Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Tập hợp các bài viết của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Ghi chép lang thang
  • Nhận bài mới qua email

Chăm sóc trẻ bệnh (tiếp theo)

15/12/2009 By support2 69 Comments

viem-duong-ho-hap-o-tre.Làm sao biết trẻ mắc bệnh?

Trẻ không biết nói, không biết diễn tả các triệu chứng của bệnh, hoặc nếu có biết thì cũng thừờng không chính xác. Lúc được khám bệnh, trẻ sợ không dám khai rõ bệnh tình. Ngược lại, có khi kể lung tung…Nhiều bé mới học được từ “ nhức đầu”, “ đau bụng” đã đem ra sủ dụng liên tục khiến cho mẹ và thầy thuốc cũng hết sức lúng túng.
Thân nhân trẻ em, cô nuôi dạy trẻ, người giúp việc… cũng không nắm rõ bệnh sử, đôi khi cũng không trung thực vì quá lo âu hoặc quá lơ đễnh.
Do vậy, phải có kinh nghiệm và một vài nguyên tắc để phân biệt trẻ khỏe, trẻ mệt và trẻ bệnh như dưới đây:

Trẻ khỏe

  • Vui vẻ, hài lòng, tươi tỉnh, thích nhìn ngắm chung quanh, phá phách, chống cự mạnh mẽ khi không vừa ý.
  • Ăn được ( bú mạnh ), ngủ được, lên cân đều.
  • Nếu một trẻ được như trên thì dù đi tiêu chảy ngày 5-7 lượt cũng không sao, dù nghẹt mũi, sụt sịt thường xuyên cũng không sao.

Trẻ mệt

Thỉnh thoảng một đôi lúc nào đó trong ngày, ta có thể thấy trẻ mệt do đói, do khát, do thiếu tình thương, lúc đó trẻ thường yên lặng, xuị lơ, không hoạt bát linh động nữa; hoặc ngược lại, khóc lóc, cằn nhằn, khó chịu, bứt rứt không yên… Nếu được âu yếm, cho ăn uống đầy đủ, trẻ sẽ ngủ say và tỉnh giấc sẽ vui vẻ, hoạt bát như cũ.

Trẻ bệnh

  • Trẻ dã dượi, mệt mỏi, lừ đừ, nằm vùi suốt ngày. Người mẹ dễ nhận biết trẻ có vẻ gì khác thường, bỏ ăn, bỏ chơi, ngậm vú mà không nút hoặc khóc thét lên, v.v…Trẻ cũng có thể bứt rứt, dỗ không nín.

Trẻ bị bệnh nặng

Nếu trẻ nằm li bì, gọi không dậy hoặc sốt cao, lơ mơ nói nhảm là bệnh nặng.

Các dấu hiệu bệnh nặng phải đưa đến y tế gấp:

  • Quá nóng hoặc quá lạnh
  • Thở khò khè, co kéo cơ lồng ngực.
  • Tay chân lạnh, mạch nhanh, tím tái, rịn mồ hôi.
  • Mắt lõm, thóp lõm, miệng khô, khát nước
  • Làm kinh ( co giật)
  • Mỏ ác (thóp) phồng,
  • Có dấu xuất huyết dưới da, vết bầm ở da
  • Các tai nạn, thương tích…

Riêng trẻ sơ sinh (dưới một tháng tuổi) khi thấy các dấu hiệu sau đây là bệnh nặng phải đưa ngay đến bệnh viện:

  • Da tím tái hay trắng bệch.
  • Bú yếu, bỏ bú.
  • Ói mửa.
  • Co giật ( làm kinh) hoặc giật mình, chới với.
  • Thịt (bắp cơ) nhão hoặc cứng ngắt.
  • Thóp phồng căng.
  • Khóc thét dỗ không nín.
  • Thở nhanh hơn 60 lần/phút.
  • Vỗ tay không giật mình, hoặc chỉ giật một bên ( trái hay phải).

Cần làm gì khi phải đi khám bác sĩ?

