BS Dương Quang Trung
với Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng Cán bộ y tế Thành phố HCM
(nay là Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch)
BS Đỗ Hồng Ngọc
Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng Cán bộ y tế Thành phố ngay từ đầu đã xác định mục tiêu đào tạo Bác sĩ tổng quát hướng về cộng đồng, phải vừa giỏi lâm sàng vừa giỏi cộng đồng, nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân thành phố, gắn liền với sự phát triển của một thành phố, trung tâm kinh tế văn hóa xã hội lớn bậc nhất của cả nước, đầu mối giao lưu quốc tế và khu vực, có những vấn đề sức khỏe phức tạp và riêng biệt.
Lớp đầu tiên khai giảng năm 1989, chỉ với 45 SV. Lúc khó khăn ban đầu phải nói BS Dương Quang Trung đã rất khéo léo, kết hợp được các nguồn nhân lực cả hai miền Nam Bắc như GS Đặng Văn Chung, GS Nguyễn Tấn Gi Trọng, GS Ngô Gia Hy… và sự hỗ trợ của Đại học y dược, của các giảng viên từ các bệnh viện lớn của Thành phố – vốn xưa là nơi thực tập lâm sàng của Y khoa Đại học đường Saigon – cùng với nhóm chuyên viên đã có kinh nghiệm thực tiễn về Sức khỏe cộng đồng.
Anh Tư Trung thường “tâm sự”: “Nếu chỉ cần tăng cường nhân lực y tế cho thành phố, tôi có thể gởi một trăm sinh viên nhờ Đại học Y dược đào tạo không khó, nhưng chúng ta cần là cần cách đào tạo mới, người thầy thuốc vừa giỏi lâm sàng vừa giỏi cộng đồng”. Và Trung tâm đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ y tế Thành phố ra đời, bao gồm cả hệ thống Đại học và Trung học y tế. Một quyết định táo bạo, mang tính đột phá vào thời điểm chưa được phép lập đại học Y riêng cho thành phố lúc này.
Tôi còn nhớ để chuẩn bị cho khung chương trình đào tạo mới này, nhóm phụ trách nội dung Khối “Sức khỏe cộng đồng” (bên cạnh Khối y học cơ sở và Khối y học lâm sàng) – do Bác sĩ Dương Quang Trung, Giám đốc Sở Y tế kiêm Giám đốc Trung tâm lãnh đạo – đã cùng các Bác sĩ Nguyễn Văn Truyền, Đỗ Hồng Ngọc, Lê Trường Giang, Nguyễn Thanh Nguyên, Dương Đình Công… liên tục có những buổi họp hằng tuần tại nhà BS Nguyễn Văn Truyền ở Đakao để thiết kế chương trình trong đó có 3 tuần lễ gọi là “Nhập môn Sức khỏe cộng đồng” cả lý thuyết lẫn thực tập. Các sinh viên ngay từ bước đầu vào trường đã đựơc giới thiệu hệ thống y tế, đựơc tiếp cận cộng đồng, được đi tham quan các cơ sở phòng bệnh, chữa bệnh của Thành phố… và những bài học lý thuyết dựa trên phương pháp giáo dục chủ động. Cở sở thực tập cộng đồng chính là Chương trình Hiệp Phước với những thành quả rất đáng khích lệ, nhất là phương pháp tiếp cận dựa vào cộng đồng (community-based appraoch) đã được khẳng định.
Hai mươi mốt năm sau, sau khi đã có 15 “lứa” bác sĩ theo hướng đào tạo mới này ra trường, ngày 17.12.2010, một Hội thảo Đào tạo Y khoa định hướng Công đồng do Liên bộ môn Y học cộng đồng tổ chức tại Bình Quới nhằm xác định và làm rõ thêm nội dung “Mục tiêu đào tạo y khoa định hướng cộng đồng” (Community Oriented Medical Education) là cần thiết, cũng như nhằm đạt được sự đồng thuận về quan điểm trong Ban lãnh đạo và cán bộ giảng của trường Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch ngày nay.
