“Một chút tôi”
Lời ngỏ cho dohongngoc.com
Tôi mù tịt công nghệ thông tin. Tôi cũng không ưa cuộc sống ảo. Dù vẫn biết cụôc sống ngỡ là thực này vẫn chỉ là mộng, huyễn, bào ảnh, sương mai.. Đối với tôi, vi tính là một cái máy đánh chữ, tiện lợi hơn một chút cho việc sửa bài, lưu bài…. dù vẫn kiếm tìm vất vả! Nhưng rồi do nhu cầu nghiên cứu, học hỏi, tôi cũng phải mò mẫm lên mạng lai rai. Bỗng thấy ngày càng nhiều những bài viết, những sách… của mình xuất hiện. Có nhiều chỗ sai sót, nhiều chỗ khuyết danh, tam sao thất bổn! Từ đó, mơ ước có cách nào đó gom góp lại, phân lọai ra, bổ sung thêm… để chính thức thành một tập tư liệu “động”, có thể chia sẻ với mọi người, làm chỗ giao lưu với bạn bè, tương tác với bạn đọc gần xa. Vả lại, thêm tuổi tác, có khi cũng cần thêm chút bận rộn nào chăng?…
Cầu được ước thấy. Một hôm, một người bạn trẻ không quen biết gởi tôi một cái “meo”, nói em đọc tôi từ hồi còn nhỏ trên Mực Tím, nay muốn đến thăm. Trò chuyện một lúc mới hay em chuyên về công nghệ thông tin, sẵn sàng giúp tôi làm một trang web riêng mình, tập hợp các bài víêt lại, làm chỗ trao đổi giao lưu, và có thể trở thành một nơi tham vấn, tư vấn sức khỏe cho bạn bè khi cần đến… Và rồi chỉ vài hôm sau, đã thấy xuất hiện dohongngoc.com coi cũng ngồ ngộ. Tôi nói muốn trang web của mình nghiêm túc, vì là một thầy thuốc, tôi phải chịu trách nhiệm về những gì mình viết, mình hướng dẫn chuyên môn. Dĩ nhiên, bên cạnh đó, có phần văn học, bay bổng hơn và phần đạo học, trầm lắng, vốn là những điều tôi vẫn đang sống và viết.
Hình như theo “truyền thống” của một trang nhà, tôi phải viết đôi lời tự giới thiệu: “About me” mới là phải phép. Tôi lần lữa mãi. Biết viết gì đây? Rồi nghĩ rằng hay là gom góp vài tư liệu đâu đó thành “Một chút tôi” cũng hay, một cơ hội để làm quen nhau vậy. Sẻ chia, ấy chính là hạnh phúc.
BS Đỗ Hồng Ngọc
Saigon, tháng 5. 2009
Lên non hái lá
Người xưa tìm thuốc lên non hái lá. Thử nếm. Thử chữa bệnh cho mình. Rồi mới dám mà sẻ chia cho bạn bè hàng xóm, giữa chốn thân quen. Phải phơi nắng, phơi sương, phải chẻ, phải sao, phải sắc. Ba chén sáu phân. Tùy bệnh trạng mà gia giảm. Thuốc chữa đựơc bệnh cũng là thuốc độc. Chỉ cần một chút sơ sẩy, hững hờ!
Tôi là một người thầy thuốc, một bác sĩ, mà cũng là một bệnh nhân, lắm nỗi lao đao, đi tìm thuốc chữa cho chính mình. Mới thấy tốt nhất là đừng nên có bệnh! Đừng phải cần đến thuốc men. Nhưng “Không hẹn mà đến, không chờ mà đi, bốn mùa thay lá thay hoa thay mãi đời ta…” (TCS)
Có lần tôi hỏi một vị sư có phải câu hay nhất trong kinh Kim Cang là “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” không, sư nhẹ nhàng bảo không, Kim Cang câu nào cũng hay! Câu nào cũng hay? Vậy mà sao ta chỉ thấy những chưng hửng, ngẩn ngơ, lủng ca lủng củng. tối mịt tối mò. Hay là đã tự ngàn xưa nên tránh sao khỏi tam sao thất bổn? Hay là phải chắt lọc bốn câu một kệ mới thấy chỗ vi diệu thậm thâm? Làm sao mà “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” đủ làm cho lục tổ Huệ Năng đại ngộ? Làm sao mà “đối cảnh vô tâm” đủ làm cho vua Trần Nhân Tông trở thành Tổ sư thiền phái Trúc Lâm? Làm sao mà hai trăm năm trước Nguyễn Du phải đốt nến đọc Kim Cang đến ngàn lần… Ngã độc Kim Cương thiên biến linh/ Kỳ trung áo chỉ đa bất minh! ( Kim Cương đọc đến ngàn lần/ Mà trong mờ ảo như gần như xa- T.V) để rồi cuối cùng mới chợt tỉnh thấy ra kinh không chữ mới thật là chân kinh ( chung tri vô tự thị chân kinh-ND)! Kinh không chữ ư? Đọc giữa dòng ư?
…. Vượt qua cái chữ, thấy đựơc kinh vô tự, ấy là đã thôi không dừng trên văn tự nữa mà đã bước vào quán chiếu để từ đó mà thấy đựơc thực tướng Bát nhã!
Nó vậy đó. Nó “Như như bất động”. .
Kẻ làm thầy thuốc có thể chữa được cái đau mà không chữa được cái khổ. Có thể chữa được cái bệnh mà không chữa được cái hoạn. Có thể chữa được cho người mà không chữa được cho mình. Nên phải cầu học, tìm học khôn khuây.
…………..
Trích Lời ngỏGươm Báu Trao Tay
Cà kê dê ngỗng…
Tôi là một kẻ làm biếng, lại hành cái nghề mà ông tổ là cụ Hải thựơng Lãn ông, ông già lười ở làng Hải Thương, vậy mà bỗng trở thành một ngừơi bận rộn lúc nào không hay!
