
ĐÊM tập thơ NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH VĂN HỌC PRESS xuất bản, 2021 Tựa: Tô Thẩm Huy; Tranh bìa: Phạm Cung
Nguyễn Xuân Thiệp
… Đến với Đêm để được thiền sư Muju tặng cho vầng trăng. Đêm cũng là thời khắc để Khánh Minh gần với Nguyễn Du, Tagore và Gibran. Với Nguyễn Du thì có ‘Minh nguyệt chiếu cổ tỉnh, Tỉnh thủy vô ba đào’. Trăng sáng lòng giếng xưa / Nước giếng không xao động. Ôi, thật là tĩnh lặng như lòng ai tới với thơ trong đêm trăng chiếu.
(…)
Đêm đưa Khánh Minh về gặp vầng trăng xưa để thấy: Trăng ngõ nhà ta xưa / Gần hơn trăng nơi này / Mộng hơn trăng nơi này /… Nên trăng vàng khắp ngõ / Xe về ấm lối quen / Ai chờ bên thềm gió… Hình ảnh cuối cùng trong mấy câu thơ trích dẫn trên là cô bé Khánh Minh chờ cha về trước thềm nhà xưa.
Trang thơ của Khánh Minh đầy thi ảnh và cảm xúc, vừa siêu thực vừa hiện thực, khiến nước mắt rơi… Đúng vậy. Đọc ĐÊM của Nguyễn Thị Khánh Minh ta gặp những ánh mắt nhìn trong sáng đầy ý thơ, với những cảm xúc nhân bản. Ở đó, nắng và hương cỏ và đêm tan vào mộng mị chiêm bao, tạo thành một thực tại huyền ảo. Đọc Đêm của Nguyễn Thị Khánh Minh để cảm nhận ngôn ngữ thơ tinh tuyền của tác giả và những hình ảnh sáng tạo như dưới cái nhìn của tuổi thơ. Ôi, xin cất giữ làm của cải cho đời sau.
Tô Thẩm Huy
(…) Và hỡi những họa sĩ thân yêu trên trần gian này, tôi xin được làm cậu Hoàng Tử Bé của St Exupery, yêu cầu quý vị vui lòng vẽ hộ tôi – không phải con cừu đang gặm cỏ trên tinh cầu xa xôi – mà làm ơn vẽ hộ tôi bức tranh của bóng khuya – không phải là bóng khuya lúc đang ngồi tỉ tê cạnh bóng đêm, mà là lúc đang lững thững đi dạo dưới trăng – để tôi có dịp được ngắm bức tranh vẽ lúc “bóng về” của họa sĩ Khánh Minh:
Ai vẽ được bóng khuya đi
Cho tôi đọ với bóng về. Của tôi
Lời của thơ trong “Đêm” là tiếng nói của con người nguyên sơ mà chúng ta đã lâu ít còn được nghe thấy ai nói, đến gần như đã quên mất. Xin mời nghe lại mấy lời:
Gió vườn nhà êm ả
Ai nói gì qua lá
Mà khuya đầy trăng thơm
Đêm ngó trời. Cao quá
Hỏi trăng gần, trăng xa
Đâu là chốn quê nhà…
Tô Đăng Khoa
Sự hội ngộ “Mặt mừng tay bắt gọi tên” giữa “ta-và-ta” không phải xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật mà xảy ra trong bối cảnh của “Ánh đêm sắc lẻm” của sự nội quán: Trong đó lằn ranh giữa “Nhớ” và “Quên” quyết định sự “chia lìa” hay “không chia lìa”! Hay là nói cách khác: Chính “Nhớ” và “Quên” quyết định cái gì “Có” cái gì “Không”, cái gì “Hữu” cái gì “Vô”.
Đối với riêng tôi, bốn câu thơ cuối của bài “Phía Bên Kia” là bốn câu thơ xuất thần của sự “phản quan tự kỷ”, và có giá trị rất lớn trên cả hai lĩnh vực Thi Ca và Tư Tưởng. Hơn thế nữa, nó còn có thể được chiêm nghiệm thậm sâu để ứng dụng vào đời sống hàng ngày.
