“Một chút tôi”
Lời ngỏ cho dohongngoc.com
Tôi mù tịt công nghệ thông tin. Tôi cũng không ưa cuộc sống ảo. Dù vẫn biết cụôc sống ngỡ là thực này vẫn chỉ là mộng, huyễn, bào ảnh, sương mai.. Đối với tôi, vi tính là một cái máy đánh chữ, tiện lợi hơn một chút cho việc sửa bài, lưu bài…. dù vẫn kiếm tìm vất vả! Nhưng rồi do nhu cầu nghiên cứu, học hỏi, tôi cũng phải mò mẫm lên mạng lai rai. Bỗng thấy ngày càng nhiều những bài viết, những sách… của mình xuất hiện. Có nhiều chỗ sai sót, nhiều chỗ khuyết danh, tam sao thất bổn! Từ đó, mơ ước có cách nào đó gom góp lại, phân lọai ra, bổ sung thêm… để chính thức thành một tập tư liệu “động”, có thể chia sẻ với mọi người, làm chỗ giao lưu với bạn bè, tương tác với bạn đọc gần xa. Vả lại, thêm tuổi tác, có khi cũng cần thêm chút bận rộn nào chăng?…
Cầu được ước thấy. Một hôm, một người bạn trẻ không quen biết gởi tôi một cái “meo”, nói em đọc tôi từ hồi còn nhỏ trên Mực Tím, nay muốn đến thăm. Trò chuyện một lúc mới hay em chuyên về công nghệ thông tin, sẵn sàng giúp tôi làm một trang web riêng mình, tập hợp các bài víêt lại, làm chỗ trao đổi giao lưu, và có thể trở thành một nơi tham vấn, tư vấn sức khỏe cho bạn bè khi cần đến… Và rồi chỉ vài hôm sau, đã thấy xuất hiện dohongngoc.com coi cũng ngồ ngộ. Tôi nói muốn trang web của mình nghiêm túc, vì là một thầy thuốc, tôi phải chịu trách nhiệm về những gì mình viết, mình hướng dẫn chuyên môn. Dĩ nhiên, bên cạnh đó, có phần văn học, bay bổng hơn và phần đạo học, trầm lắng, vốn là những điều tôi vẫn đang sống và viết.
Hình như theo “truyền thống” của một trang nhà, tôi phải viết đôi lời tự giới thiệu: “About me” mới là phải phép. Tôi lần lữa mãi. Biết viết gì đây? Rồi nghĩ rằng hay là gom góp vài tư liệu đâu đó thành “Một chút tôi” cũng hay, một cơ hội để làm quen nhau vậy. Sẻ chia, ấy chính là hạnh phúc.
BS Đỗ Hồng Ngọc
Saigon, tháng 5. 2009
Lên non hái lá
Người xưa tìm thuốc lên non hái lá. Thử nếm. Thử chữa bệnh cho mình. Rồi mới dám mà sẻ chia cho bạn bè hàng xóm, giữa chốn thân quen. Phải phơi nắng, phơi sương, phải chẻ, phải sao, phải sắc. Ba chén sáu phân. Tùy bệnh trạng mà gia giảm. Thuốc chữa đựơc bệnh cũng là thuốc độc. Chỉ cần một chút sơ sẩy, hững hờ!
Tôi là một người thầy thuốc, một bác sĩ, mà cũng là một bệnh nhân, lắm nỗi lao đao, đi tìm thuốc chữa cho chính mình. Mới thấy tốt nhất là đừng nên có bệnh! Đừng phải cần đến thuốc men. Nhưng “Không hẹn mà đến, không chờ mà đi, bốn mùa thay lá thay hoa thay mãi đời ta…” (TCS)
Có lần tôi hỏi một vị sư có phải câu hay nhất trong kinh Kim Cang là “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” không, sư nhẹ nhàng bảo không, Kim Cang câu nào cũng hay! Câu nào cũng hay? Vậy mà sao ta chỉ thấy những chưng hửng, ngẩn ngơ, lủng ca lủng củng. tối mịt tối mò. Hay là đã tự ngàn xưa nên tránh sao khỏi tam sao thất bổn? Hay là phải chắt lọc bốn câu một kệ mới thấy chỗ vi diệu thậm thâm? Làm sao mà “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” đủ làm cho lục tổ Huệ Năng đại ngộ? Làm sao mà “đối cảnh vô tâm” đủ làm cho vua Trần Nhân Tông trở thành Tổ sư thiền phái Trúc Lâm? Làm sao mà hai trăm năm trước Nguyễn Du phải đốt nến đọc Kim Cang đến ngàn lần… Ngã độc Kim Cương thiên biến linh/ Kỳ trung áo chỉ đa bất minh! ( Kim Cương đọc đến ngàn lần/ Mà trong mờ ảo như gần như xa- T.V) để rồi cuối cùng mới chợt tỉnh thấy ra kinh không chữ mới thật là chân kinh ( chung tri vô tự thị chân kinh-ND)! Kinh không chữ ư? Đọc giữa dòng ư?
…. Vượt qua cái chữ, thấy đựơc kinh vô tự, ấy là đã thôi không dừng trên văn tự nữa mà đã bước vào quán chiếu để từ đó mà thấy đựơc thực tướng Bát nhã!
Nó vậy đó. Nó “Như như bất động”. .
Kẻ làm thầy thuốc có thể chữa được cái đau mà không chữa được cái khổ. Có thể chữa được cái bệnh mà không chữa được cái hoạn. Có thể chữa được cho người mà không chữa được cho mình. Nên phải cầu học, tìm học khôn khuây.
…………..
Trích Lời ngỏGươm Báu Trao Tay
Cà kê dê ngỗng…
Tôi là một kẻ làm biếng, lại hành cái nghề mà ông tổ là cụ Hải thựơng Lãn ông, ông già lười ở làng Hải Thương, vậy mà bỗng trở thành một ngừơi bận rộn lúc nào không hay!
