Thư gởi bạn xa xôi
Gặp gỡ với Nhà thơ Huyền Chi của “Thuyền viễn xứ”
Bạn còn nhớ tiệm sách Bút Hoa trên đường Trần Hưng Đạo, đối diện trường Phan Bội Châu (cũ) của bọn mình ở Phan Thiết không? Chủ tiệm là cô Ngọc Bút, Hồ thị Ngọc Bút, thường gọi cô Ngọc, vợ thầy Trần Phụng Tường dạy Pháp văn lớp đệ thất 1954 (65 năm trước) của bọn mình nhớ không? Ai dè cô là nhà thơ Huyền Chi, nổi tiếng với bài thơ Thuyền Viễn Xứ do Phạm Duy phổ nhạc đó nhớ không?
Gốc Bắc Ninh, nhưng sanh đẻ tại Gia Định (Saigon) và có thời cô phụ mẹ bán hàng vải ở chợ Bến Thành. Trong nhiều năm, cô im hơi lặng tiếng, đến nỗi nhạc sĩ Phạm Duy chỉ một lần gặp cô, được cô tặng tập thơ Cởi Mở tại chơ Bến Thành năm đó, chọn được một bài là Thuyền viễn xứ để phổ nhạc thành một ca khúc tuyệt vời đã cất công tìm kiếm cô mãi không được, nhắn tin cả trên bản nhạc: Huyền Chi, cô ở đâu? Tiếng kêu lọt tõm trong sa mạc. Và người ta cứ nghĩ thêm một hiện tượng TTKH nữa rồi! Nhưng không. Cô không lên tiếng với PD vì nhiều lý do nhưng lý do chính là thầy đang bị tai biến, té gãy xương đùi, phải nằm một chỗ suốt mười năm, một tay cô chăm sóc. Nhà văn Nguyễn Đông Thức trong một bài viết đã quả quyết đó là vì “ông chồng quá ghen”, và cô đã xác nhận anh chẩn bệnh chính xác trăm phần trăm!
Lúc mình học với thầy Tường thì thầy chưa có vợ! Mình chỉ học PBC được mấy tháng thì gia đình dời về tỉnh mới Bình Tuy (LaGi), nên không còn được theo học nữa. Dù sao, Cô Ngọc Bút, nhà thơ Huyền Chi, cũng là cô mình mà, nên hôm nay mình đã cùng với TP, NTC… những học trò cũ thân thiết cùng hẹn đến thăm cô, thắp nén nhang cho thầy, cũng là dịp cho mình được gặp gỡ nhà thơ HC đã 83 tuổi, im hơi lặng tiếng quá lâu, giờ lại “bùng nổ” trên Facebook với nhiều bài viết rất hay và sắp ra mắt tập “Huyền Chi, Thuyền Viễn Xứ” nữa!
Mình thưa sao cô lấy tên Khánh Ngọc trên Fb vậy cô? Có phải vì… nghĩ đến Phạm Duy? Cô nói không. Tôi tên Ngọc (Ngọc Bút) và Khánh là tên người anh trai của tôi mà tôi rất quý mến đang ở nước ngoài. Anh có người con là họa sĩ đã trình bày bìa cho cuốn sách Huyền Chi, Thuyền Viễn Xứ này đó. Cái lý do “lẫn trốn” PD vì sau khi bài Thuyền viễn xứ nổi đình nổi đám, thì tôi sợ, nhất là ở một thành phố nhỏ như Phan Thiết này thì khó mà tránh phiền phức, vả thầy cũng đang nằm bệnh đó…
Cô nói từ ngày thầy mất, suốt nhiều năm cô lặng lẽ âm thầm, ra vào một mình, con cháu mới bày cô làm Facebook cho vui, để trong gia đình, người trong nước kẻ ngoài nước, thư từ, trao đổi, trò chuyện cho thuận tiện hơn. Cô học rất nhanh, vì cô vốn là cô giáo dạy tiếng Anh, xưa đã quen với máy chữ mười ngón các thứ… Vậy là Fb Khánh Ngọc ra đời. Bạn bè tìm lại nhau sau 65 năm trời xa cách. Rồi học trò, rồi độc giả khắp nơi khuyến khích nên cô viết nhiều, viết nhanh, rồi nay còn in ra sách nữa… Văn cô mượt mà, chuyện kể chân thành, đằm thắm được chia sẻ nhanh chóng trên mạng. Những hình ảnh xưa cô post lại, khiến nhiều người giật mình. Cô đẹp quá. Sao thời đó, một người phụ nữ 7 con, 35 tuổi mà dịu dàng, đoan trang, tươi mát đến vậy, khiến ngay cả nhà văn Nguyễn Đông Thức cũng kêu lên… giá mà hồi đó, sanh sớm nửa thế kỷ được gặp cô cũng không thể không mê!
