Kỷ niệm 30 năm thành lập Trung tâm Truyền thông-Giáo dục sức khỏe TP.HCM (1978-2008)
Đôi điều chia sẻ
BS Đỗ Hồng Ngọc, DS Trần Huệ Trinh.
30 năm là quảng thời gian không dài cho sự phát triển của một lãnh vực mới trong y học: ngành Truyền thông – giáo dục sức khỏe (T4G), nhưng cũng đủ để nhìn lại một chặng đường cho những người đã và đang dấn thân trong lãnh vực còn nhiều khó khăn này. Chúng tôi thường ngồi lại với nhau, cùng các đồng nghiệp trao đổi và cùng rút ra mấy bài học kinh nghiệm như sau:
1.Trước hết cần có một tấm lòng:
Truyền thông – giáo dục sức khỏe đòi hỏi những con người nhiệt tâm, hết lòng vì sự nghiệp âm thầm và mang lại nhiều hiệu quả thiết thực trong công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân. Ngoài tấm lòng còn cần có một triết lý hành động, một khoa học nền tảng, để có thể thực hiện hiệu quả việc nâng cao kiến thức, chuyển đổi thái độ và hỗ trợ hành vi cho mỗi người để họ tự tạo ra, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của mình, từ đó của cả cộng đồng. Hiệu quả hoạt động truyền thông – giáo dục sức khỏe không thể trông thấy trước mắt như một cas phẫu thuật, người làm công tác trong lãnh vực này do đó phải có nhiệt tâm và kiên nhẫn mới có thể gắn bó, tận tụy với nhiệm vụ của mình. Trong 30 năm qua, biết bao tấm gương tận tụy của những thầy thuốc gắn bó lâu dài với T4G Tp.HCM mặc cho những khó khăn có lúc tưởng chừng như không thể vượt qua đựơc.
2.Kiên trì với một chiến lược:
Đó là xuyên suốt 30 năm qua, T4G TP.HCM vẫn duy trì song song hai mặt hoạt động chủ lực:
Duy trì và phát triển mảng Thông tin y học:Thông tin y học là một “nhu yếu” của người thầy thuốc điều trị cũng như dự phòng, ở tuyến cơ sở cũng như trong các bệnh viện. Hằng tuần tại T4G vẫn đều đều có những buổi “Sinh hoạt Khoa học kỹ thuật” dành cho nhân viên y tế, giới thiệu những thành tựu y học mới trên thế giới và trong nước, sau đó đã tập hợp in thành các tập tài liệu tham khảo để chia sẻ cho các đồng nghiệp. Chính nhờ hoạt động này mà khu vực điều trị, dự phòng, các Trung tâm chuyên khoa có một sự gắn kết chặt chẽ với T4G, trở thành mạng lưới cộng tác viên thân thiết của T4G. Bên cạnh đó mạng Medinet của Sở Y tế (www.medinet.hochiminh-city.gov.vn) mà T4G phụ trách phần chủ lực, bãn thân T4G cũng đã hình thành một website riêng với địa chỉ www.t4gtphcm.org.vn. Bản tin Sức khỏe TP.HCM là bản tin đầu tiên của ngành trong cả nước, ra mắt vào tháng 9/1987 đến nay vẫn duy trì một đường lối riêng: chia sẻ kinh nghiệm trong lãnh vực TT-GDSK.
Đẩy mạnh mảng Giáo dục sức khỏe trên cả 3 mặt: Truyền thông đại chúng, truyền thông nhóm và truyền thông cá nhân. T4G đã kết hợp chặt chẽ với đài truyền hình và đài phát thanh thành phố, tận dụng trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại của đài, T4G phụ trách phần kịch bản chuyên môn, nhờ đó giảm một phần chi phí tổn kém đầu tư cho trang thiết bị chuyên ngành. Song song đó T4G vẫn đang tìm cách tạo sự độc lập riêng trong sản xuất tài liệu truyền thông để kịp thời phục vụ các chiến dịch.
