Đỗ Hồng Ngọc
Có người hỏi tôi có phải Trịnh Công Sơn là một thiền sư không mà sao cứ thấy tôi nhắc và trích dẫn ca từ của anh trong các bài viết về Thiền, về Phật pháp của tôi?
Với tôi, Trịnh Công Sơn không chỉ là một “Thiền sư” mà anh còn là một vị “Bồ tát”. Dĩ nhiên “Bồ tát” trong cái nhìn của tôi thôi, bởi vì, anh đã mang đến cho tôi- và có thể cho nhiều người khác nữa- biết bao niềm phúc lạc, bình an, cũng như biết bao nỗi xót xa, khắc khoải… tùy theo lứa tuổi của mình như một thứ “vô lượng nghĩa” kinh…
Mãi đến vài năm sau khi anh mất, tôi mới viết được một bài thơ nhỏ về anh: “Kẻ rong chơi”. Phải, theo tôi, anh là một kẻ rong chơi. Một vị “Bồ tát” hẳn nhiên là phải rong chơi trong cõi Ta bà thôi, với cái tâm không phân biệt, không chấp trước. Rong chơi thôi đã là quá đủ. Và không dễ. Bởi khi ta mất đi sự rong chơi, tức khắc ta rơi vào những “điên đảo mộng tưởng”…
Khi có cái tâm Bồ tát, người ta “thị hiện” ở cõi người như một cuộc “du ư ta bà thế giới”, để chia sẻ những niềm vui và cả những nỗi đau để rồi một hôm “ta lắng nghe ta” thì chợt nhận ra một nỗi niềm “từ bi bất ngờ” ập đến, từ đó biết ra “một cõi đi về” thênh thang!
Khi viết “Gió heo may đã về” tôi nhìn Trịnh Công Sơn khác với khi tôi viết “ Nghĩ từ trái tim”. Ở Gió heo may đã về, Trịnh Công Sơn là của “cát bụi mệt nhoài”, còn ở Nghĩ từ trái tim, Trịnh Công Sơn là của “ta là ai mà còn trần gian thế”? Một câu hỏi như vậy mỗi chúng ta chẳng đã từng khắc khoải tự hỏi với chính mình đó sao?
Câu trả lời có đó rồi: “Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt/ rọi suốt trăm năm một cõi đi về”. Đi cũng là về. Về cũng là đi. Nó không từ đâu đến, cũng chẳng về đâu (Vô sở tùng lai diệc vô sở khứ). Chính là cái mà Bùi Giáng vẫn thường hay nói “Hà dĩ cố? Chơi thôi mà!”. Đôi vầng nhật nguyệt ấy là “minh”. Một thứ ánh sáng vẫn soi suốt dặm trường. Ta là ai mà còn trần gian thế? Ta là ai mà yêu quá đời này? Sao không qua bờ bên kia (đáo bỉ ngạn) đi, sao không “thị hiện”… niết bàn đi, mà cứ phải loanh quanh cho đời mỏi mệt?
Tôi quen Trịnh Công Sơn từ cái đêm anh ôm đàn hát một mình dưới mái hiên tôn một tối ở sân trường đại học văn khoa Saigon thưở đó. Một người gìa trong công viên/ một người điên trong thành phố/ một người nằm không hơi thở/ một người ngồi nghe bom nổ… Anh nói tiếng nói của chúng tôi. Tôi nghe mình buốt lạnh: Vết lăn vết lăn trầm… Bài ca dao trên cồn đá; ôi quê nhà một thời… / đại bác đêm đêm dội về thành phố, em bé co ra, từng hạt cơm khô, em bé lỏa lồ, khóc tuổi thơ đi… Lứa chúng tôi, nói như bạn tôi, Lữ Kiều không chọn lịch sử mà lịch sử chọn mình. Anh biết tôi với tên Đỗ Nghê, những bài thơ gần gũi trên Bách Khoa, Tình Thương… Anh thường gởi tôi những em bé với đôi dòng nguệch ngoặc: Gửi Đỗ Nghê… chăm sóc giùm…
Mỗi lần tôi ghé nhà thăm anh thường kêu to: “Lấy cho cậu Ngọc một ly nước lọc”! Anh biết tôi không rượu, không thuóc lá. Và không ép. Những khi đông vui, ly này ly khác, thuốc lá chuyền tay, anh vẫn gọi người nhà: Lấy cho cậu Ngọc một ly nước lọc!
