mà vẫn còn ngập ngừng e sợ. Cái gì làm cho ngập ngừng, e sợ, nấn ná?

Và tôi cứ lẳng lơ, tôi rất lẳng lơ viết những chữ mông lung, vật vờ như gió… sáng trưa chiều tối với hằng tỷ bức email như vậy.

Vẫn có một bờ vực còn đó. Một giới tuyến không thể vượt qua.

Tôi biết mình không được bước xa hơn, dù chỉ là một inch nhỏ. Chúng tôi  dừng lại, đứng ngay ngắn ngay lằn ranh khắt khe nhất của định mệnh. Với tới nhau qua khoảng không gian xa vời ngàn dặm, mù tăm (156).

 

Nhưng tuổi vẫn chẳng tha người. Đó là khi người ta “Kên” với tuổi đời. Khi chợt nghĩ tới số 60, tôi nhắm mắt uống thêm ba hớp café một lúc…  Nếu café mà làm tan biến mất được cái số đáng sợ này, chiều nay tôi tình nguyện uống thêm vài ngàn ly nữa… 

Phản ứng với số 60 dễ ghét, tôi tiếp tục mặc jeans bó sát, áo trễ xuống thêm chút nữa và luôn đi giày cao gót… khua vang, vọng theo mỗi bước chân. Tôi cố gắng hết sức để nhìn như 50 hay trẻ hơn thế… (145).

Để rồi chợt nhận ra “thế gian hằng như mộng”:

Thiên hạ hay bàn về những điều bất biến, những bền bỉ trăm năm… tôi tính theo phút theo giây.

Những bóng những bọt của đời người (148).

 

Giật mình,

Ta

Chắc phải… yêu thôi.

(Liều mạng, 151).

 

Khi yêu thương và được yêu thương, tháng ngày như ngắn lại, tôi sợ đời sẽ hết, tôi sợ ngày sắp hết… Và chúng tôi hấp tấp vội vàng. Vội vàng nhưng… “tinh khiết”.

Một thứ “tình yêu hàm thụ”. 

Tôi về lại vị trí mình đang đứng, ngó mông ra cuối chân trời, thấy có những óng ánh của hai chữ “Đạo đức”. Với tôi, nó không chỉ phù phiếm mà rất nhiều khi mang ý nghĩa của những người Dại dột, không biết sống và chẳng bao giờ dám sống. (159). 

Thấy không, xổ lồng bay xa đâu có dễ.

 

Đứng mãi trong tranh

Đóng vai:

Góa phụ

Sáng nay ta

Ra với mặt trời

Như kẻ xa xôi về lại trái đất…

 

Rồi nhìn quanh quất, vội vã lại bước vào trong tranh:

 

… Diễn tiếp

Hỡi thế gian

Ta

Bỏ cuộc chơi.

(Đầu hàng,103).

 

Duyên chăng? Nghiệp chăng? Từ những ngày còn thơ đọc mà chẳng cần hiểu với Krishnamurti, Tagore, Khalil Gibran, Hermann Hesse… Những ngày lang thang phòng tranh, Pagode, Givral… Những ngày trốn học, cà phê góc phố, bỏ Lễ nhà thờ, canh giờ về muộn…

Những ngọn lửa nhỏ cứ ngún dần như thể đợi một cơn gió. Và gió đã bùng lên.

Bước vào trong tranh, có lúc như ngựa chứng, tóc bờm tung bay như phi nước đại, cổ vươn cao ngoằng hí vang, cho nên không ngạc nhiên khi tranh thiếu nữ của NĐ luôn kề bên một bóng ngựa phi đường xa dưới bóng trăng huyền hoặc lẫn bóng tối u mê giữa ngàn lá biếc.

Sự cách điệu không hài hòa làm cho gương mặt có sắc sáng như trăng, lại thêm chút bóng tối của u mê (11).

 

Lê Chiều Giang viết Không đứng mãi trong tranh có khi như thơ, có khi như nhạc, như họa. Giọng điệu đôi khi ngổ ngáo, khinh bạc, nhưng ẩn chứa bên trong là rụt rè, bẽn lẽn, đắn đo…

Cái đó làm cho Không đứng mãi trong tranh đáng đọc, để thấy thương hơn một nhan sắc, một tính cách, một số phận như dòng sông những buổi chiều về…

Chiều buông

Trên dòng sông cuốn mau…

……………………. 

Về đâu?

Bọt bèo tuôn khắp nơi…

 

Để rồi, nhận ra cõi vô lượng tâm:

“Bể sầu không nhiều, nhưng cũng đủ yêu…” 

(Chiều về trên sông, Phạm Duy)

 

(Đỗ Nghê. Saigon,12.2021)

 

 

 

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

ĐỖ NGHÊ: Thăm thi sĩ Quách Tấn (Nha Trang,1970)

13/12/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

Thăm thi sĩ Quách Tấn

(Nha Trang, 1970)

Ghi chú: Trần Hoài Thư vừa gởi tặng lại Đỗ Nghê bài viết “Thăm thi sĩ Quách Tấn” trên tạp chí Văn số 161. Mình thất lạc bài này đã lâu, tìm không ra, may sao THT thấy trên Văn bèn gởi cho. Mừng quá. Đa tạ bạn.

Đọc cảm động. Hồi đó mình mới ra trường, về Nha Trang, liền “tranh thủ” ghé thăm nhà văn Võ Hồng (mới 50 tuổi!) và nhà thơ Quách Tấn (mới 62 tuổi!)… và gởi bài này cho Tạp chí Văn. Trần Phong Giao vui lắm, kêu viết tiếp. Nhưng bề bộn biết bao nhiêu!

Trước đó, năm 1960, mình đã có dịp thân quen với Quách Giao (con thi sĩ Quách Tấn) trong chuyến đi chơi Suối Lồ Ồ cùng với gia đình cậu Nguiễn Ngu Í, Lê Phương Chi, với Hồ Xích Tú, Nguyễn Công Thuân (Thuần), Bùi Thanh Danh…

Mới thôi…

Đỗ Nghê (Đỗ Hồng Ngọc)

(Cảm ơn Đèn Biển đã gõ… giúp cho!)

………………………………………..