Số là ông bạn nhà báo của tôi, ông Trần Trọng Thức, một hôm gõ cửa bảo: “Nghe nói ông sắp về hưu, rổi rảnh, viết cái gì đó cho báo Doanh nhân Saigon Cuối tuần cho vui đi”! Nghe “doanh nhân” tôi đã hoảng vì cái sự bận rộn của họ. Biết ý, ông cười: Đây là “Doanh nhân cuối tuần”, không phải chuyện làm ăn đâu! Viết cái gì cũng đựơc, miễn là cà kê dê ngỗng.có hơi hướm sức khỏe một chút… là đựơc! Tôi bèn tra tự điển: cà kê, có nghĩa là dài dòng, hết chuyện này sang chuyện khác, còn dê ngỗng thì ai cũng biết! Thôi thì nể bạn…
Tôi nhớ André Maurois, người mà tôi rất mến mộ đã từng víết Lettres à l’inconnue (Thư gởi người đàn bà không quen biết, Bản dịch Ngyễn Hiến Lê) bằng cách tưởng tượng ra một người phụ nữ xinh đẹp, tuổi khoảng ba mươi, có nhan sắc, thông minh và nhạy cảm… để ông viết mỗi tuần một bức thư gởi cho người trong… mộng, trao đổi về mọi thứ chuyện trên đời. Tôi thử bắt chước tạo ra cái mục Thư gởi người bận rộn, lấy ý từ chữ business, là ‘bận rộn’ xem sao. Và tôi cũng tưởng tượng ra người bận rộn của tôi. Nghĩ gì viết đó. Cà kê dê ngỗng mà. Nhưng viết chỉ được ít lâu thì hết chuyện. Nhớ hồi xưa có đọc một cái truyện ngắn đâu đó kể một ngừơi cô đơn, cả đời không ai thèm viết thư cho mình, thấy bạn bè ai cũng có thư đọc mà giận, bèn mỗi ngày tự viết cho mình một bức, đem ra bưu điện gởi về địa chỉ với tên mình đàng hoàng, rồi cũng ung dung mở thư ra đọc, tủm tỉm cười một mình khoái trá…Tôi lại bắt chước anh ta mỗi tuần viết cho mình một bức thư như vậy. Chẳng ngờ đựơc độc giả khen, nói cà kê dê ngỗng mà coi cũng đựơc! Từ đó tôi trở thành một ngừơi bận rộn…Thứ Tư nào cũng phaỉ nộp cho tòa sọan một bức thư bất kể trời mưa hay nắng! Mà độc giả mới dễ thương làm sao…
Trích Thay lời ngỏ Thư gởi ngừơi bận rộn
Những nụ cười…
Tôi vốn ít hay cười. Ngay từ nhỏ, người ta đã gọi tôi là “một ông cụ non”, vì lúc nào cũng có vẻ đạo mạo, nghiêm túc quá. Sau này ra hành nghề, làm một người thầy thuốc, một người dạy học, tôi như càng nghiêm túc, đạo mạo hơn. Tại cái tạng, biết sao! Thấy bạn bè vui vẻ, khoái hoạt… tôi cũng thích lắm mà không làm sao bắt chước được. Chỉ đôi khi đọc sách có chỗ nào dí dỏm thâm trầm kín đáo một chút, tôi mới tủm tỉm cười một mình. Tôi cũng không biết hút thuốc, không uống rượu, không bia bọt, thường chỉ “phá mồi” trong những bữa họp mặt đông vui làm bạn bè vừa thương vừa giận! Cũng tại cái tạng thôi. Trong nhiều năm trời, tôi làm việc như điên, cho đến một hôm người ta phải đưa tôi vào bệnh viện để mổ sọ cấp cứu vì tai biến mạch máu não. Người ta cạo trọc đầu tôi, đục hai lỗ thủng, rồi đặt ống dẫn lưu cho máu chảy vào hai chai nhỏ treo tòng teng bên dưới. Khi tỉnh dậy, nằm trần truồng trên băng ca ở phòng hậu phẫu lạnh ngắt, đắp một tấm “ra” trắng mỏng trên người, tôi nghĩ thế là xong! Một cô điều dưỡng đến tiêm thuốc, đọc hồ sơ thấy tên tôi, em hỏi có phải bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc “phòng mạch mực tím” không, tôi ú ớ gật. Thế là em kêu lớn: Các bạn ơi, lại “coi” bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nè! Bốn năm cô chạy đến. Thì ra lâu lay các em đọc báo, biết tên tôi nhưng chưa biết mặt. Tôi không khỏi tức cười nghĩ lâu nay mình làm thầy thuốc đã “coi” của người ta cũng hơi nhiều rồi, bây giờ người ta coi lại một chút cũng phải thôi… Sau đó, mấy người bạn thân còn kể lại, khi nghe tin tôi bệnh nặng như vậy, họ đã tổ chức một buổi nhậu “ăn mừng”. Không phải ăn mừng vì tôi bệnh mà ăn mừng vì họ không bệnh, chưa bệnh. Lâu nay tôi vẫn là người hay khuyên họ bỏ thuốc lá, bớt uống rượu để tránh nguy cơ bệnh tật! Từ đó, tôi bắt đầu biết cười hơn. Khi đi lại được vài bước thì việc đầu tiên là tôi nhìn vào gương để cười cái đầu trọc lóc lún phún của mình, cái bộ râu xệu xạo của mình. Tôi vội lấy viết vẽ lại cái sự ngộ nghĩnh đó. Rồi tôi đi lại quanh sân, lượm những hòn sỏi nhỏ và ngạc nhiên thấy những hòn sỏi đó giống Tôn hành giả, Trư bát giới, Tam Tạng… Đọc báo, tôi lựa các chuyện cười đọc trước. Nó giúp tôi tủm tỉm khi gặp một chuyện hay, hạp với tạng mình. Tôi sưu tầm để dành những chuyện mình thích, đọc đi đọc lại cho vui. Chủ yếu là các chuyện cười về ngành Y, chuyện trẻ con chuyện ntt’ớc ngoài… Ông bà ta nói “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”, vậy sao một người thầy thuốc đã từng trải những nỗi khổ đau vì bệnh tật như tôi lại không thể kê một toa “thuốc bổ” cho chính mình bằng những nụ cười….
Trích Lời ngỏ Như ngàn thang thuốc bổ
Một mùi gió bấc quen thuộc…
Thật ra già là gì, lúc nào thì già, lúc nào thì chớm già, sắp già, mới già, đã già. Có tuổi nào là tuổi “hườm hườm” chăng? Một người bạn ở tuổi hườm hườm hỏi, sao, ông bác sĩ, ông đã viết nào cho các bà mẹ sinh con đầu lòng, nào cho tuổi mới lớn, sao không viết một chút gì đó cho tuổi sắp già, tuổi hườm hườm, tuổi xế bóng, tuổi gió heo may đã về xem sao. Tôi lần lữa hẹn. Phải già một chút nữa cho biết đã rồi mới dám viết chứ, phải không?
Không như nhà thơ nọ đo tuổi mình qua ánh mắt cố nhân, tôi đo tuổi mình qua cách xưng hô của các bà mẹ bế con đến khám bệnh. Trước đây họ gọi tôi bằng anh, sau gọi bằng chú, rồi bằng bác, và rồi mới đây thôi, một chị hãy còn rất trẻ đưa bé đến khám bệnh, lúc bé la khóc, chị dỗ nín đi, nín đi cho ông ngoại khám con, thì tôi mới biết mình đã lên đến ông ngoại rồi mà không hay. Tôi hỏi theo thói quen chị là gì của cháu, chị trả lời ngon ơ, dạ, bà ngoại.