Cần biết trẻ nặng bao nhiêu ký

  • Nếu đã theo dõi cân nặng hàng tháng hoặc có Biểu đồ tăng trưởng thì rất tốt, Nếu không biết, nên cân thỉnh thoảng để biết hoặc cân lúc khám bệnh, lúc chủng ngừa.
  • Phải biết cân nặng của trẻ bác sĩ mới cho thuốc đúng liều lượng, bệnh mới mau khỏi. Và cũng để đánh giá trẻ có lên cân đều không, có phát triển tốt không?

Cần biết rõ bệnh sử

  • Phải biết rõ bệnh khởi sự vào lúc nào ( nhớ rõ ngày giờ càng tốt), triệu chứng gì xảy ra trước. Thí dụ: nóng rồi mới ho, đau bụng hay đau bụng rồi mới nóng? Nếu cần, phải biết rõ chi tiết như ho thì ho kiểu nào? Ho từng cơn dài hay ho khan, ho có đàm hay khạc có máu? Ho ngày hay ho đêm? Tiêu chảy thì tiêu ngày mấy lần, phân loãng hay đàm máu? Đi có rặn không? Phân màu gì, mùi gì?…  Tốt nhất là nên ghi ra giấy cho khỏi quên.
  • Tất cả những chi tiết đó đều rất cần thiết để chẩn đoán bệnh và điều trị đúng, do đó, cần hết sức chú ý theo dõi diễn tiến bệnh của trẻ để hợp tác tốt với thầy thuốc hoặc có các biện pháp xử trí đúng.
  • Cũng cần biết rõ tiền sử bản thân và gia đình, tiền sử sản khoa. Cần biết cân nặng lúc sanh, các bệnh cũ đã mắc phải từ trước, đã chủng ngừa những loại bệnh nào, Tiền sử rất quan trọng. Bé sinh non, sinh đôi, sinh ngộp, sinh mổ dĩ nhiên là có “ vấn đề”. Gia đình có ngừơi bị suyễn, bị lao, dị ứng… bé cũng có thể mắc những bệnh đó.
  • Cần biết rõ về dinh dưỡng của trẻ. Nhiều thứ bệnh ở trẻ do ăn uống sai lầm mà ra, chỉ cần sửa chữa cho đúng là khỏi bệnh mà thuốc men không cần thiết. Suy dinh dưỡng hay béo phì đều là những vấn đề do SAI dinh dưỡng, cần điều chỉnh và mất rất nhiều thời gian. Phải kiên nhẫn.Trong nhi khoa “ phải chú ý đến bếp ăn hơn là tủ thuốc” là vậy!

Lúc thăm khám:

Theo sự hướng dẫn cụ thể của thầy thuốc, tùy trường hợp có thể có những cách khám khác nhau, nói chung thường trong nhi khoa

  • Dưới 6 tháng: nên khám nằm.
  • Trên 6 tháng: khám ngồi, đỡ sợ hơn, có thể ngồi trên gối mẹ.
  • Trẻ lớn : có thể đứng hay ngồi, tùy trường hợp, khi cần thiết lắm mới phải khám nằm.
  • Nên bỏ hết áo, tã, giầy, vớ, chăn mền, khăn lông trùm quấn quanh bé mới khám kỹ được. Nhiều bà mẹ sợ gió, chỉ dám mở hé hé thì không thể quan sát toàn diện được. Tuy nhiên lúc khám cũng không đựơc để trẻ bị lạnh (quạt máy, máy lạnh).
  • Thường chú ý những dấu hiệu quan trọng trước, rồi mới lần lượt khám toàn diện sau.