ĐỖ NGHÊ
Thăm thi sĩ Quách Tấn
Tôi đến thăm Quách Tấn nhân dịp ghé Nha Trang. Buổi sáng trời mưa nho nhỏ. Con đường đến nhà ông loang lổ những vũng nước đọng. Nhà ông ở một góc chợ. Cái tên đường nghe cũng đã huyên náo rồi: Đường Bến Chợ! Người thi sĩ của mùa cổ điển, của đọng bóng chiều đó, đã sống bằng một cách nào trong bao nhiêu năm để vẫn giữ được một tâm hồn “nhàn” của cổ nhân? chắc là một thứ “nguyệt lai môn hạ”? Ông đón tôi với nụ cười trên môi. Cái gọng kính trễ xuống sống mũi, đôi mắt sâu sâu như cũng mỉm cười sau hai lưỡng quyền cao, nhưng chưa cao bằng cái trán rộng và càng rộng nhờ cái đầu sói, tóc điểm sương.
– Chút nữa tôi quên ông, nếu không nhờ cái kính cận thị của ông. Tính tôi hay quên một cách lạ lùng, khiến nhiều người cho là tôi kiêu ngạo.
Tôi tò mò:
– Bác quên như thế nào mà gọi là lạ lùng?
– Tôi quên mặt người, mặt chữ, danh từ riêng, còn ý nghĩa câu văn và nhất là thơ thì tôi lại nhớ dai lắm. tôi viết “Xứ Trầm Hương” hoàn toàn nhờ ký ức. Chuyện càng xưa tôi càng nhớ kỹ.
Tôi tò mò một cách “nghề nghiệp”:
– Xin bác cho biết rõ hơn.
– Trước tôi từng dạy chữ Hớn, thế mà mới đây có một lần viết chữ Quách – trong chữ Quách Tấn – mà tôi viết cũng sai. Dịch thơ Hớn của Nguyễn Du và Thái Thuận, tôi phải nhờ người đọc giúp. Họ chỉ đọc lên cho tôi nghe cái âm của chữ, không cần biết nghĩa cũng được. Nói cách khác là họ giúp tôi nhận mặt chữ. Còn tiếng Việt và tiếng Pháp thì tôi bị trật chánh tả luôn, mặc dù nhiều lúc tôi tự đặt ra những mẹo riêng để nhớ, chẳng hạn chữ “chuột” phải tận cùng bằng chữ “t” vì con chuột có đuôi…
Tôi thoáng nghĩ đến một thứ bệnh, vẫn được xếp vào loại bệnh tâm trí ở những người mất tri giác chữ viết nhưng vẫn hiểu nghĩa nếu có người đọc cho họ nghe âm của chữ đó. Tôi hỏi kỹ hơn:
– Tình trạng này bác mới bị đây hay đã lâu?
– Đã lâu. Rồi ông giải thích nguyên nhân của “bệnh” luôn để đánh tan sự nghi ngờ “méo mó” của tôi: Chắc vì hồi nhỏ tôi cố học lấy cái “nội dung” mà bỏ qua cái “hình thức”, tôi muốn noi theo cái học của Khổng Minh hơn là Phụng Sồ, nên bây giờ đã thành tập quán xấu. Đọc xong một cuốn sách nào là tôi quên nhân vật, quên cốt truyện, chỉ nhớ những ý hay. Khi viết xong phần nào là tôi quên mất không kể lại được. Tôi cũng thường viết lầm tên bè bạn dù tôi nhớ đúng tên họ.
Một đứa bé chừng ba bốn tuổi chạy ra đến ôm chân “ông nội”. Quách Tấn nói với tôi:
– Con thằng Giao đó.
– Bác có tất cả mấy cháu rồi?
– Hai mươi đứa, cả nội lẫn ngoại.
Vậy mà trông “ông nội” vẫn trẻ. Ông mặc bộ bà ba lụa trắng, cũ kỹ ; mang đôi guốc xuồng ba màu, quai đen. Dáng người vừa phải, giọng nói thanh thanh, có vẻ vội vàng một chút, nhưng không kém thân mật. Trong câu chuyện ông thường tự hào “tôi hơn Vũ Hoàng Chương 8 tuổi đó!”.
– Bác ít khi bị đau ốm?
– Lúc này đỡ nhiều. Năm ngoái tôi đau một trận dây dưa mãi, phải mổ đến 6 lần!
– Bác đau gì mà mổ nhiều vậy?
– Trĩ. Trĩ mạch lươn. Tôi mổ ở Qui-nhơn.
– Nay bác đã khỏi hẳn chưa?
– Thỉnh thoảng bị lại, nhất là lúc bị bón.
Tôi nói một chút về cách chữa bón, rồi hỏi thêm:
– Bác thường đi bộ chứ?
– Tôi đi mỗi ngày 1, 2 giờ là thường. Đi khỏe lắm, không biết mệt. Thực ra thì cũng vì tôi không biết đi xe đạp.
– Bác ngủ có dễ không?
– Không, nhiều đêm tôi thức rất khuya để nói chuyện với khách, hoặc làm việc. Lúc mệt chỉ cần chợp mắt một chút. Nhưng sáng thì tôi ngủ trưa lắm, đến 9, 10 giờ mới dậy.
– Thường bác có dùng thuốc men gì không?
– Tôi uống sâm Cao-ly, thỉnh thoảng chích Syncortyl thấy khỏe lắm. Có bác sĩ quen, cho tôi ít thuốc loại kích thích tố…
– Testostérone?
Thi sĩ cười cười, rồi hỏi tôi về loại thuốc H3 mà một người bạn vừa biếu một chai. Tôi nói sơ lược những điều tôi biết về loại thuốc này rồi hỏi thêm, bắt chước lối hỏi của các nhà chuyên phỏng vấn “nghệ sĩ”:
– Bác có ghiền một thứ gì không?
– Không. Tôi không ghiền gì cả. Không rượu, không thuốc, không bài bạc. Tôi cũng không chơi đờn, không đánh cờ, không đá gà… Ngày trước, ông Tú, cha của Nguyễn Tuân, ở sau nhà tôi, có mời tôi làm thử một điếu thuốc phiện, nhưng tôi vì gớm cái ống điếu mà không chịu thử. À, tôi thường đi xinê, nhiều người cho là tôi ghiền xinê. Mỗi tuần đi 5 lần.
– Bác thích loại phim gì? Tài tử nào?
– Phim gì cũng được. Rạp nào cũng được. Xem thì thích lúc đó. Xong quên ngay. Quên cốt truyện, quên tài tử, nhân vật. Tuy nhiên phim kiếm hiệp tôi vẫn ưa hơn.
– Vậy chắc bác có đọc Kim Dung?
– Phục Kim Dung vô cùng! Kim Dung là một nhà thơ lớn. Kiếm pháp cũng như thi pháp. Vô chiêu kiếm của Kim Dung thực giống với vô ngôn thi.
– Có khi nào bác đạt đến vô ngôn thi?
– Chưa được, khó lắm. Một tiếng tằng hắng, một tiếng than đã là một bài thơ tuyệt tác rồi. Năm ngoái, khi cây mận gần trăm tuổi ở trước cửa nhà tôi đây còn sống có lần tôi thấy một giọt sương lóng lánh rơi từ một lá mận xuống gốc. Đột nhiên, tôi thấy lạnh buốt sống lưng, như giọt sương đó đã rơi từ giữa trán tôi xuống và chảy dọc theo người. Tôi cảm thấy cả thân thể vibrer và khoan khoái lạ lùng. Đến bây giờ, mỗi lần nhớ lại, tôi vẫn còn thấy cảm giác đó. Vậy mà tôi vẫn không sao diễn đạt được trong một bài thơ.
– Như vậy, một bài thơ của bác thường bắt nguồn từ một hứng cảm thiên nhiên?
– Không. Thế hệ tôi làm thơ không phân biệt thiên nhiên với tâm tình. Làm thơ là để giải thoát tâm tư, ký thác tâm sự. Làm thơ cho mình chứ không phải cho người.
– Một bài thơ của bác chắc phải được thôi xao kỹ lắm?
– Nhiều bài tôi ấp ủ hằng chục năm. Bài “Đêm khuya nghe quạ kêu” 12 năm, bài “Ấp ủ” 15 năm. Trong một bài mà có một chữ không đạt là tôi bỏ. Tản-Đà có lần định sửa một chữ trong một bài thơ của tôi mà không tìm ra chữ nào ổn, trong ba năm, đành thôi.
– Thưa bác, trong hồi ký bác đang viết, bác có giảng thơ mình không?
– Không. Tôi thấy không nên giảng thơ. Tản-Đà đã giảng thơ ông. Nếu để tôi giảng thơ Tản-Đà có lẽ thú hơn. Bởi vì thơ không những chỉ có vị-nội-vị mà còn có vị-ngoại-vị nữa. Và đọc tức là sáng tạo. Lire c’est créer.
– Hiện nay ngoài hồi ký “Bóng ngày qua” bác còn viết gì thêm?
– Tôi dịch thơ chữ Hớn của Nguyễn Du và Thái Thuận, thi sĩ đời Lê Thánh Tôn.
Ông mang khoe với tôi tập bản thảo thơ dịch rất công phu, gồm phần chữ Hán, phần dịch nghĩa, phần chú giải và phần dịch thơ. Ông nói:
– Có ai ngờ là Nguyễn Du đã từng sống lữ thực hằng chục năm? Có ai ngờ con Nguyễn Du đói, Nguyễn Du đau trong nhiều năm mà không có thuốc men? Ngay cả vấn đề Nguyễn Du có phải là trung thần của nhà Lê không cũng cần phải đặt lại. Những điều này trong các tập thơ chữ Hớn của ông có nói rõ. Về Nguyễn Trãi và Thái Thuận cũng có lắm điều lý thú bất ngờ. Tôi đang tìm nhà xuất bản cho in những cuốn này.
Tôi góp ý:
– Những tài liệu hữu ích cho văn hóa thế này có lẽ bác nên để Trung-tâm Học-liệu bộ Quốc-gia Giáo-dục xuất bản để dễ phổ biến trong giới sinh viên học sinh vì Bộ in sách bán giá rẻ.
 Quách Tấn hơi sẵng giọng:
– Trước cũng có người bạn thương tôi, đề nghị với một nhân vật cao cấp ở bộ Giáo-dục cho xuất bản những tài liệu này. Họ nhắn bảo tôi đánh máy làm 4 bản, kèm theo đơn xin…
– Bác có thực hiện không?
– Đời nào!
Đã hỏi lung tung như thế, tôi thấy chẳng có lý do gì chẳng hỏi lang bang thêm tí nữa, và cũng để thay đổi không khí:
– Thưa bác, vấn đề tính dục, bác đã thấy có dấu hiệu gì của sự “già nua”?
Quách Tấn cười dễ dãi:
– Chưa. Vẫn tự nhiên. Tuy nhiên từ trước tới giờ tôi vẫn thích những sự ôm ấp, nhưng caresses hơn. Tôi thích thưởng thức cái volupté của người đàn bà hơn là của mình. Trước kia tôi có nhiều nhơn tình. Tôi cám ơn họ lắm vì nhờ họ tôi có nguồn cảm hứng luôn. Tôi quan niệm “làm thơ cũng như chơi gái”. Làm thơ không phải chỉ thuần có khoái cảm ở tâm hồn, nhiều lúc thấy vibrer cả cơ thể. Làm xong một bài thơ, cơ thể cũng rã rời, mệt mỏi. Có những bài thơ làm bằng nước mắt. Ngược lại, chơi gái cũng phải là một hành động thơ, chứ không phải chỉ là sự giải quyết sinh lý. Có lần tôi về Sài-gòn, bạn bè đưa đến một cô thực đẹp, nhưng sao tự nhiên tôi cảm thấy không hứng thú gì hết. Ce n’est qu’un morceau de chair!
Thấy đã qua trưa, tôi đứng dậy cáo từ. Người thi sĩ của “mùa cổ điển”, của “đọng bóng chiều”, của “bóng ngày qua” đó tiễn tôi ra cửa cũng với nụ cười trẻ trung trên mắt. Chưa có dấu hiệu già nua trong dáng dấp, cử chỉ, lời nói của ông. Tuy nhiên, những việc làm của ông như viết hồi ký, dịch thơ cổ, viết các loại địa phương chí, đã thoáng chút gì không phải của hiện tại.
ĐỖ NGHÊ

(Nha-trang 6-70)

Filed Under: Ghi chép lang thang, Góc nhìn - nhận định, Vài đoạn hồi ký

Nghĩ cùng Bông Giấy

12/12/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Nghĩ cùng Bông Giấy

Lê Quang Khánh (Australia)

Ghi chú: BS Lê Quang Khánh, người bạn cùng khóa Y khoa Saigon với tôi (1962-1969) hiện sống ở Melbourne. Có lẽ đọc bài “Buông” tôi vừa post nên cảm xúc viết mấy dòng về Chòm Bông Giấy đỏ rực mùa hè trước nhà anh. Cùng lúc, tôi nhận “meo” của BS KienMai ở Canada thì tuyết đông đang ngập trắng xóa! Cho nên…

(ĐHN)

 

Trước nhà có khóm bông giấy đỏ. Hè về bông đỏ nở rực như phượng vĩ nơi  quê hương thứ nhất. Chốn nầy, trời thường mát và lạnh, đâu đủ ấm nóng để trồng phượng vĩ, dù có lúc cũng nóng và ve kêu inh ỏi. Bông giấy nở rộ cũng đúng lúc mùa hè và mùa học sinh nghỉ hè vài tháng từ lúc gần Giáng sinh và đầu năm mới. Bông giấy đỏ nở rộ nhắc đến mùa phượng vĩ thời học trò. Màu đỏ rực là màu tươi vui của xác pháo lúc Tết, của ngày đám cưới, của bao giấy đựng tiền lì xì mà cũng là màu đỏ của máu, của đau đớn, khổ sở, chia ly vì  chiến tranh, tai nạn và bệnh hoạn…Màu đỏ của than, của lửa cho cái ấm, cái no sau bữa ăn, của mặt trời đem cái sáng, cái ấm, cùng cái nóng bức.

Sao được đặt tên là bông giấy. Có lẽ là bông mỏng như tờ giấy, nhám và hơi cứng, không mùi, có nhụy mà không mật nên không quyến rủ được bướm ong. Mà có ong bướm đến thì cũng không có thụ phấn, để có trái.  Giống như bông giả bằng giấy. Bông hồng, bông bụp cũng có trái nhưng không ăn được. Hồng đỏ  bụp đỏ cũng khoe sắc lúc hè về. Bông giấy cũng có gai dù ít gai hơn hồng, cao hơn hồng,  có khi mọc theo hàng rào, vừa đẹp và vừa có gai. Chàng theo nàng đến nhà thấy hàng rào bông giấy, tuy thích nhưng đâu dám trèo qua. Bông giấy trồng thì dễ vì ít cần nước nhưng phải cắt tỉa thường xuyên.

Có nhiều loại và nhiều màu: tím, vàng, cam, hồng và trắng. Thường thích nắng sáng và ấm trừ bông giấy trắng.

Bông giấy đỏ nằm ở sân trước nhà là do duyên mà thành, trùng trùng duyên khởi. Từ nhánh của cây mẹ, được cắt ra, nuôi lớn, xe chở đến vườn bán cây, rồi cần xẻng để đào lổ chôn xuống, chăm sóc,  tưới nước cho phân, không khí, mặt trời, khí hậu, đất xốp vừa đủ. Tuy là nhân là bông giấy mà chưa chắc có quả là bông giấy vì thiếu một duyên thì không có bông giấy trổ bông, nhưng nhân bông giấy không thành bông hồng được. Bông giấy cũng phải chịu luật vô thường: sinh trụ dị diệt. Đủ duyên thì lớn, đúng thời thì trổ bông, rồi héo, rồi chuyển thành nâu xám, rồi tan thành bụi, thành đất. Đâu tăng trưởng, trổ  hoa, rồi héo tàn theo ý người được. Bông nở không ý mừng xuân nghinh hạ, không khoe sắc  khoe đẹp với hồng với bụp. Bông tàn bông rụng không cần ai chôn ai khóc. Mặt trời mọc hay lặn đều nở không thay không đổi. Mưa xuống, trăng lên cũng chẳng sao. Tự tại thanh thản. Gió thổi thì lung lay. Gió qua thì lặng yên. Không loạn nên không cần định.  Như giấy, như giả mà thiệt. Có mà thật là  không. Không buồn không vui mà sống mà vươn. Đang sống mà không biết đã sống . Có hồn hay không ai biết. Không tạo nghiệp nên không luân hồi.

Cây bông trước nhà, bởi có sau nên có trước. Cây bông đẹp, vì thấy đẹp xấu nên có cảm thọ, nên sinh vui buồn. Cây bông của ta ở vườn ta. Cái ngã lan ra, tham ái tỏa rộng. Tham sắc tham vui, nên phải cực khổ, cắt tỉa bón tưới, chẳng chịu thảnh thơi. Chịu cực chịu khổ, tinh tấn tu tâm. Thoát khỏi luân hồi.

Nghĩ loạn.

Thấy bông. Hạ đến.

Thanh tịnh. Trải rộng.

Buông.