Số là ông bạn nhà báo của tôi, ông Trần Trọng Thức, một hôm gõ cửa bảo: “Nghe nói ông sắp về hưu, rổi rảnh, viết cái gì đó cho báo Doanh nhân Saigon Cuối tuần cho vui đi”! Nghe “doanh nhân” tôi đã hoảng vì cái sự bận rộn của họ. Biết ý, ông cười: Đây là “Doanh nhân cuối tuần”, không phải chuyện làm ăn đâu! Viết cái gì cũng đựơc, miễn là cà kê dê ngỗng.có hơi hướm sức khỏe một chút… là đựơc! Tôi bèn tra tự điển: cà kê, có nghĩa là dài dòng, hết chuyện này sang chuyện khác, còn dê ngỗng thì ai cũng biết! Thôi thì nể bạn…
Tôi nhớ André Maurois, người mà tôi rất mến mộ đã từng víết Lettres à l’inconnue (Thư gởi người đàn bà không quen biết, Bản dịch Ngyễn Hiến Lê) bằng cách tưởng tượng ra một người phụ nữ xinh đẹp, tuổi khoảng ba mươi, có nhan sắc, thông minh và nhạy cảm… để ông viết mỗi tuần một bức thư gởi cho người trong… mộng, trao đổi về mọi thứ chuyện trên đời. Tôi thử bắt chước tạo ra cái mục Thư gởi người bận rộn, lấy ý từ chữ business, là ‘bận rộn’ xem sao. Và tôi cũng tưởng tượng ra người bận rộn của tôi. Nghĩ gì viết đó. Cà kê dê ngỗng mà. Nhưng viết chỉ được ít lâu thì hết chuyện. Nhớ hồi xưa có đọc một cái truyện ngắn đâu đó kể một ngừơi cô đơn, cả đời không ai thèm viết thư cho mình, thấy bạn bè ai cũng có thư đọc mà giận, bèn mỗi ngày tự viết cho mình một bức, đem ra bưu điện gởi về địa chỉ với tên mình đàng hoàng, rồi cũng ung dung mở thư ra đọc, tủm tỉm cười một mình khoái trá…Tôi lại bắt chước anh ta mỗi tuần viết cho mình một bức thư như vậy. Chẳng ngờ đựơc độc giả khen, nói cà kê dê ngỗng mà coi cũng đựơc! Từ đó tôi trở thành một ngừơi bận rộn…Thứ Tư nào cũng phaỉ nộp cho tòa sọan một bức thư bất kể trời mưa hay nắng! Mà độc giả mới dễ thương làm sao…
Trích Thay lời ngỏ Thư gởi ngừơi bận rộn
Những nụ cười…

Chân dung tự họa
Tôi vốn ít hay cười. Ngay từ nhỏ, người ta đã gọi tôi là “một ông cụ non”, vì lúc nào cũng có vẻ đạo mạo, nghiêm túc quá. Sau này ra hành nghề, làm một người thầy thuốc, một người dạy học, tôi như càng nghiêm túc, đạo mạo hơn. Tại cái tạng, biết sao! Thấy bạn bè vui vẻ, khoái hoạt… tôi cũng thích lắm mà không làm sao bắt chước được. Chỉ đôi khi đọc sách có chỗ nào dí dỏm thâm trầm kín đáo một chút, tôi mới tủm tỉm cười một mình. Tôi cũng không biết hút thuốc, không uống rượu, không bia bọt, thường chỉ “phá mồi” trong những bữa họp mặt đông vui làm bạn bè vừa thương vừa giận! Cũng tại cái tạng thôi. Trong nhiều năm trời, tôi làm việc như điên, cho đến một hôm người ta phải đưa tôi vào bệnh viện để mổ sọ cấp cứu vì tai biến mạch máu não. Người ta cạo trọc đầu tôi, đục hai lỗ thủng, rồi đặt ống dẫn lưu cho máu chảy vào hai chai nhỏ treo tòng teng bên dưới. Khi tỉnh dậy, nằm trần truồng trên băng ca ở phòng hậu phẫu lạnh ngắt, đắp một tấm “ra” trắng mỏng trên người, tôi nghĩ thế là xong! Một cô điều dưỡng đến tiêm thuốc, đọc hồ sơ thấy tên tôi, em hỏi có phải bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc “phòng mạch mực tím” không, tôi ú ớ gật. Thế là em kêu lớn: Các bạn ơi, lại “coi” bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nè! Bốn năm cô chạy đến. Thì ra lâu lay các em đọc báo, biết tên tôi nhưng chưa biết mặt. Tôi không khỏi tức cười nghĩ lâu nay mình làm thầy thuốc đã “coi” của người ta cũng hơi nhiều rồi, bây giờ người ta coi lại một chút cũng phải thôi… Sau đó, mấy người bạn thân còn kể lại, khi nghe tin tôi bệnh nặng như vậy, họ đã tổ chức một buổi nhậu “ăn mừng”. Không phải ăn mừng vì tôi bệnh mà ăn mừng vì họ không bệnh, chưa bệnh. Lâu nay tôi vẫn là người hay khuyên họ bỏ thuốc lá, bớt uống rượu để tránh nguy cơ bệnh tật! Từ đó, tôi bắt đầu biết cười hơn. Khi đi lại được vài bước thì việc đầu tiên là tôi nhìn vào gương để cười cái đầu trọc lóc lún phún của mình, cái bộ râu xệu xạo của mình. Tôi vội lấy viết vẽ lại cái sự ngộ nghĩnh đó. Rồi tôi đi lại quanh sân, lượm những hòn sỏi nhỏ và ngạc nhiên thấy những hòn sỏi đó giống Tôn hành giả, Trư bát giới, Tam Tạng… Đọc báo, tôi lựa các chuyện cười đọc trước. Nó giúp tôi tủm tỉm khi gặp một chuyện hay, hạp với tạng mình. Tôi sưu tầm để dành những chuyện mình thích, đọc đi đọc lại cho vui. Chủ yếu là các chuyện cười về ngành Y, chuyện trẻ con chuyện ntt’ớc ngoài… Ông bà ta nói “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”, vậy sao một người thầy thuốc đã từng trải những nỗi khổ đau vì bệnh tật như tôi lại không thể kê một toa “thuốc bổ” cho chính mình bằng những nụ cười….
Trích Lời ngỏ Như ngàn thang thuốc bổ
Một mùi gió bấc quen thuộc…
Thật ra già là gì, lúc nào thì già, lúc nào thì chớm già, sắp già, mới già, đã già. Có tuổi nào là tuổi “hườm hườm” chăng? Một người bạn ở tuổi hườm hườm hỏi, sao, ông bác sĩ, ông đã viết nào cho các bà mẹ sinh con đầu lòng, nào cho tuổi mới lớn, sao không viết một chút gì đó cho tuổi sắp già, tuổi hườm hườm, tuổi xế bóng, tuổi gió heo may đã về xem sao. Tôi lần lữa hẹn. Phải già một chút nữa cho biết đã rồi mới dám viết chứ, phải không?
Không như nhà thơ nọ đo tuổi mình qua ánh mắt cố nhân, tôi đo tuổi mình qua cách xưng hô của các bà mẹ bế con đến khám bệnh. Trước đây họ gọi tôi bằng anh, sau gọi bằng chú, rồi bằng bác, và rồi mới đây thôi, một chị hãy còn rất trẻ đưa bé đến khám bệnh, lúc bé la khóc, chị dỗ nín đi, nín đi cho ông ngoại khám con, thì tôi mới biết mình đã lên đến ông ngoại rồi mà không hay. Tôi hỏi theo thói quen chị là gì của cháu, chị trả lời ngon ơ, dạ, bà ngoại.
