“Nói chuyện với con em về giới tính như thế nào cho tốt?” là chủ đề mà Nhà giáo Đàm Lê Đức, hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng Văn hoá 218 Lý Tự Trọng, TP HCM và Ban chủ nhiệm CLB Cha mẹ học sinh của trường đã đặt ra cho bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, trong buổi nói chuyện với hơn 500 phụ huynh vào sáng Chủ Nhật ngày 26.7. 2009 vừa qua. Đây là một đề tài khá nhạy cảm và thiết yếu trong tình hình hiện nay cho lứa tuổi đang lớn, khi các bậc phụ huynh gặp không ít khó khăn trong việc truyền đạt cho con em những vấn đế liên quan đến giới tính, tình dục. Trong hơn hai tiếng đồng hồ, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, một chuyên gia của “tuổi mới lớn” đã trao đổi thân mật cùng các bậc phụ huynh của trường trong không khí chân tình, gần gũi…
Dưới đây là một vài hình ảnh và tài liệu tham khảo của buổi nói chuyện trên.
TRÒ CHUYỆN VỚI CON EM VỀ GIỚI TÍNH
BS Đỗ Hồng Ngọc
Tới tuổi nào đó tự nhiên mà người ta biết về giới tính, về tình dục. Nhưng cũng vì không ai dạy mà biết nên mới có nhiều huyền thoại đầy bí ẩn, cấm kỵ, gây tò mò, sinh chuyện. Cha mẹ dạy con đủ thứ, dạy con học ăn học nói học gói học mở nhưng chuyện rất quan trọng này, ảnh hưởng đến sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản, hạnh phúc tương lai của cả một đời người, thì lại giấu nhẹm, không chịu dạy! Không chịu dạy không phải vì cố tình giấu giếm mà vì dạy… không đựơc. Bởi cha mẹ cũng chưa hề đựơc dạy từ thế hệ ông bà! Nhưng rõ ràng tình hình nay đã khác xưa rôì. Xưa không dạy cũng biết nhưng không có nhiều cám dỗ, nhiều hiểm nguy rình rập như bây giờ. Bây giờ mà không dạy thì nguy! Hồi xưa, nhà nhà xài đèn dầu, có lỡ bị phỏng một chút cũng không sao. Còn bây giờ đèn điện, lớ quớ sẽ bị điện giựt! Cho nên cha mẹ có bổn phận phải dạy con thôi, không thể khoán cho nhà trường, cho xã hội được. Và, như một câu tục ngữ: Dạy con từ thuở còn thơ nên không thể trì hưỡn được. Bởi đây là vấn đề văn hóa, vấn đề giá trị, nếp nhà, về kỹ năng sống…Trẻ con bây giờ có khi còn biết rành hơn cả người lớn. Có điều biết không đúng, không đầy đủ, và đó chính là nguy cơ lớn nhất.
Tình dục không xấu. Tình dục gắn với con người từ trong trứng nước. Thực vậy, khi thụ tinh thì đã sẵn các nhiễm sắc thể X,Y, phân định giới tính cho đứa bé dù đến 3 tháng trong bụng mẹ, thai nhi mới có đầy đủ các bộ phận sinh dục nam hay nữ! Bên cạnh đó con người còn đựơc trang bị một hệ thống các tuyến sinh dục, tạo ra các kích thích tố dành sẵn để tới tuổi nào đó thì được kích họat… nổ bùng ra! Nhiều khi cản không nổi là vậy! Cũng có trường hợp kích họat sớm quá, đâm ra bị “giú ép”, bị chai, sạn, thật là đáng tiếc. Nhất là vì không biết, vì thành kiến sai lầm mà gây hại không hay! Có người hỏi tại sao bày đặt trai gái chi cho phiền hà. Thực ra thì một trong những chức năng của sinh vật là phải… truyền giống., phải sinh sôi nảy nở, phải làm mới mình không ngừng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thiên nhiên chắc cũng đã thử nhiều cách rồi mới chọn cách có hai giới nam và nữ, đực và cái. Chẳng hạn có những sinh vật sinh sản bằng cách nhân đôi, tách mình ra làm hai, y hệt nhau. Lại có những sinh vật được lắp đặt cả hai bộ phận sinh dục đực và cái trên mỗi khoan của thân thể, để chẳng phải vất vả tìm kiếm đâu xa như ở một lọai ký sinh trùng.. Nhưng đó lại là những sinh vật cấp thấp. Những có lẽ thiên nhiên thử nghiệm như vậy thấy không hay lắm, nên cần phải có sự trao đổi gène di truyền giữa hai giống tách biệt nhau thì sự “đổi mới” từ thế hệ trước đến thế hệ sau mới hòan chỉnh, tốt đẹp hơn để duy trì nòi giống. Do vậy mà trong cùng một gia tộc, cùng một dòng gène mà hôn phối với nhau thì sẽ không tốt, sinh ra nhiều thứ bệnh nguy hiểm, thậm chí có thể đến chỗ diệt vong.
