Thư gởi bạn xa xôi (1/2024)
Gió Bấc
Đi giữa Saigon
Phố nhà cao ngất
Hoa nở rực vàng
Mà không thấy Tết
Một sáng về quê
Chợt nghe gió bấc
Ơ hay Xuân về
Vỡ oà ngực biếc…
(Đỗ Hồng Ngọc)
Bài thơ nhỏ, thiệt thà, viết đã lâu lắm rồi, vậy mà bây giờ nhiều người còn nhớ. Báo Trẻ xuân năm nay, nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp đã chọn đăng lại trong mục Thơ xuân…
Với tôi, Gió Bấc ớn lạnh xương sống y hệt cơn sốt rét rừng như còn đang hoành hành trong cơ thể gầy nhom của mình. Nó buốt. Nó nhọn. Nó xót… và nó lạnh dĩ nhiên rồi – với một đứa trẻ lên mười mỏng manh như tôi những ngày tá túc trong một ngôi chùa Tàu nghèo ở Phan Thiết- lộp cộp guốc xuồng gỗ trên con đường Gia Long rồi lang thang dọc bờ sông Cà Ty mà nghe mùi cốm mùi pháo…
Khi tôi viết bài Mũi Né, đã hơn nửa thế kỷ trước: Em có về thăm Mũi Né không/ Hình như trời đã sắp vào xuân/ Hình như gió bấc lùa trong Tết/ Những chuyến xe đò giục bước chân… (Mũi Né, ĐHN 1970), thì cũng lại gió bấc, thứ gió hình như ám ảnh người miệt biển quê tôi nhiều nhất.
Cho nên bây giờ muốn nghe Tết, muốn thấy Tết, thì tôi lại về Lagi, Phan Thiết để tìm Gió bấc khôn nguôi của tuổi thơ mình.
Mùa bấc, biển như sánh lại, sệt lại, đục hơn và sóng rát hơn, dữ dội hơn bao giờ hết. Bãi bờ bị xoáy toang…
Thân mến,
Đỗ Hồng Ngọc
(1/2024)
T
T
Huỳnh Đình Tám viết
MỘT KÍ ỨC KHÔNG QUÊN.
BS Đỗ Hồng Ngọc kính mến.
Tôi rất vui, vào ngày 2 tháng 1/2024: không ngờ một vị BS mà tôi ngưỡng mộ cách đây 47 năm đã có dịp ghé lại Long Hương, chùa Cổ Thạch đã tặng cho tôi 2 quyển sách do BS là tác giả. Hai quyễn sách có tựa đề: “Một ngày kia… đến bờ” và “ Bông hồng cho mẹ & những cảm nhận học phật”.
Đó chính là BS ĐỖ HỒNG NGỌC. Ông từ Lagi đi một mạch dọc biển về Phan Thiết, qua Mũi Né, Bàu Trắng, đến Phan Rí Cửa, rồi Long Hương, Cổ Thạch, thăm nhà văn Hồ Việt Khuê, Nguyễn Phương cùng các bạn vùng La Gàn, và gửi tặng sách cho tôi…
Tôi còn nhớ năm 1977, là một thầy giáo trẻ mới ra trường đầy nhiệt huyết. Tình cờ tôi vào hiệu sách đọc được quyển sách “Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng” của BS Đỗ Hồng Ngọc với văn từ thật giản dị, tình cảm của một người thầy thuốc. Tôi đọc đi, đọc lại quyển sách này nhiều lần mà không biết chán với lối văn dí dõm ấy.
Rồi năm 1983 một kỷ niệm mà không bao giờ tôi quên được. Đứa con gái tôi lúc ấy lên 3 tuổi. Cháu bị một cơn bệnh ho gà rất nặng mà điều trị hơn cả tháng vẫn không bớt bệnh. Cơn ho đã có đặc tính của cơn ho gà: cháu ho từng tràng 15 – 20 tiếng, càng lúc càng mau, càng dữ dội, đỏ mặt tía tai, sau cơn ho bé bị hụt hơi, gần nín thở, phải hít hơi thực mạnh, nên gây ra một tiếng “cót” đặc biệt của cơn ho gà, giống tiếng gà trống sau cơn ho và ói ra thức ăn, đàm nhớt từng sợi dài lòng thòng ở miệng, ở mũi. Trong thời điểm ấy,kinh tế quá khó khăn, Tôi lại nhớ đến BS Đỗ Hồng Ngọc. Tôi mạnh dạn viết thư cho BS Ngọc về căn bệnh của con tôi. Không ngờ khoảng 3 ngày sau tôi nhận được thư của BS Ngọc đã tận tình cho toa thuốc điều trị và con tôi đã dứt bệnh. BS Ngọc là vị cứu tinh cho gia đình tôi.
Con gái tôi đặt tên Huỳnh Vũ La Ngà mà nhiều bạn bè , đồng nghiệp cho rằng chúng tôi có kỷ niệm gặp nhau ở dòng sông La Ngà. Không phải đâu, tôi xin nói thật: con gái tôi tên La Ngà là tôi lấy tên của con gái của BS Đỗ Hồng Ngọc khi đọc quyển sách viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng, mà tôi hằng ngưỡng mộ.
Mùa xuân Giáp thìn đến cận kề, BS Đỗ Hồng Ngọc đã 84 tuổi. Xin kính chúc BS Ngọc cùng gia đình một năm mới vui khỏe, an khang thịnh vượng.