GIÓ BẤC CUỐI NĂM
Thích Phước An
(Chùa Hải Đức, Nha Trang)
Trong một lá thư viết cách đây hơn một năm (2021) gởi cho bác sĩ, nhà thơ
Đỗ Hồng Ngọc, GS Cao Huy Thuần đã nhắc đến Mark Epstein, là một bác sĩ
nổi tiếng của Mỹ, đã từng cộng tác trong ngành chuyên môn về phân tâm học
với Freud với Jung. Từ môi trường này, Epstein đã bắt gặp được tư tưởng Phật giáo,
ông say mê Phật giáo đến độ phải lặn lội qua Tây Tạng để học Phật. Và rồi cuối cùng
ông đã nổi tiếng cả hai, nghĩa là vừa là một bác sĩ giỏi lại vừa là một nhà Phật học uyên thâm,
và Giáo sư Cao Huy Thuần đã cho rằng, việc đó chẳng có gì lạ,
vì theo lời ông “Đức Phật của chúng ta đã chẳng phải là một thầy thuốc đó hay sao?”
Nhưng vì sao Đức Phật lại được tôn xưng là Y Vương? Và Ngài đã có
phương thuốc gì hay để chữa bệnh cho chúng sanh mà một thầy thuốc lỗi lạc như
Epstein phải rời thế giới văn minh tiến bộ của Tây Phương để lặn lội đến Tây
Tạng, một quốc gia sống biệt lập trên núi cao nhất thế giới, và gần như không bận
tậm gì mấy đến nền văn minh hiện đại của nhân loại để nghiên cứu Phật Giáo?
“Thầy thuốc chỉ chữa được cái đau mà không chữa được cái khổ, chữa được cái
bệnh mà không chữa được cái hoạn.
Phật là bậc Y Vương, giúp chúng sanh giải thoát mọi khổ đau, ách nạn.
Tại sao ta không học Phật?”
Đó là lời bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc được đặt trang trọng nơi trang đầu của tác
phẩm, có đầu đề rất khiêm tốn là Tôi Học Phật, dày khoảng 800 trang.
Chính vì thế, chúng ta thấy trong các bộ kinh Đại Thừa thì bác sĩ Đỗ Hồng
Ngọc có vẻ đã say mê nhất là Kinh Kim Cang. Vì sao? Nơi trang 211 tác phầm Tôi Học
Phật, bác sĩ đồng thời cũng là nhà nghiên cứu Phật học đã cho biết lý do vì sao ông
lại say mê Kinh Kim Cang:
“Hơn 2600 năm trước, Tu Bồ Đề – một đại đệ tử của Đức Phật , người “Giải
Không Đệ Nhất” đã đặt một câu hỏi có lẽ còn vang vọng đến ngày nay, giữa thời
đại toàn cầu hóa, thế giới phẳng này “Làm thế nào để an trụ tâm? Làm thế nào để
hàng phục tâm?” (Vân hà ưng trụ, Vân hà hàng phục kỳ tâm?) và câu trả lời của
Đức Phật hết sức giản dị “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, nghĩa là “ Đừng có trụ
vào đâu cả mà sanh cái tâm”
Trong Kinh Trung A Hàm, một bộ kinh quan trọng của Phật giáo Nguyên Thủy,
Đức Phật cũng đã giải thích rõ ràng hơn cho các các Tỳ Kheo – đệ tử của Ngài về
cách an trụ và hàng phục cái Tâm:
“Này các Tỳ Kheo, Tâm dẫn thế gian đi, Tâm bị nhiễm trước, Tâm sinh khởi mà tự
tại. Này các Tỳ Kheo, chính nó dẫn thế gian đi, chính nó làm nhiễm trước và cũng
chính nó khởi tự tại. Này các Tỳ Kheo, Đa Văn Thánh đệ tử không để Tâm dẫn đi,
không để Tâm nhiễm trước, không để Tâm tự tại. Này các Tỳ Kheo, không vâng
theo sự tự tại của Tâm mà Tâm tùy theo tự tại của Đa Văn Thánh đệ tử.”
Không còn hồ nghi gì nữa, chính cái nghề thầy thuốc đã ảnh hưởng sâu sắc
đến việc nghiên cứu Phật học của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, và chính ông cũng đã thừa
nhận như vậy, nơi trang 215 trong bài Vận Dụng Kinh Kim Cang “là một thầy
thuốc, tôi đâu dám lạm bàn những chuyện “thậm thâm vi diệu khác” – nghĩa là ông
chỉ muốn mọi người đọc ông rồi đem áp dụng vào đời sống hàng ngày, như chính
bản thân ông cũng đã làm như vậy để khởi đầu “ hàng phục” cái Tâm của mình,
như bài thơ có tên là Thiền Tập ông đã cho chúng ta biết :
Thả lòng toàn thân / Như treo móc áo / Ngồi xếp bằng tròn / Vai nghiêng lưng sổ /
Dõi theo hơi thở / Như mượn từ xa / Khi vào khi ra / Khi sâu khi cạn
Nhà thơ khuyên chúng ta cứ nỗ lực như vậy, một lúc nào đó sẽ đạt được kết quả:
Thân tâm thanh tịnh / Không còn ý tưởng / Chằng có thời gian / Hạt bụi lang
thang / Dính vào hơi thở / Duyên sinh vô ngã / Ngũ uẩn giai không / Từ đó thong dong/ Thỏng tay vào chợ.
