Nghề Nuôi Vịt Hãng
Ghi chú: Anh Hai Trầu – Lương Thư Trung- năm nay tuổi cũng bộn, gần tám chục, hay ngồi buồn nhớ chuyện xưa, vừa gởi tôi “Lá thơ gởi anh Năm Hiền” kể chuyện một thời anh làm ruộng, giăng câu, chăn vịt đẻ… ở Mặc Cần Dung, Kinh Xáng Bốn Tổng… miệt Long Xuyên Sa Đéc rất thú vị.
Lương Thư Trung là tác giả nhiều sách viết về đời sống Nam bộ hơn nửa thế kỷ trước, trong đó cuốn Mùa Màng Ngày Cũ rất được bạn đọc ưa chuộng. Anh nói sẽ bổ sung thêm bài “Nghề nuôi vịt hãng” này… khi tái bản.
Tuy là “Lá Thơ Gởi Anh Năm Hiền”, thiệt ra, anh Hai Trầu cũng muốn gởi tới anh em bạn bè thân quen.
Vậy nên, xin chia sẻ chút tình nơi đây.
Đỗ Hồng Ngọc
(5.5.2020)
……………………………………………….
Lá Thơ Gởi Anh Năm Hiền
(Nhơn những ngày không đi ra đường vì Covid-19)
Nghề Nuôi Vịt Hãng
Houston ngày 28 tháng 4 năm 2020
Nói về nghề nuôi vịt ở các vùng Mặc Cần Dưng, Cần Đăng, Kinh Xáng Bốn Tổng… thuộc Long Xuyên hoặc Mỹ Hội Đông, Mỹ An Hưng, Gia Vàm… thuộc Lấp Vò tỉnh Sa Đéc, người ta nuôi vịt dọc đường thì mỗi nơi nuôi mỗi khác nhưng có chung một bắt đầu là đi đặt vịt con và hốt vịt cùng một mùa.
Thập niên 1950-1960, ở Mặc Cần Dưng lúc bấy giờ còn làm lúa mùa, tới mùa lúa chín rồi người ta cắt gặt, trâu bò kéo lúa vô sân gom thành cà lang cao vòi vọi, xong đâu đấy nhà nông mới bắt đầu ra bã và rồi đem bò trâu ra đạp lúa; lúc bấy giờ đồng trống chỉ còn trơ gốc rạ và lung vũng nhiều chỗ còn nước đọng lại và những người nuôi vịt mới lùa vịt lên đồng cho vịt mò cua ốc và ăn lúa đổ, lúa rụng. Hôm nay cho vịt ăn miếng ruộng này, ngày mai họ lại lùa vịt cho ăn miếng ruộng khác; và như vậy cho tới khi nào đồng khô hết lúa thì thôi! Nhưng hồi đó cũng chưa có ai gọi nuôi vịt như vậy là “nuôi vịt chạy đồng” hoặc nuôi vịt hãng. Sở dĩ gọi vịt hãng vì vịt này do các lò, các hãng ấp trứng vịt sản xuất vịt con hằng trăm hằng ngàn con nở cùng một lượt nên mới có cái tên như vậy.
Anh Năm chắc thắc mắc sao gọi là “hốt vịt” chứ gì? Tại vì dân quê ưa dùng chữ nào tượng hình và đơn giản, dễ hiểu! Thí dụ gặp cái gì nhiều quá mà mình muốn lấy cho mau thì hốt, còn lượm thì lượm như mót lúa sót thì lượm từ bông từ bông biết bao giờ mới đầy bồ? Ở đây cũng vậy, tới hãng ấp vịt đâu có lựa vịt tốt vịt xấu gì vì con nào cũng giống như con nào cứ lấy thúng giạ rồi đếm năm trăm, bảy trăm hoặc một ngàn con cho mau lẹ đặng còn đem vịt về lo nuôi nữa nên người ta gọi “hốt vịt” là do vậy!
Nói làm chuồng nghe cho vui vậy thôi anh Năm; chứ thiệt ra là người ta lựa chỗ nào bằng phẳng cặp mé mương hoặc mé ao rồi lấy lưới hoặc đăng ven xung quanh một nửa nằm trên đất, một nửa nằm dưới nước và thả vịt vô đó cho nó ở. Lúc đầu mới về vịt con còn mệt, người ta chưa cho nó ăn, qua ngày hôm sau thì lấy tấm mẳn cho vịt ăn, dần dần vịt quen cái quen nước rồi mình mới cho vịt ăn gạo lứt, rồi dần dần vịt lớn chút nữa bắt đầu cho vịt con ăn tép, ăn cua, ăn lúa hột. Vào mùa này là mùa nước cũng sắp lên rồi, có thể người ta thả vịt ra đồng cho vịt mò cua mò cá tép; hoặc người ta độn mô xúc lùm bắt cua tép cho vịt ăn cũng tiện…
Nuôi vịt đúng ba tháng là tới giai đoạn lựa vịt trống đem ra chợ bán, chỉ chừa lại vịt mái nuôi tiếp để cho chúng đẻ. Giai đoạn lựa vịt trống đem ra chợ như vậy người nhà quê gọi là “vịt tuyển cồ”. Thường thường mỗi một trăm con vịt mái người nuôi chỉ giữ lại chừng năm ba con vịt trống thôi, không để vịt trống nhiều vì nuôi vịt trống nhiều quá chúng giành nhau đạp mái nên khi vịt đẻ trứng, trứng ít có trống; vả lại vịt trống nhiều quá chúng ăn hao lúa mà trứng không có trống thì khi mình bán trứng vịt cho lò người ta lại mua giá rẻ mạt hà!