(LQK)

Filed Under: Uncategorized

Thư gởi bạn xa xôi (4.12.2021): Nhóm Học Phật, chùa Xá Lợi

04/12/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thư gởi bạn xa xôi,

(4.12.2021)

10 Năm, NHÓM HỌC PHẬT,

Chùa Phật học Xá Lợi Tp.HCM (Saigon).

Ngày này, 10 năm trước, nhóm bạn mình thường gặp nhau ở Chùa Xá Lợi Tp.HCM (Saigon) đã quyết định hình thành Nhóm Học Phật (NHP) để cùng chia sẻ, trao đổi, học Phật với nhau. Nhóm được Thầy Đồng Bổn hết sức ủng hộ và thậm chí nhường phòng của Thầy cho NHP sinh hoạt. Mỗi tuần chúng tôi gặp nhau vào buổi sáng Thứ tư, cùng trao đổi, tranh luận… sôi nổi những vấn đề Phật học, liên quan đến đời sống, đến tâm linh, đến những kinh nghiệm, phương cách tu tập. Nhóm chỉ có 10 thành viên, không mở rộng, có tính “chuyên sâu” một chút vì trong nhóm có người Hán học, người Pali, người triết, người y, người Nguyên thủy, người Đại thừa…

Thỉnh thoảng tổ chức những buổi dã ngoại, đi thăm nơi này nơi khác, để học hỏi thêm. Từ Huế đến Đà Nẵng, Hội An, Quảng Trị, Đồng Nai, Phan Thiết, Đà Lạt, Gò Công, Sa đéc, Đồng Tháp, Vũng Tàu, Bà Rịa…

Dự định nhân kỷ niệm 10 năm, ngày 4.12 này sẽ Họp mặt các thành viên NHP cho vui, cũng để rút kinh nghiệm nhưng tình hình dịch bệnh chưa cho phép…

Do vậy, mình gởi bạn bức thư viết cho Thầy Đồng Bổn, Trụ trì chùa Xá Lơi và chọn vài hình ảnh coi vui thôi nhe.

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc.

……………………………………………………

 

Nhóm Học Phật chùa Xá Lợi

Kính gởi Thầy Đồng Bổn, Trụ trì Chùa Xá Lợi Tp HCM,

Ngày 4.12.2021 là Ngày kỷ niệm 10 năm Nhóm Học Phật Chùa Xá Lợi sinh hoạt tại chùa trong suốt 10 năm qua, mỗi tuần một buổi vào sáng Thứ tư.

Giai đoạn đầu, Thầy đã nhường Phòng của Thầy cho Nhóm sinh hoạt,  và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhóm học tập. Tôi với tư cách Trưởng nhóm xin chân cảm ơn Thầy về nghĩa cử đó. Sau chúng tôi được chuyển về phòng sách của Thư viện chùa Xá Lợi một thời gian khá lâu, rồi về hẳn phòng Họp sinh hoạt học tập cho đến nay.

Nói chung, việc học rất nghiêm túc, thảo luận, tranh biện tự do, sôi nổi; học căn bản từ đầu với Tứ Diệu Đế, Tứ thập nhị chương, Bát đại nhân giác, Lý hoặc Luận (của Mâu Tử), rồi đến kinh Lăng Nghiêm, kinh Viên Giác, kinh Lăng Già…

Thành viên 10 người (không mở rộng) gồm Đỗ Hồng Ngọc, Trần Đình Sơn, Minh Ngọc, Trần Đức Hạ, Trần Phi Hùng, Tô Văn Thiện,Thanh Nguyên, Diệu Châu, Diệu Viên, Ngô Tiến Nhân… về sau thêm Huỳnh Đăng Khoa. Ngoài những buổi học tại Lớp, thỉnh thoảng tổ chức dã ngoại, thăm viếng các chùa chiền, giao lưu v.v… mở rộng thực tế.

Vài năm đầu, có tổ chức Kỷ niệm, và Thầy Đồng Bổn cũng đã đến tham dự vài lần, động viên mọi người, nhưng những năm sau này do bề bộn nhiều việc rồi dịch bệnh nên không tổ chức họp mặt kỷ niệm được.

Nay nhân kỷ niệm Ngày 10 năm Nhóm Học Phật hoạt động tại Chùa Xá Lợi, tôi viết Thư này thay mặt Anh Chị Em kính cảm ơn Sư Ông Hiển Tu, Thầy Đồng Bổn trụ trì, cùng toàn thể quý Thầy và nhân viên của chùa đã hỗ trợ Nhóm Học Phật trong suốt thời gian qua.

Trân trọng,

Đỗ Hồng Ngọc,

 

—

Hòa Thượng Thích Đồng Bổn: 

Nhân ngày kỷ niệm đệ thập chu niên của Nhóm học Phật,

Chào Bác Ngọc,

Tôi thay lời HT viện chủ và chư tăng, kính chúc Bác và Nhóm học Phật luôn an lành trong sự chở che của Tam bảo Xá Lợi.

Chúc Bác Ngọc luôn dồi dào sức khỏe để dẫn dắt anh em cùng học Phật.

Kính,

Thích Đồng Bổn

…………………………………………………………..

 

 

 

 

 

 

 

—

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Gươm báu trao tay, Uncategorized, Vài đoạn hồi ký

“BUÔNG”

29/11/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

“BUÔNG”

                                    Kính tặng Thầy Thanh Từ, 98 tuổi

Thầy Thanh Từ và Đỗ Hồng Ngọc,
                   ( tại Thiền viện Trúc Lâm, Đà Lạt, 2005 )

 

Tôi thỉnh thoảng có được những buổi trực tiếp gặp gỡ với riêng Thầy. Được gặp Thầy một mình như vậy, được trò chuyện trực tiếp với Thầy như vậy, tôi không chỉ học được những kiến giải sâu sắc của Thầy mà quan trọng hơn, còn học được cái “thân giáo”: ân cần, niềm nở, hết sức từ tốn, chân thành… của một bậc chân tu.

Một lần gặp Thầy ở Vũng Tàu, Thiền viện Chơn Không. Trưa hôm đó, thầy Thích Thông Thiền đưa tôi đến thăm Thầy, thầy đang bị đau khớp gối. Vì có buổi Pháp thoại với Phật tử ngay sau buổi nghỉ trưa nên tôi rút lui sớm. Một lần khác đến thăm Thầy ở Bệnh viện 115.  Bệnh viện không cho ai vào thăm nhưng tôi trong ngành nên được cho phép vào. Thầy vui, ân cần nắm lấy tay tôi. Lần khác nữa gặp Thầy cũng ở Chơn Không thì lần này Thầy đã ngồi xe lăn, còn nhận ra và nói ít tiếng. Tôi vẫn theo dõi tình hình sức khỏe Thầy qua các Thầy ở Thiền viện Thường Chiếu, đặc biệt với Thầy Thich Thông Hạnh…

Nhưng lần thăm Thầy ấn tượng nhất với tôi là gặp Thầy tại Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, cách đây đã 16 năm, cũng vào khoảng tháng này, trời hơi lạnh và có chút mưa. Tôi có hội thảo gì đó bên Y tế. Thầy vừa đi Hà nội về, húng hắng ho, cảm lạnh.

Khi tôi đến Thiền  viện thì cơn mưa vừa tạnh. Nắng vàng tỏa rực trên mặt Hồ Tuyền Lâm. Tôi không hẹn trước, chỉ đi cầu may. Có duyên thì gặp, không thì vô duyên vậy.

Người thị giả mở cổng tịnh xá nho nhỏ như một cái cốc, kiểu nhà sàn thấp, có một hòn đá rất lớn trước sân ghi 4 chữ: Chơn Tâm Vô Niệm.  Một con chó trắng to đang nằm thiu thỉu ở bậc tam cấp. Chú thị giả nói chó hiền lắm bác. Tôi bước vào chắp tay chào Thầy. Trông thấy thầy khỏe, sắc mặt tươi vui. Thầy choàng thêm áo khoác và nói vừa ở Hà Nội về, ngoài đó lạnh quá. Tôi hỏi thăm Thầy về sức khỏe, về chuyện ăn ngủ các thứ…  rồi quan sát chung quanh:  góc phòng có cặp tạ nhỏ, nặng khoảng 1ký, Thầy nói để tập tay; một đôi dép cỏ cỡ lớn, Thầy nói ngày ngày đi bộ một vòng quanh núi.

Dịp này tôi đang viết Gươm báu trao tay (về Kinh Kim Cang) nên được dịp hỏi Thầy cho rõ thêm vài chỗ như nghĩa của cụm từ “Như như bất động” và chuyện “dĩ sắc, dĩ âm thanh” để thấy Như Lai có phải là… hành tà đạo?

Tôi hỏi tảng đá to trước sân của Thầy thấy viết “Chơn Tâm Vô Niệm”, trong khi Lục tổ Huệ Năng chỉ nói “Vô Niệm” là đủ? Thầy cười, Ổng là Tổ, nói tắt vậy, còn mình phải nói rõ chớ. Thầy rất cởi mở, vui vẻ, hỏi đâu đáp đó nhanh nhẹn dù Thầy lúc đó cũng đã ngoài 80. Tôi lại hỏi về các tác phẩm xưa của thầy như “Lục diệu pháp môn” và  “Ba vấn đề trọng đại trong đời tu của tôi”… Thầy nói “Lục diệu pháp môn” dịch hồi còn trẻ (xưa rồi!). Tôi đề nghị thầy nên cho tái bản cuốn Ba Vấn Đề… vì rất cần cho giới trẻ hôm nay. Thầy có vẻ rất quan tâm.

Đã gần cả tiếng đồng hồ ngồi bên Thầy, tôi đứng dậy xá Thầy và nói: Nãy giờ học với Thầy nhiều quá rồi, giờ xin Thầy cho một chữ thôi trước khi ra về,

Thầy cười:

“BUÔNG”!

***

Tôi còn có được một bài học khác từ một bài thơ rất ngắn của Thầy: MỘNG.

Bài thơ này thầy viết năm 1980, thấy dán trên cột Thiền viện Chơn Không ở Vũng Tàu:

 

Mộng

Gá thân mộng,

Dạo cảnh mộng.

Mộng tan rồi,

Cười vỡ mộng.

Ghi lời mộng,

Nhắn khách mộng.

Biết được mộng,

Tỉnh cơn mộng.

 

(Thiền viện Chơn Không, tháng 7. 1980)

 

Gá là gán, là gắn, là ghép… tạm bợ vậy thôi.

Thân là ngũ uẩn, năm thành tố với sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Gắn gán ghép tạm bợ mấy thứ đó vào đâu? Vào mộng.

Gá Thân Mộng.

Mộng là ảo, là không thực. Đã gán, ghép tạm bợ, lại đặt vào chỗ không thực nữa  thì tội nghiệp quá! Nhưng để làm gì? Để múa may quay cuồng, tự tạo bao cảnh khổ đau… cho đáng kiếp!

Chịu không chịu cũng phải chịu. “Nó vậy đó”!

Như một đứa bé lắp ghép trò chơi puzzle với mấy mảnh carton tạo ra người này người nọ, con thú này thú kia, phố xá xe cộ lâu đài, rồi xóa đi, rồi lắp ghép lại ra trăm ngàn thứ đồ chơi… trong chớp mắt.

 

Thân đã vậy rồi lại Dạo trong cảnh mộng nữa thì thật đáng tức cười.

Cảnh là thanh, hương, vị, xúc, pháp,  những cái tưởng ở bên ngoài kia thực ra cũng là mộng. Nó không có thực. Nó do tâm tạo ra.

Không dễ mà ý thức được điều đó. Đấu đá tranh giành hơn thua vinh nhục trong cảnh mộng đó mà nào có biết. Khi giật mình tỉnh dậy thì nồi kê chưa chín.

Mộng tan rồi.

Đành cười thôi. Cười vỡ mộng.

