ĐỖ NGHÊ, ĐỖ HỒNG NGỌC – BẰNG HỮU & VĂN CHƯƠNG
Phạm Hiền Mây
I/
MỐI DUYÊN VĂN NGHỆ
1.
Đầu tháng ba, nhà thơ Luân Hoán nhắn tin cho tôi: Mây có thể viết về bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc một bài được không, tạp chí Ngôn Ngữ dự định tháng Năm này, sẽ thực hiện một chuyên đề về ông ấy.
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc ư. Chèn ơi, tôi nói thầm trong bụng, tôi còn lạ gì ông ấy nữa. Ổng là thần tượng của các bà mẹ trẻ chúng tôi thời ấy, với cuốn sách Viết Cho Các Bà Mẹ Sinh Con Đầu Lòng.
Cuốn sách ấy không chỉ là cẩm nang, mà nó còn như tấm lòng của một người mẹ hiền, hướng dẫn một cách tận tình và chu đáo từ lúc mang thai cho đến lúc đủ chín tháng mười ngày, sinh nở, ẵm bồng, bú mớm, nuôi nấng cho đến khi con nhỉnh nhao ba tuổi.
Tôi trả lời anh Luân Hoán, cuối tháng, em gởi bài, anh nha.
Qua hôm sau, anh Luân Hoán nhắn, à, không phải là tháng Năm, mà tháng Ba này, làm số Đỗ Hồng Ngọc luôn. Thế là, tôi vắt giò lên cổ, ngay đêm ấy, bài viết hoàn tất, và tôi chuyển email liền cho anh Luân Hoán.
Chiếc cầu nối thứ nhứt giữa tôi và bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã hình thành!
******
2.
Đêm qua, tôi nhận email của nhà thơ Trần Vấn Lệ. Ảnh chuyển toàn bộ thư của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc viết, qua cho tôi: Trần Vấn Lệ ui, ông cho tui số điện thoại của Phạm Hiền Mây nhé. Phạm Hiền Mây viết nhận định rất xuất sắc, nhất là về thơ. Mình không có facebook. Bạn cho mình email nữa nhé.
Đây là chiếc cầu nối thứ hai, nối liền mối duyên văn nghệ giữa tôi và bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc.
******
3.
Sáng nay, tôi nhận được tin nhắn trên điện thoại: Gởi Tác Giả Phạm Hiền Mây. Tôi là Đỗ Hồng Ngọc. Tìm mãi mới được số phone này. Tôi không có facebook. Nhờ hai ông bạn là Trần Vấn Lệ và Luân Hoán mới biết Phạm Hiền Mây đó. Làm ơn cho địa chỉ để Grab mang sách Ngôn Ngữ – Đỗ Nghê đến Phạm Hiền Mây nhé. Bài viết tuyệt vời. Chỉ với ba bài thơ Đỗ Nghê mà vẽ nên cả một chân dung. Đa tạ!
Mối giao tình giữa tôi và bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc – một người mà ba mươi năm về trước, tôi thầm biết ơn, nhờ cuốn sách của ông, mà tôi biết cách nuôi trẻ sơ sinh – được bắt đầu từ đây.
Thấy vui vui, thấy cả buồn cười nữa, vì tôi và bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đều ở Việt Nam, vậy mà, biết nhau, phải đi một vòng qua Canada và Hoa Kỳ.
******
II/ ĐỖ NGHÊ, ĐỖ HỒNG NGỌC – BẰNG HỮU VÀ VĂN CHƯƠNG
Cuốn Ngôn Ngữ – Số Đặc Biệt, nặng và dày tới bảy trăm mười bốn trang, được chia làm bốn phần. Gồm:
Phần I: Tác Giả
Phần II: Thơ Đỗ Nghê – Đỗ Hồng Ngọc
Phần III: Văn Đỗ Nghê – Đỗ Hồng Ngọc
Phần IV: Bằng Hữu Viết Về Đỗ Hồng Ngọc
Thư Đầu Sách do nhà thơ Luân Hoán phụ trách. Luân Hoán phụ trách phần này thì khỏi chê rồi. Vì sao tôi nói vậy. Ấy là vì, ngoài việc Luân Hoán là một nhà thơ, một người làm văn nghệ kỳ cựu, kiến thức cũng như kiến văn rộng, thì anh ấy còn là một người làm sách, giới thiệu tác giả, giới thiệu tác phẩm rất chuyên nghiệp, uy tín, được bạn văn và bạn đọc kính trọng, cảm mến, vốn đã từ xưa đến nay.
Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ xin điểm qua phần thơ của tác giả mà thôi.