Nhìn ngắm mình, nhìn ngắm bạn bè mình mới bật cười cái “Ôi cát bụi tuyệt vời” mà thầm cám ơn anh bạn nhạc sĩ họ Trịnh đã nói giùm mình nhiều quá. Một người bạn nghe, bảo này đừng có mà hù doạ người ta đó nghe, đừng có làm cho người ta sợ hãi, làm cho người ta thấy ra sự thật phũ phàng đó nghe… Còn một người bạn khác thì khuyên cứ nói rõ ra, thà biết trước còn hơn, biết trước để chuẩn bị tâm lý và để thích nghi, để điều chỉnh. Phải, chấp nhận, thích nghi, điều chỉnh như dòng sông kia vẫn đứng im mà chảy mãi, biết thích nghi, tự điều chỉnh mình qua bao thác ghềnh để nhập vào biển khơi. Khả năng thích nghi, điều chỉnh ấy là khả năng của một sức khoẻ lành mạnh, xứng đáng cho một tuổi già lành mạnh, cho nên, không phải cứ chờ thật già mới viết cho tuổi chớm già, mà ngay giờ đây vừa gậm nhấm nó, vừa rình rập nó, quan sát nó và ghi lại, không phải nó chỉ là mình mà là của tất cả bạn bè chung quanh rồi sắp xếp lại, biết đâu mua vui cũng được một vài trống canh?.
Vậy, hỡi những người bạn yêu qúy của tôi, xin hãy vui với những dòng chữ chân tình này, và nếu có bực mình thì cứ tự nhủ làm gì có, hù doạ đó thôi…. Còn nếu có bắt gặp hình ảnh chính mình trong những dòng chữ này thì cũng hãy mỉm cười mà thứ lỗi…
Vì sáng hôm nay, một chút gió heo may đã về, những chiếc lá vàng đã rơi lác đác trên những con đường thành phố, một mùi gió bấc quen thuộc đã len vào giữa những hàng cây….
Trích Lời ngỏ Gío heo may đã về…
Tủm tỉm một mình
Trái tim không phải để suy nghĩ. Trái tim là để yêu thương. Khi trái tim nghĩ thì chắc cũng không nghĩ như khối óc. Trái tim có cách nghĩ riêng của mình mà nhiều khi khối óc không sao hiểu được. Thời đại của chúng ta, con người dùng khối óc nhiều quá, nhiều đến nỗi người ta luôn ở trong tình trạng muốn “điên cái đầu”. Và thực vậy. Bệnh tâm thần ngày càng phát triển, tự tử, ma túy, stress… ngày càng gia tăng trong một xã hội mà người ta luôn bị quay cuồng, luôn phải chạy đua với tốc độ, tuổi trẻ, nhan sắc, thành đạt… Có lẽ đã đến lúc thử nghe tiếng nói của trái tim. Một hôm, có chàng thi sĩ đi ngang qua vườn rào kia, giật mình thấy một bông bụp đỏ ở bờ giậu, cái bông bụp rất tầm thường như hàng ngày chàng vẫn thấy khi qua lại chốn này, bỗng nhiên như nở một nụ cười mầu nhiệm, rồi không chỉ cười, nó hát, và chàng thi sĩ chỉ còn biết sụp lạy, cúi đầu (*). Vâng, chàng đã nghe. Nghe không phải từ bông hoa kia mà từ trong trái tim mình. Và chàng sửng sốt. Mọi thứ như khác hẳn. Đã thoát ra, đã vượt ra, vượt qua… Người ta có thể nghĩ chàng thi sĩ chắc điên, có điều chàng biết rất rõ chàng đã nghe, đã thấy một điều kỳ lạ. Một thứ mật ngữ. Như anh chàng chèo đò của Herman Hesse, ngày ngày vẫn chèo đò đưa người qua sông, cho đến một hôm bỗng nghe được tiếng nói của dòng sông và từ đó chàng đã tự đưa mình qua sông, và đã vượt ra, vượt qua. Chúng ta bây giờ hình như có quá ít thì giờ để nghe tiếng nói của trái tim mình, dù chỉ cần nhấp con chuột trên vi tính thì đã nối trọn vòng trái đất, vậy mà người ta có vẻ ngày càng xa nhau hơn, xa với người và xa cả với mình. Một thi sĩ đã phải kêu lên: “… Không có thì giờ! Chim lấy đâu mà về tổ. Tôi lấy đâu mà làm thơ. Em lấy đâu mà đọc những bài thơ tôi sắp viết?…” (**). Tôi cũng vậy. Tôi cũng không có thì giờ. Quần quật. Tối tăm mặt mũi vì “trăm công ngàn việc”. Cho đến một hôm, hình như, có lẽ, một lần kia có một lúc hình như tôi cũng chợt nghe. Hình như thôi, không chắc, không dám. Ngẫm nghĩ rồi nghe ngóng. Nghiền ngẫm rồi ngập ngừng. Rồi bức xúc, phải viết ra cho khỏi quên, để lâu lâu còn coi lại một mình. Ba năm nghiền ngẫm, sáu tháng viết và hơn hai năm ngại ngần, thỉnh thoảng đọc và sửa, nhờ vài bạn thâm giao chỉ thêm cho, rồi tìm tòi, tham khảo, loay hoay… Tôi không phải là thi sĩ, không phải là tu sĩ, tôi chỉ là một bác sĩ, một người thầy thuốc, nên đôi khi phải hành nghề, phải giúp đỡ bạn bè, hàng xóm, kẻ nhức đầu người đau lưng…và trước hết là phải chữa bệnh cho chính mình. Có những lúc thuốc men chỉ chữa được cái đau mà không chữa được cái khổ, chữa được “triệu chứng” bên ngoài mà không chữa được “căn nguyên” sâu xa, từng từng lớp lớp bên trong. Tôi đành chia sẻ những điều tôi nghĩ, tôi cảm, tôi nghe. Có thể đúng. Có thể sai. Có thể không đúng không sai. Có khi hiệu quả, có khi không. Có người hạp mà có người dị ứng. Vậy nên nếu tình cờ mà đọc được những dòng này thì xin hiểu cho mà đừng trách. Nếu muốn, có thể tủm tỉm cười một mình. Cũng chẳng khoái ru?
