Nói đến Nguyễn Bắc Sơn không ít người nhắc mấy câu thơ nổi tiếng một thời của anh: Mai ta đụng trận ta còn sống/ Về ghé Sông Mao phá phách chơi/ Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm/ Vung tiền mua vội một ngày vui… để chứng minh rằng anh là một nhà thơ lính chiến, ngổ ngáo và ngang tàng… Tôi không thấy vậy. Tôi chỉ thấy trong thơ anh một nỗi chua xót, đắng cay. Nỗi chua xót, đắng cay dằng dặc cho cả một thế hệ dưới màu áo của thời binh lửa. Nỗi đau như lịm hẳn vào trong: mai ta đụng trận ta còn sống…
GS Cao Huy Thuần, sống ở Pháp trên 40 năm, tác giả Thấy Phật, có lần nói với tôi lâu nay ở xa đọc những bài viết về Nguyễn Bắc Sơn cứ nghĩ anh là một nhà thơ của lính, nay đọc “Nhớ nhớ quên quên” (Đỗ Hồng Ngọc, Như thị,Văn Nghệ, 2006) mới nhận ra một Nguyễn Bắc Sơn khác: nhà thơ của thiên nhiên, của tình yêu đầy nhân hậu…
Thật vậy, ở ngoài đời Nguyễn Bắc Sơn hiền như… bụt, với nụ cười chân chất dễ thương, bởi trong sâu thẳm, anh là một đạo gia, một thiền sư chính cống:“Những ngày ăn gạo lứt muối mè/ Những ngày xem Zen là lẽ sống”. Trong bài “Ở đời như một nhà thơ phương Đông”, anh viết “Một ngày kia y chiêm bái đồng lúa chin vàng/ Và nhìn thấy lòng hảo tâm của trời đất”.