Khi tôi in tập thơ Giữa hoàng hôn xưa, thì bìa là của Trịnh Công Sơn với một bức vẽ thiệt ngộ dành riêng cho bài “Thư cho bé sơ sinh”… Khi viết Gió heo may đã về, tôi dùng những ca từ của anh để đặt các tiểu tựa, Trịnh Công Sơn bèn “viết thêm” mấy dòng ở lời Bạt. Anh nói: Moi sẽ nói ngược lại ý toi cho vui nhé. Toi nói “có già”, moi sẽ nói không có già nhé! Và rồi, anh viết “Không có già, không có trẻ. Nói với một người trẻ tôi già rồi em ạ là một điểu vô lễ”.
Đỗ Trung Quân nhận ra ngay vụ “cãi vả” này và bảo sao cho đến cùng, bác sĩ nói có, nhạc sĩ bảo không… trong một bài viết trên Tuổi Trẻ: Như sông vào biển.
Năm 1997, nghe Trịnh Công Sơn bệnh nặng, đang nằm ở khoa Săn sóc đặc biệt bệnh viện Chợ Rẫy. Tôi đến thăm. Cả nhà đang bứt rứt lo lắng đi qua đi lại trước cửa phòng, vì không ai được vào. Tôi trong nghề nên được các đồng nghiệp cho vào thăm sau khi đã khoác thêm blouse trắng, đổi giày… đâu đó chỉnh tề. Ôi Trịnh Công Sơn đó ư? Một cái xác ve xẹp lép, nhẹ tênh trên tấm drap trắng với nồng nặc mùi nhà thương và bao bệnh nhân hấp hối xung quanh. Ôi, biết bao ca khúc say đắm thẩn thờ là từ cái xác ve xẹp lép nhẹ tênh này đó sao? Có cái gì đó đã bay lên làm nên một Trịnh Công Sơn từ trong tứ đại ngũ uẩn này đó vậy? Có cái gì đó “mặc khải” chăng? Có cái gì đó “thị hiện” chăng? Đã mượn anh để trình hiện như hoa sen trong đầm lầy, như quỳnh hương thoáng sát na?
Tôi lay nhẹ. Anh mở mắt. Nhìn chầm chậm rồi lóe sáng “Toi mới về đó hả?” Thì ra anh vẫn tỉnh, vẫn nhận ra tôi, còn biết tôi vừa mới về sau chuyến tu nghiệp ngắn ở Paris. Tôi mừng quá. Một cô y tá đến chích thuốc. Tôi hỏi cô có biết ai đây không? Cô lắc đầu. Trịnh Công Sơn đó. Cô hơi ngớ ra. Tôi nói thêm: nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đó. Cô có vẻ kinh ngạc. Hình như cô kêu lên, không ra tiếng: Trịnh Công Sơn đây sao? Trịnh Công Sơn đây sao?
Tôi thăm khám qua và bảo không sao đâu. Gan thôi. Gan anh thòng xuống đến 7cm dưới bờ sườn phải. Thực ra bệnh anh nặng hơn nhiều với nào tiểu đường, nào khớp, nào phổi, nào thận…(Trước đó tôi đã được tham khảo bệnh án). Mấy ngày sau, anh được chuyển lên phòng riêng ở tầng thứ 11. Lần này tôi đến đã thấy anh thảnh mảnh.
Khi anh được về nhà, thỉnh thoảng tôi lại ghé thăm. Lấy cho cậu Ngọc ly nước lọc nè! Anh lại kêu. Anh khoe mấy bức tranh mới, nêu những ý tưởng mới… “Moi quyết định bỏ rượu và bỏ thuốc lá rồi. Mỗi sáng đi bộ được một quãng…”. Anh nói. Tôi cười cười. Lần sau đến, anh nói: Moi quyết định bỏ thuốc lá thôi. Thuốc lá mỗi người một gu, nhưng rượu thì mọi người đều có thể uống chung với nhau được. Bạn đến đông vui không thể không uống chút rượu. Anh giải thích. Tôi vẫn mỉm cười. Anh có lý. “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”? Vấn đề là chất lượng cuộc sống chứ!
Rồi đùng cái tôi bị tai biến mạch máu não phải mổ cấp cứu. Những người bạn đến thăm lần này lại có Trịnh Công Sơn. Anh đi cùng Lữ Quỳnh. Trịnh Công Sơn ôm theo một bó hồng vàng. Lúc nào anh cũng tươm tất như vậy. Tôi khoe anh mấy bức ký họa trên giường bệnh của mình. Cái đầu trọc lóc bình vôi. Anh có vẻ khoái lắm. Hình như anh cũng đang tủm tỉm cười: Đó, thấy chưa? Toi không rượu không thuốc lá!