******
1. TÁC GIẢ
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc là một trí thức đúng nghĩa của cả trước và sau năm 1975. Thuở nhỏ thì đỗ đạt, khoa bảng. Vào đời thì nổi danh. Danh gì ư? Ông là bác sĩ Nhi số một của Sài Gòn trong nhiều thập niên. Bằng cấp và các chức danh của ông, nếu viết ra cho bằng hết, chắc hai trang A4 cũng không đủ.
Y khoa là một môn khoa học. Thế mà ông lại giỏi chữ, mới là lạ lùng, mới là khó tin. Từ những năm 1960, ông đã cộng tác với các báo và tạp chí uy tín, lừng lẫy thời bấy giờ, tại miền Nam. Những nhật báo và tạp chí, mà nhiều người viết mong tên mình được một lần, ghi lên trang bìa.
Tôi đếm không hết được những sách đã xuất bản của ông, về thơ, về văn, tùy bút, tạp bút và các sách y học phổ cập cũng như các sách về Phật học. Tôi đồ chừng, số sách ấy, nếu để lên bàn cân, chắc là sẽ ngang với trọng lượng nửa tạ của tôi.
******
Trong cuộc trò chuyện giữa ông với Ngô Nguyên Nghiễm, tôi thích câu này của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc: Thơ, bản chất đã là nhân bản, dù được thể hiện dưới hình thức này hay hình thức khác, ở thời đại này hay thời đại khác.
Người ta đẻ ra mà tĩnh, ấy là tính Giời cho nguyên như thế, cảm ở vật ngoài mà động, thời ấy mới là sự muốn của tính. Đã có muốn, thời phải có nghĩ. Đã có nghĩ, thời phải có nói. Đã có nói, thời những cái ý nhị không thể nói hết ra được mà hình hiện ở trong lúc ngậm ngùi, ngợi than, tự nhiên tất phải có những giọng điệu, cung bậc, như không thôi đi được. Ấy tại thế mà sinh ra có thơ.
Chu Hy đã viết như vậy, gần ngàn năm trước, trong Bài tựa tập truyện Kinh Thi, khi có người hỏi ông: Thơ tại sao mà làm ra? (Tản Đà dịch).
Như Không Thôi Đi Được, bạn thấy không? Những người làm thơ trên cõi nhân gian đều vậy đó – Như Không Thôi Đi Được!
******
Trong trò chuyện giữa ông với Trần Thị Nguyệt Mai, tôi lưu ý một đoạn, kể rằng, đã mười hai tuổi, mà ông vẫn chưa được đến trường, thì thời ấy chiến tranh mà, cứ chạy tới chạy lui, tránh đạn tránh bom, cũng nuốt hết thời gian sống. Cậu ông là nhà thơ Nguyễn Ngu Í (nhà thơ này, tôi đã muốn viết giới thiệu từ rất lâu, nhưng không đủ tư liệu), bèn dắt ông đến trường tiểu học của một người bạn thân, gởi học miễn phí. Họ xếp ông vào học lớp Ba; vài tháng sau, cho lên lớp Nhì; vài tháng nữa, cho lên lớp Nhứt luôn. Cuối năm, ông chở phần thưởng dzìa nhà bằng xe xích lô, bị nhiều quá mà. Nghĩ đến hình ảnh đó, thấy dzui thiệt chớ.
Mới nói, những người đặc biệt, kiệt xuất, họ luôn xuất hiện những dị thường, từ lúc tuổi còn thơ.
Vào Đệ Thất, lại tản cư, bỏ học. Tình cờ, ông đọc được cuốn Kim Chỉ Nam Của Học Sinh do học giả Nguyễn Hiến Lê viết, ổng bèn tỉnh bơ, viết thư cho học giả, hỏi ngon lành, chớ con như này, học nhảy nữa, có nên không? Nguyễn Hiến Lê hồi đáp, được, được, đọc thư thôi, tôi cũng đã nhận thấy cháu ngang trình độ với các trò lớp Đệ Tứ rồi.
******
2. THƠ ĐỖ NGHÊ – ĐỖ HỒNG NGỌC
Cuộc đời ông, dành cho Y khoa, nhiều nhứt. Thì chắc chắn rồi, nghề của ông là bác sĩ mà. Lại cộng thêm những công việc liên đới tới bác sĩ như, giảng dạy, nói chuyện, nghiên cứu, viết sách.
Dành thời gian thứ nhì, hẳn là cho việc viết văn xuôi, bao gồm: sách y học phổ cập, tùy bút, tản mạn, tạp văn, thiền, Phật học.
Và cuối cùng, mới là thơ.
