BÀNG BẠC MỘT TẤM LÒNG…
Đọc “ĐỂ LÀM GÌ” của Đỗ Hồng Ngọc
Hai Trầu Lương Thư Trung
Bàn về tác phẩm mới nhứt “Để Làm Gì” của Đỗ Hồng Ngọc vừa phát hành hồi tháng 6 năm 2020 thì rất nhiều bậc thức giả đã đọc và đã nhận định về đủ mọi khía cạnh của tác phẩm này rồi; ở đây với tư cách là một người đọc nhà quê già, tôi chỉ có thể nêu lên được vài cảm tưởng của một người sống cùng thời với tác giả bằng cách để lòng mình chảy tràn theo tấm lòng của tác giả qua từng chủ đề mà tác giả ghi chép lại trên từng trang sách ấy.
Từ đó, cảm tưởng đầu tiên của tôi là thấy tác giả đã trải lòng mình để nhớ về những người cũ, những thế hệ đi trước, những người mà tác giả hằng ái mộ và kính trọng. Đó là khi tác giả nhắc về nhà văn Võ Hồng với tên tuổi mà trong văn giới cũng như người đọc sách chắc ai cũng đã có lần mở ra những trang sách như Hoa Bướm Bướm, Hoài Cố Nhân… hoặc gần gũi nhứt là Một Bông Hồng Cho Cha, Người Đi Trong Bóng Lá… Ở đây tôi muốn ghi nhận về tấm lòng của tác giả nghĩ về một Võ Hồng với nỗi “cô đơn uy nghi” của tuổi già lúc nhà văn ở vào cái tuổi 80:
“Vẫn căn gác nhỏ với một phòng chừng hơn chục mét vuông, vừa là chỗ ăn chỗ ngủ, chỗ làm việc, tiếp khách… lổn nhổn những sách vở, thư từ, bản thảo… tràn lan trên bàn, trên nệm, dưới gầm. Nhờ cái sân thượng phía trước khá rộng có bóng râm cây khế, cây dừa mà ông có một khoảng không để mà trầm tư, mà hoài cố nhân…”
Với khung cảnh mà tác giả vừa nhắc, chúng tôi, những người bạn cùng thời lúc còn trẻ hồi ở Nha Trang vào những năm 1970-1973, có vài lần đã ghé thăm nhà văn Võ Hồng nơi địa chỉ, nếu tôi nhớ không lầm, đó là căn nhà số 53 đường Hồng Bàng, gần bến xe mới Nha Trang lúc bấy giờ, thì cũng vẫn những ly tách bàn ghế đều ngổn ngang bề bộn như vậy! Rồi khi nhà văn Võ Hồng ở tuổi 91, Đỗ Hồng Ngọc lại một lần nữa ghé thăm tác giả “Hoa Bươm Bướm” với lời cảm ơn người học trò cũ săn sóc nhà văn Võ Hồng rất cảm động:
“Năm ngoái, có dịp về Nha Trang, tôi lại ghé thăm ông, bấy giờ ông đã 91 tuổi, đã dần dần khó tiếp xúc… Cô Đạm, người học trò cũ quý thương ông vẫn là người hằng ngày trực tiếp đến chăm sóc ông cùng với một người giúp việc. Ông tuy nằm liệt giường đã lâu vậy mà trông vẫn thanh mảnh, sạch sẻ lắm. Tôi cảm động nói với cô Đạm, thay mặt những bạn bè thân quen gần xa của nhà văn Võ Hồng, trân trọng cảm ơn cô.”(Để Làm Gì, trang 70).
Nếu như ông không có chút lòng làm gì có những chuyến đi rất xa xôi để thăm lom và nói lên được lời cảm ơn rất trân trọng dành cho cô Đạm, người học trò cũ của Võ Hồng?
Rồi tác giả “Để Làm Gì” cũng không quên những người bạn một thời xa lắm thuở hàn vi – có tới hơn bốn năm chục năm- khi nhắc về nhà văn Trần Hoài Thư với nhiều kỷ niệm khi đọc được câu thơ của người bạn mà “muốn rơi nước mắt”:
“Bụi chuối nhà ai bên đường đã mọc
Chuối mẹ chuối con, trời hỡi quê nhà!”