Thí dụ :

  • Tiêu chảy thì chú ý dấu hiệu mất nước.
  • Làm kinh thì chú ý dấu hiệu màng não (mê man? thóp phồng?).
  • Sốt xuất huyết thì chú ý khám mạch và vùng gan là những dấu hiệu cho biết giai đoạn tiền sốc để can thiệp kịp thời.
  • Ho thì đếm nhịp thở, nghe phổi, v.v…

Xét nghiệm

Một đôi khi cần làm xét nghiệm để giúp cho việc chẩn đoán. Các xét nghiệm thông thường như thử máu, thử phân, thử nước tiểu, thử nhớt họng, chụp phim X-quang, siêu âm, nội soi v.v… Cần thiết lắm mới phải làm xét nghiệm, không nên tự ý làm, cũng không nên đòi hỏi khi không có chỉ định của bác sĩ. Trái lại khi có chỉ định, thì cần hợp tác với thầy thuốc giúp cho việc chẩn đoán chính xác hơn. Thí dụ trong bệnh sốt xuất huyết, chưa đến lúc cần thử máu mà đòi thử sớm quá sẽ thấy máu bình thường rồi mất cảnh giác, trái lại khi bệnh diễn tiến xấu, có khi  phải thử máu nhiều lần (đo Hematocrite) trong ngày..

BS Đỗ Hồng Ngọc

Filed Under: Hỏi đáp, Nuôi con, Ở nơi xa thầy thuốc, Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc, Thầy thuốc và bệnh nhân, Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng Tagged With: BS Do Hong Ngoc, BS Đỗ Hồng Ngọc, Nuôi con, tre benh, trẻ bệnh

Comments

  1. Bảo Khanh says

    19/02/2013 at 11:08 sáng

    Kính gửi: bác Đỗ Hồng Ngọc
    Cháu xin phép bác cho cháu hỏi một câu ạ. Bé nhà cháu được 6 tháng nặng hơn 8kg, 4 ngày trước cháu tự nhiên sốt cao về đêm đến 39độ, cháu đã cho uống hạ sốt và dán miếng hạ nhiệt. Đến sáng thì vẫn duy trì ở mức nhiệt độ 38, mẹ chồng cháu chuẩn đoán bị viêm họng nên cho bé uống cefixime 200mg, 1 viên/2 lần/ ngày. Cùng với hạ sốt hapacol paracetamol 80mg, nửa gói mỗi lần sốt. Sau hai ngày bé vẫn sốt như vậy, mẹ cháu đã đưa bé tới một bác sĩ CK nhi cấp I để khám, bà BS chuẩn đoán cháu bị viêm họng, bà có hỏi đã cho bé uống thuốc gì? và mẹ cháu có nói thuốc như trên. Bà ây bảo cho uống như vậy là hơi cao chỉ uống 100mg thôi (nhưng mẹ cháu vẫn cho uống nguyên liều đã định)và kê thêm cho thuốc Alppha Choay 2 viên/ 2 lần/ ngày. Ngày thứ ba cháu vẫn sốt ở mức 39 độ và phải dùng thuốc đặt hạ sốt. sang ngầy thứ 4 bé không còn sốt thân nhiệt dần ổn định tuy nhiên mặt và bụng cháu xuất hiện rất nhiều nốt nổi mẩn giống như bị rôm sảy. Hai ngày đầu sốt cháu vẫn ăn uống bình thường, đến ngày thứ ba thì có hiện tượng chán ăn, sữa cũng không bú, chỉ bú một tí là thôi, cháu đi tiêu bình thường không bị bón hay tiêu, đến giờ cháu đã bắt đầu ăn uống lại. Bác cho cháu hỏi hiện tượng đó có phải do sốt cao quá mà nên hay không ạ? Cháu cảm ơn bác ạ!

  2. Bac Si Do Hong Ngoc says

    19/02/2013 at 1:31 chiều

    Bà nội cháu bé có phải cũng ở trong ngành y không? Thực ra, không nên chủ quan nghĩ đơn giản là viêm họng. Cần hết sức thận trọng trước tình trạng sốt cao của bé: theo dõi bệnh Tay chân miệng, Sốt xuất huyết, Rubella v.v… Nên khám lại ở BV Nhi đồng, ở đây bác sĩ có nhiều kinh nghiệm về bệnh trẻ em.