3.Phối hợp liên khoa và liên ngành:
T4G đã có truyền thống hợp tác tốt đẹp với Đài phát thanh và Đài truyền hình TP từ những ngày đầu, từ1981. Đến năm 1988, chương trình truyền hình “Thầy thuốc gia đình” đã được đổi tên thành “Sức khỏe cho mọi người”. Năm 1993, T4G đã thực hiện một nghiên cứu khoa học do Canada Fund hỗ trợ lượng giá chương trình “Sức khỏe cho mọi người” khẳng định hiệu quả rất tốt của công tác truyền thông đại chúng qua truyền hình. Bên cạnh đó, trong ngành y với nhau việc liên kết giữa T4G và các Chương trình sức khỏe quốc gia, các Bệnh viện và Trung tâm chuyên khoa, Trung tâm Y tế dự phòng ….là sự gắn bó chặt chẽ trong các mặt hoạt động. Sự tham gia cộng đồng qua mạng lưới truyền thông viên của các ban ngành đoàn thể gắn liền với hoạt động truyền thông nhóm nhỏ và cá nhân. Trong nhiều năm liền T4G tích cực hỗ trợ huấn luyện kỹ năng TT-GDSK cho Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Chữ Thập đỏ, Liên đoàn Lao động, Sở Giáo dục – Đào tạo…
Kỹ thuật học thích hợp cũng là một nguyên tắc chính của họat động của T4G: mỗi đơn vị TT-GDSK ở cơ sở có những cách làm việc riêng, sản xuất tài liệu riêng để chuyển tải các thông điệp phù hợp. không đợi từ T4G cung cấp. Một số T3G bệnh viện, phòng GDSK quận huyện đã tự sản xuất tài liệu riêng, đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi của địa phương mình, đơn vị mình.
4.Có một khoa học nền tảng:
Giáo dục sức khỏe, Nâng cao sức khỏe là một ngành khoa học tổng hợp, dựa trên khoa học hành vi với tâm lý học, xã hội học, nhân chủng học và kinh tế học, cùng với các lãnh vực khoa học về truyền thông và sư phạm (đặc biệt giáo dục tráng niên) bên cạnh khoa học y học. T4G đã thực hiện một số đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực khoa học hành vi và giáo dục sức khỏe, một lãnh vực tương đối còn mới mẻ nhưng rất cần thiết cho sự phát triển của ngành TT-GDSK về lâu về dài.
5.Và một mạng lưới cơ sở hoạt động thực chất:
Đây có thể là một trong những điểm tự hào của T4G Tp.HCM. Ngay từ những năm 1986 – 1987, T4G đã chuẩn bị để hình thành một mạng lưới GDSK ở cơ sở thông qua các lớp tập huấn luyện nhân viên y tế và nhân viên sức khỏe cộng đồng. Nhờ có sẵn mạng lưới này mà khi triển khai thực hiện QĐ 911/BYT của Bộ Y tế, T4G đã gặp rất nhiều thuận lợi, Đến ngày nay có thể nói họat động mạng lưới T3G bệnh viện và phòng Giáo dục Sức khỏe thuộc Trung tâm Y tế Dự phòng quận huyện đã đi vào nề nếp. Càng ngày T3G khu vực điều trị càng nhận thức rõ vai trò của TT –GDSK như là một phần của điều trị toàn diện, vừa làm tăng uy tín và thương hiệu của bệnh viện. Các bệnh viện tư nhân cũng đặc biệt quan tâm khía cạnh này nên cũng đã hình tàhnh các T3G tại bệnh viện mình.
6.Đẩy mạnh công tác đào tạo huấn luyện:
Không chỉ đơn thuần là huấn luyện kỹ năng mà còn là truyền đạt một triết lý, một y đạo, với nền tảng khoa học hành vi và phương pháp tiếp cận dựa vào cộng đồng. T4G đã hình thành và phụ trách bộ môn Khoa học hành vi và Giáo dục sức khỏe thuộc Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng Cán bộ Y tế thành phố (nay là Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch), đồng thời tham gia giảng dạy cho một số trường Đại học khác như Đại học Mỡ-Bán công, Đại học Hoa Sen, Khoa Y tế công cộng… Bên cạnh đó, mảng huấn luyện về TT-GDSK cho y tế cơ sở là hết sức cần thiết. Từ 30 năm nay, T4G thục hiện phương pháp giáo dục chủ động trong đào tạo huấn luyện đã mang lại những kết quả tốt. Đóng góp kinh nghiệm cho Trung tâm Truyền thông –Giáo dục sức khỏe trung ương, Bộ y tế (T5G) và hỗ trợ cho T4G các tỉnh bạn cũng là một nhiệm vụ chiến lựơc của T4G Tp.HCM trong nhiều năm qua. Những năm gần đây, tập huấn về Quan hệ thầy thúôc-bệnh nhân cũng đã đựơc đẩy mạnh không chỉ riêng cho thành phố mà còn cho một số tỉnh bạn trong khu vực..
Nhìn lại chặng đường 30 năm qua, T4G TP.HCM có thể tự hào đã góp phần vào việc hình thành và phát triển mạng lưới TT – GDSK trên cả nước, đã vựơt qua những thách thức, khó khăn. trở ngại buổi ban đầu, khẳng định được vai trò và vị trí của ngành TT-GDSK trong hê thống Y tế của nước nhà trên đà hội nhập và phát triển hiện nay./,
Trả lời