Người thầy thuốc được học để chữa cái đau, cái bệnh cho con người nhưng con người không chỉ đau, chỉ bệnh, con người còn khổ nữa! Nỗi khổ còn nặng nề hơn cả nỗi đau, dày đặc, dài lâu hơn nỗi đau, làm cho con người héo hắt, không sao có thể đạt được cái sức khỏe mà theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là: Sự sảng khoái (bien-être; well being) về thể chất, tâm thần và xã hội, chứ không phải chỉ là không có bệnh tật! Chính cái khổ rồi cũng dẫn đến cái đau, cái bệnh, làm trầm trọng thêm tình trạng sức khỏe của con người. Ai cũng biết người mẹ đang cho con bú mà khổ vì ghen thì sữa có thể bị dứt đột ngột, con phải bị đói. Thuốc gì chấm dứt cơn ghen, tái lập phản xạ tiết sữa? Ai cũng biết người đau bao tử, người cao huyết áp không phải chỉ là do bao tử, do huyết áp, mà do sự bực dọc, đè nén, căng thẳng (stress) trong các mối quan hệ với gia đình, xã hội và cả với chính bản thân mình.
Người thầy thuốc có thể cho viên thuốc nhức đầu, đau bụng, thuốc ngủ, thuốc giải lo (anxiolityque) nhưng được bao lâu rồi đâu lại vào đó, nặng hơn, trầm trọng hơn vì nỗi khổ vẫn còn kia! Trước một người bệnh bị suy sụp, khủng hoảng tinh thần, một người chìm trong nỗi tuyệt vọng, một người đầy những mặc cảm tự ti, hoặc đầy thù hận… thì người thầy thuốc làm cách nào để giúp họ với những kỹ thuật y khoa và thuốc men dù rất tân kỳ, rất tiến bộ ngày nay? Tham vấn sức khỏe (health counselling), một phương thức “điều trị” mới – kết hợp Y học- Tâm lý- Xã hội học- góp phần giải quyết các vấn đề khó khăn trên của ngành Y.
Tham vấn sức khỏe là một tiến trình đối thoại và tương tác giữa tham vấn viên và thân chủ, giúp xác định một vấn đề, giải quyết một khủng hoảng, quyết định một kế hoạch hành động. Tham vấn đòi hỏi thời gian và một số điều kiện để thiết lập mối tương giao lành mạnh, truyền thông hiệu quả giữa tham vấn viên và thân chủ, nhằm giúp thân chủ tự khám phá, tự hiểu biết, tự quyết định và có hành động tích cực, làm chủ được cảm xúc, thích nghi với hoàn cảnh mới và nhờ đó cải thiện đựơc những vấn đề của chính mình…
Tham vấn sức khỏe gồm tham vấn khủng hoảng (crisis counselling), tham vấn quyết định (counselling for decision-making) và tham vấn hành vi (behavioral counselling). Mỗi kiểu có tiến trình, vị trí của thân chủ, vai trò của tham vấn viên và phương pháp khác nhau, nhưng cốt lõi vẫn là mối quan hệ giữa một người có kỹ năng là tham vấn viên ( ở đây là thầy thuốc) và một người có nhu cầu là thân chủ (bệnh nhân). Nếu tương quan này mà trục trặc, gãy đổ, thì tiến trình tham vấn sẽ thất bại.
Tham vấn “thân chủ trọng tâm” (client-centered) do Carl Rogers đề xướng là cốt lõi của cả ba loại tham vấn sức khỏe nêu trên. Thân chủ là trọng tâm của tiến trình tham vấn, vì chính thân chủ chứ không phải ai khác biết rõ vấn đề của họ, cảm xúc của họ và những giải pháp của họ. Tham vấn viên là người giúp đỡ, hướng dẫn nhưng không quyết định thay họ được. Tham vấn viên giúp cho thân chủ tự khám phá, tự hiểu biết, tự quyết định. Có thể ví thân chủ là bà mẹ đau đẻ, còn tham vấn viên là cô mụ đỡ đẻ. Cô mụ giúp bà mẹ đẻ chứ không thể đẻ thay cho bà mẹ được.