(Xa Xứ, Trần Hoài Thư)
Hai tiếng “trời hỡi” mới “cải lương” làm sao! Nhưng nó đã làm tôi muốn rơi nước mắt! Cải lương thật tuyệt vời!”
Rồi tác giả lại nhớ tiếp với một tấm lòng lúc nào cũng thương bạn:
“Bốn mươi năm trước, những ngày ở Nha Trang, tôi lang thang cùng anh trên bãi biển đầy những cơn sóng thịnh nộ giữa những ngày tháng bão bùng… Rồi ở Saigon, có lần tôi đèo anh bằng chiếc xe lọc cọc của mình đến tòa soạn Bách Khoa, nơi anh hò hẹn… Trần Hoài Thư là một chàng thư sinh nho nhã, vầng trán rộng quá khổ, đôi mắt hun hút sau tròng kính cận, những ngón tay lòng thòng, dáng đi lỏng khỏng… Anh là một kẻ “nòi tình”, dễ nước mắt, dễ giận hờn, dễ đắng cay…
Bốn mươi năm không gặp lại. Anh vẫn nhắc tôi món bánh cuốn nóng ở cạnh nhà mình mà hôm đó anh và tôi ra ngồi bên lò lửa từ rất sớm, để tiễn anh đi, không, tiễn anh về. Về nơi gió cát. “Đêm trăng này nghỉ mát nơi nao”. Không cầm lòng được, hôm đó tôi đã viết cho bạn:
“Ta cũng muốn ngâm tràn câu tống biệt
Đưa người đi tiếng sóng ở trong lòng
Nhưng khói thuốc đã cay sè đôi mắt
Có ai còn thổi sáo trên sông.
Trời buổi sáng mù sương lớp lớp
Người hành trang nỗi tuyệt vọng rã rời
Và khí phách thôi một thời trẻ dại
Ta nói gì cho bớt chút chia ly?
Đưa người ta nâng ly cà phê nhỏ
Rồi quan san rồi bụi đỏ người đi
Rồi khói súng người tập tành nỗi chết
Ta trở về hiu hắt đường khuya…”
…………..
(Đỗ Hồng Ngọc, 1972)
Nhắc tới tấm lòng của Đỗ Hồng Ngọc dành cho những người cũ, tôi không thể không nhắc đến “Sến Già Nam” trong Để Làm Gì. Theo đó, “Sến Già Nam”, “Sến Già Nữ” là một phát hiện rất tình cờ của tác giả khi nghe người ta gọi những băng nhạc Boléro một thời! Và tác giả dành một chút lòng của mình nghĩ về những ca khúc đi vào lòng người cùng các nhạc sĩ, ca sĩ đã từng hát những điệu nhạc ấy mà buồn man mác, xa xăm…
Với tác giả, nhạc chỉ có hay hoặc dở thôi, không cần biết “sến” hay không “sến” gì ráo trọi:“Còn tôi, tôi chỉ biết nhạc hay hay dở với mình mà thôi. Hay là thứ làm tôi “rung động sáu cách” (nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý)…, còn dở là nhạc “nghe không vô”!”
Và tác giả còn dẫn ra nhiều bản nhạc theo anh là rất hay như“Chiều làng em” của Trúc Phương;“Mộng ban đầu”của Hoàng Trọng, làm sao quên được; rồi “Lối về xóm nhỏ”của Trịnh Hưng; đặc biệt với bản nhạc “Tình lúa duyên trăng”của Hoài An, có những câu như:
“Quê hương ta đất xưa vốn nghèo
Nhưng giàu tình thương nhau
Biết yêu lúa mầu xa cuộc đời cơ cầu
Gái trai biết làm tròn lời thề khi ban đầu”
Và tác giả tự hỏi mình mà cũng để hỏi người và hỏi đời:
“Tôi không hiểu vì sao những lời ca đầy tình quê hương, đất nước, tình gia đình, tình gái trai “biết làm tròn lời thề khi ban đầu” như vậy mà “sến”được?”
(Để Làm Gì, trang 57).