Làm sao biết trứng nào có trống, trứng nào không chứ gì? Cầm cái trứng vịt đưa lên chỗ ánh sáng, lấy bàn tay che lại một chút, sẽ thấy ở đỉnh đầu của trứng vịt có một vết bằng đầu đũa hơi sậm hơn các vùng xung quanh thì trứng vịt này có trống; còn bằng như mình hổng thấy chỗ nào đậm ấy chắc chắn trứng này hổng có trống; trường hợp này mình để riêng ra để bán cho các bạn hàng ở chợ và gọi loại hột vịt này là hột vịt lạt đối lại với hột vịt muối mà mình ưa ăn với cháo trắng ở nhà lồng chợ Long Xuyên là hết sẩy!
Sao phải sau ba tháng kể từ ngày bắt đầu nuôi vịt con rồi mới tuyển cồ? Sở dĩ phải đợi tới ba tháng như vậy vì lúc bấy giờ vịt bắt đầu lớn bộn rồi, phân biệt được con nào là vịt trống và con nào là vịt mái rồi. Theo đó thì vịt mái hổng có gì thay đổi, còn vịt trống ở chỗ lông đuôi có những chiếc lông nó cong lên và người lựa những con vịt có lông đuôi quéo lên như vậy đem bán cho người ta mua về ăn thịt, ít khi nào bị lầm giữa trống và mái lắm!
Người nào nuôi vịt giỏi thì sáu tháng có thể vịt đẻ. Khi vịt đẻ như vậy người nhà quê gọi là “vịt rớt hột”. Khi vịt đẻ nhiều thì người ta gọi là “vịt đẻ rộ”, và ngày nào vịt cũng đẻ nhiều như nhau dân quê gọi là “vịt đẻ đều”. Khi vịt trong bầy đẻ hết rồi mà khi lùa vịt lên đồng cho chúng ăn lại có con chưa đẻ kịp, và chúng đẻ dọc đường người nhà quê gọi “vịt đẻ rớt”.
Thường thường mấy người nuôi vịt đẻ cắt lá chuối khô buộc lại thành từng chùm, từng chùm lớn bằng cái thúng giạ đựng lúa rồi treo ở một góc trong chuồng vịt. Tùy theo số vịt nuôi nhiều hoặc nuôi ít mà người ta làm lùm lá chuối cho đủ chỗ để chúng thay phiên nhau vào đó để đẻ. Nếu vịt ăn uống đầy đủ thì khoảng từ ba giờ sáng vịt bắt đầu đẻ cho dĩ chí tới năm giờ hoặc sáu giờ sáng là vịt đã đẻ xong. Chúng vui lắm, con nào tới cử đẻ thì chun vô mấy cái lùm lá chuối là đẻ, đẻ trứng xong là chun ra, rồi con khác lại chui vô và đẻ tiếp; cứ liên tiếp như vậy, sáng ra người nuôi vịt cứ vén mấy chum lá chuối lên là lượm trứng. Tùy theo vịt nuôi nhiều hoặc ít mà trứng nhiều trứng ít; nhưng trung bình một bầy vịt mà nuôi cho nó ăn đủ sức thì thường thường khoảng 100 con có tới 90 con đẻ trứng, nếu như nó đẻ ít hơn là nuôi vịt hổng có lời.
Lựa chỗ làm nền chuồng vịt là một trong những yếu tố làm cho vịt đẻ bền. Chỗ rậm rạp hay chỗ đất nhị tì thì chuột bọ dễ làm ổ, làm hang; do vậy nên khi đang lúc vịt ngủ mà mấy con rắn, mấy con chuột này từ các gò mả lùm bụi ấy xuất hiện thì vịt sẽ giựt mình và chúng chạy náo loạn trong chuồng, có khi vì chạy hoảng loạn như vậy sẽ làm chúng bị giập trứng nên nín đẻ luôn là vậy. Còn chỗ nền chuồng ở bờ đất cao thì mỗi khi bầy vịt hì hụt bò về chuồng cũng dễ làm cho vịt bị giập trứng, nên chúng ngưng đẻ dù đang giữa mùa đẻ trứng.