Cười một mình. Nụ cười tủm tỉm của Phật chính bởi sự thấy biết đó.

Khi Phật giơ cành hoa sen lên, ai nấy đều trầm tư suy nghĩ, chỉ có lão Ca Diếp tủm tỉm cười, Phật bèn truyền ngay “Chánh pháp nhãn tạng” cho ông.

Nhưng nếu chỉ dừng ở đó, rồi tủm tỉm cười một mình thôi sao? Không.

Đó là lý do vì sao Phật rời khỏi cội Bồ đề, lang thang xuống núi.

Và vì thế bài thơ có phần thứ hai:

Ghi lời mộng.

Nhưng Ghi lời mộng mà không khéo thì người ta lại tưởng thiệt, bám vào câu chữ, vào lý thuyết suông.

Nên phải Nhắn khách mộng. Nhắn là chỉ vẽ, là khuyến khích thực hành, phải trải nghiệm tự thân. Có vậy mới mong Biết mà Tỉnh ra.

Biết được mộng.

Tỉnh cơn mộng.

Tỉnh cơn mộng chính là BUÔNG đó vậy!

Tôi thấy ở đây rất rõ tấm lòng của một vị Bồ Tát, thực hiện theo con đường 10 Hạnh nguyện Phổ Hiền.

 

Đỗ Hồng Ngọc.

(Saigon, tháng 10-2021)

 

 

 

 

Filed Under: Lõm bõm học Phật, Vài đoạn hồi ký

Thơ Trần Vấn Lệ: Cũng Đành Gió Lạc Mùi Hương

27/11/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc 6 Comments

 

 

Cũng Đành Gió Lạc Mùi Hương

Trần Vấn Lệ

 

Ảnh đính kèm

internet

Bỗng thơm như có hương ngàn / bay qua nội cỏ tới làng xóm khuya… Có ai trong gió đi về / áo bay và tóc bay kìa, đêm trăng!
Chuyện này có tự muôn năm, đêm nay lại hiện và thầm thì thơ… Chuyện tình nào cũng rất xưa, rất sau mà chẳng ai ngờ mới tinh…
Trăng vàng thêm tỏ áo xanh!  Gió thơm hai vạt thình lình dễ thương!  Lại thêm hai má rất hường, hai môi rất ngọt một nguồn suối trong…
Người về lòng tưởng đêm không, đi êm đến nỗi trăng song song người… Còn ai trên ngựa cứ ngồi, nhánh cây che khuất mặt trời cũng duyên…
Chuyện rằng khởi tự một đêm viết câu tình nhớ trao em xa mờ… cũng vì duyên khởi mà chưa trầu cau nên nỗi đường tơ mịt mùng…
Nếu xưa mà chiến tranh đừng… đâu thơm rất lạ gió rừng hỡi em?  Nếu sau đừng nghĩ có Tiên… thì câu thơ chắc không phiền lụy đâu!
Tại em, ai biểu qua cầu. tại em áo đổi sang màu hoàng hôn… Em xa gió đã hoảng hồn bay tan hết khói, đạn còn mảnh tim!
Bài thơ này tạ tình em, cũng là ta tạ tình riêng của mình… Có ai khi đã hòa bình ngẩn ngơ đến nỗi nhớ hình như thương?
Cũng đành gió lạc mùi hương, hoa thơm lối cũ hồn dường trăng sao!

(TVL)

Filed Under: Chẳng cũng khoái ru?, Những người trẻ lạ lùng

“Đêm thơm như một dòng sữa…”

25/11/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

 

“Đêm thơm như một dòng sữa…”

(ĐÊM, thi tập Khánh Minh, tháng 11, 2021)

 

Đỗ Hồng Ngọc

Bỗng dưng nhớ Đêm thơm như một dòng sữa của Phạm Duy (Dạ lai hương) khi nhận được Thi tập ĐÊM của Nguyễn Thị Khánh Minh.

Hiu hiu hương tự ngàn xa
Bỗng quay về dạt dào trên hè ngoài trời khuya…

 

Đêm đâu là chốn quê nhà

Trăng ngõ nhà ta xưa

Gần hơn trăng nơi này

Mộng hơn trăng nơi này

Nên trăng vàng khắp ngõ

Hỏi trăng gần, trăng xa

Đâu là chốn quê nhà…

 

Tìm trong đêm, mây trắng

 Hỏi xem nhà ta đâu

Đêm cúi nhìn im lặng 

 

Đêm guốc mùa đi tất tả

Năm tháng năm buồn thủ thỉ

Hằn vai quang gánh nỗi niềm

Tiếng guốc vẹt mòn kiệt phố

Lắng vào đêm tiếng chân quen

Năm tháng năm buồn lựng chín

Lời ru hồn phố chắt chiu

Tiếng guốc mùa đi tất tả

Hội An thức ngủ về theo

… lục tàu xá… lục tàu xá…

 

Bỗng nhớ “Hội An đêm” của Đỗ Nghê:

Hội An đêm

Bập bềnh cơn sóng dợn

Nghìn lồng mắt chao nghiêng

Những linh hồn thức dậy

Thở cùng Hội An đêm 

(ĐN)

 

Đêm hai nửa điệu cong

Trăng trên kia

Một đường cong sáng

Nếu xóa đi không gian

Sẽ có được một vòng tròn đâu lại

Tôi và trăng

Hai nửa điệu cong

Mềm mại.

 

Thân đêm nồng nắng ủ

Mật ngọt. Lừ chiêm bao

Một giây bừng vĩnh cửu

Thầm thì, tan trong nhau…

Gợn lên từ hơi ấm

Tận cùng. Dâng hiến đất

Cúi xuống. Bao la trời

Trao nhau. Đêm diệu mật..

 

Chàng mở mắt

Và trái đất có bình minh

Nàng hỏi bằng ánh mắt thơ ngây nhất

Và đêm có đêm rằm 

Trong phút giây hạnh phúc 

Nàng nhắm mắt

Và. Đêm. Trăng mật

 

Đêm tiếng bước thời gian

Đêm qua anh cùng em

Dặm đường nghe gió biếc

Đêm nay em nhìn lên

Thấy một vầng trăng khuyết

 

Nhớ chuyện kể hình như của Tagore: người chồng có chuyến buôn xa, từ biệt vợ, nàng âu yếm đôi lần bảy lượt dặn đừng quên lúc về mua cho nàng một tấm gương tròn sáng như vầng trăng vành vạnh kia. Ngày về, chàng nhìn lên trăng, thấy một vầng trăng lưỡi liềm cong vút, vội vã mua một chiếc lược ngà…

Lại nhớ Trịnh: “Em đi qua chuyến đò, ối a con trăng còn trẻ/ Con sông đâu có ngờ, ngày kia trăng sẽ già” (Biết đâu nguồn cội).

Một nhà thơ nữ lẽ nào “đâu có ngờ” như con sông kia nhỉ?

 

Đêm rộn lòng dâu bể

Không rộn lòng dâu bể

Tỉnh thủy vô ba đào

Nếu mà không hạt lệ

Thử tâm chung bất dao…*

Nếu mà không trăng sáng

Làm sao nối xưa sau…

Cho nên Đêm Nguyễn Thị Khánh Minh đầy “rộn lòng dâu bể”, đầy hạt lệ yêu thương, cha mẹ, vợ chồng, bè bạn… quê hương xứ sở, dịch bệnh, phân ly, kỳ thị, ngăn cách, xót xa, giấc mơ em nhỏ châu Phi, giấc mơ em nhỏ Việt…

Ở Khánh Minh, thơ không chỉ là thơ mà còn là tiếng nói, còn là hạt lệ… còn là vòng tay, còn là hơi ấm từ trái tim biết đau xót nỗi đau chung:

Người đem theo nụ cười

Đi vào những biên giới

Những biên giới đôi co

Những biên giới gào thét

Bỗng nhận ra mình

Những phân chia hổ thẹn

 

Để rồi:

Nhìn trời. Thấy cái đồng không

Hét to. Lại thấy nỗi mông quạnh ngày

Sao tự nhiên đứng ở đây?

Một nơi rất lạ, cõi không nụ cười

Ngây ngô họ xúm gần tôi

Chỉ trỏ vào nụ tôi cười, ngạc nhiên

Quệt vào tôi những ánh nhìn

Hỏi tôi hạt nước mắt tìm ở đâu

Thưa, tôi nhặt ở tim đau..

 

Rồi quay về chính mình:

Soi gương thảng thốt mặt mày

Mở hai con mắt không đầy được tôi

Thốt lên ngọng nghịu những lời

Bóng trong gương hỏi, tiếng người đó chăng?

 

Đêm trái tim diệu mật

Nghe gió thỉnh hồi chuông

Từ trái tim diệu mật

Chắt chiu tâm Phật

Chuông giờ lành

Trái đất đầu thai

 

Trong thơ Khánh Minh, ngọn cỏ với Ta là một, cùng uống ánh mặt trời, cùng tỏa ngát hương thơm, cùng rúng động vì tiếng chuông chùa trên núi xa kia để hòa vào  vũ trụ mênh mông không còn phân biệt bởi căn-trần-thức nữa!

 

Cỏ nhé. Ta nằm xuống

Cỏ nhé. Ta cùng uống

Vô lượng ánh mặt trời

 

Cỏ nhé. Ta đầy hương

Của nồng nàn thơm giấc

Đưa nhau đến ngọn nguồn…

 

Không thể không nhớ lữ khách nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San làm xao động giấc mơ…

Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

[Thuyền ai đậu bến Cô Tô

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San]

(Phong Kiều Dạ bạc, Trương Kế)

 

***

Đêm thơm không phải từ hoa

Lung linh trăng lại về nữa

Cánh gió đưa hương ngả đầu mây phất phơ…

Đêm thơm không phải từ hoa

Mà bởi vì ta thiết tha tình yêu Thái Hoà…

(Dạ lai hương, Phạm Duy)

 

Phải, “mà bởi vì ta thiết tha tình yêu Thái Hoà…” đó vậy./.

ĐHN,

Saigon 24.11.2021)

……………………………………………….

(*) Ý đạo, Nguyễn Du

 

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Nghĩ từ trái tim, Đọc sách

Tập Thơ ĐÊM. 2021 NGUYEN THI KHANH MINH

10/11/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc 2 Comments

 

 

ĐÊM tập thơ NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH VĂN HỌC PRESS xuất bản, 2021 Tựa: Tô Thẩm Huy; Tranh bìa: Phạm Cung

 

Nguyễn Xuân Thiệp

… Đến với Đêm để được thiền sư Muju tặng cho vầng trăng. Đêm cũng là thời khắc để Khánh Minh gần với Nguyễn Du, Tagore và Gibran. Với Nguyễn Du thì có ‘Minh nguyệt chiếu cổ tỉnh, Tỉnh thủy vô ba đào’. Trăng sáng lòng giếng xưa / Nước giếng không xao động. Ôi, thật là tĩnh lặng như lòng ai tới với thơ trong đêm trăng chiếu.

(…)

Đêm đưa Khánh Minh về gặp vầng trăng xưa để thấy: Trăng ngõ nhà ta xưa / Gần hơn trăng nơi này / Mộng hơn trăng nơi này /… Nên trăng vàng khắp ngõ / Xe về ấm lối quen / Ai chờ bên thềm gió… Hình ảnh cuối cùng trong mấy câu thơ trích dẫn trên là cô bé Khánh Minh chờ cha về trước thềm nhà xưa.