Đến như “gió bấc” mang hơi lạnh về vào những ngày gần giáp Tết thôi, qua câu thơ của chính mình làm vào năm 1970, tác giả cũng làm người đọc có lẽ cũng sẽ mềm lòng cùng ông về một thời nhung nhớ ấy:
“Mùa ơi gió bấc nhớ không ngờ
Năm nay người có vềăn Tết
Có ngậm ngùi nghe chút ấu thơ?…”
(Mũi Né, Đỗ Hồng Ngọc 1970)
“Gió bấc, rất lạ. Nhớ không? Thứ gió thổi lốc qua người, dán sát vào da người như có chút hỗn xược ớn lạnh làm nhớ cơn sốt rét rừng thường chuyển mùa trong Tết, với hương cốm hộc, mứt gừng, mứt bí… rồi bánh căn, bánh xèo, bánh kẹp, cơm gà, bánh canh chả cá… của một vùng biển mang mang mùi nước mắm, những ai nghe quen thì đâm ghiền nặng… rồi sông Cà Ty – Mường Mán, con đường Gia Long đi mãi không cùng, với đường Trưng Trắc Trưng Nhị ôm sát dòng sông nhớ không?
Cho nên với tôi, gió bấc là Tết, là tuổi thơ, là Phan Thiết, là Mũi Né, là Rạng, là Lagi, là Kê Gà, là Tà Cú…
(….)
gió bấc mùa thơm ngát
bâng khuâng một mái nhà
biển xanh lùa sóng bạc
cát vàng hoàng hôn xưa…”
(Quê Nhà, ĐHN)
Và, Tết:
Đi giữa Sài Gòn
Phố nhà cao ngất
Hoa nở rực vàng
Mà không thấy Tết
Một sáng về quê
Chợt nghe gió bấc
Ơ hay Xuân về
Vỡ òa ngực biếc…
(Gió bấc, ĐHN)
Vậy đó, cho nên về Phan Thiết Mũi Né Lagi… mấy ngày chẳng qua để tìm thứ gió quen mà lạ đó. Và để nghe cái Tết tuổi thơ thấm vào trong da thịt, trong nhớ nhung…”
(Để Làm Gì, trang 157)
Ở một cái nhìn khác về sự nhọc nhằn và bền bỉ của những chuyến phà với biết bao mùa mưa nắng dông gió bão bùng bập bềnh trên những bến nước chỉ để chờ đưa rước khách bộ hành qua sông, có khi tuổi đời mỗi bến phà như vậy dài đến cả trăm năm, rồi ra một ngày nào đó nó sẽ chẳng còn lại gì, tác giả đành nhũ lòng“Tôi thấy tôi thương những chuyến phà”:
“Tôi thấy tôi thương những chuyến phà
Ngàn đời không đủ sức đi xa…
Phà ở quê mình thì khác. Hằng trăm năm nay vẫn ì ạch nối đôi bờ. Thế rồi một hôm bỗng bị người ta vứt lên cạn. Xẻ thịt. Bán ve chai… Không ai còn cần tới nữa! Người ta nay đã có cầu. Những chiếc cầu ngạo nghễ, nghênh ngang vươn giữa dòng sông. Nhưng, hãy đợi đấy! Với tình hình hiện nay, đến một lúc khi mà “sông kia rày đã nên đồng” thì những cây cầu cũng sẽ bị xẻ thịt, bán ve chai… (…)
Phà đúng là ngàn đời không đủ sức đi xa! Chỉ bờ này bến nọ. Nối những niềm vui, những nỗi buồn, những đợi chờ… (…) Phà chẳng những không đủ sức đi xa mà còn không đủ sức đi mau. Nó ì ạch một cách dễ thương. Ai vội vã mặc ai. Nó cứ ì ạch, khệnh khạng, làm như không nỡ rời bến, không nỡ cặp bờ… Há mõm thật to bên này nuốt gọn dòng người dòng xe rồi há mõm thật to bên kia nhả dòng người dòng xe ra cứ như một con quái vật hiền lành.
Và những chuyến phà trăng. Nó ì ạch chở trăng đi. Nó nhích từng bước như sợ trăng tan. Lòng người cũng nhẹ tênh, dãi cùng trăng sáng.
