Ra mắt tuyển tập ‘Tiếng Hát Thu Vàng’
Nguyên Giác
(xin đọc đầy đủ trên https://tranthinguyetmai.wordpress.com/2021/09/16/voi-nang-vang-va-am-nhac-ra-mat-tuyen-tap-tieng-hat-thu-vang/)
Cuốn tuyển tập nhiều tác giả viết về Tiếng Hát Thu Vàng dày gần 250 trang bìa màu và bên trong có nhiều tranh phụ bản màu và trắng đen của các họa sĩ Bé Ký, Cao Bá Minh, Duyên, Lê Ký Thương, Nguyên Khai, Nguyễn Đình Thuần, Nguyễn Thiên Chương, Trương Đình Uyên, Trương Vũ. Họa sĩ Khánh Trường thiết kế bìa, ảnh bìa của nhà văn nhà báo Phan Tấn Hải, với lời giới thiệu của nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh và lời bạt của Trần Thị Nguyệt Mai.
Trong bài phỏng vấn ca sĩ Thu Vàng do nhà văn Trần Doãn Nho thực hiện, ca sĩ Thu Vàng đã kể về cơ duyên đến với âm nhạc của chị:
“Tôi còn nhớ những năm đầu Trung Học Đệ Nhất Cấp, tôi thích nghe nhạc của chương trình thương mại, thích thú hát theo những bản Bolero. Sau đó ba tôi hướng tôi nghe những bản nhạc xưa do những ca sĩ Thái Thanh, Kim Tước, Mai Hương, Anh Ngọc, Duy Trác… hát, nghe quen rồi dần dần yêu thích. Thời điểm này, tôi được sinh hoạt trong ban nhạc “Tuổi Thơ” ở Hội An do anh Thái Tú Hòa thành lập.
“Anh Hòa và thầy Lê Khuê, hiệu trưởng trường Nam Tiểu Học, cùng một số anh văn nghệ trong phố đã tập cho bản “Tuổi Thơ” hát những trường ca quan trọng như “Mẹ Việt Nam,” “Con Đường Cái Quan” của Phạm Duy, những bản hùng ca, nhạc thiếu nhi của Hùng Lân, Lê Thương, Phạm Duy… và nhiều tác phẩm giá trị khác. Giai đoạn này thực sự định hình thể loại nhạc tôi theo đuổi đến giờ. Tôi có may mắn được học rất nhiều từ những người thầy rất có tâm này.”
Và chính nhờ được hun đúc bởi những “người thầy có tâm” mà ca sĩ Thu Vàng đã hát bằng cái tâm của chị để được nhiều người yêu thích như chị đã nói trong cuộc phỏng vấn của nhà văn Trần Doãn Nho:
“Nghĩ cho cùng, mọi việc đều đến từ cái duyên cả anh ạ. Cuộc đời đã cho tôi nhiều đau khổ, mất mát nhưng tôi nghĩ, có thật sự kinh qua những đau khổ, mất mát, thiếu thốn thì mới khao khát thương yêu, yêu hết thảy: quê hương, thiên nhiên, con người… Và tôi tin, cái gì xuất phát từ tâm thì sẽ đi vào lòng người.”
Trong bài “Lấp Lánh Sao Mai” là Lời Giới Thiệu CD Dạ Khúc do ca sĩ Thu Vàng hát, nhà thơ Đặng Tiến thì cho rằng tiếng hát của nữ sĩ Thu Vàng là “tiếng hát hồn nhiên, óng ả”:
“Khi xuất thần, những trắc ẩn bỗng thăng hoa thành tiếng hát. Tiếng hát hồn nhiên, óng ả đầy xúc cảm và truyền cảm.”
Trong bài “Thu Vàng – Một Tiếng Hát, Một Tài Hoa, Một Nhân Cách,” nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo đã viết về giọng ca Thu Vàng như là “tiếng hát đặc thù”:
“Nhưng điều hạnh hữu hôm nay, lại xuất hiện một tiếng hát Thu Vàng, tiếp nối được các đàn chị. Lắng nghe, ta sẽ thấy, 90% nghệ thuật của Mai Hương, Quỳnh Giao và Thái Thanh như đang ẩn hiện. Một tài hoa kết tinh tự nhiên có một không hai, đến lạ kỳ. Như thu nhiếp cái chung để làm nên cái riêng, làm nên tiếng hát đặc thù cho chính mình.”
Nhà văn và nhà báo Phan Tấn Hải trong bài viết “Những Đêm Nhạc Thu Vàng” đã nói lên cảm nghĩ thích thú của anh khi nghe nữ ca sĩ Thu Vàng hát:
“Trong chương trình đêm nhạc khoảng hai giờ đồng hồ, tôi ngồi nghe, như quên hết tháng ngày đang trôi. Có phải đây là đêm, sao giọng ca chị Thu Vàng như dường chói ngời ánh sáng của một chiều xuân? Có phải đây là ca khúc Bến Xuân của Văn Cao, sao nghe như nửa đêm có tiếng chim hót lảnh lót trong giọng ca của chị Thu Vàng?”
Nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh trong bài “Thu Vàng – Đêm Nay” đã mô tả tiếng hát của Thu Vàng có sức mạnh “đặt người ta vào nơi chốn vừa thực vừa mơ”:
“Tôi biết Thu Vàng có không ít tri kỷ, dù chị ít xuất hiện, chỉ thu đĩa rồi tặng bạn hữu, hoặc hát mê say ở nơi chỉ có bạn thân. Và những người nghe như tôi, một căn phòng vắng, một đêm rất đầy, một nỗi sầu chưa vơi, đó là những hòa âm chuẩn nhất với thánh thót buồn của tiếng hát Thu Vàng. Một âm giọng đẩy đưa người nghe lên nhiều cung bậc cảm xúc, đặt người ta vào nơi chốn vừa thực vừa mơ, và xóa thời gian dưới tiếng rót trong trẻo của âm thanh.”
Nhà văn Văn Công Tuấn đã nghe ca sĩ Thu Vàng hát bài “Chiều Về Trên Sông” của nhạc sĩ Phạm Duy mà ngộ ra một điều mà từ 40 năm ông chưa hiểu: “Hơn 40 năm lưu lạc xa xứ, phải chờ đến khi nghe Thu Vàng hát câu nhạc cuối của bản Chiều Về Trên Sông tôi mới hiểu được tại sao nhạc sĩ Phạm Duy viết như vậy: Bể sầu không nhiều, nhưng cũng đủ yêu!”.
(…)
Sự thành công của người ca sĩ đến từ giọng thiên phú, có kỹ thuật điêu luyện và biết chọn nhạc phẩm thích hợp cho mình. Qua khoảng 40 tác giả viết trong tuyển tập Tiếng Hát Thu Vàng, cho tôi thấy nữ ca sĩ Thu Vàng đã có đủ ba yếu tố trên. Ngoài ra, chị còn có tấm lòng không những với nghệ thuật mà còn với bạn bè và người nghe. Bởi thế, chị đã thành công và đã được nhiều người yêu thích là điều dễ hiểu.
Mong rằng chị sẽ tiếp tục góp tiếng hát truyền cảm của chị để làm cho cuộc đời lắng bớt những đau thương và khổ lụy.
Nguyên Giác Phan Tấn Hải
(Thứ bảy 11.9.2021)
……………………………………………………………
Vài hình ảnh Thu Vàng hát ở Hội An (2017)
Để lại một bình luận