Ông làm thơ, tính ra, không nhiều, khi mà số lượng thơ của người ta được tính bằng đơn vị ngàn. Thế mà, dường như, nghiệp thơ lại dành cho ông rất nhiều ưu ái.
Thơ ông thường là những bài thơ ngắn. Không chỉ ngắn về số câu, mà số chữ trong câu, mà số chữ thể hiện trên mỗi dòng cũng ngắn. Nhưng chắt lọc, nhưng không thừa, chữ nào cần có mặt mới được có mặt.
Ông viết đủ các thể thơ: bốn chữ, năm chữ, bảy chữ, tám chữ, lục bát, thơ xuôi.
******
Thơ ông phần lớn, đọc lên, nghe rất mênh mang: Nước vẫn muôn đời / Không đi chẳng đến / Ai người nỡ hỏi / Nước đến từ đâu? Ai người nỡ hỏi / Nước trôi về đâu? (Nước).
Đố bạn vậy chớ, tại sao ông lại dùng từ “nỡ” ở đây, ai người nỡ hỏi? Là vì, nếu hỏi, thì sợ nước buồn. Hỏi, sợ nước đau. Hỏi, sợ nước tủi thân.
Thơ ông đậm chất suy tư, thiền vị: Lắng nghe hơi thở của mình / Mới hay hơi thở đã nghìn năm xưa / Một hôm hơi thở tình cờ / Dính vào hạt bụi thành ra của mình / Của mình chẳng phải của mình / Thì ra hơi thở của nghìn năm sau (Thở).
Và những câu hỏi đặt ra, khiến người đọc cũng thú vị theo. Kiểu như, nhận ra, ừ nhỉ, để làm chi: Tham chẳng còn / Sân cũng hết / Si đã tuyệt / Niết Bàn / Tịch diệt / Để làm chi? (Ngộ)
Hoặc những bài thơ rất đời, rất đúng, nói rất trúng tim gan người ta, nói rất trúng tâm lý cuộc đời. Cái kết thơ, vì vậy, cũng rất đột ngột, và đặc biệt, làm ngẩn tò te: Đừng nói điều hạnh phúc / Chẳng ai tin đâu / Hãy nhắc điều bất hạnh / Ai nấy đều vui. (Niềm Tin)
Có bài, đọc lên nghe rất ngộ, rất thơ, và hay. Câu một, câu hai, câu bốn, sử dụng toàn vần bằng như thơ của Bích Khê: Mưa trên Đông Hồ mưa mênh mông / Tô Châu nghiêng mình nghe mưa giăng / Thuyền câu mấy lá chìm mưa rộng / Ai người xưa mưa trời một phương. (Hà Tiên Mưa)
Phải nói là ông làm thơ chắc tay. Bạn sẽ hỏi tôi, chắc tay là gì. Ờ, thì kiểu như, siêu, ngon lành, đâu ra đó, gọn bâng, tỉnh rụi, và, rất tới: Anh đọc bài thơ tình / Em ngồi nghe lặng thinh / Anh đọc thêm bài nữa / Em vẫn ngồi lặng thinh / Anh thôi không đọc nữa / Em chồm lên hôn anh / Như đổ dầu vào lửa. (Thơ Tình)
******
Hay nhứt vẫn là những bài thơ ông viết cho con gái ông, Đỗ Châu La Ngà. Nỗi đau, đau quá, nên như lận vào bên trong. Nỗi đau, đau quá, nên như bục ngực, vỡ toang ra ngoài. Nỗi đau âm ỉ, không vơi. Nỗi đau cứ thế theo ngày. Nỗi đau cứ thế theo tháng. Nỗi đau cứ thế theo năm.
Hay kế tiếp là những bài thơ ông viết tặng cho một người bạn thơ nào đó, như: Đinh Cường, Trịnh Công Sơn, Trần Hoài Thư, Trần Vấn Lệ.
Nhưng hay và gây một cảm xúc đặc biệt trong tôi là bài thơ, ông viết cho chính ông, thì phải. Ông viết cho chính ông, trong một cơn bạo bệnh, trong một lần đứng trước cửa tử, mà thần chết chê, nên ông được trở lại với gia đình, với người thân, với bạn hữu
XIN CÁM ƠN, CÁM ƠN
Xin cám ơn, cám ơn
Cơn bệnh ngặt nghèo quật ta gục ngã
Như cỏ cây trước cơn bão dữ
Như con thuyền tung hê lên vách núi cao
Cho ta trở về làm con thú hoang sơ
Trần truồng như nhộng
Kẻ cạo đầu người lột da
Kẻ đục sọ người giúp thở
Kẻ đặt ống sonde vào đường tiểu
Người bơm thuốc qua dịch truyền
Cho ta trở về làm con thú trinh nguyên
Cho ta trở về làm em bé sơ sinh
Không lý trí không nghĩ suy không toan tính
Xin cám ơn, cám ơn
Cơn bệnh ngặt nghèo như cơn bão dữ
Bản tin thời tiết chưa kịp loan truyền
Quất qua đời ta cây cỏ
Để khi tỉnh dậy ta nhìn ra em
Nhớ tiếng người này nhìn ra người nọ
Gọi tên người này nhớ mặt người kia
Như đã qua một kiếp khác
Bao năm xa vắng quê nhà!