Rồi một hôm, Lữ Kiều phone báo tôi Trịnh Công Sơn đi rồi.
Đi vào ngày 1.4, ngày của Cá.
Đi, cũng có nghĩa là về vậy./.
Phương Thư viết
Những kỉ niệm của chú với Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thật đẹp. Chú làm cháu nhớ đến nhạc phẩm Đóa Hoa Vô Thường của nhạc sĩ Trinh Công Sơn, đoạn đầu cháu thấy giống giai điệu của một bài kinh. http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=kPaMNHgMJ3
Cháu tặng chú nhạc phẩm này và chúc chú nhiều sức khỏe.
Cháu Phương Thư
Bac Si Do Hong Ngoc viết
“Từ đó hoa là em
Từ đó em là sương…”
Ưng tác như thị quán.
Cảm ơn cháu, Phương Thư.
Hoàng Ái viết
Lại đọc bài của bác Ngọc trong giờ làm việc.
Nhớ anh Trịnh, em vẫn thích gọi như thế, 2 tay lại táy máy ngón đàn.
Thích Giác Tâm viết
Kính Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc !
Tôi mê văn Bác, và mê cách Bác trình bày lý giải Thiền theo cách của một nghệ sĩ, do vậy người đọc dễ thâm nhập Phật lý. Đài Loan có nhà văn Lâm Thanh Huyền viết về Phật cũng rất dễ thương, rất dễ hiểu.
Từ rất lâu tôi thường lấy bài của Bác để đăng website http:// chuabuuminh.vn nhưng lại không xin phép Bác, rất mong Bác hoan hỷ. Bởi tôi nghĩ mình là người luôn giới thiệu Bác với mọi người do vậy Bác rất hoan hỷ, chứ không có trách cứ gì đâu. Hẹn một ngày vào số nhà 399/8 Nguyễn Đình Chiểu, Sài Gòn thăm Bác, mà rồi vẫn chưa đi được. Kính chúc Bác có nhiều sức khỏe để sáng tác, để đóng góp cho Đạo cho Đời.
Kính
Thích Giác Tâm
Bac Si Do Hong Ngoc viết
Cảm ơn thầy. Có phải chùa của thầy ở Pleiku không? Lâu lắm không có dịp đi Pleiku. Nếu có dịp đi thế nào cũng ghé thăm thầy để đàm đạo. Việc sử dụng các bài viết, thầy cứ tự nhiên, chỉ cần ghi “source” là được. Thầy có tác phẩm nào của nhà văn Lam Thanh Huyen xin cho đọc với nhé. Đa tạ.
Hải viết
Nhìn cái tựa đề “Đi cũng là về!” của bác cháu bỗng nhớ cái tựa khác mà cháu thích hơn và nó cũng rất hợp cho bài viết của bác: “Nẻo đi đã chứa nẻo về bao la” của Nguyễn Tường Bách.
Tuy nhiên chữ ai là của người đó, ko thay nhau được.
Cảm ơn bác về bài viết này.
Giang viết
Em thấy hơi khác chút chút. “Đi cũng là về” không quan trọng đi trên đường nào, nẻo nào, không có nghĩa đi và về là trên cùng một con đường hay là nẻo này chứa nẻo kia mặc dù “đi cũng là về”.
Hải viết
Chào bạn Giang,
Khi Nguyễn Tường Bách nói “Nẻo đi đã chứa nẻo về bao la” là ông muốn nói tới tư tưởng “một trong tất cả và tất cả trong một” chứ chẳng hề có ý là ” đi và về là trên cùng một con đường”.
Ngoài ra thì Phật Pháp có hơn tám vạn pháp môn cũng chính là những con đường tu cho các chúng sinh đi tới giác ngộ. Là một người chưa giác ngộ thì nhất thiết phải chọn con đường riêng rõ ràng để đi là vô cùng quan trọng cho cả cuộc đời.
Hi vọng là có thật nhiều hành giả dám đi trên con đường riêng của mình, và đến một lúc nào đó sẽ biết vẫy tay chào người khác như Bùi Giáng đã từng:
” Xin chào nhau giữa con đường
Mùa Xuân phía trước miên trường phía sau”
Và cũng mong sẽ có những người ở VN đi qua cả chỗ Bùi Giáng đã đi để THẤY RÕ mình “chẳng đến chẳng đi chẳng thường chẳng đoạn.”