Trang thơ của Khánh Minh đầy thi ảnh và cảm xúc, vừa siêu thực vừa hiện thực, khiến nước mắt rơi… Đúng vậy. Đọc ĐÊM của Nguyễn Thị Khánh Minh ta gặp những ánh mắt nhìn trong sáng đầy ý thơ, với những cảm xúc nhân bản. Ở đó, nắng và hương cỏ và đêm tan vào mộng mị chiêm bao, tạo thành một thực tại huyền ảo. Đọc Đêm của Nguyễn Thị Khánh Minh để cảm nhận ngôn ngữ thơ tinh tuyền của tác giả và những hình ảnh sáng tạo như dưới cái nhìn của tuổi thơ. Ôi, xin cất giữ làm của cải cho đời sau.

 

Tô Thẩm Huy

(…) Và hỡi những họa sĩ thân yêu trên trần gian này, tôi xin được làm cậu Hoàng Tử Bé của St Exupery, yêu cầu quý vị vui lòng vẽ hộ tôi – không phải con cừu đang gặm cỏ trên tinh cầu xa xôi – mà làm ơn vẽ hộ tôi bức tranh của bóng khuya – không phải là bóng khuya lúc đang ngồi tỉ tê cạnh bóng đêm, mà là lúc đang lững thững đi dạo dưới trăng – để tôi có dịp được ngắm bức tranh vẽ lúc “bóng về” của họa sĩ Khánh Minh:

Ai vẽ được bóng khuya đi

Cho tôi đọ với bóng về. Của tôi

Lời của thơ trong “Đêm” là tiếng nói của con người nguyên sơ mà chúng ta đã lâu ít còn được nghe thấy ai nói, đến gần như đã quên mất. Xin mời nghe lại mấy lời:

Gió vườn nhà êm ả

Ai nói gì qua lá

Mà khuya đầy trăng thơm

 

Đêm ngó trời. Cao quá

Hỏi trăng gần, trăng xa

Đâu là chốn quê nhà…

 

Tô Đăng Khoa

Sự hội ngộ “Mặt mừng tay bắt gọi tên” giữa “ta-và-ta” không phải xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật mà xảy ra trong bối cảnh của “Ánh đêm sắc lẻm” của sự nội quán: Trong đó lằn ranh giữa “Nhớ” và “Quên” quyết định sự “chia lìa” hay “không chia lìa”! Hay là nói cách khác: Chính “Nhớ” và “Quên” quyết định cái gì “Có” cái gì “Không”, cái gì “Hữu” cái gì “Vô”.

Đối với riêng tôi, bốn câu thơ cuối của bài “Phía Bên Kia” là bốn câu thơ xuất thần của sự “phản quan tự kỷ”, và có giá trị rất lớn trên cả hai lĩnh vực Thi Ca và Tư Tưởng. Hơn thế nữa, nó còn có thể được chiêm nghiệm thậm sâu để ứng dụng vào đời sống hàng ngày.

Thi Tập Đêm là cuộc hành trình tiếp nối của Ánh Sáng và của Bóng sau bao nhiêu phản xạ, khúc xạ khắp chốn nhân gian nay trở Về Quê của Màn Đêm Tịch Tịnh. Rồi thì sao?

Thì rồi mai nọ mốt kia

Đem hình vá bóng sợ gì một-hai.

 

Phan Tấn Hải

Có những buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều và buổi tối. Khi tôi ngồi tịch lặng ngoài hiên. Đôi khi có chút gió, có khi trăng rất mờ vào đêm, hay sương còn lạnh vào ban mai. Có khi buổi trưa trong xóm vắng không người, thoang thoảng tiếng xe chạy ngoài phố xa vọng tới. Có khi chiều nắng rất nhạt, như tới từ một ký ức thời thơ dại. Tôi lặng lẽ ngồi,hông nghĩ ngợi gì, chỉ cảm nhận những làn gió nhẹ thoảng qua. Không một ý nghĩ nào khởi lên trong tâm, không một chữ nào hiện ra trong tâm. Cả thế giới chung quanh chỉ là những cái được thấy, được nghe, được cảm thọ, và không có một cái gì khác khuấy động. Tỉnh thức, cảm nhận trên thân tâm một nỗi tịch lặng không lời. Nơi đó, vắng bặt tất cả những gì có thể so đo thành chữ. Những khi như thế, tôi không muốn cử động mạnh, chỉ vì sợ làm tan vỡ những vạt nắng ban chiều, hay là sẽ làm rơi mất ánh trăng.

Có đôi khi, tôi nghe nhạc. Thường là nghe các bản hòa âm ngắn, không lời của piano, ngắn thôi, cỡ vài phút. Không hơn 4 hay 5 phút. Tôi không muốn nghe ca khúc nào dài. Cuộc đời mình có dài đâu. Thêm nữa, vì cần chiêm nghiệm về những âm vang tập khởi, và rồi những âm vang biến diệt. Sinh và diệt. Hạnh phúc và đau đớn. Nghe nhạc, có những ca khúc như thế, cho mình ý thức thêm về những hư vỡ của cõi này. Chỉ lặng lẽ ngồi nghe. Có khi không dám cử động mạnh, chỉ lắng nghe thôi, lặng lẽ, để từng âm vang ngấm vào thân tâm. Tôi cũng từng kinh ngạc, tại sao khi người ta nghe nhạc hay lại vỗ tay lớn tiếng. Lẽ ra, sau mỗi ca khúc hay mỗi bản trình tấu hay, người nghe chỉ nên ngồi lặng lẽ thêm vài phút. Vì bất kỳ những cử động nào lúc đó sẽ có thể làm rơi các nốt nhạc còn bay lơ lửng quanh mình.

Khi đọc thơ Nguyễn Thị Khánh Minh, tôi cũng cảm nhận cũng thế.

(…)

 

trần thị nguyệt mai 

Trăng thơm

Gửi chị Khánh Minh

                                     Ai nói gì qua lá

                                     Mà khuya đầy trăng thơm

                                     (trăng gần trăng xa – thơ nt khánh minh)

 

Lá thở từ muôn kiếp

Đếm sao trời ngàn năm

Cho đêm hoài thơm trăng

 

Trăng thơm trong giấc ngủ

Cứ như gần như xa

Em bềnh bồng mộng ảo

 

Đẹp tuyệt vời là đêm

Trăng óng ả ướp mật

Như câu chuyện thần tiên

 

Và ước mơ bình yên

Người thương người vô biên

Thôi chiến tranh, muộn phiền

 

Đêm thơm cùng với trăng

Nguyện cầu cho thế giới

Vằng vặc một tâm rằm…

 

29.8.2021

 

 

 

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Góc nhìn - nhận định, Đọc sách

Nguyễn Thị Khánh Minh: LAGI NGÀY CON VỀ

10/11/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

 

LAGI NGÀY CON VỀ

Thơ NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH

(trang 48, Tập Thơ ĐÊM vừa phát hành 11.2021)

                                      Kính tặng Nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc

 

 

Có mùa xuân theo con về trước ngõ

Gọi Mẹ ơi. Hàng giấy đỏ xôn xao

Then cổng gỗ từ lâu rồi chưa mở

Trời Lagi mừng vội một câu chào

 

Có thời gian theo con về tung cửa

Hiên nhà xưa kỷ niệm mọc xanh um

Cội xoài vắng. Mầm cây khô nói mớ:

Ai về kia. Lẫn bóng mẹ mùa xuân…

 

Vâng thưa Mẹ. Con về reo tuổi nhỏ

Lòng ấu thơ khua giấc nắng chiêm bao

Hương xoài non khan giọng nhớ cồn cào

Gầy dáng Mẹ. Bên thềm hong tóc gió

 

 

Con ngồi đây. Một vuông sân lặng lẽ

Ôi nón quen. Mẹ cài đó. Thiu thiu

Nón mồ côi lâu rồi hương tóc Mẹ

Con mồ côi. Đường viễn xứ liêu xiêu

 

Nghe rất khẽ. Nghe như mơ. Tiếng chổi

Xào theo chân. Bóng mẹ mỏng như mây

Vườn thức giấc. Hồn tinh sương mẹ gọi

Chuồn chuồn bay về. Mưa trổ trên cây

 

Vâng thưa Mẹ. Bếp nhà vừa cơi lửa

Cơm chiều ngon thơm lúa vụ mùa tươi

Mai mẹ về. Về với Ngoại xa xôi

Chiếc nón lá Mẹ cứ cài trên cửa

 

Là cột mốc nhắc con. Đường xa ngái

Đất Lagi cát mặn biển theo chân

Mai con đi. Khép cổng nhẹ như thầm

Hàng giấy đỏ lại một mình. Ở lại…

1.2017

(Cảm xúc khi nhìn hình căn nhà cũ ở LaGi của Mẹ anh Đỗ Hồng

Ngọc).

 

 

Filed Under: Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

“Chợ Đại Đồng” LA GI

04/11/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

“Chợ Đại Đồng” LA GI

Bich Chi Lam

(Cảm nhận khi nghe tin “chợ Đại Đồng” không được phép hoạt động lại)

“Chợ Đại Đồng” bên hông nhà Hồng Yến, La Gi.

Tôi lớn lên ở “Chợ Đại Đồng”, một chợ nhỏ xuất phát từ nhu cầu trao đổi hàng hóa của bà con, tồn tại song song trong khu dân cư thị trấn LaGi gần nửa thế kỉ.

“Đại Đồng” là hiệu của nhà thuốc bắc ngay đầu dãy phố nên người dân thương mến gọi chợ nhỏ là “Chợ Đại Đồng”, cái chợ mà sáng, trưa, chiều, tối gì cũng đầy đồ ăn ngon và hấp dẫn làm lấp lánh cả tuổi thơ tôi mỗi khi nghĩ đến.

Cũng như tên gọi “Đại Đồng”, người dân ở chợ gần gũi và chân tình lắm, đến nỗi mỗi lần tôi “xuất hiện”; đi từ đầu chợ đến cuối chợ đều nghe tiếng mời chào thân thương “Út ơi, mới về hả? Vào ăn nè em”.

Ra là mặt mình cũ như cái chợ đến nỗi đi bao nhiêu năm về mấy chị, mấy dì, mấy cô đều nhớ. Ta nói cái tình nó ấm áp chân thật biết bao!

Lễ/Tết về quê chưa cần đến nhà ai, sáng sớm đi ra chợ một vòng từ trên xuống dưới nghe đủ mùi vị quê hương bên lò bánh căn nóng hổi cùng xoong cá kho được bà Hai tỉ mẫn khạy từng chiếc thảy ra tô hành lá là mọi người nhanh tay gắp lấy, hay tô cháo lòng nghi ngút khói với miếng dồi đặc trưng quán chị Cúc,

ghé qua chị Tư bún miến chả hấp tươi ngon dậy lên mùi biển, cũng không thể bỏ qua hàng bánh canh đặc (bánh canh bột gạo) ngạt ngào hòa giữa mùi gạo, rau răm và miếng chả cá chiên thơm lừng, rồi những chiếc bánh bèo xoáy be bé như lúm đồng tiền trắng nõn ở hàng cô Mai, ly sương sâm, bánh lọt mát lạnh hàng dì Bảy, chút béo ngậy trong ly sữa đậu xanh dì Xuân… rất nhiều món ăn dân dã đã kết nối những con người về đây, ta sẽ biết tất cả người trong phố ai đã về ai chưa về quê. Đàn anh, đàn chị, đàn em gì đều nhẵn mặt nhau ngoài chợ, hỏi thăm nhau rối rít trong lúc chờ chủ quán bán hàng. Mà chủ quán cũng chẳng cần hỏi cũng nhớ luôn tánh ăn của từng người như đứa nào ăn nhiều ớt, đứa nào thích nhiều rau, mắm nào khoái ăn mặn, con nào ăn hai lát chanh, nhỏ nào nhiều thịt ít bánh …

 

 

Chẳng ở đâu xa, chợ như ngôi nhà chung mọi người gặp gỡ thăm hỏi chuyện trò tự nhiên nhất quả đất. Chẳng cần trà bánh, chẳng cần câu nệ vỗ vai nhau cái bốp “Mới về hả?”; Thế là buổi đi ăn hàng khỏi đường về luôn.