TríchLời ngỏ Nghĩ Từ Trái Tim
(*) Thơ Quách Thoại (**) Thơ Nguyên Sa
TÁC PHẪM ĐỖ HỒNG NGỌC:
Thơ
Tình Người (1967)
Thơ Đỗ Nghê (1973)
Giữa hoàng hôn xưa (1993)
Vòng quanh (1997)
Thư cho bé sơ sinh & những bài thơ khác (2010)
Thơ Ngắn Đỗ Nghê (2017)
Tạp văn, Tùy bút:
Gió heo may đã về (1997)
Già ơi…Chào bạn! (1999)
Những người trẻ lạ lùng (2001)
Thầy thúôc & Bệnh nhân (2001)
Như ngàn thang thuốc bổ (2001)
Cành mai sân trước (tuyển tập, 2003)
Thư gởi người bận rộn (2005)
Khi người ta lớn (2007)
Như thị (2007)
Chẳng cũng khoái ru?(2008)
Nhớ đến một người (2011)
Thư gởi người bận rộn 2 (2011)
Ăn vóc học hay (2011)
Ghi chép lang thang (2014)
Một hôm gặp lại (2016)
Già sao cho sướng? (2015)
Về thu xếp lại (2019)
Biết ơn mình (2019)
Để Làm Gì (2020)
Buông (2022)
Phật Học
Nghĩ từ trái tim (về Tâm Kinh Bát Nhã, 2003)
Gươm báu trao tay (về kinh Kim Cang, 2008)
Handing down precious sword (bản dịch tiếng Anh, 2015)
Thấp thoáng lời Kinh (2012)
Thiền và Sức khỏe (2013)
Ngàn cánh sen xanh biếc (về kinh Pháp Hoa, 2014)
Cõi Phật đâu xa (về kinh Duy Ma Cật, 2016)
Thoảng Hương Sen (2018)
Tôi Học Phật (2023)
Y học phổ cập:
Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò (1972)
Nói chuyện sức khỏe với tuổi mới lớn (1989)
Bệnh ở tuổi hoc trò (1990)
Viết cho Tuổi mới lớn (1995)
Với tuổi mười lăm (1997)
Bỗng nhiên mà họ lớn (2000)
Bác sĩ và những câu hỏi của tuổi mới lớn (2003)
Tuổi mới lớn (tuyển tập, 2005)
Khi người ta lớn (2011)
Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng (1974)
Chăm sóc Trẻ từ sơ sinh đến 3 tuổi (1978)
Làm sao để trẻ được khỏe mạnh và thông minh?
Những bệnh nguy hiểm thường gặp ở trẻ em
Săn sóc con em nơi xa thầy thuốc (1986)
Nuôi con (1988)
Sức khỏe trẻ em (1991)
Câu chuyện Sức khỏe (1996)
…………………………………………………………………………………………………
Đỗ Hồng Ngọc (bút hiệu Đỗ Nghê)
Sinh năm 1940 tại Phan Thiết (Thế-vì Khai sinh ghi 1943).
Quê nhà: Lagi-Hàm Tân- Bình Thuận.
Tốt nghiệp Tiến sĩ y khoa quốc gia, Y khoa Đại học đường Saigon, 1969
Bác sĩ chuyên khoa Nhi
Nguyên nội trú ủy nhiệm Bệnh viện Nhi đồng Sàigòn (1968-1969),
Trưởng phòng cấp cứu Nhi (1973-1975)
Trưởng khu Phòng khám Cấp Cứu BV Nhi Đồng 1 Tp.HCM (từ 1975-1985)
Giám đốc Trung tâm Truyền thông – Giáo dục Sức khỏe Tp.HCM (1985-2005)
Tu nghiệp Y tế công cộng tại Đại học Harvard Hoa Kỳ (1993)
và Giáo dục sức khỏe tại CFES, Pháp (1997).
Giảng viên thỉnh giảng Bộ môn Nhi, Đại học Y dựơc TP.HCM (1981-1995)
Trưởng Bộ môn Khoa học hành vi & Giáo dục sức khỏe, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thach từ 1995-2008
Trưởng Bộ môn Y đức- Khoa học hành vi, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Tp.HCM 2008-2016
Cố vấn Bộ môn Y Đức – Khoa học hành vi Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM.
Hiện nghỉ hưu.
…………………………………………………………………………………
Đã cộng tác với các báo:
Bách khoa, Mai, Tình Thương, Ý thức, Tuổi Ngọc, Mây Hồng…
Tuổi trẻ, Phụ nữ, Thanh niên, Mực Tím, Áo trắng, Doanh nhân Saigon cuối tuần, Sài gòn Tiếp thị, Kiến thức ngày nay, Văn hóa Phật giáo, Giác Ngộ, Từ Quang, Liễu Quán…
Phụ trách trang: “Phòng mạch Mực Tím”, báo Mực Tím (1989-2002); “Thư gởi người bận rộn” báo Doanh nhân Saigon Cuối tuần (2003-2004), và “Gia đình Vui khỏe” báo Phụ Nữ Tp.HCM (từ 2008-2010).
Liên hệ:
Email: dohongngocbs@gmail.com
Ban tu thư Dại học Hoa Sen sắp in cuốn Ăn Vóc Học Hay của bác dành cho sinh viên. Chờ sách ra rồi sẽ bàn cụ thể nên tổ chức thế nào nhé.
Cháu rất thích trang nhà của Bác! Vì trong nghành y của mình ít người có tâm hồn lãng mạn như bác. Cháu đăng ký làm một fan hâm mộ bác ạ! Chúc bác sức khỏe tốt để đăng nhiều bài hơn trong tương lai!
a, thi ra la ong bac si nhi dong hoi con con nho o Vietnam. Nha cua con o 417B Nguyen Dinh Chieu, ba me hay cho con den phong kham nha rieng cua bac si.
Lúc này con ở đâu và làm gì Sarahpta? Ba mẹ con thế nào? Bác không thể nào hình dung ra con được vì… lúc đó chắc con còn quá nhí mà bệnh nhi của bác thì lại quá đông! Bác chúc con mạnh khỏe, thành công.
Anh Do Hong Ngoc kinh men, em la My Lien truoc lam viec o Binh Quoi day, bay gio em da nghi huu, da lau du khong gap lai anh chi nhung luc nao em cung nho den anh chi va em van doc cac bai viet cua anh rai rac tren cac bao, em rat thich cac bai viet cua anh.
Hom nay tinh co biet duoc trang nha cua anh, em rat thich vi it ra moi khi muon tim hieu bay gio anh ra sao em co cho de biet, biet anh van khoe em rat mung, em mong co dip gap lai anh, co the khi nao do em moi anh chi lai len Van Thanh choi nhe….
Chuc anh luon khoe va viet nhieu de giup doi nhung y hay ma von vi cuoc doi nay dang rat thieu….
em My Lien
Anh cũng rất vui được tin em. Khi nào rảnh, cứ gọi thì anh chị đến Văn Thánh ngay. Năm xưa, chưa có dịp đến Tân Cảng thì em đã về hưu! Nhưng thật tình, anh chị vẫn thích VT hơn. Thân mến.