Mình có “lợi thế” là học trò của thầy Tường, 65 năm về trước, và cũng lại là người mà cô bảo cô là “fan” từ lâu, nên dù mới gặp lần đầu vẫn không hề xa lạ. Mình bèn lựa lời… hỏi những chuyện tình mà cô chưa từng nói với ai cũng không viết hết được trong sách.
Chuyện đầu tiên, dĩ nhiên là chuyện tình của thầy-cô. Mình không lạ gì “tiếng tăm” của thầy-cô ở Phan Thiết một thời… Mấy bạn học kể hôm nào thầy vào lớp… chửi học trò, nhăn nhó với học trò là có chuyện ở nhà. Thầy “ghen” khủng khiếp. Có lần thầy bảo: tôi mê vợ tôi có sao không? Khi hai ông bà dắt tay nhau dung dăng dung dẻ ngoài phố, lũ trẻ con chạy theo kêu: Ông tây bà đầm, ông tây bà đầm… Bởi thời đó, vợ chồng thường đi cách nhau mấy bước! Có ai dám nắm tay ôm eo như vậy đâu!…
Rằng cô không hề để ý đến thầy. Lúc 15 tuổi cô đã có nhiều bài thơ. Và còn làm “biên tập thơ”cho một tờ báo Phụ Nữ thời đó. Lúc 17 tuổi, ông J, một người Pháp… mê cô. Xin cưới. Cô từ chối. Vậy mà đến năm cô 76 tuổi, khi thầy mất, vợ ông J cũng đã mất, ông còn quay lại xin… cưới. Cô lại từ chối.
Mới lớn, mẹ cô bắt cô phải lấy một “đại gia” giàu có, làm xuất nhập cảng. Ông này đi hỏi cô 8 lần. Cô cương quyết từ chối. Mình mới lớn, biết làm thơ, ít ra cũng có chút “lãng mạn” gì chứ lẽ nào lại lấy một ông nhà giàu chỉ biết làm xuất nhập cảng! Rồi cô tình cờ đến học thêm ở lớp tiểu học thầy Tường đang dạy, nhưng thầy đã vừa xin nghỉ để về Saigon tiếp tục học lên. Vậy mà sau này, thiên hạ còn kêu: học trò lấy thầy giáo! Thực tế, cô có học ngày nào với thầy đâu!
Lúc giúp mẹ bán hàng vải ở chợ Bến Thành Sàigon, có một ông nào đó mê cô…, lẽo đẽo làm thơ cả tập để tặng cô, ngày nào cũng có thơ mà cô chưa bao giờ biết mặt. Một lần, cô đi cắt tóc về, ông làm thơ than khóc cho mái tóc từ nay đã bỏ vào mỹ viện (tiệm cắt tóc)! Cô vẫn không biết ông là ai, nhưng khi cô lấy chồng, cô gởi ổng bài thơ “Bài thơ cuối cùng” để kỷ niệm. Từ đó, bặt tin.
