Đôi dòng về :
Giấc mơ, Cảnh tượng và Cái nhìn,
của Huỳnh Như Phương
NXB Hội Nhà Văn, phối hợp IRED ấn hành (4.2019)
Mai Sơn, trong Thay lời tựa với bài “Sự điềm tĩnh của lý trí” đã nêu lên một vài nhận xét thú vị khi viết về Huỳnh Như Phương:
“Sự phóng đãng của lý trí có thể đem đến nhiều phát kiến, nhiều giá trị, thậm chí là chân lý, nhưng sự điềm tĩnh của lý trí cũng làm được việc đó không kém…”
Thì ra Mai Sơn nhận biết HNP không chỉ là một người “điềm tĩnh của lý trí” (nhà phê bình?) mà còn là một người “phóng đãng của lý trí” (nhà văn?), vì HNP theo Mai Sơn, không chỉ là một nhà nghiên cứu văn học, “một nhà phê bình văn học đáng tin cậy” mà còn là một nhà văn, một nhà báo…
Cho nên Mai Sơn viết “ Thỉnh thoảng (HNP) lại cất lên một mẻ lưới. Để chia sẻ với mọi người. Như món quà của người bạn đường văn chương lịch duyệt”.
Cuốn sách gồm 3 phần, cũng theo Mai Sơn:
Phần 1 về thơ Gọi tên những giấc mơ: HNP tỏ ra say đắm trong tư cách người thưởng ngoạn, tiếp nhận, cảm tính và lý tính đan xen…
Phần hai về văn xuôi Những cảnh tượng trần gian bớt tâm lý thưởng thức để đối thoại, phân tích, khai mở những văn bản phức tap…
Phần 3 Khoảng cách và cái nhìn gồm những tiểu luận dài hơi, công phu về những hiện tượng văn hóa, văn học trước 1975 ở miền Nam, phát huy bề dày kiến thức và thái độ điềm tĩnh cũa mình…
Và Mai Sơn kết luận: đó là “những giấc mơ văn học của HNP… Cho phép ông giữa ban ngày vẫn dám mơ một giấc mơ đẹp về tương lai của văn học Việt Nam”.
HNP thì nói rõ hơn: “nhà nghiên cứu cũng như người sáng tác là những người góp phần bảo toàn khuôn mặt tinh thần của giới trí thức môt dân tộc. Qua những gì họ viết ra cũng như cách mà họ hành xử các mối quan hệ, có thể nhìn thấy phẩm chất và lương tri của tầng lớp trí thức, nội lực và tầm văn hóa của một dân tộc”.
Tôi nghĩ, với Giấc mơ, Cảnh tượng và Cái nhìn, trong thẩm sâu HNP chỉ muốn chia sẻ đôi điều cốt lõi: Phải đổi mới tư duy để “hòa đồng cùng nhân loai”(tr 225), để “đối mặt với toàn cầu hóa” (tr 241) bởi vì theo ông, văn học có cơ sở để “hướng tới sự hòa giải, hòa hợp” ( tr 255).
Một cuốn sách để đọc và suy gẫm.
Đỗ Hồng Ngọc
(15.6.2019)
Trả lời