Trong lời ngỏ mở đầu cho tác phẩm của mình, Đỗ Hồng Ngọc đã cho biết lý
do tại sao ông phải học Phật, và đặt biệt là vì sao ông phải bỏ thời gian, công sức
ngồi ghi lại những cảm xúc của bản thân về Phật học, vì theo tác giả “thuốc men
chỉ chữa được cái đau mà không chữa được cái khổ, chữa được “triệu chứng” bên
ngoài mà không chữa được “căn nguyên” sâu xa lớp lớp bên trong”. Trong khi đó,
theo Đỗ Hồng Ngọc “thời đại của chúng ta , con người dùng khối óc quá nhiều,
nhiều đến nỗi người ta luôn luôn ở trong tình trạng “muốn điên cái đầu”, và thực
vậy bệnh tâm thần ngày càng phát triển, tự tử , ma túy, stress,… ngày càng gia tăng
trong xã hội mà người ta luôn luôn bị quay cuồng, luôn luôn chạy đua với tốc độ,
tuổi trẻ, nhan sắc, thành đạt… Có lẽ đã đến lúc nghe lại tiếng nói của trái tim.
Tác giả Tôi Học Phật không quên nhắc lại bài thơ nổi tiếng của Quách Thoại
ở đầu thế kỷ XX, một hôm bất chợt nghe được “lời em ca thiên thu” từ một bông
hoa dại đứng bên bờ rào đã khiến cho thi nhân phải sụp lạy cúi đầu. Theo tác giả
Tôi Học Phật, lời ca đó không phải phát xuất từ bông hoa vô tri, vô giác của đóa
hoa kia, mà nó đã được phát ra từ trái tim sâu thẳm của thi nhân.
Tập sách nghiên cứu về Phật học của ông cũng như vậy, ông đơn giản chỉ muốn
giúp chúng ta nghe lại tiếng hát thiên thu từ trái tim mà từ lâu ta đã vô tình đánh
mất giữa một xã hội chỉ biết đề cao khối óc, nghĩa là chỉ biết tính toán hơn thua mà
thôi .
Từ tiếng thở dài xót xa của ông đối với thời đại ông đang sống, thời đại của
khối óc mà bỏ quên trái tim yêu thương đó, khiến tôi chợt nhớ lại những bài thơ
mà Đỗ Hồng Ngọc đã sáng tác vào khoảng thập niên 70 của thế kỷ trước, lúc ông
còn trẻ, còn hoài bão nhiều cho quê hương đất nước. Ở đây tôi chỉ đề cập đến Quê
Nhà, nơi ông đã chào đời mà thôi :
Anh thương nhớ quá làm sao nói
Gọi tên em vang động gốc cây già
(Quê Nhà)
Thi nhân ngậm ngùi nhớ lại những mùa xuân của tuổi thơ mà bây giờ đã quá xa
xôi:
Mùa Xuân mừng tuổi thơm tho áo
Nắng cũng vàng phai ngày cũng xa
(Quê Nhà)
Khi xuân về Tết đến thì bông cúc, bông mai được trưng bày rực rỡ nơi các thành
phố giàu sang như Sài Gòn chẳng hạn, vậy mà tuyệt nhiên nhà thơ của chúng ta
không hề thấy Tết:
Đi giữa Sài Gòn
Phố nhà cao ngất
Hoa nở rực vàng
Mà không thấy Tết
(Gió Bấc)
Chỉ khi được trở lại quê nhà, nghe được gió Bấc thổi thì đối với ông mới thực sự
thấy được cái hồn của Tết :
Một sáng về quê
Chợt nghe gió Bấc
Ô hay Xuân về
Vỡ òa ngực biếc
(Gió Bấc)
Bởi vậy, cứ đến những ngày cuối tháng Chạp thì thi nhân chúng ta lại náo
nức muốn bỏ lại phố phường chật chội sau lưng lên đường trở về lại quê nhà. Nơi
đó có ngọn gió Bấc của mùa Xuân đang thổi như chờ đợi người con xa xứ:
Hình như gió Bấc lùa trong Tết
Những chuyến xe đò giục bước chân
(Mũi Né)
Chắc chắn có nhiều người ngạc nhiên, tại sao một bác sĩ có đời sống khuôn
thước, mẫu mực như Đỗ Hồng Ngọc mà lại có thể trở thành một nhà thơ? Điều này
đã được ông tâm sự với Ngô Nguyên Nghiễm trong tác phẩm Đồng Hành Cùng
Tôi xuất bản năm 2010. Xin được trích ra đây như lời kết cho bài viết ngắn này:
“Ai bảo Y khoa là cái Thực và thi ca là cái Huyễn? Y khoa vừa là khoa học vừa là
nghệ thuật! Đọc được một bài thơ hay ta chẳng phải đã rung cảm đến tận tâm cang
đó sao.”
(TPA)
Nha Trang, những ngày cuối năm 2022
Trả lời