Sinh vật thì phải ăn, phải ngủ, phải thải chất bã và phải… truyền giống. Những chuyện này luôn được gắn sẵn vào trong gène. Con gà mới nở đã biết mổ thóc ăn, đã biết bươi để kiếm thức ăn, và sau đó biết… đạp mái! Con bê mới sinh chập chững vài bước đã biết tìm đến vú mẹ và sau đó biết kiếm cỏ rồi tìm con cái. Con ngừơi cũng vậy, sanh ra đã vùi đầu tìm vú mẹ mà nút chùn chụt ngon lành! Thế nhưng con ngừơi là sinh vật… cao cấp nên không chỉ biết ăn thôi, mà còn biết tìm món ngon vật lạ, cao lương mỹ vị, để ăn sao cho ngon, cho khóai. Ngon qua, khoái quá, nhồi nhét cho càng hông, dô dô trăm phần trăm hoài thì bắt đầu sinh bệnh. Bệnh là một cách nhắc nhở, từ khiển trách, cảnh cáo đến… sa thải! Ngủ cũng vậy. Không thể không ngủ. Ngủ để phục hồi năng lượng, để các tế bào đựơc nghỉ ngơi. Ngủ thừa hay thiếu đều sinh bệnh. Thải bã cũng vậy. Bón hay tiêu chảy đều,,, khổ! Cuối cùng là chuyện truyền giống! Để khuyến khích các sinh vật đừng làm biếng đối với chuyện truyền giống này nên thiên nhiên đã dụ nó bằng cách ban thưởng ít nhiều khoái cảm. Vì thế mà ta thấy các sinh vật đều hùng hục về chuyện này một cách hăng say! Có điều các sinh vật đều làm nhiệm vụ theo bản năng, đúng mùa đúng tiết. Nó cũng chẳng ngựơng ngùng, chẳng cần dạy dỗ. Dĩ nhiên nó cũng phải….dày công chọn lựa bạn tình, cũng phải ve vản múa may chút đỉnh để các hormone có dịp được kích họat đâu ra đó cho đến lúc chín muồi. Con người do sự “thông minh vốn sẵn tính trời” của mình đã… tận dụng mọi điều kiện để hưởng thụ khoái cảm mà chẳng thèm quan tâm tới chuyện… truyền giống! Kết quả, nhiều xã hội đang chới với vì thiếu sự đổi mới thế hệ, người già cứ già hoài, ngừơi trẻ chẳng chịu sinh ra! Vậy là có chuyện lùng sục kiếm con nuôi!
Tóm lại, tình dục là chuyện …bình thường, cần thiết, và sở dĩ nó có vẻ… “rùng rợn” là do ta không biết rõ nên đâm ra sợ. Trẻ mới lớn thì tò mò vì bị bưng bít, hù dọa, người lớn thì cũng … mù tịt chẳng biết gì hơn! Phim ảnh về chuyện này thì nhảm nhí, hư cấu, giả tạo, diễn tả những cảnh quái đản làm lệch lạc trong suy nghĩ của nhiều người.
