LA-GI DU KÝ
Nguyễn Lệ Uyên
Khi không hai ông “bạn trẻ” đốc tờ gọi, một ông lúc chiều tối, ông nọ lúc giữa trưa, cách nhau chừng 10 tiếng, hỏi “có muốn rong chơi không?”. Dĩ nhiên nhận lời ngay, nhưng bụng dạ thì cứ sôi rồn rột. Vì các chàng đều là dân “bảnh tỏn” trong khi mình lại là tay kiết xác mà ham vui!
Tôi cũng biết tỏng từ lâu, hai ông đốc tờ cộng với ông họa sĩ thì chưa chắc “chân cứng đá mềm” bằng phía trái không thuận của anh chàng nông dân xứ xương rồng trong chuyện leo trèo chạy nhảy; cho nên có giang hồ cùng trời cuối đất thế nào cũng chấp cả “cơm sôi” với “nhớ nhà”.
Xe đón ở ngả tư Hàng Xanh. Dòm vào đã thấy có hai trợ lý, một cho ông bác sĩ, một cho họa sĩ. Kể ra như vậy là khá an toàn.
Nơi đến là nơi tôi đã từng đến, đã bỏ lại trong phút chốc nhà cao tầng chen chúc, xe cộ nối đuôi, ồn ào, khói bụi xập xình… Giờ thì đang băng qua những con đường quanh co; lúc thì chìm lút vào giữa rừng cây thưa, khi lòi ra giữa cánh đồng vắng có đàn cừu, vài con cò trắng bên cạnh đàn bò thong thả gặm cỏ. Yên bình đến lạ.
Xe qua chân núi Chứa Chan, rẽ vào Hàm Tân và dừng ở La Gi, quê hương của Đỗ Hồng Ngọc, đúng 10 giờ sáng, uống cà phê sát bờ sông Dinh, bên đập Đá Dựng. Anh giới thiệu con đập này được TT Ngô Đình Diệm cho xây dựng vào năm 1957 (tỉnh Bình Tuy) để dẫn nước tưới cho cánh đồng phía trên. Thuở nhỏ, anh và bạn bè thường cởi truồng đứng trên thân đập lao xuống, ngoi ngót giữa trưa nắng. Đập không rộng, không có dáng hùng vĩ như Đồng Cam, nhưng hai bờ cây rừng chen khít, tầng lá xanh che kín, thỉnh thoảng nhô lên mái ngói đỏ, những cây phượng vỹ chói rực bên bờ tây, gần hơn chút, ngày xưa là chùa một cột đứng thoi loi bên mé sông (đã sụp đổ lâu rồi). Giá như không có phiên bản này, tôi nghĩ, dòng sông Dinh sẽ thơ mộng hơn, hoang dã như nó đã từng trước đó. Cũng may, chủ nhân quán này còn biết tôn trọng thiên nhiên, cứ để những cây rừng đứng chung với bàn ghế trong sân: những cây duối, cây bàng lẻ, thao lao và dây leo quấn quanh.
La Gi rộng, nhưng không sầm uất, như một cô gái quê đội nón lá, mặc áo mới, chân đi guốc lên phố chợ. Vẻ mộc mạc, chơn chất vẫn còn ở những con đường quanh co, còn biết nhớ đến các bậc danh nhân để đặt tên đường. Tôi thực sự xúc động khi vòng qua đường Trương Vĩnh Ký, uốn lượn, vòng vèo như đang đi trong đường làng… Mấy nơi được như chốn này?
Xe đi tiếp xuống Ngãnh Tam Tân nay còn có tên Mỏm Đá Chim thuộc xã Tân Hải, chừng 12 cây số. Hai bên đường là vườn cây thanh long héo rũ, gãy đổ. Tôi hiểu thân phận của các “ông vua” hơi hám du lịch biển dẫn đến “tra tấn” thiên nhiên là chuyện thường tình ở xứ sở sặc mùi kim tiền, thiếu vắng niềm ân ái hòa đồng với đất trời.Và, tôi hiểu vì sao, khi kể chuyện Hàm Thuận, Hàm Tân, La Gi từng là nơi bò rừng, mển, cọp, beo… quần tụ dưới tầng cây cao thấp đã bị xóa sạch vết chân, anh Ngọc kể với giọng ngậm ngùi. Đâu chỉ riêng quê anh vắng tiếng gầm cọp beo, mất hút những tiếng “tác, tác” của mển, cheo, tiếng gà rừng gáy trưa… cả đất nước này, cả thế giới đều lâm vào thảm trạng não nề đó.
12 giờ trưa tới Dốc Trâu, những động cát trắng phau, cao ngút nối dài tới gần Ngãnh. Đứng dưới phải hất mặt lên mới đụng ngọn. Vẻ hoang sơ của nó đang bị tô vẽ bộ mặt mới. Những cọc bê tông cắm xuống, hàng rào lưới quây nhốt gà vịt, vài nhà cao tầng chen ngang… Nhìn ngang, ngó dọc, Thân Trọng Minh kêu lên, Dốc Trâu đẹp quá, có khi còn đẹp hơn Dốc Lết! Không rõ, nếu Huyền Chiêu Khuất Đẩu mà nghe “phát ngôn” này có dậy lòng tự ái hay không?
