Thư gởi bạn xa xôi (tiếp theo)
“Phép lạ là đi trên mặt đất”
Như đã hứa, mình tiếp tục phần hoạt động “ngoại khoá” của mình để bạn coi cho vui nhe. Cũng xin chia sẻ với vài hình ảnh thôi. Làm biếng quá rồi!
Ngay buổi chiều đầu tiên đến Mũi Né, một vài vị đã đề nghị mình “kể chuyện học Phật”. Sc KN bảo, năm 2008, tại Huế, trong Tuần lễ Văn hoá Phật giáo, Sc có dịp dự, đã được nghe mình trình bày về Thở và Thiền rất ấn tượng.
Chị Nga, một doanh nhân có mặt kể chuyện 40 năm trước đã từng mang con gái 2 tuổi đến mình khám chữa bệnh, mình tiếp ở phòng khách chớ không có phòng mạch, và chỉ dặn cho bé ăn thêm dầu ăn để tăng cường calorie mà không cho thuốc men gì thêm. Vậy mà bé hết suy dinh dưỡng, hết bệnh, nay đã là cô giáo một ngôi trường lớn ở Sài gòn. Hồi đó mình nhớ mỗi khi khám bệnh cho một em bé`thì thường cho các bà mẹ khác bế con đứng sau lưng nghe… lóm. Đây là một phương pháp “giáo dục sức khoẻ” tốt nhất!
“Tiếng lành đồn xa”, sáng hôm sau, đã có buổi “văn nghệ” đặc biệt, khá rôm rả. Sư cô HN tặng mình cuốn “Tình Thầy” và đọc 2 bài thơ trong tập thơ “Đôi Khi” rất hay của Sư cô. Mình “đáp lễ” bằng cách đọc bài thơ “Thư cho bé sơ sinh”, viết từ năm 1965 ở Bệnh viện Từ Dũ, rồi bài “Trong một nhà giữ lão ở Montreal” viết năm 1997 ở Canada, sau cùng là bài Bông hồng cho Mẹ. Lê Bá Thông ôm đàn hát tiếp bài thơ của Đỗ Trung Quân về Mẹ thật cảm động. Rồi một vị sư cũng ôm đàn hát thêm mấy bài nữa. Buổi họp mặt tạm ngừng khi đoàn doanh nhân vừa tụ tập về đến Mũi Né, chuẩn bị cho buổi Khai mạc.
Thấy Pháp Lâm ở Darlak gởi tặng mình bản thư pháp do thầy vừa mới viết xong. Buổi trò chuyện bên lề trên bãi cỏ xanh cùng các bạn trẻ doanh nhân sau khi đi thiền hành về rất vui.
Theo yêu cầu của các bạn trẻ và cả các vị “xuất sĩ” muốn mình đọc bài thơ Mũi Né ngay tại Mũi Né này. Mình nói đây là bài thơ tình, có nên đọc ở đây không?
Càng tốt, sao không!
Vậy là mình đọc. Em có về thăm Mũi Né không? Hình như trời đã sắp vào xuân…
Một cô bé bỗng mở bài hát Mũi Né do nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo phổ nhạc với tiếng hát Thu Vàng… da diết. Không khí trầm lắng hẳn. Năm nay người có về ăn Tết/ Có ngậm ngùi nghe chút ấu thơ?

Đọc bài thơ Mũi Né ở… Mũi Né.
Buổi tối 29.3.2024, trước buổi Toạ Đàm, mấy bạn trẻ còn yêu cầu mình nói vài điều đáng nhớ. Đang ở biển, mình nói về Sóng và Nước. Về “bổn lai vô nhất vật”. “Ta xô biển lại sóng về đâu…?” (TCS). Rồi nói chút về Năng lượng. Về điện. Về thể, tướng và dụng… vì đang ngồi trong quán Bar, đèn sáng trưng!

Trò chuyện với các doanh nhân trẻ (tối 29.3.2024 tại Mũi Né)
Chỉ có vậy. Thôi nhé,
Thân mến,
Đỗ Hồng Ngọc
(Saigon 8.4.2024)
Kính chào Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc,
Trước hết, tôi xin chúc mừng bác sĩ có những ngày về thăm quê Mũi Né của bác sĩ rất vui vẻ.
Thứ đến cũng xin cảm ơn bác sĩ cho đọc bài lược thuật này và cũng nhờ đó được biết những sinh hoạt ở Mũi Né.
Nhưng có chữ này tôi chưa được rõ nghĩa đó chữ “doanh nhân”; hổng biết có phải “doanh nhân” là những người lo việc mua bán, kinh dinh theo nghĩa hồi xưa lúc tôi còn đi học ở các lớp trung học mà trong tự điển của soạn giả Lê Văn Đức cùng nhóm văn hữu biên soạn và Lê Ngọc Trụ hiệu đính với nghĩa:
“Kinh-dinh: (danh từ), còn gọi là: Kinh-doanh, trù-liệu công-việc có phác-họa đường-lối: Kinh-dinh cơ-sở // (nghĩa thông thường: Mở-mang to rộng, làm ăn lớn: Thí dụ: Có óc kinh dinh. [Quyển Thượng, trang 689, nhà xuất bản Khai Trí (Sài Gòn) 1970]
Kính chúc bác sĩ nhiều sức khỏe và an vui.
Thân kính,
Hai Trầu