Ba tháng dịch ở trong nhà bạn bè ở các nơi gặp nhau trên Net kể hết chuyện đông tây lại bàn các món ăn chợ Đại Đồng sau giấc ngủ trưa ngập nắng và gió chợ đon đả chào đón với tô bún mắm nêm ngon khó cưỡng, bánh quai vạt, chả lụi, bánh nậm, ốc mắm gừng quen thuộc của người miền biển mặn mà, đậm sâu. Nhớ lắm những buổi tối dịu mát, bạn bè í ới hẹn hò nhau đi ăn bánh xèo kiểu “người nhà quê” có tô nước mắm như canh, không cuốn cuốn chấm chấm e lệ như người thành phố, bên cạnh các hàng hột vịt lộn dưa chua, mì quảng nhiều nước không bánh tráng, đậm vị ngọt đặc trưng, bánh mì, bánh flan, rau câu chân vịt… được chế biến theo công thức nhà làm không tìm thấy ở đâu được nên đành mang theo như hương vị quê nhà thoang thoảng hòa quyện trong râm rang tiếng nói cười ngô nghê với những mẫu chuyện trường lớp, những bươn trải sớm mai cứ thế loang ra, loang ra lao xao cả một góc chợ. Để rồi nôn nao chờ cái ngày “bình thường mới”; về chợ Đại Đồng đặng ăn phủ phê các hương vị in hằn sâu trong tâm trí của những người con nơi nhà và những đứa xa quê.

Nhưng rồi “bình thường mới” cũng là lúc cải cách, sắp xếp lại chuyện buôn bán. Chợ không được sinh hoạt nữa, trả lại cho con phố đường thông hè thoáng như bao con đường khác. Dù biết phải thế nhưng cái “hồn” chợ qua bao thế hệ đã đi vào tâm tưởng của người dân nơi đây và nặng lòng cả những người xa xứ đang mong ngóng quay về.

Nghĩ mà thương những người bán hàng gắn liền cả đời mình với cái chợ, với những khách hàng thân thiết nhìn đến mòn mặt. Nghĩ mà tiếc tình nghĩa nơi này, nơi không chỉ bán thức ăn mà bán cả những hồi ức, hoài niệm. Cái tình nó nặng biết là bao!

Giờ phải đi đâu, về đâu? Dịch đã khổ, không chỗ mưu sinh càng khổ! Có ai mà ngờ một lần nghỉ dịch phải nghỉ luôn cả đời buôn gánh bán bưng nơi chốn chợ quê thân thuộc thế này!

Có thể nào “đô thị hoá” mà vẫn ĐẬM ĐÀ TÌNH QUÊ không?

 

BCL  2.11.2021

Nguồn ảnh: Sưu Tầm

Filed Under: Ghi chép lang thang, Góc nhìn - nhận định, Vài đoạn hồi ký

Nghĩ về “Tập sách Cái cười & Sự lãng quên”

04/11/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Nghĩ về “Tập sách Cái cười & Sự lãng quên”

(Tiểu thuyết Milan Kundera, Trịnh Y Thư dịch)

Đỗ Hồng Ngọc

 

CAI CUOI VA SU LANG QUEN_BIA SACH

 

Đó là cuộc truy tìm bản ngã con người để từ đó rất có thể lóe lên luồng sáng mới mẻ cho ta thấy rõ hơn cái ẩn mật của hiện tồn. (Kundera)

Je pense donc je suis… (Descartes). Mà vì hình như, suy nghĩ một mình không thể tìm ra bản ngã, tác giả phải tạo ra nhiều mình khác qua nhân vật, gọi là tiểu thuyết để cùng đi tìm: tìm trong cái phông nền lịch sử, trong tình dục, trong tình yêu, hạnh phúc, đớn đau…

Nhân vật trong tiểu thuyết tôi là những khả thể vô thức của chính tôi (Kundera). Bởi cuối cùng là để vượt ra, vượt qua: một cái đường biên mong manh mà mênh mông đó. Ở đó, Bên kia đường biên “bản ngã” của riêng tôi chấm dứt (trang 19). Nghĩa là đạt đến vô ngã / non-self (không phải no-self).

Cái đường biên đó do chính tác giả tạo ra cho mình và loay hoay tìm lối thoát, càng tìm lối thoát càng bị quấn chặt. Chỉ vượt ra, vượt qua (Gaté, gaté…paragaté…) đường biên khi có được trí Bát nhã (Prajna) thấy được ngũ uẩn giai Không, mới “độ nhất thiết khổ ách”.

Diễn viên, kịch sĩ cũng sắm nhiều “bản ngã” cho mình, như lúc sắm vai vua, lúc sắm vai ăn mày… nếu “thức tỉnh” cũng dễ vượt thoát. Nhà viết tiểu thuyết còn có ưu thế hơn: tiểu thuyết nói được những điều mà chỉ tiểu thuyết mới nói được (Kundera). Hài hước, châm biếm, ẩn dụ, châm ngôn, giả định, khoa đại, bông lơn, gây hấn, huyễn hoặc,… và dĩ nhiên cũng không tách khỏi cái “vòng tròn ảo diệu bao quanh đời sống” dù giãy nảy: Tiểu thuyết gia không phải là kẻ hầu của sử gia (Kundera). Cái “vòng tròn ảo diệu bao quanh đời sống” đó dù làm người ta nôn ói, người ta bị điều khiển ngay cả cách làm tình thì cũng đã tạo cái cớ cho tiểu thuyết gia vung chiêu.  Dĩ nhiên lịch sử chỉ là… những lời nói dối (thơ ĐN).

Chỉ có một cách thoát, như Vạn Hạnh thiền sư dạy đệ tử hơn ngàn năm trước:

Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô

(Vạn Hạnh thiền sư)

Lịch sử thịnh suy cuồn cuộn những kiếp người… Cho nên vấn đề không phải là Ra đi mà Trở lại. Trở lại Địa đàng. Ở trong Ta thôi. Quay về nguyên thủy loài người, nguyên thủy đời sống, nguyên thủy tình yêu (trang 328).

Cái cười là một khám phá. Sự lãng quên là một khám phá. Khi bạn vượt ra qua biên thùy, cái cười phải tuôn ra. Nhưng nếu bạn tiếp tục đi dấn, vượt qua cả cái cười, thì sao? (trang 315).

Trí bất đắc hữu vô
Nhi hưng đại bi tâm…
(Kinh Lăng Già)

 

Nghĩ về “dịch vật” của Trịnh Y Thư:

Dịch Kundera rõ ràng không dễ toát được Kundera. Nhưng Trịnh Y Thư mong có thêm 7 “biến tấu” nữa của tác giả để được dịch tiếp.

TYT thố lộ: “Dịch Cái cười & Sự lãng quên là việc làm thú vị tuyệt vời đối với tôi”. Kundera có cái mỉa mai, chua chát, thậm chí thâm độc nhiều tầng, mà TYT gọi là cái phần hồn phách, cái Thần của tác phẩm, “bất khả tư nghị”, chỉ có thể đạt đến bằng trực giác, Dionysian… Dịch thuật văn học là sự tái tạo, hoặc sáng tác lại, một tác phẩm văn học để cho nó một đời sống mới… và tôi sẵn sàng hi sinh cái chân lí tuyệt đối (đôi khi rất vô tích sự) để đổi lấy dăm ba nét linh diệu phù ảo của cái bất toàn. (TYT)

Tôi tò mò muốn biết giá TYT cho vài thí dụ… về dăm ba nét linh diệu phù ảo thì hay quá! Tôi vốn đã phục cách dịch “linh diệu phù ảo” của TYT qua các tựa sách: Đời nhẹ khôn kham, “Cái” cười và “Sự” lãng quên…

Khôn kham là chịu hổng nổi, chịu hết nổi!

Còn ở đây “Cái” có vẻ như để khinh miệt, còn “Sự” là cái còn được… tôn trọng phần nào. Tôi nghĩ ở đây có thể dùng cả “Cái” cho Cái cười và Cái lãng quên. Song hành Cái, Cái cũng hay chứ!

Cũng đã có những dịch giả ở Việt Nam dịch hay không kém (về Tựa): Cõi người ta (Bùi Giáng dịch St. Ex.): Cõi, như Cõi Ta bà, Cõi Bồ-tát… với pháp giới thể tánh riêng của nó. Hay Chuông gọi hồn ai (For Whom the Bell Tolls) của Huỳnh Phan Anh (dịch E. Hemingway).

Nhớ có lần TYT viết đâu đó: Những cái vi tế trong mỗi từ tiếng Anh, liệu tôi có thể tìm thấy nét tương đương trong tiếng Việt không?  Câu trả lời là không (TYT).

Tôi không tin vậy. Mỗi ngôn ngữ có một sắc thái riêng, có thể đạt đến cái “thần” bằng trực giác. Cái đó gọi là “đi guốc trong bụng” tác giả.

Khái Hưng dịch Tình tuyệt vọng với hai chữ “thui thủi” trong 2 câu này của Sonnet d’Arvers chẳng đạt cái “thần” sao?

Hélas! j’aurai passé près d’elle inaperçu,
Toujours à ses côtés, et pourtant solitaire,

Hỡi ơi! Người đó ta đây
Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân…

Hay Mùa thu chết (Apollinaire) của Bùi Giáng:

J’ai cueilli ce brin de bruyère
L’automne est morte souviens-t’en

Ta ngắt đi một cành hoa thạch thảo
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi

với những chữ “ngắt đi”, “nhớ cho”… chẳng đạt đến cái “thần” sao? Nếu không, sao có Mùa thu chết của Phạm Duy với tiếng hát Julie Quang: “Em nhớ cho, em nhớ cho, đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa…trên cõi đời này…?”

Nhưng tôi đồng ý với TYT việc khó dịch thơ. Bởi tôi không tin thơ chỉ là ngôn ngữ, phối từ… Có dịp sẽ trở lại đề tài này.

Tôi nhớ Nguyễn Hiến Lê nói: dịch hay là dịch sao cho người đọc không nhận ra vết dịch.

Quả thật, đọc bản dịch của TYT không thấy có vết dịch.

(ĐHN)
Saigon, 02.11.2021

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Đọc sách

Thư Cao Huy Thuần gởi Đỗ Hồng Ngọc

04/11/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thư Cao Huy Thuần gởi Đỗ Hồng Ngọc

GS Cao Huy Thuần ký tặng sách cho độc giả.

Anh Đỗ,

Thư anh đến trong lúc tôi đang đọc quyển sách của Mark Epstein, nhan đề là “Advice not given”. Đây là quyển sách thứ ba của cùng tác giả mà tôi đọc, toàn là xếp vào hạng best-sellers ở Mỹ. Epstein là bác sĩ tâm thần nổi tiếng. Nổi tiếng vì là thầy thuốc giỏi. Và nổi tiếng là nhà Phật học uyên thâm. Có gì lạ đâu, phải không anh Đỗ? Đức Phật của chúng ta đã chẳng là thầy thuốc đó sao! Lặn lội trong chuyên môn phân tâm học với Freud, với Jung, ông chợt thấy đức Phật, ông lặn lội qua Tây Tạng “học Phật”, học cả với các danh sư ở Mỹ, và ông đem đạo Phật áp dụng vào chuyên môn của ông, rốt cuộc ông nổi tiếng cả hai, cả cách trị liệu tâm thần, cả tư tưởng Phật giáo. Ông sống với đạo Phật trong chuyên môn, ông sống với đạo Phật trong đời thường, càng sống ông càng hiểu thêm đạo Phật, ông đem hiểu biết đó vun trồng trên đất Mỹ cho hợp với thủy thổ xa lạ, và đạo Phật bây giờ sáng trên thủy thổ ấy, anh Đỗ à, tôi cho rằng đích thị hai chữ “học Phật” là như vậy.