(Để Làm Gì, trang 164)
Bao giờ và đời nào cũng vậy, trong dòng đời rồi ra có những lúc vật sẽ đổi và sao sẽ dời, có những khi người ta cần mình và có những lúc người ta cũng sẽ quên mình; nhưng biết bao lần có biết bao người đã đi qua những chuyến phà trên khắp các bến sông có ai còn nhớ những nhọc nhằn chìm nổi của những chuyến phà trên các bến nước ấy? Bạn đọc những chuyến phà qua lời tâm sự của tác giả, đến một lúc nào đó nó sẽ hết thời, sẽ thành sắt vụn mà bạn không thấy lòng mình cảm động lắm sao?
Rồi ngay cả tới những mùa màng ngày cũ, cách nay có tới sáu bảy chục năm, khi nghe người nhà quê già như tôi kể chuyện công việc đồng ruộng mùa màng của mình ngày xa xưa ấy, dù chưa quen biết nhau lâu, dù tác giả học hành thành tài và hành nghề bác sĩ hơn năm chục năm ở Sài Gòn nhưng với lòng từ tâm của một bậc thức giả có lòng, giống như ngày xưa Nguyễn Khuyến lúc nào cụ cũng vui với cái vui của người nông dân và buồn với cái buồn của họ, Đỗ Hồng Ngọc qua bài “Còn thương rau đắng” rất cảm động, rất chí tình sau khi đọc Mùa Màng Ngày Cũ của Lương Thư Trung:
“Bạn có bao giờ Xúc Lùm, Nhảy Hùm, Quậy Đìa, Xuống Bửng, Đặt Lợp, Đặt Lờ, Đặt Rù, Chận Ụ, Làm Mùng, Bắt lươn, Bắt lịch… chưa? Chưa hả? Thì không có gì tốt hơn đọc Mùa màng ngày cũ của Lương Thư Trung tức Hai Trầu đi! Tôi ở miệt biển, Lagi, hồi nhỏ thỉnh thoảng mới được về quê ngoại ở Phong Điền theo người ta tát đià bắt cá, cắm câu… mê lắm, nhưng quả thực đọc Hai Trầu mới biết ở miền Tây đời sống người dân quê mình nhiều sinh hoạt phong phú biết chừng nào!
Miền Tây, hai tiếng thôi đã nghe lòng nôn nao nhớ một bài hát cũ: “… Có ai về miền Tây/ Lúa mùa thơm thơm mãi/ Dừa xanh nghiêng chênh chếch/ Cá ngược dòng sông đầy…” (Y Vân). Cá ngược dòng sông đầy nên mới có Xúc lùm, Quậy đìa, Chặn Ụ, Làm mùng và mới có Mùa xạ lúa, Mùa cấy lúa, Mùa bắp, Mùa đậu… Về miền Tây, để ngẩn ngơ mấy cây cầu khỉ, ngẩn ngơ những chuyến phà ngang: “Em xinh tươi trong chiếc áo bà ba/ Em đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm/ Qua bến bắc Cần Thơ…” (Trần Thiện Thanh). Về miền Tây, còn đó thứ tình nghĩa chân thật dù vật đổi sao dời… nên mỗi lần đọc lại Tình nghĩa giáo khoa thư của Sơn Nam, đọc lại Ba anh em nhà họ Điền, chuyện Lưu Bình Dương Lễ không sao không cảm thấy lòng rưng rưng!”
(…)
“Sáu bảy mươi năm, mới thôi, mà đã quá xa! Ngày nay, toàn cầu hóa, thế giới phẳng, một sát na đã qua là một pháp giới khác. Ai còn nhớ đến chuyện quê xưa?
Mùa Màng Ngày Cũ với tôi là một chút tình quê, một “khung trời kỷ niệm”, một “rau đắng nấu canh” (Bắc Sơn)!”
(Để Làm Gì, trang 128)
Tóm lại, qua 65 đề tài với hơn 400 trang sách, tác giả đã đề cập về mọi khía cạnh khác nhau của đời sống, từ con người tới thiên nhiên, cây cỏ, từ những tình cảm dành cho bạn bè thân thiết mấy chục năm cho chí đến những chuyến phà, những cây cầu khỉ, những bến sông, đâu đâu người đọc cũng đều bắt gặp bàng bạc một tấm lòng của tác giả về những cảnh đời qua nhiều màu sắc ấy!
