Thư gởi bạn xa xôi (8/14)
Buổi nói chuyện với các vị phụ huynh trường Việt – Úc hôm rồi là do Hội quán Các bà mẹ mời, đề tài “Dạy con phẩm chất thành công”.
Đề tài này thì ai cũng biết cả rồi, dĩ nhiên là trên lý thuyết còn để thực hiện thì không dễ chút nào! Nào nghị lực, tự tin, nào tinh thần trách nhiệm, hòa đồng, nào can đảm, nào trung thực, nào kỹ năng sống…! Và, trước hết, sức khỏe. Có lẽ vì thế mà họ mời một bác sĩ… nhi khoa.
Mình nói thành công là phải mang lại hạnh phúc, hạnh phúc cho mình và cho người. Nếu thành công đạt với “bất cứ giá nào” thì có khi nguy! Và quan trọng hơn, cần phát huy trên một nền tảng văn hóa bản địa, như chính trường Việt Úc đã nêu như một tiêu chí.
Mình “cực lực phản đối” việc bây giờ nhiều trẻ con người Việt, ở giữa đất nước mình mà không biết nói tiếng Việt. Cha mẹ ông bà có vẻ tự hào về điều này mới lạ! Không chỉ vậy, tác phong của một số còn kênh kiệu, ta đây, coi khinh những bạn cùng lứa và khi gặp người lớn thì “Hi!” cái là xong. Về kỹ năng sống cũng vậy, đừng tưởng kỹ năng sống là những chuyện gì cao xa, chính những chuyện nấu cơm quét nhà rửa chén giặt đồ cũng là những “kỹ năng sống” cần thiết cho một đứa trẻ. Công việc nhà nhiều em không được động đến móng tay, mọi việc có mẹ có cha có người giúp việc lo hết! Trẻ chỉ còn mỗi việc chơi game và ăn fastfood! Cho nên bây giờ có những em đi học ở nước ngoài, không biết làm gì hơn xin mẹ gởi cho mì gói!
Mình nhắc chuyện của Pearl Buck kể một bà mẹ nghèo nuôi con du học thành bác sĩ, lấy vợ đầm, khi vợ chồng về thăm mẹ chê mẹ dơ bẩn, đầy vẻ khinh khi… Dĩ nhiên cũng nhắc chuyện bà mẹ Mạnh Tử phải dời nhà ba lần, từ đó để thấy môi trường rất quan trọng với trẻ. Mình cũng kể chuyện Walter Mishe làm một thí nghiệm thưởng kẹo cho mấy trẻ 4 tuổi để đánh giá IQ và EQ ở trẻ, chứng tỏ rằng IQ cao là chưa đủ để thành công.
Khi nói về sức khỏe, mình nhắc một tâm hồn minh mẫn trong một thân thể tráng kiện. Không khỏe thì trẻ không thể học giỏi được. Ăn trước hết. Ăn đủ và ăn đúng. Tránh béo phì. Béo phì chẳng những gây nhiều bệnh mà còn khiến trẻ có mặc cảm với bạn bè, tội nghiệp lắm! Sau ăn là Ngủ. Trẻ phải ngủ đủ vì ở trẻ con kích thích tố tăng trưởng (Growth Hormone) hình thành trong giấc ngủ. Ngủ đủ, như sạc đầy pin, trẻ thông mình hơn, hoạt bát hơn. Bắt trẻ học như điên, học trường, học thêm, học kèm, học ngày học đêm thì dễ tẩu hỏa nhập ma. Ngày càng nhiều học sinh bị stress, bị trầm cảm, tự tử… Sau ăn, ngủ là chuyện vệ sinh cá nhân. Đứng quên chuyện bón, chuyện trĩ ở học sinh. Chọn trường cho con nhớ… tham quan cái toilet! Và cuối cùng, thể dục thể thao.
Chú ý phát triển tâm sinh lý khi trẻ lên 9 lên 10 vì thời nay trẻ dậy thì sớm, do khí hậu trái đất nóng lên, do thực phẩm… quá béo bổ tạo nhiều kích thích tố, do tác động internet, phim ảnh, truyện tranh… đầy sex!