Trong Hội thảo này có các báo cáo chủ lực của BS Dương Quang Trung: “Vì sao cần phải cải cách đào tạo y khoa và nên cải cách như thế nào?” và “Cải cách Giáo dục y khoa trong những năm gần đây”; BS Đỗ Hồng Ngọc với đề tài “Đào tạo Y khoa hướng về cộng đồng: Một nhu cầu thời đại”; TSBS Dương Đình Công: “Đạo tạo Y khoa định hướng cộng đồng” ; TSBS Nguyễn Thanh Nguyên: “Hướng về cộng đồng là gì, tại sao?” cùng các tham luận của Trương Trọng Hoàng, Kiều Minh Chữ, Nhữ Thị Hoa, Đào Thị Yến Phi, Trương Thìn…
“Vấn đề đặt ra là nếu đào tạo y khoa theo đường lối cổ điển, thì thông thường người thầy thuốc vốn chỉ quen làm việc và học tập trong bốn bức tường bệnh viện hoặc những cơ sở điều trị có khuynh hướng chữa trị bệnh nhân, ít chú trọng đến môi trường cộng đồng mà họ sinh sống…Điều này không có nghĩa là Đào tạo kinh điển không có giá trị nhưng nó không đáp ứng được một cách hợp lý và đầy đủ nhu cầu thật sự về chăm sóc sức khỏe của quần chúng một cách toàn diện trong tình hình hiện nay. Ngày nay người ta thường nói về sức khỏe chứ không chỉ chú trọng bệnh tật…” (Dương Quang Trung, Hội thảo Bình Quới 2010).
Dịp này, BS Dương Quang Trung đề ra mô hình Trường- Viện- Cộng đồng : “sự kết hợp giữa giảng dạy, hệ thống tổ chức y tế và cộng đồng là hết sức cần thiết để tăng cường chất lượng chăm sóc sức khỏe. Chúng ta rất cần những người thầy sức khỏe trên cơ sở đào tạo tốt những người thầy thuốc chuyên lo điều trị bệnh tật cho người dân.”.
Hội nghị “Chuẩn đầu ra và Chương trình đào tạo bác sĩ đa khoa hệ chính quy” của Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch tổ chức ngày 27-28/11/2010 tại Long Hải đã giới thiệu mô hình “Chuẩn đầu ra” theo CANMEDS 2005 (Canada), theo đó, người bác sĩ hôm nay cần đạt những tiêu chí như là một:
- Chuyên gia y khoa (Medical expert)
- Nhà truyền thông (Communicator)
- Người phối hợp (Collaborator)
- Nhà quản lý (Manager)
- Người vận động chính sách y tế (Health Advocate)
- Một học giả (Scholar)
- Một nhà chuyên nghiệp (Professional).
(Ottawa: The Royal College of Physicians and Surgeons of Canada. March, 2005,
Theo Phạm Đăng Diệu)
Nhìn lại Mục tiêu đào tạo của TTĐT và BDCBYT TP từ ngày mới thành lập (1989) nay là ĐHYK Phạm Ngọc Thạch là: “… nhằm đào tạo các “Bác sĩ tổng quát hướng về cộng đồng”, phục vụ cho sức khỏe và phát triển.
Sau tối thiểu 6 năm đào tạo, người bác sĩ tổng quát có khả năng:
1. Phát hiện, phân tích, phòng ngừa, điều trị, phục hồi những vấn đề sức khỏe của cá nhân, gia đình và cộng đồng.
2. Nâng cao sức khỏe cá nhân, gia đình và cộng đồng.
3. Quản lý các cơ sở y tế, các chương trình sức khỏe và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên.
4. Có kỹ năng đào tạo, tự đào tạo và nghiên cứu khoa học.
5. Sử dụng được phương pháp cộng đồng và làm việc theo nhóm.
6. Góp phần nâng cao dân trí về phương diện sức khỏe.
7. Lượng giá một cách có hệ thống và thường xuyên.
Với mục tiêu này thì rất phù hợp với “Chuẩn đầu ra” của CANMEDS 2005. Thật đáng tiếc nếu người thầy thuốc tương lai được đào tạo chỉ biết khu trú trong bốn bức tường bệnh viện, chữa bệnh với những kỹ thuật cầu kỳ, tốn kém mà không biết coi trọng Phòng bệnh, Nâng cao sức khỏe cho cộng đồng, gắn Sức khỏe với Phát triển.
Nhớ năm 1988, tôi được BS Dương Quang Trung cử đi dự Hội nghị Đào tạo “Chuyên viên phát triển sức khỏe” tại Cairo, Ai Cập do Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO) tổ chức. Khi về trình bày lại kết quả tại Sở Y tế thì BS Dương Quang Trung cho biết anh đã chuẩn bị xong việc thành lập trường Y của thành phố HCM, với mục tiêu đào tạo mới, phù hợp với định hướng này của WHO.