Nếu tình dục là chuyện bình thừơng, cần thiết, quan trọng thì nói chuyện tình dục cho trẻ là chuyện đương nhiên phải làm, nên làm, để trẻ biết mà khỏi sợ hãi, khỏi làm bậy, khỏi bị dụ dỗ hay hù dọa, có khả năng kiểm sóat đựơc hành vi của mình để có những quyết định đúng đắn với đầy đủ thông tin. Trứơc đây do giấu giếm mà nhiều khi những chuyện bình thừơng trở thành “cấm kỵ”! Cho đến bây giờ nhiều nơi xa xôi vẫn còn bắt “đàn bà đẻ” nằm chòi riêng, cả tháng không đựơc tắm, nhét bông gòn đầy tai! Nghe nói đến hai chữ kinh nguyệt nói ra đã tó vẻ bí mật, sợ hãi, coi như “bị” trời hành; nghe nói tử cung, âm hộ, âm đạo, buồng trứng… tưởng gì ghê gớm lắm; nghe nói dương vật, tinh hoàn, túi tinh gì đó tưởng chuyện gì rùng rợn! Vì tưởng là cái gì đó ghê gớm lắm mới sinh ra “thắc mắc biết hỏi ai”, mới sinh ra nhiều ngộ nhận, tưởng tựơng, và hàng loạt những điều đáng tiếc. Báo chí có lần tường thuật một cặp vợ chồng mới cưới nọ chèo thuyền ra giữa dòng sông tự tử. Người chồng đựơc cứu sống. Trong bệnh viện, các bác sĩ đã khám cẩn thận và khẳng định anh hòan tòan bình thường. Thế mà hai anh chị đã tưởng mình không có khả năng tình dục nên hẹn nhau ở kiếp lai sinh! Thì ra cũng tại bì hù dọa cường dương liệt dương gì đó mà đâm ra xìu! Rõ ràng khi nào còn giấu giếm, “không công khai” thì ngừơi ta hay thêu dệt, tưởng tựơng, ngờ vực, sợ hãi. Nào di tinh, mộng tinh, hượt tinh như bình thủng đáy, nào tam tinh hải cẩu, bổ thận tráng dương, bạch đới … này nọ nghe thật rùng rợn. Gần đây mở hộp thư email ra thì thấy, ôi thôi bao nhiều là lời dụ dỗ làm dài làm to, làm mới khiến cho người ta cứ so đo tính tóan, làm như hết chuyện gì khác ở trên cõi đời! Nếu cứ “huỵch tọet” ra hết có khi lại hay, hết bí mật, hết bị hù dọa, kẻ xấu hết lợi dụng làm ăn! Nhưng như vậy có làm mất đi cảm xúc khộng? Không. Tôi thấy các sinh viên y khoa học kỹ về cơ thể học, sinh lý học con ngừơi mà đâu có mất cảm xúc.
Chính những ‘danh từ” bí hiểm thường dễ gây hoang mang nhất, nào tử cung, âm đạo, nào kinh nguyệt, buồng trứng, rồi dương vật, xuất tinh…Khi người sinh viên y khoa học tử cung là cái…tử cung thì hết chuyện! Tử là con, cung là chỗ ở, tử cung là chỗ ở của con, cũng như hoàng cung là chỗ ở của vua, vậy thôi. Còn âm đạo là con đường dẫn vào tử cung, âm hộ là cửa của âm đạo. Đạo là đường, còn hộ là cửa một cánh. Những nơi này bình thường vốn sạch sẽ, đựơc lót bởi những lớp tế bào niêm mạc như ở mũi, miệng. Khi bị can thiệp “thô bạo” làm thay đổi môi trường thì nó mới sanh chuyện. Kinh nguyệt cũng vậy, kinh là thường, nguyệt là tháng. Kinh nguyệt là một hiện tựơng xảy ra đều đều hằng tháng, gắn với sự rụng trứng ở người nữ thế thôi. Tử cung hằng tháng lót ổ sẵn cho trứng thụ tinh, nhưng trứng không thụ tinh thì tự bốc dở đi, tạo ra cái gọi là kinh nguyệt.. Thiên nhiên bày vẻ như vậy chẳng qua là tạo điều kiện thuận lợi cho việc truyền giống. Khi trứng tiếp xúc với tinh trùng thì có sự thụ tinh. Thai nhi lớn dần lên trong tử cung và đến một lúc phát triển đầy đủ thì cửa âm đạo sẽ mở ra để thai thoát ra ngòai, oa oa chào đời. Tinh trùng đựơc sinh sản ở tinh hòan, đựơc chứa ở một cái túi gọi là túi tinh. Khi đầy quá thì túi co bóp, phọt ra gọi