  3. Bảo Khanh says

    19/02/2013 at 8:30 chiều

    Vâng thưa bác, Mẹ chồng cháu cũng làm trong ngành y nhưng giờ mẹ cháu đã về hưu được nửa năm rồi ạ! Hiện giờ cháu đã hết sốt, chỉ có điều là mặt cháu rất nhiều nốt nổi mẩn, chân tay và người cháu cũng có nhưng rất ít. Nốt mẩn đó trông giống như bị lên Sởi, cháu nghe nói lên sởi thì trong lúc sốt mà mắt đỏ, mặt nổi nốt rồi lan ra khắp người thì mới bị nhưng cháu không bị như vậy. Mẹ cháu nói có thể là sốt phát ban, do mấy hôm vừa rồi sốt cao nên giờ cháu mới bị phát ra như vậy. Thật lòng thì cháu không yên tâm cho lắm, nhưng mẹ cháu thì cứ nói không làm sao cả. Cháu không biết phải làm thế nào, xin bác cho cháu lời khuyên với ạ!
    Cháu cảm ơn bác ạ!

  4. Bac Si Do Hong Ngoc says

    19/02/2013 at 8:42 chiều

    Tiếp tục theo dõi. Nếu cháu vẫn vui chơi, hết sốt, thì đó là Sốt phát ban nhẹ (Rubella, Rubeol) chứ không phải Sởi (Measle). Thường một tuần lễ thì khỏi. Có thể sẽ thấy nổi mấy cục hạch nho nhỏ ở sau mang tai. Sờ thử xem? Không cần kháng sinh. Ăn uống tắm rửa bình thường.

  5. Bảo Khanh says

    21/02/2013 at 9:21 sáng

    Cháu chào bác!
    Cháu cảm ơn bác, cho đến giờ thì bé nhà cháu đã hết sốt, các nốt mẩn đỏ trên người cháu cũng đã tan hết, cháu đã ăn uống, vui chơi trở lại như bình thường. Một lần nữa cháu xin được cảm ơn bác rất nhiều! Nhờ có những lời khuyên hữu ích của bác mà không chỉ người mẹ trẻ như cháu, ngay cả những bà mẹ khác đang nuôi con nhỏ như cháu cũng cảm thấy an tâm hơn phần nào trong việc chăm sóc con cái. Cháu xin kính chúc bác và gia đình năm mới dồi dào sức khỏe, an khang thịnh vượng ạ!

  6. Lê Thị Nhã Quyên says

    10/04/2013 at 10:04 chiều

    Xin chào Bác! Hôm nay cháu lại làm phiền bác tư vấn cháu chút ạ: cách đây 3 tháng bé nhà cháu (12 tháng) cân nặng 9kg chiều cao 70cm, bé biếng ăn nên có đi khám BS, đến nay bé được 15 tháng cân nặng 8kg8 chiều cao 74,5cm. Cháu lại đưa bé đi BS dù bé ăn tốt nhưng sao bé lại không lên cân. BS có giải thích do bé phát triển chiều cao và trí não nên cân nặng chững lại. Nếu so với bảng chuẩn thì bé nhà cháu nằm ờ mức suy dinh dưỡng rồi. Bé nhà cháu vẫn ăn tốt (mỗi bữa ăn chưa đến 30 phút), chơi đùa, leo trèo, bú sữa ngày khoảng 450ml. Bé vẫn chưa biết đi, nếu dẫn bé đi thì bé đi được. Bé rất sáng dạ, cái gì chỉ 1 lần là biết làm theo. Chỉ có cân nặng là bé chẳng những không tăng mà còn bị sụt. Cho cháu hỏi bé nhà cháu như vậy có ốm quá không, cháu lo quá dù thấy con ăn tốt chơi đùa tốt mà vẫn ốm trơ xương. Mong bác tư vấn giúp cháu, cháu cám ơn bác nhiều (Bé lúc mới sinh nặng 3kg)

  7. Bac Si Do Hong Ngoc says

    11/04/2013 at 9:48 sáng

    Cần biết bé cân nặng mấy ký lúc sanh mới đánh giá được. Cho bé uống thêm sữa. Cho thêm dầu mỡ vào cháo, cơm… Mỗi ngày ăn dặm nhiều bữa (4 lần), mỗi bữa thêm 2 muỗng dầu ăn. Thêm trứng, thịt cá, rau đậu…Nếu có bệnh, thì phải khám và chữa ở bác sĩ Nhi khoa.