Em se thu xep va phon cho anh de duoc noi nhieu chuyen voi anh chi. Emvan hay gap Tieng Thu ba xa cua Nguyen Nhat Anh nen cung hoi tham ve anh, neu Anh ranh em se ru ca gia dinh Anh cung den Van Thanh choi mot bua,
Qua hinh anh em van thay anh kg gia, con suc khoe thi sao ha anh? anh van luon khoe chu?
Em kg lam them gi tu khi em nghi huu, chu yeu de tap yoga va di bo moi ngay,nen em thay khoe hon khi con di lam. Dao nay anh van gap anh Cao Lap chu?co lan em nghe noi anh den Binh Quoi va goi anh Lap noi den day thay nho Cao Lap qua lam anh ay cam dong lam do…..
chuc anh luon khoe va hen gap lai
em Mlien
BS Đỗ Hồng Ngọc ơi,, xin BS hướng dẫn cháu,, CHuyên môn hay kỹ năng đều có thể dạy,,nhưng Làm cách nào mới có thể Tu dc 1 cái Tâm truyền đạt 1 cái tâm khong làm tội ác cho người khac ..
Bạn thấy đó, Kiến thức và Kỹ năng đều có nhiều cách dạy, còn Lối sống, Thái độ… chỉ có thể “tâm truyền tâm”, qua “thân giáo” và qua “tham vấn”, “làm gương” tốt…
Huệ Năng lục tổ cũng mất nhiều năm bửa cũi, nấu cơm!
Thầy ơi, em cũng là một bác sĩ, đã hơn 50 tuổi đời rồi, thật lòng em thèm một cuộc sống cởi mở bao dung, vậy mà khó quá, em luôn cảm thấy cô đơn, buồn chán! Thầy có buồn, trách một BS như em không Thầy? Em mong lắm một lời khuyên của Thầy, một ngươi mà em kính trọng, ngưỡng mộ đã từ rất lâu rồi!
Ở tuổi này, nhiều người cũng có cảm xúc giống như em. Không lạ. Dành thì giờ chăm sóc bệnh nhân. Làm công tác từ thiện nếu có thể. Rảnh, đọc “Gió heo may đã về” và “Nghĩ Từ Trái Tim”. Nên có bạn bè để chia sẻ.
BS Do Hong Ngoc oi!cho con hoi bay gio bac con kham benh nua khong?neu con bac cho con xin dia chi phong kham cua bac duoc khong ?
Hiện có con trai của bác là bác sĩ Đỗ Châu Việt (chuyên khoa Nhi) khám thay tại chỗ cũ 399/8 Nguyễn Đình Chiểu p5,q3.
Bác ơi , bác cho con hỏi , con trai con sinh vào tháng 11 năm 2008. Khi sinh cháu bị ghi trong hồ sơ là “vùi dương vật” . Sau đó con có đưa cháu qua bệnh viện An Sinh khám sức khỏe hàng tháng, thì bác sĩ ở bệnh viện An Sinh nói là bệnh này khi lớn hơn chút, khoảng 4-5 tuổi gì đó, đến BV nhi đồng làm phẫu thuật. Tháng 1.2013 vừa rồi, con đi cháu đến phòng khám Nam Khoa của bác sĩ NGuyễn Thành NHư để được tư vấn, trước khi quyết định có mổ ở NHi Đồng hay không. Lúc đó, bác sĩ NGuyễn Thành NHư đi tu nghiệp, vài tháng mới về và học trò của bác Như khám cho cháu. Anh bác sĩ ấy bảo rằng quan điểm bên bác Như là vùi dương vật không cần mổ, vì đến lớn không ai vùi dương vật cả. Con cũng có hỏi thăm là vì sao bên nhi đồng có mổ thì anh bác sĩ ấy bảo là quan điểm bên nhi đồng luôn cho mổ những ca vùi dương vật, Nhưng mổ thì bé chấn động tâm lý, đau đớn.. và thật sự không cần thiết.
Bác ơi, con rất hoang mang, xin Bác cho con lời khuyên, và nếu có thể bác kể cho con nghe những trường hợp trẻ vùi dương vật mà bác từng biết qua, khi lớn sẽ như thế nào, có ảnh hưởng gì đến đời sống bình thường của một thanh niên trưởng thành không bác?
Con cảm ơn Bác rất nhiều, Kính chúc bác và gia đình nhiều sức khỏe, luôn tràn ngập niềm vui. Con chào bác!
Chắc bs Nguyễn Thành Như hôm nay đã về rồi? Vậy hãy hỏi bs Như nhé, vì bác ấy chuyên khoa. Nếu có quan điểm khác nhau giữa hai bệnh viện thì họ có hội thảo để thống nhất chứ. Thực tế sẽ tùy trường hợp, cần có chẩn đoán chính xác mới có giải pháp hợp lý được.
Bác ơi, cháu năm tay 31 tuổi nhưng bị run tay chân mà Bác sĩ ở Bệnh viện Columbia có làm các xét nghiệm và kết luận run vô căn, giờ phải làm sao cho bớt run hả Bác, cháu cám ơn bác
Phải khám ở bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh và cả Nội tiết. Hỏi ở BV Chợ Rẫy.
Bác ơi, hiện tại gia đình con đang đối diện với một ngịch cảnh lớn, đứa con đầu lòng của hai vợ chồng con mắc hội chứng Down. Trong thời gian mang thai, con đã thực hiện đầy đủ các xét nghiệm tại một Bv ở tỉnh, độ mờ da gáy của cháu chỉ 0,6 mà thôi, cộng với các xét nghiệm khác đều tốt nên Bs ở đó không tiến hành chọc ối. Khi con sinh ra bé ở một Bv khác, các Bs khẳng định bé bị Down dựa vào đôi mắt bé, hai ngón tay út khoèo và hai kẻ ngón chân cái hở sâu, siêu âm tim có chiều hướng tim bẩm sinh. Vợ chồng con bàng hoàng, nửa tin, nửa ngờ, vội tìm đến Bv, nơi con đã theo dõi trong suốt quá trình mang thai. Bv ở đó trả lời rằng, họ rất tự tin với các xét nghiệm của mình và sẵn sàng đem máu bé đi xét nghiệm để có câu trả lời chính xác nhất. Và kết quả xét nghiệm máu đã làm tan vỡ mọi hi vọng dù là mong manh của hai vợ chồng con. Vì sự tắc trách của mình, Bv đã đưa ra cho chúng con hai hướng giải quyết, một là nếu chúng con chăm sóc bé tại nhà thì mọi chăm sóc y tế họ sẽ lo liệu, hai là nếu chúng con không có đủ điều kiện để chăm sóc bé thì Bv sẽ trao đổi với Làng Hòa Bình ở TP. HCM để gửi cháu vào đó với một điều kiện chăm sóc và dạy dỗ tốt nhất giúp bé phát triển hơn. Là một người mẹ, lòng con đau như xé, không biết phải tính lẽ nào, nếu chọn cách thứ nhất, về lâu về dài, phải bỏ thời gian chăm sóc bé , tụi con không thể đi làm kiếm tiền để mưu sinh. Nếu chọn cách thứ hai, hiện tại bé chỉ mới 1 tháng tuối, con không thể nào đành lòng xa bé, nhưng nếu gửi bé càng trễ thì không thể tập vật lí trị liệu để bé mau biết đi, cùng việc học tập các kĩ năng khác. Mặt khác, con và mẹ con đều là phật tử, hiểu và tin luật nhân quả nên cũng rất muốn để bé ở nhà nuôi, một lòng nguyện cầu Đức Phật và Bồ Tát gia hộ cho bé bệnh tật tiêu trừ; nguyện làm lành, phóng sinh cho gia đình con tiêu tan chướng nghiệp. Nhưng ngặt vì, chồng con chưa tin sâu Phật Pháp nên mong muốn bé được gửi vào làng Hòa Bình. Thời gian trước, con có xem chương trình Hoa mặt trời nên được biết Bác sĩ vừa là một Bác Sĩ chuyên về Nhi khoa vừa là một người thông hiểu Phật pháp, nay xin Bác Sĩ hãy hướng dẫn con và cho con lời khuyên về một hướng đi đúng đắn giữa Đạo và Đời trong hoàn cảnh hiện tại của con! Con thành thật mang ơn Bác sĩ!!!