là xuất tinh. Xuất tinh trong giấc ngủ được gọi là…mộng tinh. Chuyện bình thường ở con trai, như kinh nguyệt ở con gái. Nhưng mỗi lần xuất tinh có kèm ít nhiều sảng khoái nên nhiều trẻ lạm dụng, sinh thủ dâm, dễ dẫn đến rắc rối khác: di tinh, hượt tinh. Cũng chỉ là một cách gọi. Không có gì rùng rợn ghê gớm cả. Thế nhưng, lạm dụng sẽ dẫn đến những điều không hay. Ăn thì tốt, nhưng ăn nhiều quá thì sình bụng, không tiêu, phát ách, không kể có thể bị rối lọan tiêu hóa! Hiểu những danh từ, tên gọi, ta sẽ có thể trao đổi thẳng thắn với con em, với học sinh, như người sinh viên y khoa học ở trường y, không thấy có gì là “tục tĩu”, “bậy bạ” cả. Còn úp úp mở mở vừa nói vừa ngượng, đỏ mặt tía tai thì mọi người tưởng tượng này nọ làm cho buổi trò chuyện trở nên khó khăn. Hiểu biết rõ về cơ thể học, về sinh lý học các cơ quan sinh dục, hiện tượng thụ tinh, sinh đẻ… ta sẽ biết trân trọng, biết chăm sóc , biết bảo vệ để có đựơc một sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản lành mạnh. Nhờ đó có cuộc sống hạnh phúc, có những quyết định đúng đắn trong giao tiếp, trong quan hệ và sinh con đẻ cái phù hợp.
Nhiều người hiểu lầm giáo dục giới tính là dạy cách làm tình, giao hợp! Cách làm tình, giao hợp thì cần gì phải dạy. “Con” nào cũng biết, từ con gà con vịt con heo con ếch con chim, con nào cũng biết. Có điều con “người” thì khác, vì ở con người nó không chỉ thuần là bản năng. Ăn uống vốn là chuyện bản năng, vậy mà với con người cũng phải “ăn coi nồi ngồi coi hướng”, cũng phải học ăn học nói học gói học mở! Huống chi là chuyện làm tình, giao hợp! Dĩ nhiên là có chuyện làm tình, chuyện giao hợp ở đây nhằm để đưa được tinh trùng đến gặp trứng, tạo nên sự thụ tinh, truyền giống. Nếu không có sự giao hợp giữa giống đực và giống cái- giữa nam và nữ- thì vẫn có thể thụ tinh đựơc qua biện pháp nhân tạo gọi là “thụ tinh nhân tạo”. Ở ngừơi, những trường hợp hiếm muộn, không thể sinh con bằng cách bình thừơng ngừơi ta cũng sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Khoa học tiến bộ, thậm chí ngày nay ngừơi ta có thể nuôi một cái trứng non thành trứng trưởng thành, cũng như chỉ chiết lấy phần lõi của tinh trùng để tạo sự thụ tinh. Ở thú vật, thụ tinh nhân tạo đã quá phổ biến!
Gíao dục giới tính là một tiến trình suốt đời người, tạo nên nền tảng vững chắc cho sức khỏe tình dục. sức khỏe sinh sản. Gíao dục giới tính là chuyện phải làm hằng ngày ở mỗi gia đình, ở nhà trường, ở các cơ sở tôn giáo và qua truyền thông đại chúng
Gíao dục giới tính là một tiến trình dài lâu, không chỉ một ngày một buổi, để thu nhập thông tin và hình thành thái độ, lòng tin, các giá trị. Nó bao gồm sự phát triển tính dục, sức khỏe sinh sản, các mối quan hệ xã hội, tương tác cá nhân, tình yêu thương, hình ảnh về thể chất và vai trò giới.
Gíao dục giới tính như vậy phải bao gồm các khía cạnh về sinh học, văn hóa xã hội, tâm lý và tâm linh liên quan đến vấn đề giới tính từ lãnh vực nhận thức (thông tin), đến lãnh vực tình cảm (cảm xúc, giá trị, thái độ) và lãnh vực hành vi (kỹ năng truyền thông và kỹ năng quyết định). Cho nên thật là sai lầm khi cho rằng giáo dục giới tính là bày vẽ cách quan hệ tình dục hay cách tránh thai!