Bữa trưa đúng phong vị biển, bởi nơi quán tiếp với biển với những thuyền thúng câu mực, thả lưới bắt cua ghẹ đang thả mình trên bãi sau một đêm dài lên đênh trên ngọn sóng. Nếu như các cụ Tản Đà, Vũ Bằng có sống lại và ngồi đây, lúc này, hẳn cũng không thể lắc đầu, bởi sự chọn lựa món ăn từ một người sành ăn như anh Minh thì không ai chê nổi. Trước đó mấy phút, các vệ binh của Long hải Diêm vương còn vươn vòi, ngo ngoe càng, giương vây bơi lội quanh hồ nhỏ, giờ đã đổi màu nằm im trên dĩa: mực luộc, tôm hấp, cua biển rang me, cháo cá mú… khiến tôi có cảm giác như chiếc bàn ăn sắp bị lún sâu xuống nền cát vài phân!
Mùi gió biển, mùi tôm cua, sóng biển vỗ rì rào, chân trần chạm trên nền cát ướt và những chàng thanh niên U 80 như đang ở một thế giới khu biệt với cái ồn ào “dzô, dzô…” rất kém vệ sinh trong thành phố.
Trong bữa ăn đầu tiên (của chuyến “đi bụi”), chỉ quan sát lần đầu, tôi đã khám phá ra điều thú vị: Trời sinh ra cha con Thân Trọng Minh và Triết là một cặp đôi hoàn hảo, là hai người bạn nâng đỡ và chia sẻ cùng nhau. Không có hai người thì món ăn kém hương vị, ly rượu mất chất ngọt ngào, khói thuốc không còn những vòng trắng mơ mòng khiến sóng biển thôi vỗ vào bờ và nước biển cũng nhạt đôi phần?
Nhưng với chàng họa sĩ Cóc thì ngược lại. Chừng mực như một vị chân tu. Ăn nói nhẹ nhàng, bước chân rón rén… Vì vậy tôi mới rõ vì sao anh bị “cà lăm” với mối tình đầu và mãi mãi cà lăm với những mối tình không tên tuổi, khiến anh trút hết tinh lực vào những đường nét, màu sắc trên những bức tranh của anh lúc nào cũng mang phong thái của tuổi dậy thì, khiến chị Kim Quy phải lòng, khiến những bức tranh anh tặng (Bến đỗ), tôi luôn treo ngược lên vách: doi đất hay thuyền câu giữa dòng sông, hai bờ cây cong xuống điệu đà xanh mướt tôi lật chổng lên cho mặt trời thành mặt trăng ngâm mình giữa dòng nước lạnh băng của Lý Bạch?
Riêng ông bác sĩ, nhà thơ, du sỹ, thiền sỹ, cư sỹ… thì phong thái đời và đạo trộn lại làm một. Từ cái ăn, cái ngủ chí cách đi đứng nói cười…tôi có cảm giác thiệt và giỡn nơi anh chính là giỡn và thiệt. Anh thở mà không thở, ăn như không ăn mà ăn! Đáo bỉ ngạn rồi chăng? Đêm ngủ cùng phòng, anh cho ếch kêu vang dậy, lúc ồm ộp, khi nỉ non ai oán như mùa chúng động dục, đến nỗi tôi phải vác chăn ra hành lang nằm, phải thêm vài ba ly rượu để ngủ vùi. Nhưng khi ngâm mình dưới nước biển, tôi mới “ngộ” ra: ếch kêu là ếch không kêu. Những tối tiếp theo, tôi đánh một giấc dài không mộng mị chiêm bao. Anh xem, tôi cũng mon men tới chỗ “đạo khả đạo phi thường đạo” rồi đó chăng?
Đây là lần thứ hai tôi đến Ngãnh, mỏm Đá Chim, Tân Hải – La Gi. Nhưng nếu có lần thứ ba, thứ tư… tôi vẫn. Bởi đây là vùng biển còn hoang sơ, chưa bị nền văn- minh-công-nghiệp-không-khói tra tấn.
Bãi nông, cát trắng phau, dấu chân người và rác thải vẫn còn mắc cỡ. Bến cá thu nhỏ một góc rất sạch sẽ. Người dân thì hiền và chơn chất như thời cọp beo đông hơn người xứ này. Rổi bờ chào mời các loại hải sản nhưng không chèn ép, thách giá… khác xa với cái táp nham của biển Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Nẵng, Quy Nhơn… Nhưng liệu nó còn trụ vững tới bao lâu khi mà nước biển mát lạnh giữa mùa hè, sóng lăn tăn không ồn ào dữ dội. Không ai đoán được. Vì những cọc bê tông đang thọc sâu xuống nền đất, rải rác quanh đây. Thôi thì cứ theo phép thắng lợi tinh thần giỡn là thiệt, ếch kêu là ếch không kêu, tha hồ ngâm mình vẫy vùng một góc hẹp ở biển, hít thở khí trời trong veo chót Mỏm Chim, vùi trong nắng và gió ở Ngãnh phủi gọn mọi triền phược đeo bám quanh người.