Nhìn ngắm mình, nhìn ngắm bạn bè mình mới bật cười cái “Ôi cát bụi tuyệt vời” mà thầm cám ơn anh bạn nhạc sĩ họ Trịnh đã nói giùm mình nhiều quá. Một người bạn nghe, bảo này đừng có mà hù doạ người ta đó nghe, đừng có làm cho người ta sợ hãi, làm cho người ta thấy ra sự thật phũ phàng đó nghe… Còn một người bạn khác thì khuyên cứ nói rõ ra, thà biết trước còn hơn, biết trước để chuẩn bị tâm lý và để thích nghi, để điều chỉnh. Phải, chấp nhận, thích nghi, điều chỉnh như dòng sông kia vẫn đứng im mà chảy mãi, biết thích nghi, tự điều chỉnh mình qua bao thác ghềnh để nhập vào biển khơi. Khả năng thích nghi, điều chỉnh ấy là khả năng của một sức khoẻ lành mạnh, xứng đáng cho một tuổi già lành mạnh, cho nên, không phải cứ chờ thật già mới viết cho tuổi chớm già, mà ngay giờ đây vừa gậm nhấm nó, vừa rình rập nó, quan sát nó và ghi lại, không phải nó chỉ là mình mà là của tất cả bạn bè chung quanh rồi sắp xếp lại, biết đâu mua vui cũng được một vài trống canh?.
Vậy, hỡi những người bạn yêu qúy của tôi, xin hãy vui với những dòng chữ chân tình này, và nếu có bực mình thì cứ tự nhủ làm gì có, hù doạ đó thôi…. Còn nếu có bắt gặp hình ảnh chính mình trong những dòng chữ này thì cũng hãy mỉm cười mà thứ lỗi…
Vì sáng hôm nay, một chút gió heo may đã về, những chiếc lá vàng đã rơi lác đác trên những con đường thành phố, một mùi gió bấc quen thuộc đã len vào giữa những hàng cây….
Trích Lời ngỏ Gío heo may đã về…
Tủm tỉm một mình
Trái tim không phải để suy nghĩ. Trái tim là để yêu thương. Khi trái tim nghĩ thì chắc cũng không nghĩ như khối óc. Trái tim có cách nghĩ riêng của mình mà nhiều khi khối óc không sao hiểu được. Thời đại của chúng ta, con người dùng khối óc nhiều quá, nhiều đến nỗi người ta luôn ở trong tình trạng muốn “điên cái đầu”. Và thực vậy. Bệnh tâm thần ngày càng phát triển, tự tử, ma túy, stress… ngày càng gia tăng trong một xã hội mà người ta luôn bị quay cuồng, luôn phải chạy đua với tốc độ, tuổi trẻ, nhan sắc, thành đạt… Có lẽ đã đến lúc thử nghe tiếng nói của trái tim. Một hôm, có chàng thi sĩ đi ngang qua vườn rào kia, giật mình thấy một bông bụp đỏ ở bờ giậu, cái bông bụp rất tầm thường như hàng ngày chàng vẫn thấy khi qua lại chốn này, bỗng nhiên như nở một nụ cười mầu nhiệm, rồi không chỉ cười, nó hát, và chàng thi sĩ chỉ còn biết sụp lạy, cúi đầu (*). Vâng, chàng đã nghe. Nghe không phải từ bông hoa kia mà từ trong trái tim mình. Và chàng sửng sốt. Mọi thứ như khác hẳn. Đã thoát ra, đã vượt ra, vượt qua… Người ta có thể nghĩ chàng thi sĩ chắc điên, có điều chàng biết rất rõ chàng đã nghe, đã thấy một điều kỳ lạ. Một thứ mật ngữ. Như anh chàng chèo đò của Herman Hesse, ngày ngày vẫn chèo đò đưa người qua sông, cho đến một hôm bỗng nghe được tiếng nói của dòng sông và từ đó chàng đã tự đưa mình qua sông, và đã vượt ra, vượt qua. Chúng ta bây giờ hình như có quá ít thì giờ để nghe tiếng nói của trái tim mình, dù chỉ cần nhấp con chuột trên vi tính thì đã nối trọn vòng trái đất, vậy mà người ta có vẻ ngày càng xa nhau hơn, xa với người và xa cả với mình. Một thi sĩ đã phải kêu lên: “… Không có thì giờ! Chim lấy đâu mà về tổ. Tôi lấy đâu mà làm thơ. Em lấy đâu mà đọc những bài thơ tôi sắp viết?…” (**). Tôi cũng vậy. Tôi cũng không có thì giờ. Quần quật. Tối tăm mặt mũi vì “trăm công ngàn việc”. Cho đến một hôm, hình như, có lẽ, một lần kia có một lúc hình như tôi cũng chợt nghe. Hình như thôi, không chắc, không dám. Ngẫm nghĩ rồi nghe ngóng. Nghiền ngẫm rồi ngập ngừng. Rồi bức xúc, phải viết ra cho khỏi quên, để lâu lâu còn coi lại một mình. Ba năm nghiền ngẫm, sáu tháng viết và hơn hai năm ngại ngần, thỉnh thoảng đọc và sửa, nhờ vài bạn thâm giao chỉ thêm cho, rồi tìm tòi, tham khảo, loay hoay… Tôi không phải là thi sĩ, không phải là tu sĩ, tôi chỉ là một bác sĩ, một người thầy thuốc, nên đôi khi phải hành nghề, phải giúp đỡ bạn bè, hàng xóm, kẻ nhức đầu người đau lưng…và trước hết là phải chữa bệnh cho chính mình. Có những lúc thuốc men chỉ chữa được cái đau mà không chữa được cái khổ, chữa được “triệu chứng” bên ngoài mà không chữa được “căn nguyên” sâu xa, từng từng lớp lớp bên trong. Tôi đành chia sẻ những điều tôi nghĩ, tôi cảm, tôi nghe. Có thể đúng. Có thể sai. Có thể không đúng không sai. Có khi hiệu quả, có khi không. Có người hạp mà có người dị ứng. Vậy nên nếu tình cờ mà đọc được những dòng này thì xin hiểu cho mà đừng trách. Nếu muốn, có thể tủm tỉm cười một mình. Cũng chẳng khoái ru?