Thi Tập Đêm là cuộc hành trình tiếp nối của Ánh Sáng và của Bóng sau bao nhiêu phản xạ, khúc xạ khắp chốn nhân gian nay trở Về Quê của Màn Đêm Tịch Tịnh. Rồi thì sao?
Thì rồi mai nọ mốt kia
Đem hình vá bóng sợ gì một-hai.
Phan Tấn Hải
Có những buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều và buổi tối. Khi tôi ngồi tịch lặng ngoài hiên. Đôi khi có chút gió, có khi trăng rất mờ vào đêm, hay sương còn lạnh vào ban mai. Có khi buổi trưa trong xóm vắng không người, thoang thoảng tiếng xe chạy ngoài phố xa vọng tới. Có khi chiều nắng rất nhạt, như tới từ một ký ức thời thơ dại. Tôi lặng lẽ ngồi,hông nghĩ ngợi gì, chỉ cảm nhận những làn gió nhẹ thoảng qua. Không một ý nghĩ nào khởi lên trong tâm, không một chữ nào hiện ra trong tâm. Cả thế giới chung quanh chỉ là những cái được thấy, được nghe, được cảm thọ, và không có một cái gì khác khuấy động. Tỉnh thức, cảm nhận trên thân tâm một nỗi tịch lặng không lời. Nơi đó, vắng bặt tất cả những gì có thể so đo thành chữ. Những khi như thế, tôi không muốn cử động mạnh, chỉ vì sợ làm tan vỡ những vạt nắng ban chiều, hay là sẽ làm rơi mất ánh trăng.
Có đôi khi, tôi nghe nhạc. Thường là nghe các bản hòa âm ngắn, không lời của piano, ngắn thôi, cỡ vài phút. Không hơn 4 hay 5 phút. Tôi không muốn nghe ca khúc nào dài. Cuộc đời mình có dài đâu. Thêm nữa, vì cần chiêm nghiệm về những âm vang tập khởi, và rồi những âm vang biến diệt. Sinh và diệt. Hạnh phúc và đau đớn. Nghe nhạc, có những ca khúc như thế, cho mình ý thức thêm về những hư vỡ của cõi này. Chỉ lặng lẽ ngồi nghe. Có khi không dám cử động mạnh, chỉ lắng nghe thôi, lặng lẽ, để từng âm vang ngấm vào thân tâm. Tôi cũng từng kinh ngạc, tại sao khi người ta nghe nhạc hay lại vỗ tay lớn tiếng. Lẽ ra, sau mỗi ca khúc hay mỗi bản trình tấu hay, người nghe chỉ nên ngồi lặng lẽ thêm vài phút. Vì bất kỳ những cử động nào lúc đó sẽ có thể làm rơi các nốt nhạc còn bay lơ lửng quanh mình.
Khi đọc thơ Nguyễn Thị Khánh Minh, tôi cũng cảm nhận cũng thế.
(…)
trần thị nguyệt mai
Trăng thơm
Gửi chị Khánh Minh
Ai nói gì qua lá
Mà khuya đầy trăng thơm
(trăng gần trăng xa – thơ nt khánh minh)
Lá thở từ muôn kiếp
Đếm sao trời ngàn năm
Cho đêm hoài thơm trăng
Trăng thơm trong giấc ngủ
Cứ như gần như xa
Em bềnh bồng mộng ảo
Đẹp tuyệt vời là đêm
Trăng óng ả ướp mật
Như câu chuyện thần tiên
Và ước mơ bình yên
Người thương người vô biên
Thôi chiến tranh, muộn phiền
Đêm thơm cùng với trăng
Nguyện cầu cho thế giới
Vằng vặc một tâm rằm…
29.8.2021
Kính thưa bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc,
Cháu có thể gửi email cho bác sĩ qua địa chỉ nào ạ?
Cháu muốn gửi tặng bác sĩ một bài viết ngắn, như một lời tri ân, sau khi nghe bài thơ Bông Hồng Cho Mẹ.
Mạch Nha
Email: dohongngocbs@gmail.com