Hay thật, anh đâu có biết ông ấy, ông ấy đâu có biết anh, vậy mà tay trong tay, anh đi cùng đường và cùng “học Phật” như thế. Lý tưởng, hành động, cuộc đời, cao đẹp thay là ông thầy thuốc tương chao!

Anh Đỗ, bây giờ tôi hỏi anh câu này nhé, vì anh với tôi đều đã đọc “Tổng Quan về Nghiệp” của Thầy Tuệ Sỹ: Anh “học Phật” trước hay học Y trước? Chắc anh sẽ trả lời: hiển nhiên là học Y. Nhưng mà, nghĩ thêm chút nữa, cái gì xúi anh học Y? Cái gì xúi anh thích Y? Cái gì xúi anh thành ông bác sĩ như thế, lúi húi hành nghề rồi lúi húi dùi mài kinh kệ? “Cái đó”, tôi chắc là anh có trước khi học Y. “Cái đó”, tôi cũng chắc là ông Epstein có trước khi thành danh với bác sĩ tâm thần. “Cái đó”, chính là cái xúi anh đến với Phật mà anh không biết đó thôi, anh đến với Phật trước khi học Y. Anh “học Phật” từ lâu rồi, từ kiếp nảo kiếp nao, để bây giờ thành danh với… Đỗ Hồng Ngọc. Cho nên tôi nói: “Tiên học Phật, hậu học…”. Hậu học cái gì cũng được, cái gì cũng thành danh, ít nhất là thành danh con người.

Nhưng tôi chưa nói hết: anh đâu phải chỉ là ông thầy thuốc, cái danh của Đỗ Hồng Ngọc còn là con người thơ. Cũng vậy, tôi cũng lấy từ “Tổng Quan…” mà ra: thơ đến với anh từ trước khi anh làm thơ. Thơ là tiếng nói trong tận cùng thâm cung bí sử của tư tưởng. Cái gì mà tư tưởng không nói nên lời được thì phải diễn tả bằng thơ. Thơ đời Lý đời Trần là như vậy. Và thơ đó, chắc anh đã đọc không phải chỉ ở trong kiếp này. Cho nên bây giờ hồn anh nhập vào thơ của Thầy Tuệ Sỹ. Cho nên bây giờ anh thấy Phật trong thơ. Cho nên bây giờ một tay anh bốc thuốc, một tay anh viết thơ, thuốc thơm mùi thơ, thơ thơm mùi thuốc.

Còn có chuyện này nữa, hơi khó nói. Tôi thấy thấp thoáng có một người thứ ba nữa nấp sau hai con người kia. Thấp thoáng thôi, đây đó, kín đáo, chỉ nghe tiếng cười cười, tinh tế lắm mới nghe. Chẳng hạn khi anh nói chuyện ngồi thiền. Tất cả đều nghiêm trang, tôi chỉ trích mấy câu cuối:

Hơi thở xẹp xì

                             Thân tâm an tịnh

                             Không còn ý tưởng

                             Chẳng có thời gian

                             Hạt bụi lang thang

                             Dính vào hơi thở

                             Duyên sinh vô ngã

                             Ngủ uẩn giai không

                             Từ đó thong dong

                             Thõng tay vào chợ.

Rất nghiêm chỉnh, kể cả lúc anh vô chợ mà chẳng để mua gì, vì hai tay thõng thế kia thì làm thế nào móc túi lấy tiền? Thế rồi anh cắt nghĩa: “Mặt hồ tĩnh lặng thì không cần ghi bóng con hạc bay qua, không cần biết hạc vàng hay hạc đỏ, hạc trống hay hạc mái…” Ối giời, hạc vàng thì chỉ bay trên lầu Hoàng Hạc trong thơ Đường, đâu có bay trên mặt hồ Sài Gòn hay Phan Thiết? Bạn tôi nhầm với con vạc “như cánh vạc bay” rồi chăng? Không phải đâu. Nhà thơ nghĩ ra hai chữ “trống mái” rồi nhà thơ khoái chí vừa hạ bút vừa cười cười, hạc hay vạc thì có gì đáng quan tâm?. Ấy là bụng để ngoài da, con người thứ ba “anh linh phát tiết ra ngoài” đấy nhé. Có ai đa tài mà chẳng đa… tình?

Tôi “học Phật”, ngồi thiền với anh, thỉnh thoảng thấy tâm có hơi lộn xộn như thế, chắc anh cũng cười cười mà thông cảm nhau. Nhưng, nói nghiêm chỉnh nhé, con người thứ ba là cái duyên của anh. Chữ nghĩa mà không có duyên thì buồn lắm. Cho nên thỉnh thoảng anh cứ cho anh chàng thứ ba ấy cười cười một chút như thế, và mọi người sẽ cùng vui mà “học Phật” với anh.

Thân mến,

Cao Huy Thuần

(Oct 29, 2021)

Filed Under: Gì đẹp bằng sen?, Góc nhìn - nhận định, Nghĩ từ trái tim

Nói thêm về Phương pháp Thở Bụng

01/11/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

 

Nói thêm về Phương pháp Thở Bụng

Ghi chú:  Một bạn trẻ vừa có thư hỏi trong Thiền tập có phải thở bụng không? Có chứ. Vì thở bụng là cách thở sinh lý tự nhiên mà. Không chỉ con người mà con ếch, con cóc, thằn lằn, rắn mối… gì cũng thở bằng bụng cả. Do đó, trong Thiền tập cũng phải thở bụng chứ. Lúc đầu dõi theo từng nhịp thở vào thở ra, thậm chí đếm… (chánh niệm), khi đã điều hòa thì không còn cần dõi theo hơi thở nữa, mà bắt đầu “quán sát”; ở giai đoạn thiền sâu hơn thì không còn cảm nhận có hơi thở nữa…   (ĐHN)

 

Nói thêm về Phương pháp Thở Bụng

(Abdominal -or diaphragmatic- breathing)

Nguyễn Khắc Viện là một bác sĩ, sinh năm 1913 tại Hà Tĩnh, học Đại học Y khoa Hà Nội rồi sang Pháp tiếp tục học, tốt nghiệp bác sĩ Nhi khoa năm 1941. Năm 1942, ông bị lao phồi nặng, điều trị ở bệnh viện Saint Hilaire du Touvet, Grenoble. Thời đó bệnh lao chưa có thuốc chữa như bây giờ. Từ năm 1943 đến năm 1948 ông phải chịu mổ 7 lần, cắt bỏ 8 cái xương sườn, cắt bỏ toàn bộ lá phổi bên phải và một phần ba lá phổi bên trái.  Các bác sĩ Pháp bảo ông chỉ có thể sống chừng hai năm nữa thôi. Trong thời gian nằm chờ chết, ông đã tìm ra một phương pháp… thở để tự chữa bệnh cho mình, và kết quả là ông đã sống đến tuổi 84 mới chết (1997), nghĩa là sống thêm được 50 năm nữa, họat động tích cực, năng nổ trong nhiều lãnh vực! Chuyện khó tin nhưng có thật!

Tôi may mắn được quen biết  ông trong nhiều năm. Với tôi, ông vừa là đồng nghiệp, là đàn anh mà cũng là người thầy.  Ông là bác sĩ đồng thời là một nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động xã hội rất nhiệt tâm.  Ông là cố vấn của bộ môn Tâm lý-Xã hội học do tôi phụ trách tại Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ Y tế Thành phố (nay là Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) ngay từ hồi mới thành lập (1989).  Ông thường trao đổi với tôi điều này điều khác, về công việc viết lách, giảng dạy, và nhiều lần về phương pháp thở dưỡng sinh của ông. Trao đổi không chỉ về cơ thể học, sinh lý học mà cả về tâm lý học, đạo học.  Có lần ông mở áo cho tôi xem mấy vết mổ vẫn chưa hoàn toàn liền lạc trên ngực ông. Tôi phục ông ốm nhom ốm nhách mà làm việc thật dẻo dai, bền bĩ, gần như không biết mệt mỏi. Trong lúc nhiều người giảng bài, nói chuyện, hội họp, làm việc… thấy uể oải, hụt hơi, thì một người chỉ còn hai phần ba lá phổi, chỉ còn gần một nửa “dung tích sống” như ông lại vẫn ung dung, thư thái. Ong cười “tiết lộ” với tôi, những buổi hội họp dông dài, vô bổ, ông chỉ ngồi… thở bụng, nhờ vậy mà ông không bị stress, không bị mệt.  Ông nói sau này khi ông mất đi, điều quan trọng ông để lại không phải là những tác phẩm văn học, triết học này nọ mà chính là bài vè dạy thở chỉ với 12 câu của ông. Trước kia tôi cũng chỉ nghe để mà nghe chớ chẳng thực hành. Cho đến khi tôi bị cơn tai biến nặng (1997),  phải nằm viện dài ngay, lúc đó tôi mới thử đem ra áp dụng. Quả có điều kỳ diệu! Nó làm cho tôi thảnh thơi hơn, ít  nhọc mệt hơn và sức khỏe tốt hơn.  Trong thời gian dưỡng bệnh, các bạn đồng nghiệp thương tình, cho rất nhiều thuốc nhưng tôi chỉ chọn một vài món thực sự cần thiết còn thì chỉ… dùng phương pháp thở bụng để tự chữa bệnh cho mình! Phương pháp thở của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện thực ra không phải là cái gì hoàn toàn mới. Nó chỉ là một sự tổng hợp của khí công, thiền, yoga, tài chí, dưỡng sinh…  của Đông phương từ ngàn xưa, được nhìn bằng sinh lý học hô hấp hiện đại của một người thầy thuốc.

Dưới đây là bài vè 12 câu dạy thở của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện:

Thót bụng thở ra
Phình bụng thở vào
Hai vai bất động
Chân tay thả lỏng
Êm chậm sâu đều
Tập trung theo dõi
Luồng ra luồng vào
Bình thường qua mũi
Khi gấp qua mồm
Đứng ngồi hay nằm
Ở đâu cũng được
Lúc nào cũng được!

Nhiều độc giả viết thư, gởi email, điện thọai hỏi thêm về Phương pháp Thở Bụng này. Có người bảo sau 2 tháng “tập luyện” đã  thấy có kết quả tốt, dễ ăn, dễ ngủ, bớt căng thẳng và sảng khoái hơn, sức khỏe có tốt hơn, ít bệnh vặt hơn; có người hỏi cụ thể phải tập ngày mấy lần, mỗi lần mấy phút; có người hỏi phải ngồi ở tư thế nào v.v..  Một độc giả ở tận Hà Tiên, nói nhờ đã thử tập thở 2 tháng nay thấy khỏe hơn, nhưng sao mỗi lần tập chừng nửa giờ thì thấy choáng váng, tê rần, phải nghỉ 5 phút mới hết…

 

Trước hết cần nhớ rằng thở là chuyện bình thường. Ai cũng phải thở, lúc nào cũng phải thở và ở đâu cũng phải thở, nên đâu có cần phải có giờ giấc, tư thế nọ kia? Thực ra, thở bụng là cách thở sinh lý, tự nhiên nhất, trời sinh ra đã vậy rồi, không cần phải tập luyện gì cả!