TríchLời ngỏ Nghĩ Từ Trái Tim
(*) Thơ Quách Thoại (**) Thơ Nguyên Sa
TÁC PHẪM ĐỖ HỒNG NGỌC:
Thơ
Tình Người (1967)
Thơ Đỗ Nghê (1973)
Giữa hoàng hôn xưa (1993)
Vòng quanh (1997)
Thư cho bé sơ sinh & những bài thơ khác (2010)
Thơ Ngắn Đỗ Nghê (2017)
Tạp văn, Tùy bút:
Gió heo may đã về (1997)
Già ơi…Chào bạn! (1999)
Những người trẻ lạ lùng (2001)
Thầy thúôc & Bệnh nhân (2001)
Như ngàn thang thuốc bổ (2001)
Cành mai sân trước (tuyển tập, 2003)
Thư gởi người bận rộn (2005)
Khi người ta lớn (2007)
Như thị (2007)
Chẳng cũng khoái ru?(2008)
Nhớ đến một người (2011)
Thư gởi người bận rộn 2 (2011)
Ăn vóc học hay (2011)
Ghi chép lang thang (2014)
Một hôm gặp lại (2016)
Già sao cho sướng? (2015)
Về thu xếp lại (2019)
Biết ơn mình (2019)
Để Làm Gì (2020)
Buông (2022)
Phật Học
Nghĩ từ trái tim (về Tâm Kinh Bát Nhã, 2003)
Gươm báu trao tay (về kinh Kim Cang, 2008)
Handing down precious sword (bản dịch tiếng Anh, 2015)
Thấp thoáng lời Kinh (2012)
Thiền và Sức khỏe (2013)
Ngàn cánh sen xanh biếc (về kinh Pháp Hoa, 2014)
Cõi Phật đâu xa (về kinh Duy Ma Cật, 2016)
Thoảng Hương Sen (2018)
Tôi Học Phật (2023)
Y học phổ cập:
Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò (1972)
Nói chuyện sức khỏe với tuổi mới lớn (1989)
Bệnh ở tuổi hoc trò (1990)
Viết cho Tuổi mới lớn (1995)
Với tuổi mười lăm (1997)
Bỗng nhiên mà họ lớn (2000)
Bác sĩ và những câu hỏi của tuổi mới lớn (2003)
Tuổi mới lớn (tuyển tập, 2005)
Khi người ta lớn (2011)
Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng (1974)
Chăm sóc Trẻ từ sơ sinh đến 3 tuổi (1978)
Làm sao để trẻ được khỏe mạnh và thông minh?
Những bệnh nguy hiểm thường gặp ở trẻ em
Săn sóc con em nơi xa thầy thuốc (1986)
Nuôi con (1988)
Sức khỏe trẻ em (1991)
Câu chuyện Sức khỏe (1996)
…………………………………………………………………………………………………
Đỗ Hồng Ngọc (bút hiệu Đỗ Nghê)
Sinh năm 1940 tại Phan Thiết (Thế-vì Khai sinh ghi 1943).
Quê nhà: Lagi-Hàm Tân- Bình Thuận.
Tốt nghiệp Tiến sĩ y khoa quốc gia, Y khoa Đại học đường Saigon, 1969
Bác sĩ chuyên khoa Nhi
Nguyên nội trú ủy nhiệm Bệnh viện Nhi đồng Sàigòn (1968-1969),
Trưởng phòng cấp cứu Nhi (1973-1975)
Trưởng khu Phòng khám Cấp Cứu BV Nhi Đồng 1 Tp.HCM (từ 1975-1985)
Giám đốc Trung tâm Truyền thông – Giáo dục Sức khỏe Tp.HCM (1985-2005)
Tu nghiệp Y tế công cộng tại Đại học Harvard Hoa Kỳ (1993)
và Giáo dục sức khỏe tại CFES, Pháp (1997).
Giảng viên thỉnh giảng Bộ môn Nhi, Đại học Y dựơc TP.HCM (1981-1995)
Trưởng Bộ môn Khoa học hành vi & Giáo dục sức khỏe, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thach từ 1995-2008
Trưởng Bộ môn Y đức- Khoa học hành vi, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Tp.HCM 2008-2016
Cố vấn Bộ môn Y Đức – Khoa học hành vi Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM.
Hiện nghỉ hưu.
…………………………………………………………………………………
Đã cộng tác với các báo:
Bách khoa, Mai, Tình Thương, Ý thức, Tuổi Ngọc, Mây Hồng…
Tuổi trẻ, Phụ nữ, Thanh niên, Mực Tím, Áo trắng, Doanh nhân Saigon cuối tuần, Sài gòn Tiếp thị, Kiến thức ngày nay, Văn hóa Phật giáo, Giác Ngộ, Từ Quang, Liễu Quán…
Phụ trách trang: “Phòng mạch Mực Tím”, báo Mực Tím (1989-2002); “Thư gởi người bận rộn” báo Doanh nhân Saigon Cuối tuần (2003-2004), và “Gia đình Vui khỏe” báo Phụ Nữ Tp.HCM (từ 2008-2010).
Liên hệ:
Email: dohongngocbs@gmail.com
Đỗ Văn Quốc viết
Dạ chiều tối nay và sáng mai con tiến sang nhà bác Ngọc. con quyết rồi : ) Dạ con thích đọc văn của bác Ngọc hơn và 1 bác sĩ tâm lí nữa là chú Lâm Hiếu Minh bên khoa nhi, bệnh viện tâm thần TP. HCM, 2 bác sĩ con ấn tượng nhất con từng gặp. nên con sẽ “mai phục” trước nhà bác Ngọc. : )))))
Vmh viết
Xã hội này, bây giờ có được mấy ” Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc ” ? Tiếc và thương thay cho Dân ta!
Bac Si Do Hong Ngoc viết
Cảm ơn Vinh. Nhưng không nên… nói vậy!
Kiều Mai viết
Thật may mắn, con được vinh dự là đồng hương của Bác.
Bé nhà con hay bị bệnh hô hấp, vô tình lướt web sang trang nhà Bác.
Sẽ đưa bé đến nhờ Bác xem giúp, mà con lại không biết lịch trình khám bệnh của Bác.
Nhờ Bác cho giúp em, Cảm ơn Bác nhiều
Bac Si Do Hong Ngoc viết
Bác đã lớn tuổi, không còn khám chữa bệnh. Cảm ơn con.
Tùng Long viết
Bác sĩ ơi,
Dạo này con thấy người ta quảng cáo phương pháp trị cận/loạn thị trong 10 phút. Bác sĩ cho con hỏi, phương pháp này có thật không ạ, hay chỉ là trò lừa đảo vụ lợi ạ?
Con cảm ơn bác sĩ.