Trên thực tế, HC Down có nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau, do đó, nên tham khảo trên mạng để biết rõ thêm. Gõ vào Google chữ Hội chứng Down sẽ có nhiều chia sẻ của các bà mẹ và những thông tin cần thiết. Quan trọng nhất vẫn là là sự theo dõi vá đánh giá của bác sĩ chuyên khoa Nhi (BV Nhi đồng 1,2). Nếu mẹ chưa quá 35 tuổi thì cũng không quá lo, sau này còn sanh thêm em bé. Tôi cũng có mấy người bạn vẫn nuôi con tật nguyền hay HC Down bình thường tại gia đình, với sự chăm sóc của y tế. Dĩ nhiên tùy hoàn cảnh mỗi gia đình để có sự chọn lựa phù hợp.
Bác ơi, con muốn cho con của con tập ăn khi bé được khoảng 4,5 tháng nhưng những người xung quanh khuyên rằng hãy ráng đợi sau 6 tháng. Vậy con nên làm sao mới tốt?
Làm cách nào cũng tốt. Nếu ít sữa, muốn cho ăn dặm sớm thì ngay 4-5 tháng đã có thể tập từ từ, sau này cho ăn dặm dễ thành công hơn. Nếu đủ sữa và có thời gian thì bú mẹ đến 6 tháng càng tốt. Cũng có người khuyên bú đến 1 năm (thậm chí 2 năm), nhưng lúc đó rất khó tập ăn dặm. Đọc thêm chương “Nuôi con sao cho giỏi?” trong cuốn Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng.
Con cảm ơn Bác!!!
Thưa anh Đỗ Hồng Ngọc ,
tôi có biết một bác sỉ Tuân , ngày xưa làm ở Bệnh viện Nhi đồng Sàigòn ( trưởng khoa ? ) , và có phòng mạch riêng . Xin anh cho biết bác sỉ Tuân , bây giờ còn ở Sàigoon hay đả qua Pháp .
Cám ơn Anh
Tài
Xin anh Tài cho biết rõ hơn về bác sĩ Tuân (họ tên là gì? cỡ tuổi bao nhiêu?) thì mới có thể biết được.
Dạ thưa Anh ,
hơn 40 năm rồi trí nhớ của tôi không còn rỏ , có thể là Phạm hay Phan đình Tuân , ngày xưa học ở Pháp , về Việt Nam . Ông có một phòng mạch chửa bịnh nhi đồng , gần toà đại sứ Cam Bốt , đối diện với trạm xăng , chợ vườn chuối ? . Ông ta nếu bây giờ còn , thì phải hơn 80 tuổi .
Cám ơn Anh
Tài
Thưa anh,
Đó là GS Phan Đình Tuân, giám đốc bệnh viện Nhi đồng Saigon.
Ông mất tại Mỹ cách đây vài năm, thọ 92 tuổi.
Ông là thầy của tôi anh Tài ạ.
Kính cháo anh,
Do Hong Ngoc.
Thưa Anh ,
tôi không biết nói gì đây , hy vọng sẻ gặp lại , nhưng bây giờ thì đả thành thiên cổ . Thời gian quá nhanh .
Cám ơn và kính chào Anh, người đồng hương
Tài
Kính gửi bác sỹ,
Nhà cháu ở ngay gần nhà Bác, cháu mong được gặp Bác để được học hỏi một chút về thiền, để được bác hướng dẫn nên đi tập thiền theo phương pháp nào để phù hợp với bản thân và để được hỏi bác một chút về vấn đề tâm linh.
Cháu cảm ơn Bác nhiều
Cháu Giang
Cảm ơn Thu Giang. Em có thể theo lớp Thiền của thầy Viên Minh, chùa Bửu Long, quận 9 hoặc lớp thiền ở chùa Xá Lợi, quận 3, Ở đó có các thầy hướng dẫn. Để hiểu rõ thêm, em nên “nghiên cứu” kỹ cuốn Thiền và Sức khỏe. Lãnh vực “tâm linh” tôi không biết gì để nói. Tôi chỉ tiếp cận Thiền ở góc độ khoa học, y học như em biết.
Mô Phật. Thưa Bác, em vốn dĩ hay cười nhưng đôi lúc miệng cười mà tâm rơi lệ. Vậy mà lang thang vào trang nhà của Bác, em nhận ra mình cười thật khỏe. Cảm ơn Bác!
Con xin chào bác Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc,
Hồi nhỏ nhà con ở đường Võ Văn Tần, mỗi khi có bệnh gì mẹ dắt qua phòng khám của Bác Sĩ ở 1 con hẻm nối đường Võ Văn Tần và Nguyễn Đình Chiểu. Trong những kí ức tuổi thơ của con , Bác Sĩ như một người thân với nụ cười rất hiền lành. Tất nhiên là Bác Sĩ không nhớ con là ai , vì con chỉ là một trong rất nhiều bệnh nhân của Bác Sĩ. Hôm nay tình cờ tìm thấy trang web của Bác Sĩ, đọc nhiều bài viết rất hay về bệnh, về thiền, về thi ca,… con xin chúc Bác Sĩ luôn khoẻ mạnh và tâm sáng để tiếp tục cống hiến cho đời nhiều hơn nữa.
Năm nay con 30 tuổi, con rất ngưỡng mộ những người trí thức cùng thời với Bác Sĩ. Phong thái làm việc, nghiên cứu, nói chuyện của Bác Sĩ , thật khó mà tìm thấy ở thế hệ bây giờ.