Cứ quan sát  một bé đang ngủ ngon lành thì biết: Nó thở đều đều, nhẹ nhàng, và… thở bằng cái bụng! Chỉ có cái bụng nó là phình lên xẹp xuống thôi. Thở bụng là cách thở tự nhiên  không chỉ của người mà của…mọi loài. Thử quan sát con thằn lằn, con cắc kè., con ễnh ương… thì biết. Nó thở bằng bụng. Chỉ có cái bụng nó là phình ra xẹp vào đều đều thôi. Ấy là do cơ hoành (hoành cách mô) là cơ chính của hệ hô hấp. Chỉ cần cơ hoành nhích lên nhích xuống chút xíu là đã đủ cung cấp khí cho cơ thể rồi. Khi mệt, cần nhiều oxy hơn thì cơ hoành sẽ “thụt” mạnh hơn, nhanh hơn thế thôi. Tóm lại, nhớ rằng thở bụng là thở theo sinh lý, tự nhiên, không cần phải “tập luyện” vất vả gì cả, không cần phải giờ giấc, tư thế gì cả! “Ở đâu cũng đựơc/ Lúc nào cũng đựơc” là vậy.

Thứ hai là không nên ráng sức, gắng sức. Chỉ cần chuyên cần, kiên nhẫn để tạo thành thói quen tốt thế thôi. Ráng sức, muốn cho mau thành công thì sẽ dẫn đến … thất bại vì choáng váng, chóng mặt, tê rần… Tại sao vậy? Tại vì đã ráng sức, cố ép, thì sẽ gây rối lọan sự điều hoà tự nhiên của cơ thể. Cho nên người “ham” quá, ráng “luyện công” quá, dễ bị “tẩu hỏa nhập ma”! Ta thở bụng là để có sức khỏe, không phải để luyện nội công, để trở thành “chưởng môn” của một phái võ nào đâu! Người có tuổi, người bệnh mạn tính càng không nên ráng.  Nhưng phải kiên trì,  như đã nói, phải chừng sáu tháng mới quen, mới thấy hiệu quả. Nếu đang chữa bệnh nào đó ( tăng huyết áp, tiểu đừơng…) thì vẫn phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.. Thở bụng cũng như ăn uống, vận động đúng cách sẽ giúp cho việc điều trị hiệu quả hơn.

Thứ ba, nếu luôn nhớ mình đang thở, thì theo dõi luồng hơi thở ra, hơi thở vào sẽ rất tốt. Chưa quen thì đặt bàn tay lên bụng, thấy bàn tay mình nhích lên nhích xuống theo từng nhịp thở là đựọc. Lâu nay ta thở một cách phản xạ, vô thức, nếu ta thở mà có ý thức, biết mình đang thở, dõi theo nó thì sẽ giúp ta… quên các thứ chuyện lăng xăng bên ngoài, giúp tâm ta được tĩnh lặng. Tâm mà lăng xăng, dao động, nhiều ưu phiền, giận dữ… sẽ tiêu hao rất nhiều năng lượng, làm ta kiệt sức, “thở không ra hơi”!

Câu “êm, chậm, sâu, đều” trong bài vè chưa cần phải tập. Còn lâu mới “êm chậm sâu đều” được! Cứ thở tự nhiên, vì không phải “luyện công” mà! Có người hỏi nên thở bằng mũi hay bằng miệng, vì có người khuyên phải hít vào bằng mũi, thở ra bằng miệng? Mũi dùng để thở. Không khí qua mũi sẽ được sưởi ấm, bụi bậm… sẽ bị lông mũi chặn lại. Do vậy nên thở bằng mũi tốt hơn, trừ phi quá mệt (leo leo cầu thang, chạy bộ…) hoặc bệnh, hoặc luyện khí công…

«Thót bụng thở ra» được nói đến đầu tiên vì thở ra quan trọng hơn ta tưởng. Thở ra giúp làm sạch các hốc phổi, đáy phổi, nơi khí dơ dễ đọng lại. Đặc biệt, với những người bị suyễn, bị bệnh phổi tắt nghẽn mạn tính (COPD) càng cần tập luyện thì thở ra.

Khi thai nhi còn trong bụng mẹ, hai lá phổi là một khối đặc, im lìm, không hoạt động, như chiếc dù xếp chặt trên lưng vận động viên. Khi người nhảy dù tung mình ra khỏi phi cơ thì dù mới tự động bung ra, bọc gió. Đứa bé “tung mình” ra khỏi lòng mẹ, hai lá phổi cũng bung ra như vậy do không khí tự động lùa vào, đó chính là hơi thở vào đầu tiên. Tiếng khóc chào đời lúc đó chính là hơi thở ra đầu tiên của bé chứng tỏ hệ hô hấp đã được “lắp đặt” xong, đã khởi động tốt…

Sự hô hấp thực chất xảy ra trên từng tế bào của cơ thể chớ không phải ở hai lá phổi. Phổi chỉ là một cái máy bơm, bơm khí vào-ra, “phình xẹp” vậy thôi. Để cho cái máy bơm đó làm việc tốt thì cần biết một chút về “cơ chế” của nó. Lồng ngực là cái xy-lanh (cylindre), còn pít-tông (piston) chính là cơ hoành – một bắp cơ lớn, nằm vắt ngang giữa bụng và ngực. Khi cơ hoành thụt lên thụt xuống (như cái bễ lò rèn) thì khí được hút vào đẩy ra ở phổi. Cơ hoành nhích lên nhích xuống 1cm đã hút hoặc đẩy được 250ml không khí. Cơ hoành có khả năng nhích lên xuống đến 7cm! Tóm lại, chính cơ hoành ở bụng mới là cơ hô hấp chính, đảm trách hơn 80% sự thông khí (Các cơ hô hấp khác chỉ chịu tránh nhiệm 20%). Do đó, thở bụng là cách thở sinh lý nhất, tự nhiên nhất!

Bác sĩ Dean Ornish, tác giả cuốn sách nổi tiếng Program for Reversing Heart Disease (Chương trình phục hồi bệnh tim) hướng dẫn cách thở bụng đơn giản, dễ làm: đặt một bàn tay lên bụng, khi thở vào thở ra, ta thấy bàn tay mình nhích lên nhích xuống nhịp nhàng là được.

Ngày nay, ở phương Tây, rất nhiều trung tâm dạy thiền, khí công, yoga… để chữa bệnh cũng chủ yếu là dạy cách thở bụng. Các phương pháp trị liệu nổi tiếng của các bác sĩ như Dean Ornish, Deepak Chopra v.v… căn bản cũng không ngoài cách… thở bụng, phối hợp với dinh dưỡng, vận động thể lực.

Phương pháp thở bụng (Abdominal -or diaphragmatic- breathing) không chỉ giúp để chữa một số bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa… mà còn làm cho tâm được an, giảm stress trong cuộc sống hiện tại. Phải luyện tập chừng sáu tháng trở lên mới thành thói quen và thấy hiệu quả.

BS Đỗ Hồng Ngọc.

………………………………………………..

Đọc thêm: AI CÓ THỂ THỞ GIÙM AI?

Ai có thể thở giùm ai?

Filed Under: Gươm báu trao tay, Hỏi đáp, Thiền và Sức khỏe

Thơ Đỗ Nghê: Khi xa ĐàLạt

27/10/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

Khi xa Đàlạt

Thơ Đỗ Nghê

Dalat nostalgia
sơn dầu trên giấy plast 18 x 20 in
đinhcường

 

Rồi cũng xa thôi những hẹn hò
những đồi run rẩy dưới mưa tơ
những thung lũng nắng mềm hơn tóc
những suối tương tư chảy hững hờ

Rồi cũng xa thôi những bướm vàng
những loài hoa dại ngát dung nhan
những con đường nhỏ quanh co lạnh
những khóm thông vi vút gió ngàn

Rồi cũng xa thôi những bước thầm
một mình với một nửa vầng trăng
hình như thu đã về trên lá
một chút thu trong gió thẹn thùng

Thôi – những người đi về phố phường
còn nghe rưng rưng bao niềm thương
khi xa Đàlạt xa Đàlạt
hồn cổ sơ làm sao không vương!

(Đàlạt 1966)

 

 

trích từ tuần báo MÂY HỒNG số 9 tuần lễ từ 11-9 đến 18-9-1972

(Chân thành cảm ơn Nhà thơ Trần Văn Nghĩa đã sưu tầm và gửi bài)

Nguồn: https://tranthinguyetmai.wordpress.com/2021/10/27/khi-xa-dalat/

 

 

 

 

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Vài đoạn hồi ký

  • « Go to Previous Page
  • Go to page 1
  • Go to page 2
  • Go to page 3
  • Go to page 4
  • Go to page 5
  • Interim pages omitted …
  • Go to page 81
  • Go to Next Page »

Thư đi Tin lại

  • Lịch “Trò chuyện, giao lưu…”
  • Lại đính chính: “SAIGON BÂY GIỜ”
  • ĐÍNH CHÍNH: BSNGOC không phải là BS ĐỖ HỒNG NGỌC
  • Đính chính: BS NGỌC không phải là Bs Đỗ Hồng Ngọc
  • bsngoc đã lên tiếng đính chính
  • Thư cảm ơn và Đính chính về FACEBOOK Bác sĩ NGỌC
  • ĐÍNH CHÍNH: Bài viết "TÀN NHẪN" không phải của Bs Đỗ Hồng Ngọc

PHẬT HỌC & ĐỜI SỐNG

Kỳ 3 Lớp An Cư Chùa Xá Lợi, 2022

Bài đọc thêm: DƯỢC TÍNH TRONG TÂM…

Hiểu thêm về “giả dược” (Placebo)!

Nguyễn Hiền-Đức: Tập tuyển CÀNH MAI SÂN TRƯỚC

Minh Lê: Học Phật qua thơ Đỗ Hồng Ngọc

TẠP GHI (Lõm bõm… Kỳ 4b)

Tạp Ghi (lõm bõm… kỳ 4): Mười Hạnh Phổ Hiền

TẠP GHI (Lõm bõm…) kỳ 3

Tạp Ghi (Lõm bõm kỳ 2)

TẠP GHI (Lõm Bõm)

Xem thêm >>

Chuyên mục

  • Một chút tôi
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy

Bài viết mới nhất!

  • Vài ngày về thăm Lagi, Phan Thiết…
  • Ngày của Cha – Happy Father’s Day
  • Kỳ 3 Lớp An Cư Chùa Xá Lợi, 2022
  • Bài đọc thêm: DƯỢC TÍNH TRONG TÂM…
  • Hiểu thêm về “giả dược” (Placebo)!

Bài viết theo tháng

Ý kiến bạn đọc!

  • Tùng Phạm trong Bài đọc thêm: DƯỢC TÍNH TRONG TÂM…
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Giới thiệu
  • Đinh Hà Duy Linh trong Giới thiệu
  • Hồng trong Song Thao: GIÀ KHÚ ĐẾ
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Buổi trò chuyện về Thiền “Quán Niệm Hơi Thở”
  • Cao Huy Khiem trong Buổi trò chuyện về Thiền “Quán Niệm Hơi Thở”
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong “Xả”… stress !
  • “Xả”… stress ! | suonglamportland trong “Xả”… stress !
  • Phan Công Khương trong Nguyễn Mậu Pháp: CẢM NHẬN  “VỀ THU XẾP LẠI…”
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Có một “nghệ thuật”… ngủ!

Cùng một tác giả

  • 0
  • 1
  • 1
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6

Thống kê

Nhà tài trợ

biệt thự vũng tàu
biệt thự vũng tàu cho thuê | biệt thự vũng tàu cho thuê theo ngày giá rẻ | cho thuê biệt thự vũng tàu có hồ bơi
© 2009 - 2016 Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Phát triển & Hỗ trợ kỹ thuật bởi SGC.
Trích dịch nội dung để dùng trong nghiên cứu, học tập hay dùng cho cá nhân đều được tự do nhưng cần phải chú thích rõ nguồn tài liệu và đối với các trích dịch với mục đích khác, cần phải liên lạc với tác giả.
  • Một chút tôi
    ?
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    ?
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    ?
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    ?
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    ?
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy
  • Nhận bài mới qua email