  8. Ngoc tram says

    28/04/2013 at 12:50 sáng

    Thua bac si!
    Be nha con duoc 9 thang 10 Ngay .can nang 8ky500.tu luc 5 thang den gio chau benh lien tuc .di kham luc nao bac si cung bao la bi viem mui hong …1 thang tro lai day hau nhu ngay nao be cung uong thuoc ,het khang sinh roi lai bo sung men.3 ngay gan day be ngu hay tran troc ,khoc ..la het la be oi ra,be an rat it…be co kham tai benh vien Nhi dong 1 va bac si cho don thuoc : Aziciu2500g+Entengem+salbumol2 mg+ magneB6.Bac si bao uong 2 ngay roi ngung thuoc va co the di chich ngua Soi .Nhung con thay be van bieng an ,con oi va luc be van dong be tho rat nang .con lo wa !xin bac tu van dum con la be co can xet nghiem gi hay khong ?be van choi nhung rat bieng an .mong nhan duoc hội am cua bac .con cam on nhieu a

  9. Hạ Lục says

    10/10/2013 at 1:47 chiều

    Bác sĩ ơi! Cháu có một đứa cháu năm nay được 9 tuổi và đang điều trị bệnh tăng động giảm chú ý đươc gần một năm. Mẹ cháu thấy bệnh của cháu có vẻ không giảm mà còn tệ hơn. Cháu học hành kém đi và rất dễ nổi nóng, thậm chí quát nạt lại người lớn. Cháu thấy rất thương cho cháu và ba mẹ của cháu, Bác có lời khuyên nào trong trường hợp này không? Cháu mong nhận được trả lời của Bác và cảm ơn Bác rất nhiều.

  10. Bac Si Do Hong Ngoc says

    10/10/2013 at 2:48 chiều

    Ở BV Nhi Đồng 1 va 2 Tp.HCM đều có khoa Tâm lý Trẻ em. Nên đến khám và điều trị ở đó, có bác sĩ chuyên khoa.

  11. Hạ Lục says

    10/10/2013 at 2:59 chiều

    Bác sĩ ơi! ( cháu xin lỗi vì gọi như vậy là thất kính nhưng cháu lại thấy gọi như vậy nghe gần gũi và thân thương hơn)
    Cháu đã đọc được vài cuốn sách mà bác viết, cháu thấy rất hay và cháu đã học được nhiều điều từ Bác. Cháu cũng tặng cho bạn bè và người thân một số cuốn đó. Và trên hết là cảm nhận của cháu về một người Bác tuy chưa được gặp nhưng rất đỗi thân thương và gần gũi… Nhiều lúc cháu nghĩ Bác đã vượt xa nghề nghiệp chính của Bác là người thầy thuốc đơn thuần mà còn là một nhà tâm lý, một người cha, người anh và người bạn đối với những ai được tro chuyện cùng Bác trên trang sách hay trên internet.
    Cháu dài dòng quá Bác ha, bây giờ mới là vấn đề thật sự của cháu nè: cháu phát hiện ra mình bị lupus ban đỏ đầu năm 2010 sau khi làm thụ tinh trong ống nghiệm, cháu gần như không còn muốn sống nữa khi biết mình bị bệnh. Cháu đã mất ngủ nhiều đêm và cộng với một số áp lực trong cuộc sống ở phía nhà chồng nên cháu bị loạn thần phải đưa vào cấp cứu, sau đó cháu không còn biết gì nữa và phải nhờ sự chăm sóc của gia đình và bác sĩ tâm thần suốt một tháng trời. Bây giờ sức khoẻ cháu đã tạm ổn rồi, cháu không dám nghĩ đến chuyện có con vì sợ sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ. Cách đây hơn một năm cháu có thai tự nhiên, nhưng chỉ được 8 tuần thì không giữ được, bác sĩ ở bệnh viện Chợ Rẫy bảo cháu chưa chữa bệnh xong mà để có thai, từ đó cháu sợ quá không dám đi bệnh viện tái khám mà chỉ mua thuốc về uống thôi ( trong chuyện này cháu đã sai). Cách đây 3 tháng cháu lại có thai lần nữa nhưng lai như lần trước… Cháu rất buồn nhưng cố gắng vượt qua và tiếp tục hi vọng… Hiện giờ sức khoẻ cháu tạm ổn, cháu không đi tái khám là vì sợ bị say xe, cảm giác nhịn đói cả một buổi sáng để chỉ được bác sĩ hỏi “thấy trong người thế nào” rồi đo huyết áp, lấy nước tiểu làm xét nghiệm, chờ kết quả, chờ nhận thuốc, sau mỗi lần đi khám bệnh về cháu lại phải nghỉ bù vài hôm, mệt mỏi lắm…cháu tự uống thuốc theo toa và thấy tình hình cũng ổn, cháu thấy sợ đến bệnh viện quá…