Bac Si Do Hong Ngoc viết
Nếu cận/ loạn thị giả thì có thể chữa khỏi nhanh được con ạ!
Nên khám mắt cẩn thận ở một bác sĩ chuyên khoa ở bệnh viện Mắt.
Nhung viết
Ôi, con hâm mộ ông quá!
Bac Si Do Hong Ngoc viết
Cảm ơn Hong Nhung.
Ngoc Mai viết
Thật đúng là “có tìm thì sẽ thấy” – Tôi lục lạo mấy ngày nay giờ thì hi vọng đây là nơi sẽ có được hồi đáp nhanh chóng nhất của bác.
Tôi vốn là một thân chủ của bs từ hơn 30 năm trước – Và tôi khá may mắn, đã vượt qua nhiều nỗi khủng hoảng, lo lắng trong thời gian nuôi con còn nhỏ, nhờ được có bs điều trị và tư vấn. Tôi thật không biết nói sao để bs cảm nhận được lòng tri ân hằng lúc của chúng tôi đối với bs!! Tôi thật vô cùng hoan hỷ, được biết những hoạt động sau này của bs: viết sách, nói chuyện… luôn tiếp tục mang lại những lợi ích thiết thực cho mọi người, cho cuộc đời…
Bây giờ tôi đang gặp một khó khăn, muốn cầu cứu bs. Cháu nội của tôi, 3 tháng tuổi, đang phải nằm ở BV Nhi Đồng 1, để được theo dõi về căn bệnh GIẢM TIỂU CẦU VÔ CĂN… – gần 2 tuần lễ rồi nhưng tình trạng tiểu cầu vẫn lên xuống không ổn định.
Chúng tôi muốn xin được gặp bác để được tư vấn hiểu rõ hơn về bệnh lý và cách điều trị bệnh này. Mong bs cho tôi cái hẹn.
Hoặc là bs có thể giới thiệu cho gia đình chúng tôi một vài bác sĩ chuyên môn tốt về bệnh này?
Chúng tôi rất thiết tha với mong muốn thứ nhất. Kính mong chờ hồi đáp của bác sĩ.
Với tất cả lòng thiết tha và tri ơn.
Kính
Bac Si Do Hong Ngoc viết
Cảm ơn Cô Ngọc Mai. Từ nhiều năm nay, tôi không còn trực tiếp khám chữa bệnh do tuổi cao, sức kém. Trường hợp của cháu bé là một trường hợp khó, phải được điều trị chuyên khoa sâu về Huyết học. Tiên lượng cũng khó nói trước. Ở BV Nhi Đồng 1 có khoa Huyết học, có bác sĩ chuyên môn. Ngoài ra tại Thành phố HCM còn có Bệnh viện Truyền máu và Huyết học, cô Ngọc Mai có thể tham khảo thêm ở nơi này. Mong cô và gia đình giữ sức khỏe.
Lê Linh viết
Cho con hỏi, con muốn xin số điện thoại phòng mạch của bác sĩ Đỗ Châu Việt, không biết bác có thể cho con thông tin được không ạ? Do con ở xa phòng mạch, nên muốn đến khám, cũng muốn biết hôm đó bác sĩ Việt có khám hay không? Con xin chân thành cám ơn.
Ngoc Lien viết
Bác Ngọc ơi, nhà con hay khám bác sĩ Đỗ Châu Việt tại phòng khám chất lượng cao BV nhi đồng 2, 1 năm nay con không dẫn cháu đi khám, tuần trước do thay đổi thời tiết bé bị hô hấp nên con đăng ký khám tại ND2 và có hỏi thì được biết Bác Việt nghỉ khám tại đây. Lên mạng con thấy phòng mạch trên đường NĐC mà con gọi điện thoại không thấy ai bắt máy. Vậy muốn đăng ký khám thì thủ tục như thế nào? Mong Bác hướng dẫn cho con.
Cảm ơn Bác nhiều.
Bac Si Do Hong Ngoc viết
Bs Việt hiên nay chỉ khám ngoài giờ mỗi tuần 3 ngày, thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu tại 399/8 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 5 Quận 3, gần Chợ Vườn Chuối, từ 16h30 đến 19h30. Không phải đăng ký trước.
Bac Si Do Hong Ngoc viết
Bs Việt hiên nay chỉ khám ngoài giờ mỗi tuần 3 ngày, thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu tại 399/8 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 5 Quận 3, gần Chợ Vườn Chuối, từ 16h30 đến 19h30. Không phải đăng ký trước.
Đức Hạnh viết
Dạ con kính thưa Ông!
Dạ con tên đầy đủ là Nguyễn Thị Đức Hạnh, con năm nay 25 tuổi ạ. Chiều nay khi con ghé cửa hàng thực dưỡng, tình cờ con nhìn thấy một tập thơ với tựa đề là Thư cho bé sơ sinh và những bài thơ khác, tập thơ đã thu hút sự quan tâm của con và con đã đứng tần ngần đọc đi đọc lại nhiều lần những dòng thư Ông viết.. “Khi anh cắt rún cho em/ Anh đã xin lỗi chân thành rồi đó nhe/ Vì từ nay em đã phải cô đơn/ Em đã phải xa địa đàng lòng mẹ..” Con đã nhẩm rất nhiều lần những dòng thơ này của Ông và trong lòng dấy lên những cảm xúc thật khó bày tỏ. Con vừa trở về nhà và lên mạng gõ tìm danh Ông cùng bài thơ, rồi dẫn vào trang web này, con đã may mắn có được nhiều điều hơn mong đợi.. Con xin chân thành cảm ơn Ông.. Từ chân tấm lòng mình, con xin phép Ông cho con được bày tỏ đôi điều.. con nhận thấy được dòng chữ nào của Ông ghi, bất kể là thơ hay những lời bình, hay những tin Ông phúc đáp, Ông ơi sao con thấy Ông thật đẹp quá.. con thấy lòng mình nở hoa..! Con kính cảm ơn Ông ạ!
Bac Si Do Hong Ngoc viết
Cảm ơn Đức Hạnh. Cảm ơn cháu. Có những độc giả như cháu thật là hạnh phúc!
Nguyễn Lê Đoan Trang viết
Bác sĩ oi, con co dua con gai dược 3 tháng 14 ngau tuổi, be bi đam nhiều va hai ngay nay ho liên tục. Con dan be di kham ND1 va chan doan be bi viêm tiểu phe quan va BS cho toa thuốc ve mua. Con cung mua thuốc theo chi dinh va cho uống dung liệu luông ma sao be cang uống thuốc cang ho, cang oi ra nhiều vay thua bác si.. Con mun am be qua kham ben bác si thì con ko bit Jo Jac ben Bác nhu the nao de con am em qa bác kham.
