… “Có khi sững sốt, có khi bỡ ngỡ. Ngày hôm qua đâu rồi? Dòng sông có còn níu mãi bờ sông? Thả một hòn sỏi đánh dấu chỗ thuyền trôi? Cầu vòng bảy màu rực rỡ kia chỉ là hơi nước tung toé và một chút nắng nhoài qua kẽ lá. Vậy mà không phải vậy. Không phải vậy mà là vậy…”.
![]() |
Những dòng ngỏ đầu tiên cho quyển sách mới “Như thị”, của bs Đỗ Hồng Ngọc, cho ta nhìn thấy rõ cái ý nghĩa của chữ vô vi sau một cơn bão lớn… Sau một cơn bệnh nặng, người trở lại nhân sinh bỗng thấy lòng nhẹ lâng lâng như là đứa trẻ.
Ý nghĩa cuộc sống bỗng trở nên thênh thang bằng cái nhìn nhẹ hẫng, thoát tục.
Nhưng thực ra đó chỉ là cái ảo giác nhất thời, trong một thoáng chốc, bởi “Như thị” của BS Đỗ Hồng Ngọc vẫn là tất cả những đa đoan đời thường vẫn nói vậy mà không phải vậy”, nghĩa là vẫn với biết bao trăn trở, nghĩ suy cùng cuộc đời, nào dễ thoát ra?!
Hơn hai trăm trang, đó là tất cả những bài viết ngắn dài, là những nghĩ suy về đủ mọi chuyện nhân sinh, chuyện đời thường, chuyện bạn bè, chuyện nghề y lẫn chuyện nghề văn, chuyện ngày hôm qua, ngày hôm nay… Như một cách tỏ bày cùng cuộc đời với một giọng văn như có như không mà thực sự lại là một nhát khắc mạnh mẽ với dấu ấn rất rõ của một người trí thức, một bs, một nhà thơ…
Là một bs, nhưng ông viết về nghề y bằng tư duy của một nhà văn, “Cuộc chiến không cân sức”, “Ăn cũng phải học”, “Chỗ ngồi ăn không ngon, không ngon…!”, “Nhớ nhà quăng điếu thuốc”. Là ông bs bàn về cách ăn uống thiếu khoa học của người thời nay để dẫn đến bệnh béo phì và cái hại của thuốc lá, nhưng văn phong là của tản văn nên chuyện của nghề y bỗng dưng như chuyện tản mạn, nhẹ nhàng của nghề văn.
Và còn chuyện chiếc áo dài nữ sinh, ông nhà thơ – bs Đỗ Hồng Ngọc dành đến 3 bài tản văn để bàn luận “Vai gầy guộc nhỏ”, ” Nhìn từ Australia”, “Tung bay… tà áo tung bay” với những lời bàn luận vui về cái đẹp, về sự tiện ích của áo dài đủ mọi phương diện, ngay cả việc chống béo phì…, lời văn nghe như là sự phân tích của nhà khoa học, nhưng không dấu được nỗi nhớ tiếc, ấm ức… của một nhà thơ trước nguy cơ ” Tà áo tung bay” sắp bay mất hút…
Ngoài lĩnh vực y học, bs lại là người bình thơ của những bạn thơ Từ Thế Mộng, Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Như Mây…, và những bác sĩ làm thơ như: GS Ngô Gia Hy, Nguyễn Huy Dung và nhà thơ – bs Trần Sĩ Tuấn với những cảm xúc rất sâu.
Ông viết về thơ Sĩ Tuấn như là viết về nỗi lòng của chính ông. Và tôi hiểu khi ông trích những dòng thơ của Tuấn: “Phòng bên này có em bé chào đời. Ở bên kia cụ già trăn trối… Chiếc áo choàng nhẹ nhõm đến nhường kia. Mà có lúc tưởng chừng không mang nổi…” là trong đó có chính tâm sự của người bình thơ.
Và khi ông viết về Nguyễn Ngọc Tư, ông tự cho mình là kẻ ngoại đạo, nhưng đọc những dòng nhận định của ông: “Hình như cô đang ráng làm một điều gì đó để đổi mới mình, ngờ rằng người ta đang ngán ngẩm mình, chán nản mình nên phải làm mới”, người đọc càng thấy rõ ông mới chính là một nhà phê bình văn học thứ thiệt với cái nhìn rất sâu về văn chương, về con người.
Bởi ông đến với văn chương bằng cái tâm hoàn toàn trong sáng, nên ông đành như những độc giả yêu mến Tư, chỉ biết ” Im lặng thở dài”…
Bích Châu( báo SGGP )
Trả lời