    Cháu thấy cũng có người bệnh như cháu nhưng vẫn có con bình thường, cháu chỉ sợ nếu cháu uống thuốc lâu ngày như vậy thì có thể có con không, và em bé có bị ảnh hưởng gì không? Cháu vừa muốn lại vừa không dám có thai vì sợ con mình không được khoẻ như những trẻ khác… Bác ơi! Cháu phải làm sao đây? Bác cho cháu lời khuyên với, cháu không còn nhỏ để chờ y học có thuốc chữa dứt căn bệnh của cháu..Cháu mong nhận được lời khuyên của Bác, cháu xin cảm ơn Bác nhiều.

  12. Bac Si Do Hong Ngoc says

    12/10/2013 at 7:38 sáng

    Hạ Lục ơi, bác không rành lãnh vực này nên không thể hướng dẫn thế nào là tốt nhất. Thế nhưng bác biết có người mang bệnh Lupus đỏ như cháu vẫn có con được như thường. Đây là loại bệnh phải chữa suốt đời. Cháu đã có thể mang thai tự nhiên được nên vẫn rất hy vọng mọi sự sẽ tốt đẹp. Theo bác, cháu nên tham khảo một bác sĩ Sản khoa, đồng thời vẫn tiếp tục chữa trị Lupus đỏ ở một bác sĩ chuyên khoa trong lãnh vực này.

  13. Hạ Lục says

    15/10/2013 at 10:32 sáng

    Cháu cảm ơn Bác nhiều. Cháu sẽ làm theo lời Bác và tiếp tục hi vọng. Kính chúc Bác nhiều sức khoẻ.

  14. Cam tu says

    23/12/2013 at 1:30 chiều

    Dạ thưa bác, bác ơi, cho con hỏi con của con 14 tháng mà hô hấp kém, chắc thành bệnh kinh niên rồi thưa bác, nó cứ bị khò khè, khó thở vào buổi tối, tối nào cũng bị nghẹt mũi nên ngủ k ngon giấc.

    Giờ làm sao để bé hết hẳn luôn thưa bác.

    Con cám ơn ông ngoại nhiều (vì ba má con nói kêu bác như thế ạ)

  15. Bac Si Do Hong Ngoc says

    23/12/2013 at 5:44 chiều

    Nên đọc bài “Viêm đường hô hấp trên hoài” ở trang web này. Ngoài ra nên coi lại môi trường sống của bé: khói bụi? mùi thuốc lá? lạnh quá? nóng quá?…rồi coi lại trong gia đình có ai bị suyễn, dị ứng gì không? Dĩ nhiên vẫn tiếp tục khám điều trị ở bác sĩ chuyên khoa Nhi.