Bac Si Do Hong Ngoc viết
Nên tiếp tục tái khám và điều trị ở bvND1 là tốt hơn cả. Bác đã nghỉ khám bệnh từ lâu rồi.
Do Manh Thuong viết
Thường says kính chào Bác sĩ, 2 con trai của mình đều sinh tại NBS Đức Chính và thường xuyên ghé lại phòng mạch Tranquycap (Vovantan) hai đứa giờ đều thành đạt (đứa lớn là BS ở Viện YDHDT). Nhà mình luôn tri ân Bác sĩ, kính chúc Bác sĩ vạn an.
Bac Si Do Hong Ngoc viết
Cảm ơn bạn Đỗ Mạnh Thường.
Bảo Thu viết
Người truyền cảm hứng nhân đạo trong tâm hồn và cuộc sống của con. Cảm ơn Bác sĩ!
Nguyễn Đình Thảo viết
Kính gửi Bác sỹ Đỗ Hồng Ngọc, con xin phép được gọi Bác là Thầy.
Con tên là Thảo, con sinh năm 1969, quê ở Phú Thọ, nay con đang cùng gia đình sống ở Hà Nội. Con đang trên hành trình cuộc đời để được học hỏi, trải nghiệm và con đang ở TP Hồ Chí Minh.
Con được như ngày hôm nay là nhờ vào cơ duyên quan tâm đến hơi thở của mình, cách đây 5 năm con bị tai biến nhẹ… rồi tự mình vượt qua,. Trong các buổi chia sẻ con luôn nhắc đến tên của BS Viện, BS Hưởng và tên của Thầy.
Con rất mong sớm được gặp Thầy để được Thầy chỉ bảo, con muốn chia sẻ về kiến thức hơi thở của Thầy và các Tiền bối đến cộng đồng. Mong Thầy chỉ dạy và trợ duyên cho con.
Con kính chúc Thầy cùng gia đình vui khỏe và Hạnh Phúc
Con mong sớm được gặp Thầy
Kính Thư
Ngô Thị Bích Vân viết
Con chào bác! Nhờ bác tư vấn giúp con! Hiện nay con thấy có nhiều phương pháp thở để chữa bệnh như: cách của bs Nguyễn Khắc Viện, của bác Bùi Quốc Châu, cách tác ý đuổi bệnh của Thích Trưởng Lão… Con có nhiều bệnh đã chữa Tây y rồi nhưng vẫn bị lại, sức khỏe kém, con muốn học cách thở cho phù hợp với mình nhưng đọc nhiều mà khokng biết áp dụng cách nào, xin bác sĩ tư vấn giùm con với, con loay hoay quá! Con cảm ơn bác!
Bac Si Do Hong Ngoc viết
Cảm ơn Nguyễn Đình Thảo. Lúc này do tuổi tác và sức khỏe hạn chế, Thầy ít đi đây đó hoặc tiếp xúc bạn bè như xưa.
Thầy đã đọc tài liệu con gởi và thấy phần con viết về Thiền có trích dẫn của thầy nhưng không thấy ghi rõ. Các phương pháp dạy thở, dạy vận động cột sống cần nhẹ nhàng, uyển chuyển, phù hợp sức khỏe và tuổi tác từng người, tránh sự cứng ngắc, máy móc, rập khuôn.
Lúc nào rảnh rỗi vào http://www.dohongngoc.com/web/ tham khảo, và khi sử dụng thì nhớ ghi nguồn (source) theo thông lệ.
Có dịp nào gặp sẽ trao đổi thêm nhé.
Thân mến,
Thầy Do Hong Ngoc.
Bac Si Do Hong Ngoc viết
Con đọc bài THỞ ĐỂ CHỮA BỆNH và các bài liên quan trên trang http://www.dohongngoc.com/web/ này và tìm đọc cuốn Thiền và Sức khỏe nhé.
Lê Hồng Anh viết
Cháu chào bác sĩ, hôm nay vô trang bác viết, đọc những dòng thân thương trìu mến gửi trao bạn đọc mà lòng cháu phấn khởi!
Cháu chân thành cảm ơn bác về những bài viết, những quyển sách trao truyền bao thế hệ.
Hồng Anh
Bac Si Do Hong Ngoc viết
Bác cảm ơn Lê Hồng Anh. Khi nào rỗi rảnh vào đọc cho vui nhé.
Thanh Kiều viết
Gửi bác Ngọc bản thu âm phần Lên Đường trong Gươm Báu Trao Tay.
Chúc bác nhiều sức khỏe
https://www.youtube.com/watch?v=dh9Pd4Zr1lQ&t=802s
Bac Si Do Hong Ngoc viết
Cảm ơn Thanh Kiều. Bác thấy link sẵn có trên youtube nên chia sẻ lên http://www.dohongngoc.com/web/, nhưng không hiểu sao bài đọc của Thanh Kiều luôn bắt đầu từ giữa bài mà không phải ngay từ đầu? Vậy nhờ Thanh Kiều kiểm lại xem sao nhé. Chắc là do lỗi kỹ thuật khi đưa lên youtube. Bác không rành vụ này!
Ngoài ra theo bác thì khi đọc một bài nào đó trong sách thì nên để cho người nghe chú tâm nghe thay vì phải vừa nghe vừa xem hình ảnh, vừa đọc câu chữ sẽ dễ mất tập trung. Bài này bác thấy chèn vào khá nhiều posters với hình ảnh, câu chữ…
Dao viết
Kính chào Bác sĩ,
Con tên Đào Nguyễn, tình cờ nghe và xem bài nói chuyên ĂN và CHAY trên YouTube. Con rât là thích về nội dung và BS Đỗ Hồng Ngọc.
Nhưng con có một câu hỏi hơi ” tế nhị ” một chút về Bác: ” Bác đã và đang ĂN CHAY chứ?”
Con có những trải nghiệm từ bản thân để vượt qua những bệnh tật, rât muốn chia sẻ với Bác qua email cá nhân hoặc messenger fb.
Bac Si Do Hong Ngoc viết
Cảm ơn Đào Nguyễn. Bác không có Fb. Vậy cứ chia sẻ qua email nhé.
Paul Nguyen viết
Dear BS Đỗ Hồng Ngọc
Việc tu hành ngày nay, cho dù là tăng hay tục, đang gặp nhiều chướng ngại rối rắm từ văn minh tiến bộ của khoa học vật chất.
Ví dụ nhà sư chỉ lo thích làm chuyện kinh doanh tham lam danh lợi, xây cất chùa chiền chỗ nàychỗ kia cho to cho lớn để đồ chúng bá tánh đến tham bái cho đông cúng tiền cho nhiều cho dữ.