Giáo dục giới tính (GDGT) đúng nghĩa là giáo dục cho trẻ biết về cơ thể học các cơ quan bộ máy sinh dục, về sinh lý học, họat động của các kích thích tố khác nhau giữa nam và nữ tạo nên những tính cách riêng của mỗi giới, chẳng hạn nam tu nữ nhũ (trai thì có râu, gái thì có ngực), mỗi giới có những đặc điểm riêng về hình dáng về tâm sinh lý tạo nên sự hấp dẫn lẫn nhau khi đến tuổi chín muồi, có khả năng sinh sản. GDGT cũng sẽ dạy về các mối quan hệ xã hội, tương tác của mỗi giới, vai trò vị trí của mỗi cá nhân trong nền tảng văn hoá chung của một chủng tộc, quốc gia. Dĩ nhiên có một phần về chuyện quan hệ tình dục, giao phối, những bệnh tật có thể xảy ra nếu không giữ đúng phép vệ sinh. Đồng thời cũng giáo dục cả những tình cảm. cảm xúc, sự tôn trọng lẫn nhau, hỗ trợ gíup đỡ lẫn nhau. Giáo dục giới tính cũng sẽ dạy cách chăm sóc gia đình, nuôi dưỡng con cái.
Các nghiên cứu trong lãnh vực này cho thấy cha mẹ chỉ có thể nói chuyện giới tính, tình dục với trẻ thoải mái khi cha mẹ có thái độ cởi mở và nhất là chịu khó, biết cách lắng nghe trẻ! Kiểu rấy la “Mày biết gì mà nói”, chuyện tục tĩu, cấm nói hoặc chờ lớn lên thì biết! Lúc đó trẻ chỉ còn cách im lặng, lén lút tìm nguồn thông tin ngoài luồng, không đáng tin cậy mà còn có thể rất nguy hiểm nữa! Nghiên cứu cũng cho thấy trẻ có hiểu biết về tình dục thì không phạm phải những sai lầm đáng tiếc ở tuổi mới lớn, tuổi mà dưới ảnh hưởng của kích thích tố sinh dục phát triển mạnh mẽ có thể có nhưng hành vi không kiểm sóat được.
Vậy làm cách nào nói chuyện ấy với trẻ đây?
Trước hết cần chuẩn bị một thái độ cởi mở, chấp nhận, sẵn sàng lắng nghe và nếu thấy chưa đủ tự tin thì tìm đọc thêm sách hướng dẫn đứng đắn về vấn đề này để trong lúc trao đổi thì “nói có sách mách có chứng”. Ngẫm nghĩ thử xem mình có đủ “bản lãnh”, có thấy cảm xúc xấu hổ, ngượng ngùng khi đề cập các vấn đề tế nhị này không. Phải vượt qua cảm xúc đó mới có thể làm “thầy” cho trẻ được. Có câu chuyện ông bố thấy cậu con trai 15 tuổi đã lớn, kêu lại bảo: hôm nay bố muốn nói chuyện với con về vấn đề tình dục, đây là một chuyện khó nói… Cậu con vồn vả: bố cứ tự nhiên, có gì thắc mắc cứ hỏi đi ạ! Cũng có khi phải học thêm kinh nghiệm của bạn bè, thậm chí phải hỏi ý kiến bác sĩ. Tôi biết có bà mẹ mua sách về giới tính giả vờ để quên trên bàn và con tò mò lấy đọc. Nhân dịp đó, chị thẳng thắn trao đổi với con như một bác sĩ với thân chủ của mình Trong lúc trao đổi, chị có dịp nhắc kinh nghiệm của chị, quan điểm của chị, của gia đình. Trẻ có thể chưa đồng ý nhưng cũng đã ghi nhận những quan điểm về giá trị của mẹ mình, sau này có khi xuất hiện trong trí nhớ của em, thành một vũ khí bảo vệ trẻ. Trong những buổi họp hội Phụ nữ, có thể đem chuyện làm cách nào giáo dục giới tính cho con ra bàn bạc, chia sẻ kinh nghiệm. Việc này thực chất góp phần làm xã hội lành mạnh, tránh bệnh tật và giúp gia đình hạnh phúc.
GDGT bắt đầu trứơc hết là tại gia đình. Cha mẹ và những người chăm sóc trẻ là những nhà giáo dục giới tính đầu tiên cho trẻ. Các cơ hội có thể dạy – trò chuyện, trao đổi- về giới tính xảy ra hằng ngày trong gia đình. Ngay từ lúc mới sinh, trẻ đã đựơc học về tình yêu thương, trìu mến, vuốt ve, cưng, nựng, và những mối quan hệ trong gia đình, cha mẹ, ông bà… Trẻ học về giới tính khi cha mẹ chăm sóc, chuyện vãn, tỏ lòng yêu thương, chơi với chúng, thay quần áo cho chúng, dạy chúng biết các bộ phận của cơ thể chúng. Trẻ lớn dần thì hiểu biết nhiều thêm về các hành vi, thái độ, giá trị về giới tính của gia đình mình và môi trường xã hội chúng đang sống.
