“những thằng già nhớ mẹ” (tiếp theo)
May mà trời không mưa! Khá đông người tham dự, gần 200 người, đa số là các bạn trẻ. Một điều đáng mừng.
Nhiều chia sẻ và nhiều câu hỏi rất hay. Có bạn hỏi tác giả “những thằng già nhớ mẹ” có bài viết nào nhớ cha không? Vũ Thế Thành trả lời chân thật: không, vì cha anh mất sớm. Tôi không nghĩ vậy. Nay mai có thể anh sẽ có tập “những thằng già nhớ cha” chăng? Có lẽ cũng vì thế, trong bài thơ viết cho người bạn trẻ hôm trước, tôi cũng khuyên nên nhớ đến cha.
“Cha sinh mẹ dưỡng/ Đức cù lao/ Lấy lượng nào đong/ Thờ cha mẹ phải hết lòng/ Ấy là chữ hiếu ở trong luân thường…” (Quốc văn giáo khoa thư)
Một thính giả xưng mình là “một con già nhớ mẹ”… Một thính giả hỏi làm sao cho hết nỗi ân hận…
Vũ Thế Thành viết chân thành, giản dị, nhưng sâu sắc, nhiều chỗ dí dỏm dễ thương và cảm động. Nguyễn Đông Thức nhắc chuyện Mẹ, nữ sĩ Bà Tùng Long, và đọc hai câu thơ của anh: “Mẹ thành mây trắng đã lâu/ Con về thăm mẹ ngồi đâu cũng buồn” (Bạch Vân là bút hiệu của nữ sĩ ). Đỗ Trung Quân nói về người mẹ mất sớm của mình, lúc tuổi mới 66. Rồi anh đọc mấy bài thơ về mẹ, đặc biệt bài thơ về người mẹ bị Alzheimer, mẹ của một người bạn, không nhận ra đứa con mình đã lâu không gặp. Tôi cũng nhắc mẹ mình, và đọc mấy câu thơ nhỏ: Bông hồng cho Mẹ: “Con cài bông hoa trắng/ Dành cho mẹ đóa hồng/ Mẹ nhớ gài lên ngực/ Ngoại chờ bên kia sông…”
và ca sĩ Thu Vàng đã hát bài phổ thơ này của Võ Tá Hân, sau đó cô còn hát bài Kỷ Niệm của Phạm Duy.
Ca sĩ Cẩm Vân và Khắc Triệu đến dự. Cẩm Vân hát bài Lòng Mẹ của Y Vân, bài hát ngày xưa Bà Tùng Long rất yêu thích để tặng Nguyễn Đông Thức và một bài của Trần Tiến cũng viết về mẹ. Ca sĩ Tương Phùng trong nhóm Học bổng của NĐT hát “Bà mẹ quê” và “Giọt mưa trên lá”…
Vậy là có thơ, có nhạc… cho một buổi chiều mát rượi ở Đường Sách có lá me bay…
Buổi giao lưu khá sôi nổi. Ai cũng có một bà mẹ để nhớ về, để ân hận, để tiếc nuối. Nhà báo Trung Dân nói mà khóc khi nhắc ngày giỗ mẹ không biết ngày xưa mẹ thích món ăn gì để mua về cúng mẹ. Một bạn trẻ hỏi con phải làm sao đây bây giờ… khi không ít lần làm mẹ buồn!
Lâu mới gặp Đỗ Trung Quân. Trông có da có thịt, đẹp…lão hơn xưa. Quân khoe bấy lâu nay nhờ vẽ mà tâm hồn thanh thản. Đã có hàng trăm bức sơn dầu rất đẹp… Hiện đang viết hồi ký. Quân nói nhỏ: năm mươi năm nay em đi tìm cha – không biết cha là ai – bây giờ mới được gặp, nhưng không tiết lộ vội…
ĐHN
Mấy câu thơ cô đọng mà lay động nỗi niềm quá anh Đỗ Hồng Ngọc ơi!
Con cài bông hoa trắng
Dành cho mẹ đóa hồng
Mẹ nhớ gài lên ngực
Ngoại chờ bên kia sông…
Em xin phép dùng như lời đề từ nhé.
HKO
Cảm ơn HKO. Mấy em SV của em đặt câu hỏi dễ thương ghê! Hôm nào gặp Cô-trò một bữa nhé. Nói chuyện ”thơ” thôi. Nhớ mời cả thầy Thạch.
Trần Vấn Lệ gởi:
Bên kia sông Ngọc ơi!
Khi Mà Tôi Nhớ
Tôi nhớ một người xa rất xa Tôi ra vườn ngắm những chùm hoa. Hoa nào đẹp nhất là ai đó! Tôi nói, trời ơi nước mắt sa!
Tôi nhớ người ta, nhớ cố hương, nhớ ơi vườn Ngoại một khu vườn có hoa có trái và chim hót, có những ngày không nắng, đẵm sương!
Này bạn, bạn ơi, tôi mắc cỡ / khi đời tôi đã tạ tàn đây. Sớm chiều đi ngắm hoa vườn nở, nhớ nước thương nhà, nói với ai?
Mai mốt tôi về, về với đất, nấm mồ, tro bụi khói tàn nhang? Ai ơi, hãy đứng bên bờ giậu / nhặt hộ giùm tôi chiếc lá vàng!
Tôi nhớ một người góc biển kia / hỡi ôi sông núi, chỗ phân lìa…Trùng dương đại hải nằm trong mắt, buồn lắm, trăng mờ đã mấy khuya!
