“Trò chuyện” với Cao Huy Thuần vài điều về cuốn SEN THƠM…
Anh Cao ơi,
Tôi đang đọc “mê man” cuốn sách mới của anh đây. Người đưa đò quá hay. Nhất là “mong manh” “tro bụi” và phần ngoại truyện. Tôi có hơi tiếc một chút: giá mà anh dịch theo giọng xưa của 20 thế kỷ trước thì càng thấm thía. Anh nói anh cố dịch sát, nhưng giọng mới quá, thành tưởng… của anh viết? Hay ông Lucien de Samosate… là Cao Huy Thuần giả bộ gạt độc giả là tui? Hy vọng Sharon sẽ được chở nhẹ một phen!
Lúc này đọc anh không biết đâu mà rờ, y như hai Tôn hành giả đánh nhau giữa thời buổi “Tin giả này mới là tin giả thật”.
DHN
(14.01.2021)
–…………………………………………………………………………..
Anh Đỗ ơi,
Ôi, vui biết bao khi đọc thư anh, biết anh “mê man” bài “Người đưa đò”. Đó là bài mà tôi lo nhất, sợ độc giả không theo dõi được một (bi) hài kịch.
Đi vào chi tiết một chút để trả lời thư anh:
– Tôi dịch rất sát nguyên văn. Khó nhất là phải lột cho được cái giọng tếu thú vị, nếu không thì chẳng còn gì hấp dẫn.
– Nhưng khó hơn nữa là phải sát, phải tếu, nhưng phải là giọng văn của thời đại này, chớ nếu cổ lổ sĩ thì khó mà lôi kéo độc giả đi theo. Rất may là giọng văn của nguyên văn rất hợp với giọng văn (tếu) của CHT. Anh nói không biết thật giả là CHT rất khoái. Rất thật đấy nhưng cũng rất CHT.
– Nguyên văn của câu chuyện là dựa trên thơ của Homère, do đó trong nguyên văn không cần phải giải thích bao nhiêu là chi tiết thần thoại. Tôi phải giải thích như thử là tác giả viết. Do đó, phần giải thích ấy là phần thêm của tôi, nhưng thêm mà không phản với nội dung và văn khí. Thêm thế nào cho trơn tru như nước chảy xuôi dòng, không vướng ngại.
– Nói tóm lại, anh không phân biệt thật giả là tôi mừng. Rất thật vì tôi không phóng tác. Nhưng rất “tôi”.
– Cho nên “tôi” là “tôi” trong ngoại truyện. Thật chăm phần chăm.
Cám ơn ĐHN.
CHT.
(14 Jan 2021)
………………………………………………………………………………..
Anh Cao ơi,
Tôi thấy cần nói rõ với anh thêm: thí dụ Nguyễn Du mà “dịch” theo văn bây giờ sẽ hết hay! Kim Dung mà dịch huynh với muội thành anh với em cũng hết hay. Cho nên trừ phi anh cố tình “lộng giả thành chơn” thì dịch một tác già 20 thế kỷ trươc băng văn phong hiện đại cái đau mới quá, chưa mưng mủ, chưa thấm thía, giá mà cái đau đó nó đã 2000 năm thì thú vị hơn, đau hơn cho kiếp người…! —
À anh đã đọc “Sách ở trên đường” viết về Đường Sách của tôi chưa?
ĐHN
(15.01.2021)
………………………………………………………………………………..
Anh Đỗ ơi,
Tất nhiên là tôi đã đọc “Sách ở trên đường” viết về Đường Sách của ĐHN rồi chớ! Tuy rằng mắt đã dở lắm rồi. Đánh máy mail cho bạn phải đọc lui đọc tới mỗi câu kẻo sai bét.
“Đường sách” còn thiếu nét họa của ĐHN tuy rằng nhìn photo vẫn mê quá. Có lẽ cũng thiếu một bài thơ. Nó nằm nhớ thơ ĐHN đó.
CHT
(15 Jan 2021)
……………………………………………………………………………………
Anh Cao ơi,
Đọc bài Thì thầm của anh, tôi phục lắm. Nói chuyên “Bát Nhã”, chuyện “Bát bất”, chuyện “Có Không” như vậy là… rạch ròi và thuyết phục. Lăng Già chỉ gút một câu:
Trí bất đắc Hữu Vô
Nhi hưng đại bi tâm.
Tôi nhớ Vũ Khắc Khoan trong cuốn Đọc Kinh có nhắc một bài thơ cổ, không biết ai là tác giả:
Chàng như mây mùa thu
Thiếp như khói trong lò
Cao thấp tuy có khác
Một thả cũng tuyệt mù…
Dĩ nhiên anh và tôi không phải “chàng” với “thiếp”, nhưng một thả là vậy!
Vì anh nhắc thơ ĐHN, nên gởi anh bài này nghe chơi (mắt kém thì tai thính?):
CÓ KHÔNG, thơ Do Hong Ngoc, nhạc Hoàng Quốc Bảo, tiếng ca Thu Vàng.
Những hình minh họa là do tôi chụp trong chuyến đi Nepal 2018: Hy-Mã-Lạp-Sơn, Lâm-Tì-Ni và Ca-Tỳ-La-Vệ…
https://www.youtube.com/watch?v=I–qslaDEUM&feature=youtu.be
ĐHN
(SG 17.01.2021)
………………………………………………………………………………….
Reply của CHT
Tôi không biết câu trong Lăng Già, như vậy là học được từ anh, anh trích là đúng quá, tất cả nằm trong đó.
Mấy câu thơ, tôi cũng đã đọc, không biết từ đâu, vẫn tưởng là thơ cổ vì có “chàng” và “thiếp”, và vẫn tưởng là thơ Đường dịch ra. vì có chữ “thả” hơi ép, nhưng “một thả” thì lại mới và hay.
Thơ của ĐHN rất hay, giọng hát của Thu Vàng hợp quá, vì hay và vì chắc là thấm bài thơ. Ít khi tôi nghe phổ nhạc 4 câu mà đạt như vậy. Mà lại là nhạc đạo – vừa đạo vừa mới. Giọng hát bay lên, đúng là “một thả cũng tuyệt mù”.
Viết mà có “nữ thần Tiếng Dội” vọng lại từ ĐHN, hạnh phúc quá.
CHT
(17 Jan 2021)
Trả lời