Một góc riêng tư
Chỗ ở của người già cần thiết kế sao cho gọn gàng, gần gũi, ấm cúng, mà đầy đủ tiện nghi. Công-tắc điện vừa tầm tay với, không phải mò tìm, không phải chồm lên để nhấn nút. Đường đi vào toilet không có bậc cấp để tránh trượt chân, té ngã. Cửa toilet đủ rộng nếu phải dùng xe lăn. Thảm trải kín kẽ và bám dính để không bị trơn tuột là những điều tưởng nhỏ mà thật cần thiết để tránh tai nạn.
Chỗ ở cần thoáng mát, mà lại kín gió lùa, tránh cái lạnh đột ngột. Ở người cao tuổi, mạch máu đã cứng như ống nước lâu ngày bị giòn, dễ vỡ. Khi bị lạnh đột ngột, mạch máu co thắt gây vỡ, vậy là tai biến xảy ra. Kinh nghiệm tránh gió lùa, gió độc của người xưa (tránh trúng gió) là hoàn toàn có cơ sở khoa học. Đừng phiền khi thấy người già tìm thêm cái khăn choàng cổ, cái áo khoác ngoài lúc đi ra đường! Do thị lực ngày càng yếu đi, người già cần có một chỗ ở thoáng, ánh sáng đầy đủ, cửa sổ rộng rãi.
Cũng giống “tuổi mới lớn”, người già thích có sự riêng tư, độc lập, muốn có một góc riêng của mình, không ai xâm phạm vào nơi cấm địa đó. Ở đó là nơi đầy ắp những năm tháng kỷ niệm, từng hình ảnh, từng câu chữ đối với con cháu nhiều khi vô nghĩa nhưng với họ là những nỗi nhớ khôn nguôi. Góc riêng tư đó có thể rất bừa bãi, cũng khó thể rất ngăn nắp tùy cá tánh mỗi người nhưng luôn là cách sắp đặt riêng của họ cần được tôn trọng. Có những mảnh giấy vụn tưởng là “đồ bỏ” mà đối với họ quý như vàng! Chẳng hạn, một nhà thơ có thể gấp một tờ lịch nhỏ, giấu kỹ trong một tập vở học trò long gáy tróc bìa, vứt đi thì nhà thơ giận chết đi được bởi đó là bài thơ “Hôm nay em lấy chồng đây/ Xếp tư tờ lịch nhớ ngày em đi/ Bây giờ mới biết mình si/ Đời thơ thêm một bài thi lấy chồng/ Chúc cho má ấy thêm hồng/ Cho duyên ấy đẹp cho lòng ấy tươi/ Chúc cho người ấy quên tôi…” (Hồ Dzếnh). Cho nên người già rất cần một không gian riêng tư với những… bí mật riêng tư của họ để họ có thể “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng/ Xếp tàn y lại để dành hơi ” (Tự Đức?).
Dĩ nhiên góc riêng đó cũng phải trang bị những phương tiện giải trí như Tivi, điện thoại, đầu máy xem vidéo, audio, radio, vi tính, tủ sách… Hiện nay ngày càng có nhiều công nghệ “thân thiện” với người già, giúp họ dễ thấy, dễ nghe, giúp cả trí nhớ, đi lại (xe lăn tự động), điện thoại cầm tay để đỡ di chuyển. Vì đã có trường hợp chạy vội lại để nghe điện thoại mà bị té ngã một cách đáng tiếc!
BS Đỗ Hồng Ngọc
Tưởng chuyện vặt nhưng lại rất hữu ích. Cám ơn lời nhắc nhở.
Thường những chuyện vặt đều rất hữu ích nhất là khi người ta tích tuổi!