Nuôi vịt đẻ tới mùa chúng cho trứng ham lắm. Mấy năm về quê làm ruộng tôi có nuôi vịt đẻ nên ham lắm nhưng tới mùa vịt hết đẻ thì lại rầu vì vịt ăn dữ lắm, nếu lúc vịt đẻ mà mình hổng cụ bị mua lúa dự trữ để khi vịt thôi đẻ thì coi như bầy vịt của mình khó mập và đẻ đều như lúc chúng ăn uống đầy đủ.Đó là tôi kể là lúc mùa màng thời tiết bình yên, thuận lợi; còn gặp lúc trái gió trở trời thì vịt dễ sinh ra dịch bịnh mặc dù khi bắt vịt con về là người ta đã chích ngừa cho chúng rồi. Bầy vịt bị bịnh, dân nuôi vịt hổng gọi vịt bịnh mà gọi là “vịt bể”hoặc “vịt bị bể”! Hồi đời xưa lúc còn làm lúa mùa, lúc chưa có thuốc chích ngừa, chưa có thuốc trị bịnh cho vịt thì người ta tìm cách dời chuồng vịt đi nơi khác; mấy năm sau này khi có thuốc trị bịnh cho vịt, thì một mặt người ta dời chuồng vịt đến chỗ mới và mặt khác chích thuốc trị cúm cho chúng cũng như có con vịt nào chết vì bị bịnh thì tuyệt đối mình không ăn vịt chết và cách tốt nhứt là lấy rơm đốt mấy con vịt bị chết này cho cháy vàng lên, nếu được ở gần nhà thì thả xuống ao hồ cho cá nuôi dưới đó ăn cũng tiện. Tuy vậy cũng có lúc có nhiều bầy vịt “bị bể” nặng quá thì coi như phủi tay luôn và khăn gói về nhà với hai bàn tay trắng! Bởi vậy ở nhà quê người ta có một câu nói rất quen như một lời khuyên, một lời cảnh giác mà hàm súc: “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt”.Và bây giờ sau năm sáu chục năm qua rồi, nay khi tôi ngồi nhẩm tính lại thì tôi thấy lời nói ở cửa miệng nơi nhà quê như tôi vừa nhắc vậy mà nó trúng dữ lắm!
Vài hàng kể chuyện về việc nuôi vịt hãng để anh Năm nghe chơi cho vui. Âu đó cũng là một phần đời mà có bận tôi đã trải qua với những năm tháng tôi sống với nghề làm ruộng, rồi giăng lưới giăng câu, và cả cái nghề nuôi vịt đẻ nữa. Nhớ lại mà bùi ngùi, mình đã có một thời quá lam lũ và cực nhọc đến vậy!
Hai Trầu
(Lương Thư Trung)
hai trầu viết
Kính chào Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc,
Rất cảm ơn Bác sĩ đã giới thiệu “Nghề nuôi vịt hãng” trên trang nhà của Bác sĩ với lời “Ghi chú” ngắn gọn mà súc tích, cảm động; riêng cá nhân tôi, với mấy lời giới thiệu ngắn ngủi ấy mà Bác sĩ đã phác họa được một đoạn đời trong ấy có cả việc làm ruộng, giăng lưới, giăng câu, nuôi vịt và cả việc kể chuyện về đời sống nơi các làng quê hơn nửa thế kỷ trước nữa qua những trang sách mà tôi đã rị-mọ ngồi ghi chép lại hơn 20 năm qua!
Qua thơ đi tin lại, tôi được biết Bác sĩ rất thích những từ ngữ nơi ruộng đồng ưa dùng như “vịt tuyển cồ”, “vịt rớt hột”, “vịt bể” etc…, rồi tôi mới nghĩ chắc hôm nào qua ba cái vụ dịch bịnh covid-19 này, tôi sẽ ngồi xuống lấy giấy viết ra đúc kết lại một bảng danh sách các chữ mà ở nhà quê miền sông nước Cửu Long người ta thường xài (dùng) trong các công việc của các mùa màng theo thực tế trong đời sống thay vì căn cứ vào các sách vở, tự điển, từ điển rồi sẽ gởi để Bác sĩ đọc chơi cho vui mấy ngày “về thu xếp lại” này vậy!
Một lần nữa, hổng biết nói gì hơn, tôi xin chân thành cảm ơn Bác sĩ, một vị trí thức dày dạn kinh nghiệm trong hơn tám chục năm giữa dòng sống mà lại có lòng thương tưởng đến đời sống cơ cực của người nông dân qua các nghề chân lắm tay bùn; giống như hồi nhỏ lúc còn đi học tôi thường được nghe các giáo sư Việt văn giảng bài về Cụ Tam Nguyên Yên Đỗ lúc nào cũng:”Vui với cái vui của người nông dân và buồn với cái buồn của người nông dân” vậy! Một tấm lòng quí báu như vậy đâu phải lúc nào cũng dễ tìm!
Kính chúc Bác sĩ luôn mạnh giỏi, bình an và hạnh phúc nhe!
Kính thư,
Hai Trầu