  16. Lê Thị Hải Yến says

    23/02/2014 at 4:00 chiều

    Kính gửi Bác sỹ!
    Con đã đọc trang nhà của bác sỹ đã lâu nhưng nay mới dám viết thư hỏi bác, thật sự giờ con cũng rối bời quá, không biết phải làm sao. Con cũng đã đọc Viết cho các bà mẹ sinh con lần đầu nhưng vẫn không thể giải quyết được tình trạng của con trai con. Con mong được bác sỹ giúp đỡ, cho ý kiến:
    Con sinh bé trai được 3kg7, hiện giờ bé được 23 tháng. Lúc sinh bé ăn ngủ tốt, lên cân tốt (…),
    Bây giờ con thật sự không biết phải làm sao (…).
    Bác sỹ có thể cho con vài lời khuyên được không ạ, hiện giờ con bối rối lắm, con nuôi con lần đầu nên cũng không có nhiều kinh nghiệm. Thư con viết hơi dài nên mong bác sỹ thông cảm, vì con cũng muốn trình bày quá trình của bé để bác sỹ thấy.
    Con xin cảm ơn bác sỹ!

  17. Bac Si Do Hong Ngoc says

    24/02/2014 at 8:31 sáng

    Không có gì phải quýnh quáng lên như vậy! Đâu phải trên đời này chỉ có một mình con của con bị bón! Tôi không nghĩ bé bị Hirshprung (dolichocolon) cần phải mổ đâu. Trước mắt chỉ cần ăn thêm rau củ, cam, bưởi, chuối chín rục (có chất dầu) thì sẽ đi tiêu được. Ăn nha-đam cũng sẽ rất tốt. Thử xem.
    Coi lại trong gia đình hai bên nội ngoại, cha mẹ, có ai bị… bón không? Phần lớn do di truyền!

  18. Lê Thị Hải Yến says

    25/02/2014 at 4:47 chiều

    Con cảm ơn bác sỹ đã hồi âm. Con cũng mong là bé chưa bị giãn đại tràng, trong phiếu kết quả xquang bsy ghi là bị Megarectum nên con cũng lo lắng quá. Chỉ vì bé bị bón, cả tuần liền cũng không đi, bụng cảm giác căng lên, ăn nhiều nhưng vẫn không lên cân, bên cạnh đó các tài liệu cứ ghi rằng phân tích trữ lâu rắn lại,chất độc ngấm ngược vào lại cơ thể làm bé càng biếng ăn ,gây ảnh hưởng đến sức khỏe nên con cũng lo quá. Bơm cho bé thì con không dám bơm nhiều, 1 phần sợ bé mất phản xạ, một phần con đọc bài viết của bác nói bơm cái đó nóng ruột và khó chịu thế nên con cũng hạn chế. Mà sao chị họ của con có con bị bón chị nói bơm cả năm trời hết 2 hộp to luôn,giờ bé hết bón rồi. Con sẽ thử cho bes ăn nha đam xem sao, còn trái cây và nước con vẫn chú ý cho ăn đầy đủ, không dám lơ là, bưởi và cam thì bé không thích ăn bác ạ. Gia đình 2 bên nội ngoại không có ai bị bón hết bác ạ. Con xin cảm ơn sự chia sẻ của bác. Con chúc bác nhiều sức khỏe và viết nhiều bài hay trên trang nhà.

  19. Bac Si Do Hong Ngoc says

    20/06/2015 at 8:35 chiều

    Giới thiệu trang “Hỏi bác sĩ Nhi Đồng”

    http://www.hoibacsinhidong.net/

    https://www.facebook.com/Hoibsnhidong

    Do bác sĩ Trương Hữu Khanh, bệnh viện Nhi đồng 1, Tp.HCM sáng lập và phụ trách là một trang Web và Fanpage đáng tin cậy, nhằm giúp giải đáp thắc mắc của các ông bố bà mẹ trong việc nuôi con, chăm sóc con.

    Đúng như bác sĩ Trương Hữu Khanh đã công bố, “Hỏi bác sĩ Nhi Đồng” là trang tư vấn sức khỏe, nhằm góp phần chăm sóc bảo vệ và nâng cao sức khỏe trẻ em chớ không phải để chẩn đoán và điều trị, không thay thế người bác sĩ trực tiếp thăm khám, chẩn đoán và chữa bệnh cho trẻ.

