Ba tầng của tâm thức – Vô Kỵ ở tầng nào?
Hồ Đắc Đằng
Ghi chú: Bác sĩ Hồ Đắc Đằng tác giả “tập truyện Phật giáo” Vô Kỵ Học Võ đã post trên trang này (https://www.dohongngoc.com/web/goc-nhin-nhan-dinh/ho-dac-dang-vo-ky-hoc-vo/) rất được bạn đọc ưa thích và đề nghị… viết tiếp. Hồ Đắc Đằng hứa sẽ cố gắng viết dài dài cho đến khi Vô Kỵ gặp được Triệu Minh mới buông viết… để Vô Kỵ về vẽ lông mày cho hiền thê! Mời bạn xem nhe.
Rất cám ơn Đèn Biển (Võ Quang) đã trợn trừng đèn pha thâu đêm để gõ bài này từ thứ chữ viết tay trời ơi của Bs Hồ Đắc Đằng!
Thân mến,
Đỗ Hồng Ngọc
………………………………………………………………………..
Vốn là Vô Kỵ có 2 thằng bạn: một thằng ở gần nó và thằng kia thì ở xa lắm, nửa vòng trái đất. Thằng ở gần đâm ra ngã bệnh. Bệnh ung thư mới ghê chứ. Bữa nọ, nó gọi Vô Kỵ:
– Mới đi Chemo về như cái mền rách, cơm canh chẳng còn mùi vị gì cả, tóc thì rụng trụi lủi, chưa đi tu mà đã thành sư.
Rồi nó cười ha hả.
– Còn mấy cái muối vừng, muối mè thì sao?
– Được đáo để, chỉ còn mấy cái đó là còn nuốt được. Ngủ thì tốt lắm. Chẳng cần thuốc ngủ, thuốc an thần gì ráo. Có mấy thằng nó cứ lo mình depressed. Mình chẳng có depressed cái con m… gì cả. Cái ung thư để cho tụi oncologist nó lo. Mình lo chuyện mình. Quán vô thường, quán về Lão Bệnh Tử là đã nhất. Hết lo sợ chết, cụ ạ.
Đúng vậy, nhận xét mấy cái tiến bộ trong công việc tu tập tâm linh của hắn từ 6 tháng qua, Vô Kỵ nhận ra rõ rệt là cái thằng bạn gần này đã đạt được cái vô úy của Phật dạy: Hết sợ chết.
Nó bèn viết một cái thư cho thằng bạn ung thư Chemo, rụng tóc nầy:
– Nầy bạn, con người ta ai ai cũng biết là tất cả chúng ta đều phải chết một ngày nào đó. Con nít 10 tuổi là đã có cái kiến thức này. Cái kiến thức về Chết này là mình ở tầng thứ nhất của tâm thức đấy: tầng não.
Xuống một tầng là đến tầng tim. Ở tầng nầy, chẳng những mình biết là ai cũng sẽ chết, mình hiểu tận tâm can là nó như vậy: gọi là chết ở tầng tim.
Tự tại, ung dung, hết sợ chỉ còn bị Chemo giày vò xác thân mà tâm thì an bình. Hai anh em cười ha hả, đồng ý dời nhà từ tầng trên xuống tầng dưới cho nó sướng và để mấy cha oncologist muốn làm gì thì làm. Mình làm theo rơm rớp cho mấy ổng vui mà vợ con mình cũng vui luôn, buồn nôn, mất khẩu vị cũng chịu được.
Vô Kỵ nó mới gửi cái thư đó cho thằng bạn xa nửa vòng trái đất. Thằng nầy cũng cười ha hả lại chêm một câu:
– Khá lắm. Chết trên não đã dời đô xuống chết trong tim là khá lắm, nhưng chưa siêu! Dời đô xuống rốn thì mới siêu đấy!
Vô Kỵ nghe, nó ngẫm nghĩ khá lâu. Xuống rốn, xuống umbilicus có nghĩa gì nhỉ, mà thằng bạn xa này muốn chỉ? Nó lựa một lúc thầy nó rảnh rỗi, không ngồi thiền mà cũng không quét sân, nhổ cỏ, nó mang vấn đề ra hỏi thầy nó:
– Thưa thầy, thằng bạn kia muốn nói cái gì vậy? Dời nhà xuống ở cái rốn?
Thầy nó mỉm cười:
– Này Vô Kỵ, thầy không chắc là bạn con muốn nói gì. Nhưng thầy có vài cảm nghĩ về cái rốn nầy.
– Thưa thầy con biết rồi. Cái rốn là trọng tâm của cơ thể con người?
– Bậy bạ! Con chẳng biết giải phẫu học (Anatomy) của con người gì hết. Trọng tâm (Center of gravity) của con người không phải cái rún mà là cái nhiếp hộ tuyến (prostate)!
Vô Kỵ cụt hứng.
– Chắc con có nghe nói là trong võ thuật có nói đến chữ đan điền. Đó là chỗ cái rốn. Đem khí lực vào đan điền và xuất phát khí lực từ đan điền. Thầy không có hành pháp nầy nên thầy không chỉ dạy cho con được. Khí lực từ tâm. Muôn sự tại tâm mà tâm ở đâu thì không ai biết. Chỉ biết là khi con có tâm tại thân thì con tỉnh mà khi con tâm bất tại thân thì con ngủ mà Phật gọi là sleep walker. Thở vô, biết thở vô, thở ra, biết thở ra là tỉnh đấy. Tâm bay nhảy là tâm ngủ ngày. Thở là hiện tại, tại đây và bây giờ.