Không chỉ cần phải tìm hiểu, nghiên cứu cho đủ tự tin, bố mẹ còn phải nhớ rằng đây không chỉ là truyền trao kiến thức mà chính là thái độ, tình cảm, giá trị, niềm tin và những hành vi đúng sai, điều nào nên, điều nào không nên. Không áp đặt mà ngựơc lại cần thóang mở trong trò chuyện. Ta có thể tìm một cái cớ nào đó để gợi ý đưa vào cụôc trò chuyện: một cô hàng xóm có bầu, một người bà con vừa sanh em bé, hai anh chị vừa kết hôn…Đó là cơ hội để ta đề cập dễ dàng nhất. Chuyện cha mẹ thấy khó nói không có gì lạ. Không phải lỗi của cha mẹ! Ngày xưa có ai dạy họ đâu, ông bà cũng đâu có đề cập bao giờ. Nhưng như đã nói, xưa khác nay khác! Xưa chưa có AIDS, chưa có phim sex, chưa có internet…. Có thể bắt đầu buổi trò chuyện bằng cách thú thiệt với con là chuyện này khó nói quá! Hồi xưa bà cũng chẳng nói gì với mẹ… Nhưng bây giờ thời kỳ mới, mẹ múôn trao đổi với con, con có muốn hỏi gì mẹ không? Điều gì mẹ không rành, mẹ sẽ hỏi bác sĩ tiện hơn… Như vậy cuộc trao đổi có thể bắt đầu!
Nguyên tắc là dạy càng sớm càng tốt. Mỗi tuổi sẽ có cách tiếp cận riêng nhưng càng sớm càng tốt để tránh cho trẻ khỏi bất ngờ, ngỡ ngàng khi đối diện “sự thật” ngay trong bản thân mình và người bạn khác giới. Cậu con trai sẽ đựơc hiểu biết về kinh nguyệt, cô con gái sẽ hiểu biết về xuất tinh, thủ dâm… Mọi sự đựơc “bình thường hóa”, không còn có chỗ cho thành kiến, hù dọa, sợ hãi, lo lắng! Vấn đề sẽ phải được đề cập một cách dịu dàng, cởi mở nhưng nghiêm túc,mang tính khoa học, chớ không thô lỗ, sổ sàng, và những thông tin phải tuần tự nhi tiến, ngày này qua ngày khác, chứ không phải một ngày một buổi là xong! Những sự thô lỗ, cục cằn chỉ làm thui chột cảm xúc. Đây chính là dạy quan niệm sống, các giá trị của gia đình, văn hóa của dân tộc và hạnh phúc cá nhân. Khi dạy cho đứa bé đây là cái mũi của con, đây là cái tai của con, thì đây là con “cu” của con, đây là con “chim” của con v.v.. để trẻ thấy các cơ quan đó đều “bình đẵng” với nhau, không phân biệt đối xử! Khi trẻ lớn dần lên, các thông tin sẽ càng chi tiết hơn. Ở phương Tây thậm chí cha mẹ thay quần áo trứơc mặt con cái lúc nó còn bé tí để nó học sự khác biệt của người lớn và trẻ con.
Tìm một cơ hội: Con thấy dì Ba có cái bụng bự không? Có một em bé ở trong đó. Con có biết tại sao có em bé trong đó không?… Tùy tuổi, nhiều khi cách trả lời còn quan trọng hơn nội dung. Em bé chui ra cách nào? Lúc em bé đủ lớn, mẹ nó sẽ mở một cái cửa cho nó chui ra. Vậy là đủ. Đó cũng là lúc cho trẻ thấy sự quan tâm chăm sóc của cả gia đình dành cho dì Ba, nhất là của dượng Ba là cha của đứa bé. Dạy trẻ thấy trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình. Sự chăm sóc từ thai nhi đến dạy dỗ. nuôi nấng con đến ngày khôn lớn, rằng công cha như núi thái sơn nghĩa mẹ như nứơc trong nguồn chảy ra…. Nhờ đựơc nghe nói về lối sống, quan niệm sống như vậy của gia đình, của ông bà cha mẹ, dù trẻ không quan tâm nhưng cũng đã gieo vào tâm hồn trẻ một “hạt giống” lành. Khi đối phó với một tình huống nào đó, những lời cha mẹ dặn sẽ tái hiện trong trí nhớ và giúp trẻ ứng xứ.