Tại Hội nghị quốc tế Cairo, 1988, WHO đã đề ra một chương trình đào tạo người thầy thuốc mới, gọi là “Chuyên viên phát triển sức khỏe” (Health Development Specialist), một loại “thầy thuốc tổng quát” có khả năng thực hiện “phát triển sức khỏe” cho cộng đồng chớ không chỉ chữa bệnh tật.
“Phát triển sức khỏe” được định nghĩa:
“… là một tiến trình làm thay đổi thái độ và một loạt các hành động, thực hiện trong một cố gắng có tổ chức nhằm tạo ra một tình trạng cân bằng và sảng khoái về thể chất, tâm thần và xã hội cho tất cả mọi người, mọi cộng đồng trong xã hội, trên các đặc trưng về chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội hiện có”.(T. Fulop).
“Chuyên viên phát triển sức khỏe” là người có khả năng lập kế hoạch phát triển sức khỏe, đề ra các chương trình, xây dựng kinh phí, tổ chức thực hiện, giám sát và lượng giá; phối hợp được các chuyên khoa khác nhau, lồng ghép với các chương trình phát triển; có kiến thức về Y tế công cộng, có khả năng và nghệ thuật lãnh đạo; nhạy cảm với các vấn đề chính trị, văn hóa, xã hội…; biết làm việc theo ê kíp và không chỉ là người thực hiện mà còn có khả năng tham mưu chiến lược.
Nhìn lại đính hướng này với mục tiêu đào tạo của TTĐT và BDCBYT Tp HCM (nay là trường Đai học y khoa Phạm Ngọc Thạch) thì hoàn toàn phù hợp và có tính sáng tạo, đột phá vậy.
(Saigon 2.2014)
Dùng Google với cụm từ “Chuyên viên phát triển sức khỏe” chỉ có 3 kết quả ( xem hình http://i.imgur.com/7ZuusVF.png ) cho thấy nước ta chưa chú trọng đến hướng phòng bệnh, phát triển sức khỏe và đào tạo Chuyên viên phát triển sức khỏe. Thật đáng buồn, chúng ta tập trung quá nhiều nguồn lực cho công tác khám và chữa bệnh, kết quả là bệnh viện quá tải (dù được đầu tư nâng cấp, xây mới liên tục), cá nhân , gia đình & xã hội tốn kém quá nhiều tiền & thời gian, chất lượng cuộc sống của mọi người giảm sút. Ai trong chúng ta đều biết phương châm: “phòng bệnh hơn chữa bệnh, phòng cháy hơn chữa cháy” nhưng thực tế cuộc sống thì ngược lại.
Xin Bs Đỗ Hồng Ngọc cho biết ở đâu tại TpHCM có đào tạo “Chuyên viên phát triển sức khỏe” , điều kiện học là gì ? Người học “Chuyên viên phát triển sức khỏe” có thể xem nó như là một nghề (có thu nhập) và sống với nó không?
Cảm ơn chú.
Hiện chưa có nơi nào thực hiện chương trình đào tạo như thế này ở VN. Các trường Y tế Công cộng có dạy một phần nào, nhưng khái niệm “Chuyên viên phát triển Sức khỏe” chưa được làm rõ.
BS ơi, cháu xin lỗi vì nội dung của cháu nói dưới đây ko ăn nhập với trên ạ.
Cháu đã tìm số liên lạc với BS or người trợ giúp cho BS mà ko đc. Cháu làm ở Việt sô _VŨng Tàu đã từng đc nghe BS nói chuyện. Cháu rất là tâm đắc những gì BS nói.
Cháu đang có một chương trình nói chuyện chuyên đề về gia đình, xin phép BS cháu có thể trao đổi thông tin để mời BS về Vũng Tàu một lần nữa nói chuyện đc ko ạ. Nếu đc cháu liên lạc như nào ạ.
Email: dohongngocbs@gmail.com
Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, cháu chúc bác luôn mạnh khỏe, thân tâm thường an lạc.
Bài thơ “Thư cho bé sơ sinh” hay quá! Cháu đang phổ biến rộng ra cho mọi người cùng đọc. Cảm ơn Bác.
Cảm ơn QUOCVI.