Cái rốn, cuống rốn và cái nhau (placenta)
Vô Kỵ con, con có biết cây trái nó cũng có nhau không? Cái hạt ở chính giữa là cái thai nhi. Cái gì nuôi cái hạt ở giữa sống được nhiều ngày nhiều tháng trước khi cái hột kia đụng mặt đất và đâm rễ ra để hấp thụ chất bổ dưỡng, nước từ đất? Chính là cái trái đó.
Cái trái của cái hột là cái nhau của thai nhi.
Này Vô Kỵ. Cả nhiều tuần sau khi trứng được thụ thai, thử máu, thử nước tiểu dương tính mà làm siêu âm chẳng thấy gì cả vì cái nhau còn nhỏ quá. Bao nhiêu phân bào là để tạo một cái cơ quan căn bản để tiếp tế, hậu cần cho thai nhi nầy: Cái nhau.
Kế đó, cái cuống rốn như sợi dây liên hệ của phi hành gia rời khỏi phi thuyền, chỉ còn sống được qua sợi dây cuống rún này.
Nhân loại mà sống được trong giai đoạn này là nhờ tiếp xúc hết sức chặt chẽ với mẹ. Quả địa cầu là mẹ của muôn loài, là lẽ sống của muôn loài, là nhân chứng của hiện hữu.
Con nhớ khi Đức Phật mới đắc đạo dưới cội Bồ đề, Ma Vương hiện lên cám dỗ. Ngài chỉ mỉm cười “Ta biết nhà ngươi rồi” và dùng bàn tay trái của Ngài chạm mặt đất như một nhân chứng: “My family is all humanity ; My home is Earth”. Chạm đất là về nhà. Nhà là vững vàng tám gió không động.
Ai ai cũng có một cái nhà mà mấy ai tìm trâu, thấy trâu và dắt trâu trở về nhà được!
Rốn là nhà mà từ đó con bám lúc con ra đời. Rốn cũng là đất mẹ, là nhà để con trở về lúc con tắt hơi.
Cắt cuống rốn, bơ vơ trong đời. Khi cái dây loằng ngoằng nhơn nhớt bị kẹp giữa 2 cái kềm nhỏ và cây dao của bà mụ cắt ra làm hai, con phải tự thở lấy, khóc oe oe và tự ăn lấy, nút chụt chụt. Con khóc là vì cái phòng sanh ồn ào quá, sáng chói quá, ai cười, ai khen con cóc cần. Con chỉ tiếc cái thiên đường êm ái, yên lặng, để con ngủ ngon mà không cần làm gì cả, cả ăn lẫn thở. Ôi, thời kỳ huyền diệu này không còn nữa khi bà mụ cắt cái cuống rốn này.
– Thưa thầy, tại sao khi tâm thức xuống đến rốn thì còn hơn là ở tầng tim nữa?
– Tầng tim là con hết sợ chết. Tầng rốn thì con đã về đến nhà rồi. Nếu sánh trong thập mục ngưu đồ (tranh chăn trâu), tầng tim là mục đồng ngồi mình trâu, thổi sáo, về nhà, tầng rốn là về đến nhà, tấm tranh thứ 10, không còn mục đồng cũng không còn trâu.
Vô Kỵ trầm ngâm, ngẫm nghĩ, lâu nay nó cứ muốn hỏi về tranh chăn trâu này mà nay có dịp thầy giảng luôn cũng được.
– Thưa thầy, khi người ta chết, có nhiều người muốn được về chết ở nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Cái nhau của mẹ đã được hỏa thiêu từ ngày mình sanh.
– Vô Kỵ, con không có biết y khoa gì ráo. Con nói cái nhau của mẹ. Thật ra cái nhau là của con đấy. Cái trứng vừa được thụ tinh chính là con. Dĩ nhiên, từ mẹ cha cung cấp vật liệu cho con cất nhà. Cái nhau nầy là của con đấy. Nhà thương đốt cái bộ phận này của con như đốt một cái cơ quan mà con không còn cần dùng nữa. Con tự ăn, tự thở được rồi. Nhau rốn trở về đất mẹ, chờ con đến lúc con cũng trở về đất mẹ, đoàn tụ lại. Trở về nhà là vậy.
Nơi chôn nhau, cắt rốn này không tùy thuộc địa dư, vì tất cả nhân loại chưa có người nào mà nhau, rốn của họ được chôn trên thiên hà Andromeda. Vì vậy thái tử Sĩ Đạt Đa mới tuyên bố nhà của người là địa cầu. Đâu đâu cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của mình hết. Con học được gì, Vô Kỵ?
– Thưa thầy, nhau rốn là nhà của mình, cả nghĩa bóng lẫn nghĩa y khoa. Mới sanh ra thì một phần căn bản nhất đã chết rồi, sau 100 năm chết một lần nữa, lại quay về nhà cũ cũng được thôi. Không gì ung dung tự tại bằng về đến nhà, thưa thầy.
Thầy nó mỉm cười, vui thấy Vô Kỵ đã hiểu.
HĐĐ.