Một điều trầm trọng khác là tu hành đi sai lệch chánh pháp của Đức Phật Gotama Thích Ca.
Như Kinh Pháp Hoa, Duy Ma Cật, Hoa Nghiêm, Lăng Nghiêm, Kim Cang, Phật thuyết A Di Đà, Bát nhã tâm kinh , etc.. của Phật giáo phát triển (Bắc Tông), chỉ được các sư của tông phái tự mệnh danh là đại thừa viết ra sau thời Đức Phật chừng 300-500 năm với những ông Phật và Bồ tát giả tạo (không có thật).
Trong Phẩm Thọ Ký- Kinh Pháp Hoa cho rằng các đại đệ tử của Phật như Sariputta (Xá Lợi Phật), Mogallama (Mục Kiền Lên) … Ananda, v.v.. đều được Đức Phật thọ ký để trở thành những vị Phật chánh toàn giác trong tương lai, nhưng những vị đại đệ tử này đều là những vị A la hán đã đạt giải thoát nhập Niết bàn, không còn trở lại thế gian này nữa thì Đức Phật thọ ký cho họ để làm cái gì.
Còn trong Kinh ngụy tạo Duy Ma Cật là một Cư sĩ mà lại có quyền pháp thần thông còn lấn áp các đại đệ tử của Phật, ông cư sĩ này thích đến nhũng nhiễu chọc quê chư vị thánh tăng, rồi để cho Bồ tát Văn Thù nào đó (là thầy của 7 vị Phật quá khứ) dẫn đầu các đệ tử Phật đến nghe ông Duy Ma thuyết phù phép. Kinh Lăng nghiêm thì sỉ nhục thị giả cửa Đức Phật la Ananda bị nàng Ma Đăng Gìa dùng yêu thuật dụ vào phòng riêng cưỡng dâm, rồi lại bày đặt Đức Phật sai Văn Thù bồ tát dùng chú Lăng nghiêm đến cứu. Ngài Ananda là vị đệ từ đệ nhất đa văn thông minh xuất chúng, nên không dễ gì để cho ai bắt nạt mình, và Đức Phật không bao giờ sử dụng đến bùa chú hay yêu thuật như trong câu chuyện khi đến bên một giòng sông Đức Phật thấy một vị Bà la môn nọ dùng thần thông bay qua lại trên sông, Đức Phật mới hỏi ông đã tốn bao lâu để luyện được phép này, 30 năm thưa ngài. Đức Phật mới bảo rằng ông cần luyện 30 năm trong
khi ta chỉ cần tốn vài xu là có thể đi đò sang sông rồi. Kinh Hoa nghiêm là một chuỗi phiêu lưu phù phép dài thòn của thanh niên Đồng tử không mấy khác những tiểu thuyết như Tây Du Ký và kiếm hiệp kỳ tình qua chưỡng lực bên Tàu.
Những kinh khác thì cũng toàn tương tự những chuyện bịa đặt không có cơ sở, tệ hại nhất là kinh Phật thuyết A Di Đà đã làm cho không biết bao nhiêu Phật tử lầm đường lạc lối để được vãng sanh phiêu diêu về cõi cực lạc mông lung nào đó trong suốt thơi gian dài trên 2000 năm qua.
Những chuyện thật quá khôi hài gàn bát sách, mà vẫn có nhiều người tin theo, nhất là những bậc trí giả học giả uyên thâm, không biết tư duy trí tuệ của mình để
đâu mà không chịu dùng đến suy xét cho tường tận xem có logical đúng sai như thế nào?
Trong 5 bộ kinh nguyên thủy triếng Pali, kinh Đại Niệm Xứ được xem là kinh căn bản để tu hành, trong phần cuối kinh Đức Phật khuyến tấn nếu ai gắng công tu tập kinh này từ 7 ngày cho đến 7 năm sẽ kỳ vọng chứng 1 trong 2 qủa vị: A la hán giải thóat hoặc Bất lai (được hóa sanh về Tịnh cư thiên trên cùng trong cõi Sắc).
Trong kinh Tương Ưng SN47.25: Aññatarabrāhmaṇa Sutta, Đức Phật đã thuyết cho một Cư sĩ Balamon:
– Này Bà la môn, Có ‘Bốn niệm xứ’, nếu không khéo tu tập và không được thực hành nghiêm chỉnh, sau khi Như Lai nhập diệt, chánh pháp sẽ không còn trường tồn.
Ngược lại, nếu ‘Bốn niệm xứ’ này được khéo tu tập và được thực hành nghiêm chỉnh, sau khi Như Lai nhập diệt, chánh pháp sẽ vẫn trường tồn.
Cũng như Đức Phật khuyến nhủ cùng các đệ tử: những điều ta biết nhiều như lá simsapa trong rừng nhưng chúng không đưa đến giác ngộ giải thoát, còn những gì ta nói ra với các thầy chỉ như một nắm lá simsapa nhưng chúng dẫn đến gíác ngộ giải thoát. Tu tập những gì liên hệ về khổ-khổ sinh-khổ diệt-phương châm diệt khổ giúp đưa đến giải thoát.
Do đó biết qúa nhiều, nói nhiều và viết nhiều chưa hẵn đã là điếu hay, mà chỉ chuốc thêm những phiền não rối rắm, tâm viên ý mã, đâu có giúp ích gì.
Khoa học cứ đi tìm nguồn gốc của vũ trụ hay loài người thì Đức Phật đã ví như một người bị bắn trọng thương một mũi tên độc, không lo tìm thầy chạy chửa phẫu thuật lấy mũi tên ra, mà cứ thắc mắc lẩn quẩn như ai đã bắn ta, mũi tên từ hướng nào đến, etc…thì thuốc độc trong mũi tên sẽ ngấm thấu vào tận tim tũy đâu còn dịp cứu kịp. Có khác gì chuyện 100 năm đời người vô thường ngắn ngủi, không lo tự tu tập theo đúng chánh pháp mà cứ chạy quanh lăng xăng, đi tìm minh sư, sục sạo cái nọ cái kia đến khi tuổi gìa sức yếu ập đến lúc nào không hay, ôi thôi đã lỡ làng rồi một chuyến đò ngang, hoặc đột tử bất kỳ lúc nào, đâu có gì bảo kê để trở lại kiếp làm người, khó như chuyện trăm năm một thuở con rùa mù chui vào bọng cây trồi lên mặt biển.
Chỉ xin một chút góp ý, mong có dịp cùng chia sẽ Phật pháp qua email.