Một số bậc cha mẹ và ngừơi chăm sóc trẻ thấy dễ dàng trong chuyện trao đổi với trẻ về giới tính, nhưng cũng có một số khác thấy khó, ngại ngùng, nhất là không biết trả lời những câu hỏi “khó” của trẻ. Thẳng thắn, chân tính, cởi mở trong trao đổi là cách tốt nhất để truyền thông giữa cha mẹ và con cái súôt giai đoạn tuổi thơ cũng như ở tuổi tiền dậy thì, dậy thì và thanh niên, nhờ đó tạo nên một phương hướng xứ thế khi trẻ trưởng thành cho vấn đề sức khỏe tình dục.
Cho nên khi nói về giới tính, là nói đến mối quan hệ xã hội giữa các cá nhân với nhau, giữa cá nhân với cộng đồng, giữa nam và nữ, sự tôn trọng, chăm sóc, thương yêu, công bằng, trách nhệim… bên cạnh những vấn đề sinh lý, sức khỏe. Những điều học hỏi này ngay từ tấm bé giúp trẻ có khả năng quyết định, đề kháng, kiểm sóat cảm xúc tốt hơn khi lớn lên, trưởng thành. Khi trẻ lên 10, 11 tuổi, đã có thể nói đến hiện tượng xuất tinh, kinh nguyệt, kèm với chuyện tránh thai, có thai ngoài ý múôn, về hậu quả của chuyện quan hệ tình dục không an tòan, về các thứ bệnh lây truyền qua tình dục v.v… Điều này cũng giúp trẻ biết sợ khi có những quyết định không đứng đắn, giúp trẻ biết tự bảo vệ khi cần. Hiện nay,nguồn phim ảnh, internet có những thông tin không thể kiểm soát đựơc làm cho trẻ dễ hiểu lầm. Xem phim thấy hai người vừa gặp nhau, nói vài câu đã lên giường làm tình. Điều này ngay cả ở các xã hội “thoáng” nhất cũng không hề có hoặc chỉ là những tình huống đặc biệt đựơc thổi phồng. Các phim gọi là “giáo dục giới tính” nhiều khi chỉ bày cách làm tình một cách thô tục, đa số chỉ là cảnh giả, hình giả do kỹ thuật hình ảnh tạo ra. Xem phim cũng là lúc nói với trẻ về tình yêu lửa rơm và tình yêu chân chính, tình yêu chiếm đoạt và tình yêu trách nhiệm. Dù trẻ thấy không giống quan điểm của mình và bạn bè, trẻ cũng sẽ ghi nhận quan điểm của ngừơi lớn để có sự chọn lực, tham khảo, quyết định chín chắn hơn về sau. Do vậy cha mẹ đừng thấy trẻ phản đối quan điểm mình mà ngao ngán, lắc đầu, than thở, buông xuôi, mặc kệ. Thông tin phải chính xác và phù hợp lứa tuổi. Cách nói mơ hồ, lấp lững không hiệu quả mà còn gợi ra những tưởng tựơng không cần thiết.
Trứơc đây, dưới tám tuổi, trẻ trai và gái còn có thể tắm chung trần trùông với nhau cũng không mắc cỡ vì các kích thích tố sinh dục chưa họat hóa, nay thì nhiều trẻ dậy thì sớm, 8 tuổi đã có kinh nguyệt, nhất là ở các đô thị lớn, luôn tiếp xúc với những thông tin kích thích. Do vậy, cách nói, giọng điệu khi trao đổi với các em phải rõ ràng, chính xác, khoa học: trong cơ thể chúng ta có những hormone, là chất hoá học làm cho con trai thì bể tiếng, giọng ồ ề, dương vật to ra, hai tinh hòan lớn nằm trong hai bìu dái thòng, để giữ được nhiệt độ mát mẻ cho việc sinh tinh…: con gái thì ngực lớn dần, sau này sinh sứa cho con bú, với những thay đổi ở âm hộ, âm đạo, chuẩn bị thời kỳ khởi sự có kinh nguyệt. Khi nói về những vấn đề này nên có sách, có hình vẽ mang tính khoa học, hoàn tòan không hề là chuỵên tục tĩu, không hề có một chút gợi dục. Dĩ nhiên luôn luôn kèm theo đó là hướng dẫn cách gìn giữ vệ sinh, phòng tránh bệnh tật, và đả phá những thành kiến sai lầm nếu có.