Theo thiển ý quê mùa của mình, tôi nghĩ viết sách hay, không cần phải cố làm cho văn hay, mà cũng không cần phải cố ý mang vào sách một thứ đạo lý hoặc một thứ triết lý cao siêu nào đó trong các trang sách của bạn mà chỉ cần dành cho đời một tấm lòng cảm thấu chân thành của mình, chừng đó thôi, bạn đã làm nên tác phẩm giá trị rồi! Và tôi nghĩ, sách “Để Làm Gì” nói riêng và nhiều tác phẩm khác của Đỗ Hồng Ngọc nói chung, được nhiều người tìm đọc, có lẽ một phần chánh yếu là nhờ vào tấm lòng trắc ẩn, hiểu đời, thương đời của một bậc thức giả luôn bàng bạc trên khắp các trang sách của tác giả vậy!
HT
Houston, ngày 26 tháng 7 năm 2020.
hai trầu viết
Sent: Saturday, August 8, 2020, 11:36:18 PM CDT
[Kính chuyển bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cảm tưởng của nhà văn Khiêm Cung-Dương Văn Chung (Úc Đại Lợi) tác giả cuốn “Nội Ngoại Đều Thương”, sau khi đọc bài “Bàng Bạc Một Tấm Lòng”]
Kính Anh Hai Trầu-Kinh Xáng Bốn Tổng,
Đọc bài “Bàng bạc một tấm lòng”, tôi thấy hay nhưng chưa dám có ý kiến, vì bài này có dính dáng đến quyển Tạp bút “Để làm gì?” của Bác sĩ-Nhà văn Đỗ Hồng Ngọc, mà tôi chưa có dịp đọc qua.
Nhà văn Vũ Thất may mắn được Cô Nguyệt Mai (cảm ơn Cô Nguyệt Mai) gởi cho bản thảo quyển sách nói trên, tôi cũng may mắn được dựa hơi Nhà văn Vũ Thất, lén đọc “Để làm gì?”, nhưng chỉ mới đọc theo lối “thủ vĩ ngâm”, 2 bài đầu: “Để làm gì?”, “An lạc” và 3 bài cuối “Già mà sướng”, “Tủm tỉm một mình”, “Sáng, trưa, chiều, tối”.
Qua mấy bài đó, tôi thấy được tình người ấm áp,lý đạo cao thâm trong 66 truyện mà Bác sĩ-Nhà văn Đỗ Hồng Ngọc đã gom lại trong một quyển sách. Ý nghĩa thâm sâu, nhưng nhẹ nhàng trong tất cả các truyện ngắn, cho nên Tác giả Lương Thư Trung khi viết về quyển sách đã dùng chữ rất chuẩn xác cho tựa đề “Bàng bạc một tấm lòng”.
Thú thật, trước khi đọc một số bài trong quyển truyện, tôi đoán mò tác giả quyển truyện “Để làm gì?” chắc muốn nghỉ ngơi, gác bút, giống như nhà võ gác kiếm vậy, già rồi “viêt để làm gì?”, bây giờ tôi mới hiểu viết để nói lên tình người, lý đạo mà người càng già càng thấm, ” chẳng cần gì, chỉ cần già”, phải không anh Hai?
Kính chúc anh chị và gia đình bình an, sức khỏe.
Thân kính,
Chung An Phú
Bac Si Do Hong Ngoc viết
Đa tạ anh Chung An Phú (Khiêm Cung- Dương Văn Chung, Úc Đại Lợi)
Thưa anh Chung An Phú,
Tôi hỏi thăm anh Hai Trầu, được biết anh Hai An Phú còn lớn hơn tôi mấy tuổi, đã ngoài 80 rồi, vậy mà còn có những nhận xét chân tình về bài “Bàng bạc một tấm lòng” của anh Hai Trầu, qua đó có những cảm nhận riêng cho cuốn Để Làm Gì của tôi rất cảm động: “bây giờ tôi mới hiểu viết để nói lên tình người, lý đạo mà người càng già càng thấm”. Để Làm Gì không có dấu hỏi đâu anh Hai An Phú ơi, bởi chẳng thể có câu trả lời như chúng ta đều biết đó…
“Chả cần gì”… “Chỉ cần già” phải không anh Hai?
Một lần nữa, cám ơn anh và anh Lương Thư Trung nhe,
Do Hong Ngoc.