Chúc mọi người luôn an lành hạnh phúc.
P/S năm trước có định mời bác Ngọc tới quán cafe gần nhà Bùi Giáng, nơi mà hơn 20 năm trước ông ngồi kể cho bác Hùng ý nghĩa thật về câu thơ “còn hai con mắt khóc người một con”. Quả thật là vẫn chưa đủ duyên để mời dù rằng có thể có nhiều chuyện hấp dẫn có thể trao đổi với nhau. Xin thành thật cáo lỗi với BS Ngọc.
tuongthi viết
Thua Bac Sy.
Toi da doc Gio heo may da ve cach day 14 nam,khi do toi 40 tuoi,Va tu do den nay toi van thuong xuyen doc sach cua ong,tren tap chi,tren bao ,toi luon tim thay niem vui,su an-ui cho chinh cuoc doi minh.
Gio toi cung dang ” lom-bom” hoc Phat ,toi dang lan mo tim cho minh 1 con duong,Toi doc Nghi Tu Trai Tim (toi da doc di doc lai rat nhieu lan ) Cam-on ong da cho toi biet minh cung co 1trai tim chi tai minh ko hieu no ma thoi.
Bac Sy co the cho toi xin phep duoc email cho ong.Khi noi luc khong du,nguoi ta cung can tha luc biet bao.(xin loi BSy toi ko lam sao bo dau duoc)
Chuc BSy Than tam thuong an lac
Bac Si Do Hong Ngoc viết
Cảm ơn bạn TuongThi. Bạn có thể gởi email cho tôi qua điạ chỉ: dohongngocbs@gmail.com
Ngoài ra, nếu có thể được, nên tìm đọc thêm cuốn GƯƠM BÁU TRAO TAY, “tiếp theo” của Nghĩ Từ Trái Tim…
Chúc vui, khỏe,
ĐHN.
THUY TRUC viết
Thua bac si, con man phep duoc hoi mot cau khong an nhap gi voi de tai. Quyen sach KHI NGUOI TA LON cua bac si con tim o may nha sach roi ma khong thay. Luc truoc con mua duoc mot quyen nhung da gui cho co em o Canada roi. Sau do con tim lai ma khong thay. Quyen nay viet cho tuoi moi lon cung di dom nhu quyen BENH O TUOI HOC TRO ma con duoc doc hoi con nho. Da, cuon nay chac da het roi. khong biet chung nao duoc tai ban lai a. Con thuong luyen bo canh mai san truoc . Con tim quyen nay cho may dua nho cua con. Con hy vong neu chung khong tam su hay thac mac gi duoc voi me thi co the tu tim loi giai dap trong quyen sach cua bac si. Cam on bac si da doc thu cua con.
Bac Si Do Hong Ngoc viết
Hỏi ở Nhà xuất bản TRẺ, 161 Lý Chính Thắng, Quận 3, TP.HCM. Nếu hết, nhắc họ tái bản, vì cũng đã có rất nhiều người hỏi cuốn này.
Lê Uyển Văn viết
Thật thú vị khi đọc được câu này “Tôi mê văn Bác, và mê cách Bác trình bày lý giải Thiền theo cách của một nghệ sĩ”, nhà sư dùng từ “mê” cơ! nếu LUV là Đỗ Hồng Ngọc hẳn sẽ rất hạnh phúc.
Bài viết về Trịnh Công Sơn thật tuyệt, thật đáng mê!
Lê Uyển Văn viết
Một tình bạn đẹp như “cho đời chút ơn”!
Bac Si Do Hong Ngoc viết
Nhà sư “mê” thì mình mới “ngộ” LUV ơi. Cho nên “Đời còn dễ thương” là nhờ vậy, phải không?
Lê Uyển Văn viết
“Mê-ngộ”! anh Ngọc chơi chữ hay quá!
giangsinh viết
Phai, cu ME di roi tu tu se NGO
nguyễn việt quang viết
Xin chào BS. Đỗ Hồng Ngọc.
– Em năm nay 44 tuổi, là bác sĩ ngành hình ảnh học, lquê ở An Giang, là đọc giả nhiều cuốn sách của bác sĩ và thường tặng cho những người thân của mình 2 quyển sách Gió Heo May Đã Về & Già Ơi Chào Bạn, vì thấy trong đó có nhiều điều giống mình & giống với lứa tuổi của họ, như là một cách giải đáp các thắc mắc về sức khỏe của họ.