Mối tương giao lành mạnh giữa thầy thuốc và bệnh nhân là bản chất của quá trình giúp đỡ này. Suy nghĩ và cảm xúc của thân chủ là yếu tố quan trọng chính yếu. Cảm xúc và suy nghĩ của thân chủ là yếu tố quan trọng. Cuộc đối thoại và tương tác giữa tham vấn viên và thân chủ sẽ tùy thuộc vào bản chất chủ quan của vấn đề do thân chủ đặt ra. Tham vấn đòi hỏi thời gian, sự bền lòng, những khoảnh khắc lặng im, khả năng vượt qua chính mình của tham vấn viên. Giải pháp đã luôn có sẵn. Vấn đề là nhận ra. Cuối cùng chính thân chủ tự giúp họ. Còn vai trò tham vấn viên là hỗ trợ, xúc tác mà thôi. Để có được mối quan hệ tốt đẹp đó, cần có một số điều kiện, cũng có thể gọi là phẩm chất, và kỹ năng cần thiết của tham vấn viên.
Đức tính quan trọng hàng đầu của tham vấn viên là thấu cảm (emphathy), nghĩa là có khả năng đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh của thân chủ để thấu hiểu một cách sâu sắc suy nghĩ, cảm xúc của họ. Thân chủ thấy có người hiểu được mình, thông cảm trọn vẹn với mình thì sự bộc lộ, giải bày càng dễ dàng, thẳng thắn. Đặt mình trong tình huống của thân chủ, xem xét vấn đề theo quan điểm của thân chủ, đánh giá theo cách nhìn của thân chủ, tham vấn viên mới có thể trải qua các kinh nghiệm của thân chủ và thực sự cảm thông, từ đó giúp thân chủ tự khám phá, tự thay đổi. Các đức tính khác là chân thành (genuine), trung thực (congruence) và tôn trọng (respect) hay chấp nhận (acceptance) là những đức tính đòi hỏi phải có ở một tham vấn viên để có thể tạo mối tương giao lành mạnh, truyền thông hiệu quả.
Điều gì làm cho ta khi vui thì tìm đến người này mà khi buồn khi khổ thì tìm đến người kia? Rõ ràng khi khổ khi buồn, ta tìm đến một người biết lắng nghe, biết chia sẻ. Người đó không thể ngồi với ta mà cứ nhìn đồng hồ, cứ lo ra vì những việc khác. Người đó không thể nói những lời đãi bôi, an ủi, vỗ về, giảng đạo đức, tỏ ra thương hại hay ban ơn. Người đó cũng không thể bép xép, hoặc suy diễn. Lúc đó ta cần một người chia sẻ lặng lẽ, biết lắng nghe để ta được giãi bày. Giãi bày, trút hết nỗi lòng thì đã làm vơi đi bao nỗi khổ đau, giảm nhẹ đi một nửa gánh nặng. Người đó còn phải biết tôn trọng ta hay ít ra chấp nhận ta như là ta? Dĩ nhiên, có tôn trọng thì mới lắng nghe. Chỉ cần một ánh mắt, một cử chỉ, một lời nói không đúng lúc, đúng chỗ là đủ làm sụp đổ, đủ làm ta co cứng, gồng người, khựng lại, rồi giấu giếm, phân trần và trốn chạy… Một người mà cử chỉ, lời nói, cái nhìn, cái nghĩ mâu thuẫn thì ta biết ngay là không trung thực, không đáng tin cậy buộc ta phải thủ thế, phải đề phòng. Người đó không có tình thương thực sự. Và dĩ nhiên người đó không thể hiểu ta. Vì có hiểu mới thương. Khi có tình thương đích thực thì ngay cả lời xỉ vả, quát tháo ta thấy vẫn vui, vẫn nhẹ người vì được hiểu, được thương, được san sẻ.
Bỏ được qua một bên những quan điểm riêng, giá trị riêng của mình để đặt mình vào địa vị người khác, hòa mình vào kinh nghiệm người khác quả là không dễ dàng nếu không sẵn có lòng từ tâm. Đây là việc không dễ dàng cho người làm tham vấn!. Nhưng thế vẫn chưa đủ. Thế cũng mới chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Còn đòi hỏi một cái nhìn trọn vẹn về cuộc sống, về con người, về mối tương quan của mỗi con người và hoàn cảnh xã hội. Nhìn bằng cái nhìn biến dịch, bằng cái nhìn tương tác, ta thấy cuộc sống thật là phong phú và khả năng thay đổi, là có được ở mỗi con người. Cái nhìn đó làm cho ta tin tưởng ở con người hơn, yêu thương con người hơn, và giúp ta tạo đựơc mối tương giao lành mạnh tốt đẹp giữa tham vấn viên và thân chủ, ở đây là giữa thầy thuốc với bệnh nhân…
Trả lời