Tuổi dậy thì là tuổi có nhiều thay đổi đột ngột nhất về thể chất và tâm sinh lý. Do vậy, cần “đón đầu” trước cho trẻ, nghĩa là chuẩn bị tinh thần để trẻ sẵn sàng chấp nhận mình là mình, một cá thể độc lập, riêng biệt, không cần phải giống bất cứ ai, không cần phải chạy theo thần tượng này hay thần tượng khác. Phải chuẩn bị trước cho trẻ 11-12 tuổi, đừng để muộn, những biến đổi “lạ lùng” của tuổi này, có thể gây sốc, từ chối bản thân hoặc say đắm bản thân! Khi đã hiểu rõ thì trẻ sẽ chờ đợi, không hoang mang, không sợ hãi nữa, không thấy kỳ cục nữa! Kể cả những chuyện mụn, mập ốm, cao lùn, râu tóc, ngực bên to bên nhỏ, bìu dái bên cao bên thấp…. đều là những chuyện bình thường! Nhờ vậy mà trẻ sẽ không mất nhiều thì giờ và năng lượng cho sự lo lắng, sợ hãi, tò mò, nghe lóm bạn bè…. mà sẽ dành hết thời gian và năng lựơng cho việc học hành. Ta thường thấy trẻ gái học rất giỏi ở các lớp dưới nhưng đến tuổi dậy thì ( cấp 2) lại học kém đi vì phải lo bao nhiêu thứ lỉnh kỉnh như… đau bụng kinh, cùng với những thay đổi lạ lùng, kỳ cục nữa trong cơ thể mình, tóc tai, mặt mũi, quần áo. Con trai cũng có những vấn đề riêng của con trai, nào bể tiếng, nào cao lùn, mập ốm, mụn bọc, mụn trứng cá…. Một phòng y tế học đừơng nếu chỉ mở ra để bác sĩ ngối đó đợi trẻ chảy máu cam, gãy tay gãy chân, cảm cúm, ngất xỉu mới sơ cứu thì thật…uổng quá! Bác sĩ y tế học đừơng phaỉ là bác sĩ giỏi về tâm sinh lý lứa tuổi, phải là một tham vấn viên đáng tin cậy cho trẻ và cả cho phụ huynh, thầy cô giáo, và sẵn sàng tham gia vào việc gíao dục giơi tính cho học sinh. Giáo dục giới tính trong nhà trừơng rất quan trọng, trẻ có cơ hội “thực tập” về mối quan hệ bạn bè khác giới, học về tình bạn, tình yêu, lối sống.
Thầy cô giáo dạy về giáo dục giới tính phải đựơc chọn lọc, được tập huấn, có thể kết hợp với các bác sĩ để cùng giảng dạy, mang tính khoa học, tâm lý xã hội đứng đắn. Và quan trọng là không mâu thuẩn với những điều cha mẹ dạy tại gia đình. Nhiều gia đình bây giờ chỉ có một người cha hoặc mẹ. Mẹ sẽ khó nói với con trai cũng như cha khó nói với con gái. Khó, nhưng không vì thế mà không thực hiện. Có thể nhờ thầy thúôc, thầy cô giáo hoặc bạn bè, bà con tin cậy cùng giới mà trẻ quý mến để có thể thay cha hoặc mẹ trao đổi với trẻ.
Đừng qúa lo lắng về những câu hỏi “khó trả lời” của trẻ. Đâu có ai biết hết mọi thứ chuyện trên đời, nên cách trả lời còn quan trọng hơn nội dung. Không biết thì cứ nói không biết và sẽ tìm hiểu trả lời sau thì trẻ sẽ yên tâm. Phải tự tin, thoải mái, cởi mở thì trẻ sẽ tin cậy./.
26.7.2009
(Email: bacsi@dohongngoc.com)
Để lại một bình luận