Ngay tại Ngãnh Tam Tân này còn có ngôi mộ của nhà văn Nguiễn Ngu Í và song thân. Tôi nghĩ cụ Nguiễn Ngu Í đã chọn mảnh đất tuyệt đẹp này làm nơi an nghỉ cuối đời là hoàn toàn đúng đắn. Lắm người ao ước mà biết có được chăng?
Hôm sau, anh Đỗ Hồng Ngọc lại hướng dẫn ra Phan Thiết theo con đường sát biển để ngắm nhìn nước biển trong xanh, trời xanh mây trắng, nhìn bãi Đá Nhảy từng hòn chồng lên nhau, làm tôi nhớ mấy câu thơ của Nguyễn Đức Sơn:
“Trên biển vắng bánh xe đời lóc cóc
Anh thật tình mát mẻ giữa hư vô”
(Dặn dò một mai, NĐS)
Đây là vùng Mũi Kê Gà nổi tiếng với Hải đăng trên trăm năm. Cuối bãi Đá Nhảy có thể nhìn thấy Mũi Né xa xa, định vị được lầu Ông Hoàng. Trước khi ăn món cơm gà đặc sản Phan Thiết, anh đưa chúng tôi đi thăm Thanh Minh Tự, xem cây me trên 200 tuổi giữa trưa nắng chan chan. Ngôi chùa nhỏ, ngói tường, rường, cột kèo xiên trính từ xa xưa còn sót lại lẻ loi, lạc lõng giữa những căn biệt thự, nhà, phố sầm uất, thênh thang…Không quên ghé thưởng thức món chè Mộng Cầm thiệt ngon.
Đoạn trở lại Mỏm Đá Chim, không theo đường cũ mà vòng qua núi Tà Cú, tôi mới chợt nhớ quê hương của Đỗ Hồng Ngọc còn có một ông nhà văn Nguyễn Hiệp, nhà dưới chân Tà Cú, với truyện Dưa huyết đọc rất ấn tượng, rồi lại lai rai nhớ ra xứ Phan Thiết Bình Thuận có rất nhiều người tài hoa, lớp trước lớp sau kể không hết: Hoài Khanh, Từ Thế Mộng, Nguyễn Bắc Sơn, Phạm Văn Nhàn, Nguyễn Hiệp, Nguyễn Như Mây, Đồng Chuông Tử, Hồ Việt Khuê, Liên Tâm… Hèn chi mà mọi người dân già trẻ gái trai đều biết đến anh, nhớ đến ông BS ra tay chữa bệnh cho em bé không cần thuốc (em bé nay đã là thiếu nữ 20 tuổi). Tình cờ đọc được tạp bút của Bạch Vân Nhi trên giai phẩm Hoa Biển (tháng 4-2020 chi hội VHNT La Gi), có đoạn ngắn nhưng vô cùng trang trọng: “Mình cũng luôn tự hào rằng quê mình có những người giỏi giang như bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc… nhớ Lê Quý Đôn viết trong Vân Đài Loại Ngữ: Người ơ vùng biển thì giàu trí tuệ, người ở vùng núi thì giàu nhân nghĩa…”.
Ôi chào, đọc tới đoạn này tôi sướng rơn, thơm lây vì được là bạn là em của ông giỏi giang, sướng ngất trời mây trắng bay!
Ba ngày ở biển La Gi chỉ để đầm mình trong nước mặn, hít thở khí trời; có những nơi biết rồi không đến (Dinh Thầy Thím, chùa Phật Quang…), có nơi chỉ ngang qua nhìn (bến cá sông Dinh, tượng Phật nằm trên Tà Cú), rồi quay về chốn bụi bặm phù sinh.
Nhưng còn cố níu kéo, thanh tẩy bợn cặn sần sùi, sân si, … trong người, bèn kéo nhau viếng Thiền viện Viên Chiếu, diện kiến các sư nữ Như Đức, Viên Thể… các bậc chân tu theo đúng nghĩa, ăn trái cây, hưởng lộc Phật và đứng trước cây rơm vừa vi vu đất trời mang mang vừa nhớ lại tuổi ấu thơ chăn bò, gánh rơm, đốt đồng, nướng khoai nhổ trộm… Quá 70, một chút trẻ con may mắn còn sót lại.
Nếu có ai lỡ miệng hỏi, có muốn đi nữa không? Đi. Chỉ trong một sát na trả lời. Đi. Để được ngồi giữa rừng cây vên vên ở Bưng Riềng, đi để được ăn bánh xèo nức tiếng Tân Hải mà không ăn, để được cầm miếng chả lụi quấn vào bánh tráng rau thơm, ăn chè Mộng Cầm, gối đầu lên cát nghe biển thì thào bên tai như người tình hát ru thời trai trẻ…
(NgLu, 26.6.2020)
Để lại một bình luận