Buồn lắm, em à, anh đã khóc, cuối đời gục xuống thế này sao? Bao giờ về lại thăm vườn Ngoại, đi hái cho Người những quả cau?
Trần Vấn Lệ
Kinh xáng Bốn Tổng ngày 20-9-2016,
Kính chào Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc,
Đọc bài tường thuật của Bác sĩ ở bên trên, tôi nhớ cách nay hai chục năm tôi có bài thơ “NHƠ TÍA MÁ”, xin phép gởi chia sẻ cùng Bác sĩ.
NHỚ TÍA MÁ
Tuổi đời chồng chất theo năm tháng
Nhiều lúc thăng trầm lắm bể dâu
Nhớ mẹ thương cha lòng luống tưởng
Niềm riêng giấu kín, mãi ghi sâu.
Bao năm ly loạn, nhà mông quạnh
Tía má bồng con chạy khắp cùng,
Tản cư Tây bố, băng đồng nội
Nhìn lại làng xưa, dạ nấu nung.
Ba năm lưu lạc về Cái Sắn
Còn lắm, nhiều năm, Tía dãi dầu!
Mưa nắng những mùa sờn áo bạc,
Bao mùa dông bão, mấy đêm thâu!
Chang chang nắng đốt, thân còm cõi,
Ướt đẵm mưa dầm mấy bận run
Mây xám vây quanh đời khốn khó,
Gió lùa tóc rối, bụi mù tung…
Suốt đời áo vá, thân lam lũ
Mẹ trải bao phen việc tảo tần,
Mấy bận sớm chiều cơm bốc khói,
Mấy lần gốc rạ cắt đầy chân.
Khi giặc Tây đi, lục tục về,
Không người, vắng ngắt xóm làng quê.
Bụi cỏ, gốc cây buồn muốn khóc
Chó vẳng tru hoài tiếng thảm thê…
Lối xưa bít ngõ, thềm rêu phủ,
Nhà trống, vườn hoang cỏ mịt mù
Tía má sớm hôm gầy dựng lại
Ruộng vườn, con cái, lắm công phu!
Khi con khôn lớn, Tía tôi già,
Mẹ tôi cơ cực, cũng gầy ra
Suốt đời lo lắng cho con trẻ,
Đến lúc từ ly, chẳng nỡ xa!
U Minh mấy bận rừng thay lá,
Mấy lượt ong về hút nhụy hoa?
Sao buộc đời ta hoài chốn ấy…
Không về đưa tiễn Mẹ Cha ta ?!?
Khi con về lại căn nhà cũ,
Tía má mười năm đã ngủ vùi…
Nghi ngút khói hương, nhà vẫn lạnh
Bao mùa mưa nắng, mấy sương rơi!
Vườn trầu của má, không vàng lá,
Bụi chuối hao gầy, chẳng nở con,
Vắng Má, buồng cau không ai hái,
Cau già, rụng trắng cạnh bờ mương…
Có lần con ghé thăm chùa cũ,
Thăm lại vườn sao, Tía đã trồng
Bao năm vắng Tía, sân chùa vắng,
Vắng cả chuông chùa lúc rạng đông!
Có lần con ghé thăm đình cũ
Đọc lại bài thơ cổ Tía làm
Khắc trên bệ gỗ, treo ngay cổng,
Tự đáy lòng con nước mắt trào!
Năm xưa Tía dạy: gìn nhân nghĩa
Má dặn các con: rán ở hiền
Bao nhiêu lời dạy, con mang hết
Bước xuống dòng đời, vốn đảo điên…
Năm nay Tết lại về theo nắng
Gió bấc se da nhớ Mẹ già,
Năm xưa nấu bánh, con ăn Tết
Nay còn đâu nữa, bánh Mẹ ngon…?!?
Hăm lăm tháng Chạp, ngày con nhớ
Tía đã đi xa những tháng ngày…
Mỗi lần Tết đến, con thầm khóc…
Nhớ lại nay mình phận cúc côi!
Sáu mươi tuổi lẻ, đầu thêm bạc
Con vẫn nghĩ lòng rất trẻ thơ.
Nhớ Má, nhiều đêm con muốn khóc,
Thương Cha, thấp thoáng cả trong mơ!
Hai Trầu
Kinh Xáng Bốn Tổng, tháng Chạp năm 1996.
Xin phép anh Hai Trầu Lương Thư Trung cho trích vài câu trong bài viết của anh về Mẹ:
Khi lớn lên, con đọc sách vở, con thấy các bậc thức giả thường hay ví Mẹ là biển, là hoa hồng, là chuối ba hương, là xôi nếp một, là đường mía lau. Riêng với Má của con, Má là những bữa cơm chạy giặc. Má là chiếc áo túi bằng vải ú. Má là nụ cười khi thấy con mặc chiếc áo túi của Má. Má là vườn trầu vàng trước sân nhà mình. Má là những cơ khổ của thời kỳ chạy giặc, những ngọt ngào, những bình dị, những hy sinh, những hiền đức của một bà mẹ quê. Má gửi lòng mình cho con cái trong từng trái chanh, trong miếng cá kho, cá nướng, trong từng trái chuối phơi khô, cái bánh phồng ngày Tết, cái bánh ít, bánh tét vào những ngày giỗ chạp. Ở đâu cũng có Má. Ở đâu cũng có sự vỗ về của Má. Má cũng muốn con vui, Má nén tiếng rên khi đau yếu, Má nén tiếng thở dài khi đuối sức, khi mệt mỏi để cho các con mình yên lòng…
(Lương Thư Trung)