Nhớ bước chân trâu nhớ giàn bông bí
Nhớ cây khế ngọt nhớ trái dừa xanh
Nhớ tiếng mẹ già nhớ đàn con trẻ
Nhớ người hàng xóm lâu nay còn lạ
Nhớ những người thương nhớ luôn người ghét
Thấy ai cũng tội nghiệp
Như ta
Đã bao lâu ta không sống với mình
Ta có ta mà quên ta phứt.
Xin cám ơn, cám ơn
Cơn bệnh ngặt nghèo quật ta kịp lúc
Cho ta trở lại với mình
Ta muốn ôm hôn tất cả mọi người
Và ôm hôn ta nữa
Cái đầu trọc lóc bình vôi
Hai lỗ thủng và mười tám vết khâu từ ái
Ta ngạc nhiên lắng nghe mình thở
Lắng nghe sự sống cục cựa trong mình.
Xin cám ơn, cám ơn
Những cơn đau vật vã toát mồ hôi
Những nhức buốt thiệt thà thú vật
Khi đứng được hai chân như con người
Thật vô cùng hạnh phúc
Khi bước đi những bước con người
Khi còn được nghe được nói
Được cầm cây viết vẽ bâng quơ
Được đọc vài trang báo
Ôi phép lạ nhiệm mầu!
Những hòn sỏi bỗng có linh hồn
Những lá cây đong đưa lạ lẫm
Tiếng chim và ánh nắng
Như đã lâu rồi ta mới gặp nhau
Như đã lâu rồi ta mới quen nhau
Xin cám ơn, cám ơn
Cơn bệnh ngặt nghèo quật ta gục ngã
Cho ta trở về làm con thú trinh nguyên
Cho ta trở về làm em bé sơ sinh
Tràn đầy hạnh phúc
Để ta biết chắc một điều có thực
Tình yêu
Đã giúp ta tìm lại chính mình
Đã giúp ta vượt thoát!
(Bệnh viện AB 12/97)
Ông phải trải qua một cơn bệnh ngặt nghèo, quật ông gục ngã, ông mới tìm lại được chính mình.
Ông phải trải qua một cơn bệnh ngặt nghèo, quật ông gục ngã, thì ông mới có thể vượt thoát, vượt được cửa tử, thoát được cái chết, chỉ tày gang.
Còn tôi, tôi đọc thơ ông xong thì thẫn thờ, ừ nhỉ, đã bao lâu ta không sống với mình, ừ nhỉ, ta có ta mà ta quên phứt.
Bài thơ Xin Cám Ơn, Cám Ơn, dùng chữ không cầu kỳ mà lại vô cùng thành ý; viết tự nhiên như đương nói chuyện mà lại rất đỗi nhạc, rất đỗi thơ. Mới thấy, cái gì xuất phát từ tim, thì sẽ một đường đến thẳng trái tim mà không cần phải dụng bất kỳ một phương thức phức tạp, một kỹ thuật cao siêu nào.
******
III/ KẾT
1.
Giọng thơ của Đỗ Hồng Ngọc chân tình mà ấm áp; thẳng thắn mà dỗ dành, vỗ về. Trải dài suốt bảy trăm trang là rất nhiều những tâm sự và bộc bạch của ông. Tâm sự nào, bộc bạch nào, cũng hay; cũng ngộ, là ngộ nghĩnh; cũng hết sức có lý có tình. Đến mức, đọc đi đọc lại hai, ba lần rồi, mà vẫn còn muốn đọc nữa, đọc nữa. Là vì, các ý ấy hay quá, đọc thích quá, thậm chí, với tôi, chúng mang ý nghĩa nhiều hơn cả những danh ngôn, những châm ngôn, lãng nhách, lãng xẹt, không hiện thực, mơ hồ, mà tôi hàng ngày thấy đầy rẫy trên trang mạng.