Một người khác nữa, ở Huế. Cũng chỉ quen nhau qua văn thơ, cũng chưa hề biết mặt, nhưng chính ông này đã in cho cô tập thơ đầu tay, tập “Cởi Mở”. Đến lúc cô lập gia đình, ông gởi cô “Bài thơ cuối cùng”. Và rồi, cô cũng gởi ông “Bài thơ cuối cùng”, 16 khổ. Ai ngờ ông còn giữ đến bây giờ! Năm trước, có người thanh niên chừng 45-50 ở nước ngoài về đến tìm cô, dọ hỏi đủ thứ. Sau mới nói là con của ông TT, nay đã gần 90, nhờ anh gởi lại cô “Bài thơ cuối cùng” cô đã viết tặng ông 65 năm trước. Dặn về VN phải bằng mọi cách tìm cho được cô để trao lại bài thơ này. Bây giờ các con cô hay hỏi sao mẹ đi lấy chồng cứ làm hết “Bài thơ cuối cùng” cho người này rồi lại “Bài thơ cuối cùng” cho người khác vậy?…
Ở Phan Thiết, còn có ông L, ở dãy phố lầu 30 căn, ngày nào cũng ở trên lan can nhìn cô đi học qua lại. Ông L là bạn của thầy Tường. Thầy kêu ông viết thư cho cô đi, rồi thầy sẽ trao giùm cho, nhưng ông không dám viết. Sau ông lên khu, được tin cô lấy chồng, ông có viết mấy dòng chúc đôi uyên ương hạnh phúc!
Thầy Tường thì bà mẹ cô cương quyết không cho gặp, không cho cưới hỏi gì cả. Lý do: nghèo quá! Một lần thầy viết thư cho cô, cô cảm động, gởi thầy bài thơ lục bát. Từ đó thân nhau. Khi đã thắm thiết, mỗi lần thư cho thầy cô viết cuối thư: “Hôn anh thật kêu!”. Thư lọt vào tay ông bố thầy, ông nói: “Hôn anh” được rồi, còn “thật kêu” nữa! Từ đó, thầy dặn Bưu điện Phan Thiết đừng đưa thư về nhà, để thầy ra bưu điện nhận trực tiếp. Thầy mang thư ra vườn hoa, chỗ Château d’eau (lầu nước) mà đọc. Thầy nói đó là những giây phút hạnh phúc nhất đời của thầy.
Có lần thầy mang tặng cô bó hoa, cô trang trọng cắm vào độc bình đặt lên bàn, lúc học về, thấy bó hoa đã bị ném vào sọt rác! Thì ra, bà mẹ rất bực mình…
Thế rồi, làm sao thầy cô đến với nhau được? Lúc đó thầy đang học Dược thì bỏ, nộp đơn xin đi dạy học ở Phan Rang. Có Baccalaureat Pháp (Tú tài) thời đó dễ được các trường nhận cho dạy. Thầy viết một bức thư…. rủ cô đi với thầy. Bức thư cô để quên trên bàn học, bị bà mẹ bắt được. Đành phải cho thầy cưới cô, vì nếu không, “nó bỏ nhà trốn đi thì mang tiếng”!
Nghe nói thầy “ghen” lắm có đúng không? Phải, thầy “ghen” nổi tiếng. Thầy phải “tả xung hữu đột” “đánh nam dẹp bắc” nhiều phen. Nhiều lần đột xuất kiểm tra giám sát cô khi cô đi làm. Lúc nào thầy cũng đích thân chở cô đi. Thiên hạ thấy thầy già mà cô trẻ, có lúc tưởng thầy có “bồ nhí”! Thiệt ra thầy với cô đã có 5 đứa con rồi chứ, nhưng cô càng đẻ càng khỏe càng trẻ ra. Thầy chỉ hơn cô 6 tuổi. Khi thầy bị động viện, thầy còn kêu “ráng” đẻ thêm một đứa đủ 6 để được miễn. Sau cùng thầy cô có 7… em. Cô cười.