Một lần nữa con xin kính chúc Bác Sĩ tràn đầy sức khoẻ.
Bác rất cảm ơn Huy Vũ. Chúc con và gia đình luôn hạnh phúc.
Kính chào Chú,
Con được biết Chú khi học chung trường Minh Khai với con gái của Chú (con học dưới chị 2 lớp) và con rất ngưỡng mộ Chú qua những bài viết trên báo mà con được đọc. Con rất thích hành văn nhẹ nhàng, dí dỏm với những lien hệ thực tế, dễ hiễu khi Chú dung để giải thích những vấn đề về y học. Con đã phải bật cười khi Chú dung từ “Hoàng cung” để ví von khi nói về “tử cung” !
Cuốn sách đầu tiên của Chú mà con được đọc là “Thư gửi người bận rộn”, sau khi đọc, con phải chay ra nhà sách để mua luôn 1 chục cuốn để tang cho người than và bạn bè 🙂
Con vẫn đang chờ đón những bài viết của Chú để đọc. Riêng về phần bài viết về Phật pháp thì con chưa dám đọc vì chắc con chưa đủ khả năng để lĩnh hội 🙂
Nhân lúc nhận được bài viết của Chú về 5 năm trang web, con xin kính chúc Chú luôn có nhiều sức khoẻ và nhiều niềm vui.
bác ơi, con chúc bác có nhiều sức khỏe để cống hiến cho cuộc đời thêm nhiều những cuốn sách ý nghĩa hơn nữa.
Con chào BS Đỗ Hồng Ngọc! từ nhỏ con đã rất thích đọc những câu trả lời về sức khỏe trên báo Mực Tím, có lần con còn lục lội được trong đám sách cũ của ba con quyển sách “Như ngàn thang thuốc bổ” mà BS đã viết, mặc dù sách đã rách te tua nhưng con đọc hoài không chán, đúng là nó bổ thiệt, từ đó làm cho con ngưỡng mộ và kính phuc BS vô cùng. Thế rồi, cuộc sống bồn bề lo toan, con ít có cơ hội gặp được những tác phẩm, những bài viết của BS. Thời gian gần đây, một cơ duyên, một đứa em gửi cho con video “nghỉ từ trái tim” kĩ niệm xưa như sống dậy, con quyết định hỏi anh Google xem nhà BS ở đâu, anh Google lại tăng cho con một bài thuyết trình của BS về “Thở để chữa bệnh” và con đã gặp được BS, được nghe giọng nói của BS mặc dù chỉ là trên video. BS ơi! con đã từng có những cơn bệnh và cũng từng chửa bệnh ở nhiều BS, có lẽ BS là người mà con kính nể, tin tưởng và cả sự biết ơn nữa (mặc dù chưa 1 lần được gặp BS). Con mong sau đất nước ta có nhiều BS có tấm lòng như Bác để việc chăm sóc sức khỏe của dân ta được tốt hơn. Cuối cùng! Con hy vọng BS luôn khỏe mạnh để có thể đào tạo được những người học trò BS giống như Bác! Con chúc Bác và gia đình dồi dào sức khỏe, an vui và hạnh phúc!
Bác rất cảm ơn Đỗ Như Quỳnh. Chúc con và gia đình luôn hạnh phúc. Bây giờ vào trang web này, con có thể “gặp” bác thường xuyên rồi đó. Thân mến.
BS Đỗ Hồng Ngoc kính mến!
Con rất cám ơn Bác đã dành thời gian quý báu để đọc những dòng tản mạn của con! Từ nay con có thể đọc được nhiều tác phẩm Bác viết hơn, “găp” được Bác thường xuyên hơn rui!
Bác ơi! Dẩu biết cuộc đời là “vô thường”, nhưng khi con nghe tin một cô em gái đang mắc cân bệnh lạ, con bâng khuâng vô cùng, bản thân con không có chút kiến thức gì về y học, xin được Bác chia sẽ!
Cô em gái của con tên Dương Ngọc Châu năm nay 28 tuổi, nhà ở Cần Thơ, ba năm trước (tức năm 2011) Châu bị một khối u ở dưới mí mắt trái, Bác sỉ ở bệnh viện mắt TPHCM đã cắt khối u đó, vài tháng sau đó thì khối u lại phát triển lại. Lúc này BS nghi ngờ có tế bào ác tính nên để theo dõi… Và cứ thế mỗi tháng 1 lần Châu lại đến bệnh viện mắt xét nghiệm rồi lại về để theo dõi, mải đến cuối năm 2013, các Bs ở bệnh viện mắt chẩn đoán Châu bị khối u ác tính thật rồi, nên chuyển Châu qua điều trị ở bệnh viện Ung Bướu TPHCM. Khi đến bệnh viện ung bướu, các BS cũng chỉ định để theo dõi, bệnh viện thì quá đông bệnh nhân đang chờ được khám bệnh nên Châu cũng chưa được giải thích rõ về căn bệnh. Được sự giới thiệu của một người quen, Châu đến gặp một BS chuyên khoa ung bướu ở phòng mạch tư, và vị BS này đã nói với Châu rằng: đây là căn bệnh lạ, nếu Châu có điều kiện thì nên sang đất nước Singapo. Hiện nay dưới mí mắt trái của Châu có những mãn thịt nằm chồng chất lên nhau, ảnh hưởng đến thị lực rất nhiều.
Thưa BS! Con biết là có thể những điều con hỏi không nằm trong chuyên ngành của BS, nhưng với cách nhìn của một nhà y khoa có nhiều kinh nghiệm, con muốn được nghe lời khuyên của Bác. BS ơi! như vậy thì Châu phải làm gì đây? tiếp tục để theo dõi hay là đi singapo để điều trị, mà ở singapo nền y học có tiến bộ nhiều hơn ở nước mình không hả BS? Có tốn nhiều tiền lắm đúng không BS? (Hiện nay Châu không dùng thuốc gì hết, chỉ đợi theo dõi)
Mong nhận được lời khuyên của Bác! Con cám ơn Bác rất nhiều, Chúc Bác luôn vui khỏe !
Kính gửi Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc,
Từ lâu tôi rất hâm mộ những hoạt động của Bác Sĩ. Qua Bác tôi hiểu hai từ Bác Sĩ sâu sắc hơn. Bác sĩ không chỉ là người điều trị bệnh cho bệnh nhân khi có bệnh, mà còn là người giúp bênh nhân có ý thức tốt hơn về phòng bệnh.
