Đọc chuyện một “teen” tự tử khi nghe mình thi rớt đại học trên báo chí năm ngoái tôi không khỏi giật mình! Tôi nhớ đã nhiều lần chuẩn bị tư tưởng… cho các em sẵn sàng thi rớt, sẵn sàng thua keo này bày keo khác rồi mà! Tôi còn nhớ có nhắc chuyện ngày nay không ai còn nhớ mấy ông tiến sĩ mủ áo xênh xang được khắc tên trên văn bia Quốc tử giám mà chỉ nhớ… Tú Xương, một “chuyên gia” thi rớt: “Phen này tớ hỏng tớ đi ngay! Cúng giỗ từ nay nhớ lấy ngày. Học đã sôi cơm nhưng chữa chín. Thi không ăn ớt thế mà cay…”! Nhưng thế vẫn còn chưa đủ!
Thực tế, khi biết mình thi rớt không ai là không bị “sốc”, bị hụt hẫng, thấy như đất sụt dưới chân mình! Không ít “teen” có ý định tự tử, thậm chí đã có hành vi… tự tử vì “chết còn sướng hơn”! Nói cho đúng, không phải chết vì thi rớt đâu, mà vì chịu không nổi thái độ của những người chung quanh, của ông bà, cha mẹ, bà con, hàng xóm, bạn bè…! Nhất là cha mẹ, những người yêu thương, gần gũi mình nhất. Chính sự kỳ vọng quá lớn của cha mẹ làm cho bạn ta bế tắc, thấy mình có lỗi! Phản ứng thật lạ lùng mà cũng thật dễ thương! Làm như hễ cha mẹ kỳ vọng vào ta quá, khi thất bại, sợ cha mẹ buồn nên ta chết quách cho cha mẹ…vui! Thử xem có cha mẹ nào “vui” nổi kiểu này không? Cha mẹ kỳ vọng vào con quá đã là sai, nhưng con mà hiểu lầm cha mẹ đến nỗi tự hủy họai đời mình cho “đã nư” thì còn sai hơn! Như vậy là nhẫn tâm với cha mẹ, và nhất là nhẫn tâm với chính bản thân mình! Có thể cha mẹ hồi xưa học hành lận đận, lao đao nhiều rồi nên bây giờ mong con đựơc hơn mình, may mắn, hạnh phúc hơn mình! Nhưng thương nhau mà thương quá như thế thì bằng mười hại nhau! Con thích học ngành này, mà ép học ngành kia là thương mình chứ không phải thương con. Ngược lại, chỉ vì hiểu sai mà ta “gieo tiếng óan” cho cha mẹ là không tốt! Tội nghiệp họ chứ! Hùm dữ còn không ăn thịt con! Còn nói nhẫn tâm với bản thân mình ư? Hôm nào thử vào bệnh viện thăm một “teen” vừa tự tử hụt đang nằm ở phòng cấp cứu thì biết! Không có chuyện lãng mạn như phim Hàn quốc đâu! Hãy nhìn mà xem. Bạn ta nằm đó, trần truồng, mặt sưng húp, mắt đứng tròng, tay chân thâm tím, co giật từng cơn, dây nhợ chằng chịt đặt trên ngực, trên tay chân, một ống nội khí quản đặt trong cổ họng, một ống thông bàng quang đặt vào lỗ tiểu… Bóng các thầy thuốc rầm rập chạy qua chạy lại. Và bóng cha mẹ, người thân gục đổ đâu đó bên bờ tường, thẩn thờ, đau điếng, mất hồn mất vía! Cha mẹ không thể ngờ cớ sự lại xảy ra như vậy! Không thể ngờ con họ lại dại dột như vậy! Giá mà đựơc cứu sống phen này , họ sẵn sàng để bạn ta thi rớt… một ngàn lần nữa cũng không sao, thậm chí muốn bỏ học cũng được! Bởi còn sống là còn hy vọng, còn sống là còn tương lai. Thi cử ở trường ốc chẳng qua chỉ đánh giá một góc nào đó thôi, còn học là học suốt đời, mà đâu chỉ có học ở trường!.Nhiều em thất bại trong học hành ở trường nhưng lại rất thành công khi vào đời. Trong số những em phải sớm rời bỏ học đường kia có thể có một vài Bill Gates không chừng! Nếu chịu khó đọc tiểu sử các danh nhân, ta thấy đa số họ đều là những người…thất bại! Nhờ thất bại, lận đận, họ mới luyện chí, rèn nghị lực, họ mới lo trau dồi những khả năng tiềm tàng khác của mình và thành công rực rỡ ở những lãnh vực khác, như một sự bù trừ của trời dất!