Trân trọng,
Paul Nguyen
paulnguyen777@yahoo.ca
Bac Si Do Hong Ngoc viết
Cảm ơn Paul Nguyen. Khi nào rỗi rảnh, đọc “Cõi Phật đâu xa” và “Ngàn cánh sen xanh biếc” trên trang http://www.dohongngoc.com này nhé.
Thân mến, ĐHN.
Phan Cát Tường viết
Kính BS. Đỗ Hồng Ngọc
Ấn phẩm Hương Thiền (của chùa Linh Bửu) số Vu Lan 2009 xin phép đăng bài THƯ CHO BÉ SƠ SINH,xin BS. hoan hỷ duyệt cho
PHAN CÁT TƯỜNG
Bac Si Do Hong Ngoc viết
Cảm ơn Phan Cát Tường. Vui lòng giữ đúng nguyên văn và tên tác giả là được.
Phan Cát Tường viết
Dạ vâng, Hương Thiền sẽ giữ đúng nguyên văn bản thảo. Trân trọng!
Bùi Duy Phúc viết
Chúc mừng anh. Chúc mừng bác sĩ.
Cuối cùng anh cũng qua được bến giác.
Thành quả của anh có sức thuyết phục và tác động rất lớn đối với những người chưa xuất gia nhưng có tâm cầu đạo.
Chân thành chúc anh an lạc miên viễn.
Bac Si Do Hong Ngoc viết
Cảm ơn Bùi Duy Phúc. Chưa qua được bến giác đâu anh ạ. Còn lâu!
Nguyễn Thị Kim Anh viết
Dear Bác !
Con đang tìm hiểu và muốn thực hành về Thiền, có quá nhiều bài dạy về Thiền trên youtube, con đang băn khoăn,thì được nghe bài Thở và Thiền dưới góc độ khoa học của Bác, con thât vui và Cãm ơn Bác rất nhiều,vì con thấy không quá khó, mình có thể áp dụng được, một lần nữa Cãm ơn Bác
Bac Si Do Hong Ngoc viết
Nếu có thể, con tham khảo thêm cuốn: Thiền và Sức khỏe, đầy đủ hơn nhé.
Từ từ và đều đều, đừng nóng vội.
Nguyễn Hữu Quyền viết
Con chào ông Ngọc, ông cho con hỏi điều này. Con có đọc sách cụ Nguyễn Hiến Lê viết, có một khái niệm cụ đưa ra là Ức thuyết – Đại khái ý là nên tập viết về một chủ đề nào đó, tìm tất cả tài liệu về chủ đề đó để viết.
Khổ nổi con không nhớ rõ cụ viết trong quyển nào, Ông có thể giúp con được không ạ. Con cảm ơn ông
Bac Si Do Hong Ngoc viết
Tg Nguyen Huu Quyen: Tôi cũng không nhớ trong cuốn nào? Có thể trong cuốn “Tự học: một nhu cầu thời đại” chăng?
Có lẽ ý ông Nguyễn Hiến Lê khuyên để viết về một điều gì đó, cần nghiên cứu kỹ, đọc nhiều tài liệu, để “nói có sách, mách có chứng”, đừng chủ quan, tưởng tượng cá nhân.
Theo Từ điển Hán Nôm (Nguyễn Quốc Hùng) thì “Ức thuyết” có nghĩa là:
1. Lời nói chỉ dựa vào tưởng tượng cá nhân.
2. Lời nêu ra một cách chủ quan, hoàn toàn không có căn cứ.
Hà Thái viết
Con chào bác sỹ Ngọc,
Con đang phụ trách quản lý một trường tiểu học nho nhỏ tại Quận 2, trong quá trình làm việc với trẻ con nhận thấy các bạn nhỏ tuổi này rất cần làm quen và học tập nghiêm túc về chủ đề
giáo dục giới tính.
Trẻ thời nay được tiếp cận các phương pháp giáo dục mới, được tự tin thể hiện mình từ khi còn nhỏ, được tự do trong tư duy, nên rất cần sớm đưa tới cho trẻ những kiến thức đúng, khoa học với một cách tiếp cận đủ giúp các bạn vừa có thể hiểu, vừa tạo sự hứng thú.
Hiện tại con đang rất mong muốn tìm được một người có thể đến trường con và chia
sẻ về chủ đề này cho trẻ, bằng một số tiết học nhẹ nhàng.
Con không biết bác sỹ có thể giúp con được không ạ?
Con cảm ơn bác sỹ.
Bac Si Do Hong Ngoc viết
Trên trang http://www.dohongngoc.com này có mấy bài liên quan đến vấn đề Hà Thái muốn tìm hiểu.
Về tìm người giúp triển khai ở trường tiểu học, có thể liên hệ với ThS Bs Truong Trọng Hoàng, Bộ môn Khoa học hành vi & Giáo dục sức khỏe, Đai học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TpHCM.
Nguyễn Ngọc Thảo viết
Dạ, con chào bác sĩ.
Con rất thích chương trình Phật học và Đời sống do Bác phụ trách. Nhưng lâu rồi con không thấy có chương trình mới sau đợt tất niên. Lớp học còn tiếp tục hay ngưng rồi Bác. Nếu vẫn còn tiếp tục bác cho con địa chỉ mạng để con theo dõi ạ. Con cám ơn Bác. Con chúc Bác nhiều sức khỏe
Bac Si Do Hong Ngoc viết
Cám ơn Nguyễn Ngọc Thảo. Lớp học vẫn còn tiếp tục nhưng không làm video clip nữa Thảo à.
Quốc Hoàng viết
Con kính chào Bác Sỹ !
Con tên là Hoàng,quê Quảng Nam, hiện con đang tạm trú ở Sài Gòn.
Con có thể nhờ Bác Sỹ cho một lời khuyên được không ạ!
Con mến mộ giáo lý nhà phật, thích ăn chay và từ lâu nuôi dưỡng ý muốn được sống trong cảnh thiền môn thực tập nếp sống nhà phật.
Hiện tại con đang có khủng hoảng về tâm lý và đã xin nghỉ việc để an dưỡng, ý muốn được thực tập nếp sống nhà thiền lại thắp trong con.
Bác Sỹ có thể cho chỉ giúp cho con một ngôi chùa được không ạ!
Con xin thành kính cảm ơn!
PS: con không biết địa chỉ email của Bác Sỹ nên đường đột viết lên trang này, Mong Bác cảm thông!
Con Hoàng.
Bac Si Do Hong Ngoc viết
Bác cũng chịu thua con ạ. Nếu con có quen biết với một vị sư nào, con có thể xin chỉ dẫn.
Quốc Hoàng viết
Con cảm ơn Bác đã trả lời cho con, chúc Bác nhiều sức khỏe ạ!