Ghi chú: Trong bài giảng cho lớp An Cư vừa rồi, tôi có nhắc đến Placebo (giả dược).
Xin đăng lại bài này để làm tài liệu đọc thêm.
ĐHN
Lớp An Cư chùa Xá Lợi 2022
Bài đọc thêm (1)
Hiểu thêm về “giả dược” (Placebo)!
Lý thú trong “nghệ thuật” dùng thuốc chữa bệnh là giả dược (Placebo), hay còn gọi là thuốc vờ – thuốc giống y như thật nhưng không có tác dụng dược lý- chỉ tạo ra hiệu ứng Placebo đôi khi rất thú vị. Placebo thường được dùng trong nghiên cứu Y học, thử thuốc lâm sàng có đối chứng (controlled studies) hoặc dùng để chữa một số triệu chứng đặc biệt, và cũng có khi dùng để thoả mãn đòi hỏi của người bệnh ham uống thuốc, chích thuốc dù bác sĩ thấy không cần thiết. Placebo có đủ loại, thuốc uống, thuốc thoa và thuốc chích. Tên gọi Placebo đã có từ xa xưa và đến năm 1785, Placebo đã có tên trong tự điển Y học với nghĩa là “thuốc gây niềm tin” (make – believe medicine).
Nó là một chất trơ, không gây dị ứng, hoàn toàn vô hại, thế nhưng lại có tác dụng đặc biệt trên một số bệnh nhân, cả tốt lẫn xấu, gọi chung là hiệu ứng Placebo. Các nghiên cứu cho thấy Placebo có hiệu ứng đặc biệt với một số ngừơi nhạy cảm. Những người này có một trạng thái tâm lý dễ tin, dễ cảm xúc và dễ bị thuyết phục hoặc dễ tự kỷ ám thị. Chuyện không lạ trong Y học. Thí dụ “Hội chứng áo choàng trắng” thường gặp ở một số người được bác sĩ đo huyết áp thì huyết áp tăng vọt. Chỉ cần bước chân vào bệnh viện, thấy nhân viên y tế với chiếc blouse trắng, ống nghe, người quá lo đã tiết ra nhiều chất adrénaline hơn người khác , chất này làm co mạch và huyết áp tăng vọt lên. Ở trẻ con thì có hội chứng “Đau bụng sáng thứ hai” do sợ đi học và cũng thường gặp ở một số thí sinh mắc tiểu hoài khi bước vào phòng thi! Đây là lĩnh vực y khoa tâm – thể (médecine psychosomatique) ngày càng được quan tâm. Nghiên cứu sâu hơn, người ta phân chia ra nhiều týp hành vi của con người. Người thuộc nhóm hành vi này có thể sẽ dễ mắc một số bệnh nào đó mà nhóm khác không mắc.
Trở lại hiệu ứng Placebo, người ta thấy placebo có thể chữa được các “bệnh” như lo âu, căng thẳng, buồn bã, âu sầu, rối nhiễu tâm lý, các chứng đau, nhức đầu, ho, mất ngủ, say sóng, cảm, đau bao tử, nôn ói, cao huyết áp… Người ta ngạc nhiên thấy Placebo cũng gây “tác dụng phụ” (phản ứng thuốc) dù đó chỉ là thuốc vờ không phải thuốc thật như nôn ói, chóng mặt, buồn ngủ hoặc mất ngủ, uể oải, trầm cảm, ảo giác, hồi hợp, tiêu chảy, nổi ban… Thực ra tất cả những hiện tựơng đó đều do một sự tự phản ứng của cơ thể chớ không phải do Placebo. Sợ quá đến nỗi ruột thắt lại, gây tiêu chảy; lo quá đến chóng mặt, trầm cảm, hồi hộp vẫn là chuyện thường thấy.
Lạ lùng là có người “nghiện” Placebo nữa! Mỗi lần đi khám bệnh luôn đòi bác sĩ phải cho đúng thứ thuốc đã quen dùng, đúng bao bì mẫu mã đã quen nhìn! Khi nghiên cứu mối quan hệ thầy thuốc – bệnh nhân, lời nói của bác sĩ cũng tạo nên hiệu ứng placebo. Giải thích cơ chế tác dụng này, người ta cho rằng chính nhờ có mối quan hệ tốt với bác sĩ, người bệnh tự tin hơn ở năng lực khỏi bệnh của mình, hợp tác tốt với bác sĩ, có hành vi sống lành mạnh hơn, nhờ đó mà khỏe ra. Tóm lại, Placebo không chỉ là thuốc mà còn là mối quan hệ, cách truyền thông hiệu quả giữa thầy thúôc và bệnh nhân.
Hiểu về Placebo, ta không ngạc nhiên khi thấy nhiều thứ quảng cáo “trời ơi”, thiếu cơ sở khoa học mà vẫn đựơc nhiều ngừơi tin dùng và truyền tụng như là một thứ thuốc thần, kết quả chỉ làm chậm trễ việc chữa trị và “tiền mất tật mang”.
BS Đỗ Hồng Ngọc
[…] … Hiểu về Placebo, ta không ngạc nhiên khi thấy nhiều thứ quảng cáo “trời ơi”, thiếu cơ sở khoa học mà vẫn đựơc nhiều ngừơi tin dùng và truyền tụng như là một thứ thuốc thần, kết quả chỉ làm chậm trễ việc chữa trị và “tiền mất tật mang…” Nguồn @ https://www.dohongngoc.com […]