Khi thi rớt. ta thường nghĩ đến mọi người mà quên nghĩ đến ta! Chính ta phải có trách nhiệm với mình, với cái thân thể này, với cái tâm hồn này! Có ai đau bụng giùm ta chưa? Có ai nhức răng giùm ta chưa? Có ai… thất tình giùm ta chưa? Vậy cớ sao bây giờ ta lại sợ mọi người thất vọng vì ta để rồi trốn chạy!
Tôi thật cảm động khi được biết sau cùng người bạn trẻ đó đã thoát chết và đã nhận ra sự thực: Em nói em thấy mình may mắn thi rớt kỳ này, nếu không, chắc đã phải bị học một ngành mà em không thích! Nhờ thi rớt một keo mà bạn ta đã trưởng thành, đã tìm lại được con người thật của mình đó vậy!
Đỗ Hồng Ngọc
Cảm ơn vì bài viết rất hay, sẽ là bài học cho mình sau này để hiểu con cái hơn ^^
hôm nay con vừa thi toán xong, tệ lắm con không làm đc gì hết. Ba mẹ không la con nhưng con thấy có lỗi. Ba mẹ lo tất cả cho con , con chĩ có việc học mà bây giờ con học toán như vậy con sợ không tốt nghiệp được cấp 2 , con sợ con làm ba mẹ buồn, con sợ phải đối đầu với những ngày tháng cấp 3 nữa, con chịu ko nổi …
Nhưng có thể văn con tạm được, sử con kha khá, bù qua sớt lại… Không ai hoàn hảo cả! Đừng buồn. Ba mẹ con như vậy là rất tốt, sẽ không tạo sức ép cho con… Cứ yên tâm… học tà tà, từ từ thôi! Đường dài mới biết ngựa hay con à!
Con đã đọc sách của bác, quyển “Khi người ta lớn” và “Thầy thuốc và bệnh nhận”. Con đang đọc quyển “Như Thị” và thích cách viết của bác, rất dí dỏm mà sâu sắc.
Con cũng là đứa thi rớt, 2 lần trượt đại học, và năm nay con cho mình cơ hội cuối để thực hiện điều mình ao ước. Có những lúc con mệt mỏi lắm, và chỉ muốn buông xuôi vì nghĩ mình không còn đủ đam mê để theo đuổi nữa, thấy mình như đứa mù quáng, chạy theo điều gì thật mông lung. Thấy bạn bè xung quanh kể về việc học ở trường đại học, được phép “thành người lớn” làm những điều này điều nọ, trong khi bản thân mình, ai hỏi đang học ở đâu, ngành nào, rồi xin làm điều gì đó ba mẹ cũng bảo lo mà học đi, rớt nữa thì không biết mặt mũi ba mẹ để ở đâu…
Con thích được học y, và khi con nản, con đọc những câu chuyện trong quyển “Thầy thuốc và bệnh nhân”, tất cả như thêm dầu vào ngọn đèn lu mờ của con vậy.
Và nếu như con được vào học ở trường y, con sẽ rất vui; còn nếu không, con cũng sẽ tiếc một chút, nhưng phải chọn hướng đi cho mình.
Con người cần có nghị lực, phải không bác?