Phải dạy cho trẻ tính “tự học”, trước hết là phải “mê” đọc sách. Đọc sách tốt như có ông thầy, đọc nhiều sách thì có nhiều ông thầy, mau giỏi lắm! Một phụ huynh hỏi có cách nào giúp trẻ chịu đọc sách không trong thời buổi trẻ chỉ mê internet, TV, di động các thứ ? Thì trước hết người lớn phải làm gương, ông bà cha mẹ có đọc sách thì con cháu mới bắt chước. Rồi phải thường dẫn trẻ đi nhà sách; chịu khó kể chuyện hay trong sách; đọc sách cho bé nghe từ thuở lên ba; nhiều khi phải giấu sách, “cấm” đọc sách này sách nọ, thì trẻ vì tò mò sẽ lén đọc, rồi… mê! Mình kể chuyện hồi nhỏ vì bị cấm đọc mà mỗi lần đi mướn sách cho bà Cô mình đã vừa đi vừa đọc dọc đường hết trơn, nhờ vậy mà “ngốn” hết sách cả tiệm cho mướn sách đó! Sau này, mình cấm mấy đứa con đọc kiếm hiệp, giấu kỹ trong tủ nên tụi nhỏ lén đọc tuốt hết! Nhiều bậc cha mẹ khuyên con đọc sách về giáo dục giới tính vì không tiện nói và không biết cách nói thế nào thì trẻ cương quyết không chịu đọc. Nhưng thử mua vài cuốn như “Bỗng nhiên mà họ lớn” hay “Những câu hỏi của tuổi mới lớn”, “Khi người ta lớn”… của BS ĐHN (quảng cáo!) về đọc trước rồi làm bộ để quên đâu đó trên bàn, hoặc cấm trẻ không được… đụng tới, thế nào trẻ cũng lén đọc! Ngoài ra, khi bé có người… yêu (bây giờ yêu sớm lắm!) ham đọc sách thì người yêu bảo gì nó cũng nghe. Mọi người cười sảng khoái vì chắc ai nấy cũng đều có kinh nghiệm! Một bà mẹ nói con bà 14 tuổi chỉ chịu đọc Tam Quốc Chí, Hán Sở tranh hùng, Thủy Hử… mà không đọc gì khác. Hỏi nó sao con không đọc mấy chuyện như… thì nó nói đó là chuyện con nít! Tốt, cứ để nó đọc theo sở thích, miễn không phải sách nhảm nhí.
Vậy đó, những buổi trò chuyện, giao lưu của mình toàn “tào lao” như vậy.
Vì bạn đã hỏi thăm thì phải “phúc trình” thôi!
Thân mến,
Đỗ Hồng Ngọc
aitrinhngoctran viết
Chào BS Đỗ Hồng Ngọc!Chuyện”Tào lao” mà không tào lao chút nào!Các bậc Phụ huynh đọc qua sẽ giật mình ngẫm lại.Hoặc sẽ rút kinh nghiệm thêm từ những cái ”tào lao thiên địa”của BS .Nhất là cái khoản”đọc sách”Tâm lý Trẻ thường thích ”đọc những gì mình cảm thấy thích”Điều đó tác dụng đến tâm hồn và tính cách của Trẻ sau nầy!Nên cần có :”Sư phụ Sách” Và sự tham gia của bậc Phụ huynh-”Khuyến khích-hướng dẫn-chọn dùm sách ”Cái chọn nầy rất quan trọng lắm!Bởi mỗi đứa Trẻ có mỗi cá tính khác nhau!Nếu muốn đầu tư hướng nghiệp cho Trẻ .Cũng bắt đầu từ đọc Sách chọn.Xem đó như là sự phụ thuộc .Có thể uyển chuyển thay đổi theo thời gian tuổi tác lớn dần lên.Điều đó không áp đặt tuyệt đối Nhưng khả năng thành công với xác suất cũng được một phần ..Theo ý Phụ huynh Mà biết đầu cũng là ý Trẻ?