    Vậy các thân hữu trang http://www.dohongngoc.com/web/ từ nay khi có các thắc mắc gì về sức khỏe trẻ em, vui lòng gởi câu hỏi đến “Hỏi bác sĩ Nhi Đồng” để được tư vấn nhé.

    Cảm ơn BS Trương Hữu Khanh và trân trọng giới thiệu đến các thân hữu,

    BS Đỗ Hồng Ngọc

« Phản hồi cũ hơn

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Thư đi Tin lại

  • Lịch “Trò chuyện, giao lưu…”
  • Lại đính chính: “SAIGON BÂY GIỜ”
  • ĐÍNH CHÍNH: BSNGOC không phải là BS ĐỖ HỒNG NGỌC
  • Đính chính: BS NGỌC không phải là Bs Đỗ Hồng Ngọc
  • bsngoc đã lên tiếng đính chính
  • Thư cảm ơn và Đính chính về FACEBOOK Bác sĩ NGỌC
  • ĐÍNH CHÍNH: Bài viết "TÀN NHẪN" không phải của Bs Đỗ Hồng Ngọc

PHẬT HỌC & ĐỜI SỐNG

Biết rồi còn hỏi

Ba tầng của tâm thức – Vô Kỵ ở tầng nào?

“An cư kiết hạ” trong mùa Covi

Thư gởi bạn (2.4.2020)

Nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo với “CÓ KHÔNG”

Xá-lợi-phất và Duy-ma-cật

Phật cười dưới trăng…

Nguyễn Hiền Đức với “TÔI HỌC PHẬT” của Đỗ Hồng Ngọc

Lời ngỏ viết cho Tuyển tập TÔI HỌC PHẬT

Mừng NOEL với “Tiếng Hát Thiên Thần”

Xem thêm >>

Chuyên mục

  • Một chút tôi
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy

Bài viết mới nhất!

  • “Trò chuyện” với Cao Huy Thuần vài điều về cuốn SEN THƠM…
  • Thơ Nguyễn Thị Khánh Minh: NHỚ ĐINH CƯỜNG
  • Sách Ở Trên Đường
  • Ngô Nguyên Nghiễm: Đọc “TỬ SINH CA” của Trần Yên Thảo
  • Nguyên Giác (PTH): Thêm một ngày, học vô cùng

Bài viết theo tháng

Ý kiến bạn đọc!

  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Tĩnh lặng
  • Tịnh Phan trong Tĩnh lặng
  • Phan Minh Tịnh trong Tĩnh lặng
  • Trần Vạn Lợi trong Chuyện kể đêm Giáng Sinh
  • hai trầu trong Chuyến về Đà Lạt cùng Quán Văn
  • hai trầu trong Chuyến về Đà Lạt cùng Quán Văn
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Thơ Trần Thị Nguyệt Mai trên TUỔI HOA xưa
  • Vũ Thất trong Thơ Trần Thị Nguyệt Mai trên TUỔI HOA xưa
  • Nguyệt Mai trong Thơ Trần Thị Nguyệt Mai trên TUỔI HOA xưa
  • Nguyễn Quốc Anh trong Làm rõ vài chi tiết về Nguiễn Ngu Í

Cùng một tác giả

  • 0
  • 1
  • 1
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6

Thống kê

Nhà tài trợ

biệt thự vũng tàu
biệt thự vũng tàu cho thuê | biệt thự vũng tàu cho thuê theo ngày giá rẻ | cho thuê biệt thự vũng tàu có hồ bơi
© 2009 - 2016 Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Phát triển & Hỗ trợ kỹ thuật bởi SGC.
Trích dịch nội dung để dùng trong nghiên cứu, học tập hay dùng cho cá nhân đều được tự do nhưng cần phải chú thích rõ nguồn tài liệu và đối với các trích dịch với mục đích khác, cần phải liên lạc với tác giả.
  • Một chút tôi
    ?
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    ?
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    ?
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    ?
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    ?
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy
  • Nhận bài mới qua email