– Em xin hỏi anh (chú) một câu trong bài hát Chiều Một Mình Qua Phố của nhạc sĩ TCS: ” chiều một mình qua phố âm thầm nhớ nhớ tên em, có khi nắng khuya chưa lên mà một loài hoa chợt tím…” nắng khuya ở đây là gì? trong phật học có đoạn nào nhắc đến khái niệm này không?
– Em có đọc các sách của Bửu Ý, Nguyễn Đắc Xuân viết về TCS. Theo em nghĩ có lẽ lúc trẻ TCS yêu nhiều người mà chưa có ai yêu đáp lại. Do đó TCS ví tình yêu đáp lại đó như là nắng khuya? hay nắng khuya là gì?
– Rất mong hồi âm của anh (chú).
Bac Si Do Hong Ngoc viết
Cảm ơn Nguyen Viet Quang, một bạn đồng nghiệp – độc giả thân mến- của tôi. Hôm nào có dịp về An Giang sẽ hẹn gặp nhau một bữa nhé. Đã là bạn đồng nghiệp thì anh em cả thôi, việc gì phải nọ kia… nhất là tuổi cũng hườm hườm rồi đó!
Chuyện “nắng khuya”… chưa lên thì phải hỏi… TCS chứ, sao lại hỏi tôi? Mà tôi tin, nếu bị hỏi, TCS cũng… bí, không trả lời được! Bởi vì, chính người nghe nhạc phải là người cảm nhận đúng nhất tình ý trong ca từ, quyện trong âm điệu và lòng mình lúc đang nghe – (cảm nhận có thể khác đi từng lúc, từng nơi). Cũng như khi xem một bức tranh lập thể, màu sắc và hình ảnh là do tự trong tâm bạn “khám phá” ra chứ không phải từ họa sĩ vậy…
Hãy để cho lòng mình ngập trong “nắng khuya”… vậy nhé!
NVThanh viết
Chào bác Ngọc, bác có thể giải thích rõ cho cháu biết về câu hát của TCS khi viết “còn hai con mắt khóc người một con” không, cháu chỉ hiểu đơn giản đúng như vậy thôi.
Cháu cũng là sinh viên y đang học năm thứ hai ở Cần Thơ và rất mê nghe nhạc Trịnh.
CHúc bác một ngày tốt lành ở cái tuổi hườm Hườm. ^^
CBMK viết
Bac Si kinh men, con la mot hoc sinh o My, con xin duoc tiet lo la con dang hoc nganh y nam thu 3. Bac si a, cuoc song o My that ban ron, va nhat la voi nganh y, con that rat kho co duoc thang bang trong cuoc song cua con tu nam dau con vao hoc nganh y. Con nam nay da 27 tuoi roi. Con la nu, o tuoi nay cua con thi hau nhu cac ban cung trang lua da co gia dinh va con cai. Con di hoc xa nha, it duoc gap gia dinh, nhung rat nho…roi ve tham…nhung con van lo lang vi viec hoc cua con rat nang ne….roi thi con it duoc lam duoc nhung gi luc truoc con da tung lam de co nhung niem vui nho nho trong cuoc song. Xin bac si cho con mot loi khuyen de con co duoc nhung moi quan he tot voi nguoi than, ban be….co phai con da qua quan tam den viec hoc va nganh nghe ma da bo lo di nhung moi than tinh trong cuoc song…gio thi con di thuc tap, lich lam viec rat nang ne..doi luc con cam thay met moi….lieu con co the that su song vui ve voi nganh nghe nay…con rat kinh ne Bac si va thuong doc nhung bai viet cua bac si, con doc de hoc lam sao tim lai su thang bang trong cuoc song….cuoi cung thi con kinh chuc Bac Si duoc nhieu suc khoe…va cam on bac si ve nhung su chia se cua bac ve nganh nghe va ve cuoc song nay.
Bac Si Do Hong Ngoc viết
Con nen xem them cac bai viet ve CAN BANG CUOC SONG (Life-Balance) tren trang Web nay nhe.
Chuc con vui, khoe va thanh cong.
Bac Si Do Hong Ngoc viết
Trên trang này, con có thể xem slides và nghe bài nói chuyện của thầy về Cân bằng cuộc sống. Y khoa rất nặng nhọc. Phải rất nhiều cố gắng mới thành công. Cần có nghị lực. Thầy rất thông cảm nỗi khó của con.
Có thể nghe AUDIO và xem SLIDES toàn bộ bài nói chuyện theo đường link:
http://chuongtrinhchuyende.com/ctcd/client/docOfTopic?groupId=20110913141352&viewType=0