Đó là Tương Lai Còn cái Hiện Tại cho Trẻ luôn là Giáo Huấn”Nhân -Nghĩa-Lễ-Trí-Tín” Song song với việc”Học và Hành”Và điểm nhấn ở ”Tuổi Dậy Thì”-Chọn sách ”Giáo dục giới tính”-Khoản nầy rất gay go cho Phụ Huynh đây!Bởi phải giải thích cặn kẻ.Nếu không”trớt qướt”Một khi đọc và hiểu sai càng nguy hại!Thời nay Trẻ có đời sống Tinh Thần và Vật Chất..Phải nói là Thừa mứa.Nên cần phải có” Người ”chọn giùm.Bởi dù sao nhận thức ở Trẻ vẫn còn non nớt So với kinh nghiệm sống của ”Người lớn”Xưa có người sống gần nửa đời người mà vẫn khờ .Bởi thiếu đọc sách.không ai bảo ban Cái gì cũng tự nghĩ ra..Đúng không nói gì Sai là ảnh hưởng tính tình rất nhiều chứ nào phải đùa đâu! Trẻ bây giờ có thể nói là rất khôn Còn người lớn xưa rất khờ so với tuổi trang lứa của Trẻ bây giờ là vậy?Bài viết của BS Ngọc rất sát với thực tế xã hội hiện nay.Cho nên”Day Con có Phẩm Chất Thành Công” là vấn đề nằm ở khâu của Các Bậc Phụ Huynh chịu trách nhiệm nhiều.Bởi..Muốn như ý:Trước nhất chúng ta là Tấm gương sáng cho Trẻ-Gương trong sạch cả ngoài lẫn trong.Giữ gìn thể diện tấm lòng thẳng ngayĐạo đức -Nhân nghĩa làm đầu.Hành động thiết thực từng bước tập ngay!.Tránh các môi trường tác hại.Ăn ngủ đúng cách học hay chơi có chừng…Vệ sinh thường thức cá nhân.Cũng cần phân bố kỹ càng thời gian.Sách và Cha Mẹ là Thầy là BạnThì cái phẩm chất”Con Người Thượng Hạng” Thành Công cho Trẻ có được mấy hồi?Thành thật phải nói..Ươc gì có nhiếu nhiều Bậc Phụ Huynh tìm đọc những cuốn sách ..Dự vào những chuyện ”Tào lao ”của BS Ngọc thì ..Hay biết mấy!?
AN viết
Mình cũng hoàn toàn đồng ý với aitrinhngoctran về ” chuyện tào lao” của BS Đỗ Hồng Ngọc. Quả thật bây giờ dạy con, hướng dẫn con thật không đơn giản. Làm Ông Bà dạy cháu cũng thật khó…Thế giới giải trí của trẻ bây giờ gần như gắn với laptop, điện thoại di động, máy tính bảng.. hơn là cầm 1 quyển sách trên tay. Có lẽ phải áp dụng chiêu ” cấm đọc sách ” như BS để lũ nhò tò mò cái bị cấm. Đúng là các bậc cha mẹ trẻ ngày nay nên hình thành niềm đam mê, thu hút từ sách cho con trẻ từ tấm bé., việc nầy cũng đòi hỏi thời gian, kiên nhẫn khi chơi với con, bởi cuộc sống bộn bề, ngày hai buổi đi làm, đưa rước con đi học, học chính qui rồi học phụ đạo, học đàn, học ngoại ngữ. vv và vv…bố mẹ mệt nhoài Về đến nhà đành để bọn trẻ ” ngồi yên” với cái máy tính hay TV là thượng sách, lâu ngày chày tháng ra cớ sự như trên….
Tôi rất tâm đắc chuyện BS đề cập việc …”Chọn trường cho con nhớ… tham quan cái toilet! ” Có lẽ chẳng ai nghĩ đến chuyện nầy. Cháu ngoại mình là…”nạn nhân” rồi, bởi vì toilet của trường đôi khi không sạch, không có vòi vệ sinh…nên thằng bé ( học lớp 1) bèn nhịn để về nhà riết rồi thành ..bón…Thế đấy! đúng là ” chuyện tào lao” mà KHỔ !KHỔ !!lắm lắm chứ chẳng phải đùa. Phải chịu khó dự vào ” chuyện tào lao” của BS mà rút tỉa kinh nghiệm để dạy con! Xin cảm ơn những cái” tào lao” của Bác Ngọc rất nhiều!
songhailethi viết
bài hay quá em muốn save vao facebook cho con cháu xem cập nhật nhanh gọn lẹ xin bác cho phép ạ
Bac Si Do Hong Ngoc viết
Bạn cứ tự nhiên. Chỉ cần ghi nguồn (source) như thông lệ. Nếu “con cháu” có comment gì thì cho biết nhé!