Tỉ dụ: Câu châm ngôn của ông Nguyễn Hiến Lê là “viết để học và học để viết”. Tôi chịu lắm. Chỉ có cách đó mình mới học được nhiều, học được sâu. Tôi bây giờ còn đi dạy và vẫn nghĩ “dạy để học và học để dạy”. Ấy là tôi bắt chước ông Nguyễn Hiến Lê đó.
Tạp Chí Ngôn Ngữ, số đặc biệt về bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, thật sự hay và phong phú. Tôi rất tiếc, vì đã không nói đủ được hết tất cả chuyện hay của sách, trong một bài viết buộc phải giới hạn về độ dài này. Các bạn nếu có thể, mua một cuốn, từ từ đọc. Sách không chỉ nói về một cuộc đời, mà trong đó, chúng ta có thể tìm được, rất nhiều, rất nhiều điều quý giá, tỉ như niềm vui, tỉ như sự san sẻ nỗi buồn, tỉ như giúp chúng ta mở mang hơn về mặt hiểu biết, kiến thức. Tôi tin lắm, như vậy!
******
2.
Dù là tiến sĩ, bác sĩ trưởng khoa hay là thầy dạy trường Y; dù là giám đốc hay từng tu nghiệp tại Harvard – Hoa Kỳ, thì nhà văn, nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc, vẫn là một người vô cùng khiêm cung và bác ái, vẫn là một người vô cùng hiền hòa với tấm lòng yêu thương bao la trước những các cảnh ngộ khổ đau và bất hạnh. Ông bình đẳng và chan hòa, ngay với cả một đứa trẻ sơ sinh vừa mới thoát thai:
Thôi trân trọng chào em
Mời em nhập cuộc
Chúng mình cùng chung
Số phận
Con người.
(Thư Cho Bé Sơ Sinh, 1965 – Đỗ Hồng Ngọc)
******
3.
Năm 1990, Sài Gòn lúc ấy không đông người như bây giờ, nhà nào, cũng thường mua báo xem, không thì ở cơ quan, cũng hay có báo. Tôi nhớ hoài, từng đọc một cái tin, làm rúng động, con gái đầu của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc là Đỗ Châu La Ngà, đột ngột qua đời vì tai nạn xe cộ, trong một chuyến công tác xã hội của trường Y.
Nỗi đau nào mới là nỗi đau lớn? Thiệt là khó để so sánh, bởi vì, nỗi đau nào cũng là những mất mát lớn lao và quá sức chịu đựng của ta.
Con gái mất, Đỗ Hồng Ngọc làm nhiều bài thơ khóc con. Trong đó có một bài, nhan đề là Tình Yêu:
Trước mộ con còn ướt
Ba nói với bạn bè ba rằng
Hãy yêu thương con mình cách khác
Đừng như ba
Giấu kín trong lòng
Bởi tình yêu
Có bao giờ cho đủ
Có đâu sợ dư thừa
Ba đã sai lầm bao nhiêu
Hãy tỏ bày đi
Vồ vập đi
Âu yếm ồn ào đi
Tình yêu
Có bao giờ cho đủ
Có đâu sợ dư thừa
Ba đã sai lầm bao nhiêu
Vì cứ chờ cứ đợi
Có biết đâu
Đời như mây nổi
Như gió thổi
Như chiêm bao
Ơi bài học tự thuở nào
Sao bây giờ mới hiểu
Muốn vồ vập con hôm nay
Muốn âu yếm con mãi mãi
Thì đã muộn rồi
Có bao giờ thừa thãi
Tình yêu?
(Đỗ Hồng Ngọc – 1990)
Đừng nén, đừng giấu sự thương yêu trong lòng. Vì chẳng có lý do nào hợp lý cho việc che đậy những tình yêu thiêng liêng ấy.
Tình yêu, có bao giờ cho đủ?
Tình yêu, có đâu sợ dư thừa?
Tình yêu, sao phải chờ, phải đợi?
Học theo ông, tôi sẽ luôn dặn mình, hãy nói lời yêu thương khi còn có thể.
Bài viết hôm nay, thay cho lòng yêu quý, gởi tặng đến một bậc tài hoa rất mực – bác sĩ, nhà nghiên cứu Đỗ Hồng Ngọc, đồng thời là nhà văn, nhà thơ Đỗ Nghê!
Sài Gòn 05.06.2024
Phạm Hiền Mây
Mừng cho Ngọc.
Mình đã thấy trên fb.
HM là 1 cây bút vững, 1 tấm lòng tốt, 1 con người đẹp ở mọi góc cạnh…
Ngọc gặp HM nói giùm: mình cúi đầu trước một đóa hoa quý, nha!
Happy Father’s Day!