Nếu được, con đưa bài THI ROT này cho ba mẹ đọc với, hoặc bài “Quân tử trả thù…” cũng được. Con mà thi rớt nữa thì mặt mũi ba mẹ cũng vẫn ở… chỗ cũ. Có điều, sau này có thể ba mẹ sẽ hãnh diện về con ở một phương diện nào khác. Và lúc đó họ sẽ nói “May mà con thi rớt hồi đó!”. Nếu con hỏng Đai học nữa thì học trung cấp, học nghề nào mà con thích, rồi từ từ tiến lên. Bill Gate chưa hề đậu đại học nào, nhưng là người sáng lập Microsoft đó con ạ. Nếu kỳ này thi đại học nữa, con chỉ nên thi chơi thôi, đậu cũng tốt mà rớt cũng tốt nhé!
Con cung tung thi rot dai hoc va con da chon cho minh nga re khac, con hoc trung hoc duoc da di lam duoc 3 nam, nhung uoc mo vao dai hoc van thoi thuc con. Con dang ky thi chuyen tu va tu hoc o nha(vi co quan khong tao dieu kien cho thi), may man 1 lan nua bo roi con, cai cam giac buon ba, xau ho 1 lan nua ua ve, con that su met moi muon bo roi tat ca, con so anh mat di nghi cua moi nguoi o co quan, so nhung loi hoi tham cua ban be, va ay nay voi nhung nguoi da tung giup do minh. Du tu noi voi ban than ca ngan lan phai co len, phai guong day, nhung co 1 dieu gi do rat buon trong tam trang Bac a, doc bai viet nay con thay duoc su dong cam sau sac, con khong biet minh co du can dam nam sau thi tiep k, cai cam giac hien tai giong nhu con da tung giam phai gai tren duong va that su so khong dam buoc tiep nua. Co phai con qua nhut nhat va yeu duoi qua phai khong Bac?
Cam on Bac va chuc Bac suc khoe!
“Thua keo này bày keo khác”; “Thất bại là mẹ thành công”; “Có công mài sắt…”. Tóm lại, cần kiên nhẫn và quan trọng hơn, cần có phương pháp. Đừng quá nôn nóng, đừng quá căng thẳng. Có tuổi, bận đi làm thì học có khó khăn hơn, nhưng có người cao tuổi còn thi vào đại học. Học phải thấy vui…
Con cảm ơn lời khuyên của Bác, có lẽ con nôn nóng được học Đại học trước khi lập gia đình vì con sợ sau này sẽ vướng bận không có cơ hội đi học. Con sẽ học cách tự hài lòng bản thân và tìm vui trong công việc
Bác cho con hỏi nếu năm nay con học hệ ngoài ngân sách trường Đại hoc Y Dược thì năm sau con có thể thi lại để vào được hệ trong ngân sách không ạ? Nếu được thì con phải học lại từ đầu đúng không Bác? Con cám ơn Bác.
Con phải hỏi nhà trường mới biết. Bác không rành chuyện này.
Bác sĩ ơi,
Trước đây con bị trầm cảm rồi hưng cảm. Sau đó, con đã khỏe lại ăn ngủ bình thường, đi học tốt hơn. Mới đây, con bị trầm cảm lại, con khó thức dậy vào buổi sáng, cứ thích nằm hoài trên giường thôi. Bác sĩ có thể giới thiệu 1 bác sĩ chữa bệnh này ở HCM để con tới khám tư được không bác sĩ. Con sợ không khí ở bệnh viện tâm thần lắm, nên chỉ muốn khám ở phòng khám tư thôi.
Bác sĩ giúp con nha bác sĩ.
Con chân thành cảm ơn.
Em đến các bệnh viện đa khoa công hoặc tư ở Thành phố để được khám tổng quát trước đã, sau đó nếu bác sĩ thấy cần cho khám chuyên khoa tâm thần thì mới chuyển đến bác sĩ tâm thần. Nếu em tự chẩn đoán bệnh sẵn cho mình thì chữa rất khó. Các bác sĩ ngành Tâm thần học có phòng mạch ngoài giờ cũng nhiều, em có thể lên mạng tìm được.