Mình hỏi bài thơ Thuyền viễn xứ… cô làm có phải định theo ông Tây sang Pháp không (có thuyền viễn xứ nhổ neo lên đường)? Không. Thời cuộc lúc đó. Kẻ Nam người Bắc. Chiến tranh căng thẳng, đất nước phân ly… Còn Đà giang? Chỉ là tưởng tượng thôi!
Rồi cô cười. Tôi bắt chước anh khuyên trong sách: luôn giữ nụ cười, yêu thương người ta, luôn biết ơn… vì thế mà trẻ lâu, trí óc sáng suốt.
Vì sao Thầy “ghen” dữ vậy?
Cô trả lời ngay: Vì đẹp. Vì khéo léo, dịu ngọt, hiền lành… Mấy đứa con nói Má phải dữ lên chớ, sao để Ba ăn hiếp hoài vậy. Má phải ghen ngược cho ba sợ. Mà có gì đâu để ghen…
Dịp cô gặp Phạm Duy cũng rất nhanh thôi. Tại nhà sách Sống Chung của cô Đào, cô Đào giới thiệu PD, cô gởi tặng tập thơ, PD xin lời đề tặng và nói sẽ chọn một bài vừa ý để phổ nhạc. Rồi cô xem đồng hồ, cáo từ… rút lui nhanh nói cho kịp giờ đi học. Có lẽ ấn tượng đó theo Phạm Duy nhiều năm, cất công tìm kiếm, thậm chí kêu trên bản nhạc: Huyền Chi, cô ở đâu?
Năm Phạm Duy về nước, cũng nhờ người quen là bạn Huyền Chi đi tìm, nhưng cô lánh mặt, lúc đó thầy đang bệnh nặng, mà cô quá biết tánh thầy! Từ xưa đã dặn không tham gia các sinh hoạt văn nghệ thơ ca gì cả nhé. Có lần cô gặp ông Nguyễn Vỹ, chủ báo Dân Ta ở ngoài đường, ông Nguyễn Vỹ chặn hỏi cô có phải Huyền Chi không? Ông nói lúc đầu thấy nữ giới mà ra tập thơ tựa “Cởi Mở” cũng khó chịu, nhưng tình cờ đọc tập thơ ở nhà sách Diễm Diễm Thư Trang của bà Mộng Tuyết thì ông mến phục. Nguyễn Vỹ khuyến khích cô nên tiếp tục vì thường nhà thơ chỉ nổi một thời gian ngắn. Thế rồi ông làm 2 bài thơ rất ướt át tặng bà. Thơ khá hay. Ông anh bà đã xé bỏ vì nói ông Nguyễn Vỹ có tuổi nhiều rồi… Một lần, thầy Tường đi với cô đến gặp ông, từ đó Nguyễn Vỹ mặt giận rồi không quen tiếp nữa! Tô Kiều Ngân, Thanh Nam cũng thường mời cô đi dự họp mặt văn nghệ, thầy Tường tuyệt đối không cho.
………..
Đã khá trưa rồi. Bọn mình đứng lên chào cô về. Cô ký tên tặng sách còn nhắc: Tôi là fan của anh lâu rồi! Nhất là khi thầy nằm bệnh, tôi đọc sách anh nhiều lắm đó.
Saigon 4.4.2019.
Đỗ Hồng Ngọc
(Nguồn: Trần Hoài Thư: Thư Quán Bản Thảo, số 92, tháng 3/2021)
Bình viết
Em muốn mua cuốn Huyền Chi và Thuyền viễn xứ thì mua ở đâu ạ ? Em tìm trên google không thấy bán online. Cảm ơn bác.
Bình 0973881189
Bac Si Do Hong Ngoc viết
Tôi cũng không biết.