Thư gởi bạn xa xôi
Ngày Tết
Bạn hỏi Ngày Tết tôi làm gì ư? Không làm gì cả. Với tôi bây giờ, ngày nào cũng là Tết, ngày nào cũng là Ngày Tết. Có gì khác nhau đâu?
À mà nói vậy khó hiểu quá! Phải ngoài 80 một chút, như tôi bây giờ (có người còn bảo là U90!) thì mới hiểu.
Tuy vậy, cũng có vài chuyện “rất Tết” kể bạn nghe vui thôi nhe. Hôm qua, một người bác sĩ học trò cũ (mới ngoài 50) đặt một câu hỏi với tôi: Nhiều lúc em thấy giận con em quá, em phải làm gì thưa Thầy? Có cách nào chữa trị cái giận không?
Tôi trả lời: Em giận con em quá hả? Tốt lắm. Trước hết nó làm em đỏ mặt tía tai, bầm gan tím ruột, các hormone xuất tiết ào ào, huyết áp tăng cao, đường huyết tăng cao, và nếu em… ráng nuốt giận xuống bụng, lâu ngày thành ung thư đại tràng…
Thực ra có vài ba món thuốc em thử xem:
Một là em thử thở chánh niệm. Hít một hơi sâu và “dõi theo” (không phải theo dõi) hơi thở của em đi từ mũi xuống huyệt đan điền dưới rún, ấy là lúc cơ hoành được đẩy xuống như em biết. Sau đó thở ra nhẹ nhàng từ từ bằng cách đưa cơ hoành lên và cũng dõi theo hơi thở ra đó. Sau đó lại có một quãng ngừng trước khi thở tiếp. Điều quan trọng là chú ý tới hơi thở “vào-ra-ngừng” đó của mình… Cái hay là khi đầu óc mình “bận bịu” với chuyện dõi theo hơi thở này thì mình… quên chuyện giận! Não mình nó vậy. Khi chỗ này được kích hoạt thì chỗ kia tắt ngấm, nhớ không?
Hai là em bắt “Ấn”… Cũng vậy. Tập trung vào một ấn nào đó, ấn Từ, Bi, Hỷ, Xả chẳng hạn… thì em sẽ quên giận. Nhớ coi, hồi nhỏ những lúc em cho con bú, thiếu sữa, nó cũng cắn em tưng bừng đó thôi, mà em đâu có giận hờn gì phải không?
Ba là… niệm “Chú”. Chú nhiều lắm. Em có thể đặt riêng cho mình một câu “thần chú” mà không ai biết để tự chữa bệnh cho chính em. Còn không, em niệm câu thần chú sẵn có và rất hiệu nghiệm: OM MANI PADME HUM. Trong đó chữ OM có thể hiểu là AUM, tập trung vào 3 giai đoạn hơi thở như trên nói. MANI là Ngọc “Ma Ní”, trong suốt, phản ánh tất cả màu sắc bên ngoài nhưng không lưu giữ bao giờ. PADME là hoa sen và HUM, là “như nguyện” “thành tựu”…
Vậy đó. Em bây giờ dạy con nào học ăn học nói học gói học mở, nào ăn coi nồi ngồi coi hướng, nào… nào… bao nhiêu là thứ mà em gọi là kỷ luật, là nếp nhà… làm nó mệt mỏi, phản đối. Thiệt ra chỉ cần truyền cho con “nội lực”, còn “chiêu thức” nó sẽ tùy cơ ứng biến. Nội lực là “ngũ giới” đó thôi: Không sát sanh/ không trộm cắp/ không nói dối/ không tà dâm/ không nghiện ngập… Giữ được các “giới” này là đủ cho con sống an vui, hạnh phúc để vào đời!
Mọi sự vô thường, nhớ không? Em bây giờ như “cá nước ngọt”, còn con như “cá biển”.
Cá biển với cá nước ngọt mà cứ hục hặc nhau hoài… cũng ngộ chớ phải không?
Chuyện vậy đó, kể bạn nghe cho vui thôi nha.
Hẹn thư sau,
Đỗ Hồng Ngọc.
Trả lời