Tôi biết công việc Bác đang làm hướng tới giáo dục ý thức cộng đồng trước vấn đề sức khỏe, để tránh những hậu quả đáng tiếc vì thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng. Nhưng cái cách dẫn dắt sự phòng Bệnh của Bác thật đặc biệt, nó ý nhị, dí dỏm mà thâm thúy, đi sâu vào lòng người thông qua những tác phẩm những bài viết. Ngoài ra, thông qua các talk show Bác gặp gỡ cộng đồng và truyền tãi nhiều thông điệp bổ ích, ở Trung Tâm Mục Vụ Công Giáo, các buổi giảng cho Phật Tử, Hội Quán các Bà Mẹ, Hội Nuôi Con Sữa Mẹ, …
Tôi tìm thấy sự đồng điệu trong cách nhìn các vấn đề y tê hiện nay. Và cũng trích dẫn một số bài viết của Bác lan tỏa rộng thêm trong công đồng.
Là người sáng lập dự án “Chăm Sóc Sức Khỏe Không Dùng Thuốc” và tạo việc làm cho người yếu thế, qua hoạt động của doanh nghiệp xã hội Thiên Tâm, tôi luôn ước mong được Bác sắp xếp cho buổi gặp gỡ để có thể điều kiện giới thiệu thêm về dự án của mình. Và mong muốn lắng nghe học hỏi từ người có nhiều kinh nghiệm đi trước để vượt qua các khó khăn của chúng tôi hiện nay.
Trân trọng và kính chúc sức khỏe và mong nhận phản hồi.
DT 0909748201
Rất mong nhận được phản hồi.
Rất cảm ơn Cô Trần Thị Trung Thuận. Lúc này do đã có tuổi, sức khỏe lại hạn chế nên tôi cũng không còn hoạt động, đi đây đi đó được như trước. Rất cảm ơn Cô đã tìm thấy sự “đồng điệu” và chúc cho công việc của “Thiên Tâm” thành công, mang sức khỏe đến cho cộng đồng.
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc kính mến!
Con là một độc giả rất ngưỡng mộ bác. Khi con mua tặng mẹ một số sách của bác (lúc mẹ vể hưu) mẹ con đã mua và đọc tất cả sách của bác mà mẹ tìm thấy, thậm chí còn mua tặng một số bạn thân của mẹ. Con chân thành cảm ơn bác.
Đia chỉ của bác:399/8 Nguyễn Đình Chiểu,Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam có thay đổi không? con có bưu phẩm muốn gửi bác để tỏ lòng cảm ơn
Con chúc Bác và gia đình dồi dào sức khỏe, an vui và hạnh phúc!
Rất mong nhận được phản hồi!
Cảm ơn Tuyết Minh. Cho bác gởi lời thăm mẹ con và chúc bà sức khỏe. Bác vẫn ở địa chỉ cũ, không thay đổi gì cả! Nhưng bưu phẩm gởi qua bưu điện thì bác chịu thua, không đi lãnh được, phiền phức lắm. Bạn bè bác thì gởi bằng cách khác, họ trực tiếp mang đến nhà cho mình.
Bác Ngọc kính mến!
Con ở Tây Ninh chỉ cách TPHCM 140Km nhưng rất ít về thành phố. Khi nào có dịp con rất muốn đến thăm bác. Con đã đọc nhiều sách của Nguyễn Hiến Lê và rất ngưỡng mộ ông. Đối con cả bác và ông đều là những người thầy mặc dù con chỉ được học qua sách. Khi nào bác viếng mộ ông bác cho con đi cùng được không? Mong nhận tin của bác!
Con chúc Bác và gia đình dồi dào sức khỏe, an vui và hạnh phúc!
“Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương”
Bác Đỗ Hồng Ngọc kính mến!
thật sự lúc đầu con không biết Bác là ai, là người như thế nào, hai hôm trước con có đưa con của con đến khám ở BV Nhi Đồng 2 gặp Bác sĩ Đỗ Châu Việt khám. Nhận thấy Bác Đỗ Châu Việt là người có tâm trong cách khám và tận tình với bệnh nhi của mình (thật sự con cũng đưa con của con đến đây khám nhiều lần, gặp nhiều bác sĩ nhưng chưa thấy ai khám cho Bé tận tình và kỹ như Bác Việt), con lân la lên mạng tìm phòng mạch của bác Đỗ Châu Việt để sau này đến khám cho con của con, vô tình thấy được thông tin của Bác là tác giả của Cuốn “Như Thị” mà con đã đọc và yêu thích nó và là Cha của Bác Đỗ Châu Việt, Con tăng thêm sự ngưỡng mộ gia đình Bác vô cùng. Chúc Bác và gia đình nhiều sức khỏe, an vui trong cuộc sống!
Cảm ơn Thùy Như. Con đã vào được http://www.dohongngoc.com/web/ thì sẽ đọc thêm nhiều bài khác ngoài Như Thị nhé. Thân mến,
Đọc xong quyển Thư gởi người bận rộn và thế là con thần tượng chú luôn…Hì,…hì
Cảm ơn Nguyễn Văn Hổ. Rảnh đọc “Ghi chép lang thang” và… “Nhớ đến một người” nữa nhé!
Con chào bác sỹ Đỗ Hồng Ngọc, con năm năm nay đang chuẩn bị tốt nghiệp kiến trúc, làm về đề tài bệnh viện ung bướu nên con muốn xin được gặp bác Ngọc để được học hỏi, trao đổi thêm về một số vấn đề liên quan tới bệnh viện, bác sĩ và bệnh nhân được không ạ? Con cám ơn bác sĩ.
Con nên xin gặp GS BS Nguyễn Chấn Hùng, nguyên Giám đốc BV Ung Bướu, người có rất nhiều kinh nghiệm trong lãnh vực này để hỗ trợ con.
Dạ con cám ơn bác Ngọc, con sẽ liên lạc với bác Hùng, và con cũng có ý muốn liên lạc với Bác Ngọc nữa nên con mới vào đây hỏi, tại con thấy bác ngọc khá tâm lí trong nhiều vấn đề, nhất là những chuyện liên quan tới chuyên môn, tâm lí bệnh nhân và bản thân bác sĩ nhiều hơn, và trong bài này của con cũng có bệnh nhi nên con muốn thiết kế một không gian dành riêng cho bệnh nhi nữa, dạ con đang xin giấy giới thiệu của trường để được gặp bác Ngọc, không biết bác Ngọc có thể cho con một cuộc hẹn được không ạ, con cũng thích văn của bác Ngọc, và cũng là người hay túc trực bên chuyên mục phòng khám của bác sỹ Đỗ Hồng Ngọc để đọc câu hỏi và trả lời.
Cảm ơn nhã ý của KTS Đỗ Văn Quốc, nhưng bác Ngọc nhiều năm rồi đã “rửa tay gác kiếm”, không còn nhớ chuyên môn y học gì nữa, do vậy, con cứ gặp bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng và các bác sĩ chuyên khoa là đủ. Hiện nay còn có những chuyên gia tâm lý làm việc ở Bệnh viện Ung Bướu nữa, con nên liên hệ, tham khảo ý kiến.