Thư Hai Trầu gởi Đỗ Hồng Ngọc
Về chuyện “Để làm gì?”
Lời thưa: Thưa anh Hai Trầu,
Tôi phải thành thật xin lỗi anh Hai:
- Không ngờ bài viết “tào lao” của tôi “Thư gởi bạn xa xôi” vừa rồi (Để làm gì?) đã làm anh Hai bị “tụt mood” (nói theo cách tuổi teen bây giờ) nên sanh ra chán nản mọi việc, đến nỗi dù đã sẵn bản thảo cuốn Người Đọc & Người Viết III rồi mà chẳng chịu cho in dù mấy cháu hối “Ba in mau mau để vài ba năm nữa Ba sẽ quên hết!”…
- Anh căn dặn bức thư này anh viết cho tôi “đọc chơi” thôi, đừng có post lên mạng, không ngờ tôi “đọc thiệt” và thấy nó rất có ích cho tôi, cho anh, cho chúng ta… và cho nhiều người khác nữa, nên xin phép anh cho tôi đăng đại lên đây, ai phiền trách gì tôi… xin chịu trách nhiệm.
Thân mến,
Đỗ Hồng Ngọc.
(20.9.2019)
……………………………………………………………………………………………………….
Houston ngày 18 tháng 9, năm 2019
Kính gởi Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc,
Nhớ mới cách nay không lâu cùng ngồi uống cà phê với bác sĩ ở Đường Sách Sài Gòn, vậy mà ngày qua ngày, nay sực nhớ lại thì đã tròn một năm rồi đó bác sĩ! “Thời giờ thắm thoát thoi đưa” thiệt mà! Và nay nhìn lại mình, tôi thấy sao mau già quá mạng, bác sĩ ơi!
Và rồi mới mấy bữa trước đọc được “Thư gởi bạn xa xôi” của bác sĩ, bác sĩ có nhắc ông André Maurois trong cuốn “Nghệ thuật già” (L’art de vieillir) có nói rằng: “Khi nào trong đầu mình nảy ra cái ý “Để làm gì?” thì lúc đó mình đã già thiệt rồi!”; thì đúng y chang là tôi dạo này lại có ý nghĩ mỗi khi muốn làm điều gì, tôi hay tự hỏi “để làm gì?”
Chẳng hạn như vào tháng 5-2019, gặp bác sĩ Thân Trọng Minh tức nhà văn Lữ Kiều, và chị Thanh Hằng, hiền thê của ảnh, tôi nhận ra phong cách anh chị là phong cách của người Sài Gòn của mấy chục năm về trước lúc tôi còn nhỏ từ dưới làng quê lên Sài Gòn đi học, một phong cách mà tôi luôn trân quý và kính trọng! Và rồi tôi có viết một bài về Sài Gòn với cái tựa “Nhớ Sài Gòn…”; nhưng rồi bài viết xong, cứ để đó hoài, không muốn gởi cho ai đọc!
Hoặc như, có lần thấy cảnh xuồng ghe cũ mục cứ nằm lăn lóc bên lề đường hoặc trong khu vườn cây rập rạp hết tháng này qua tháng khác, rồi tôi lại nghĩ đến thân phận mình, đến một lúc nào đó tuổi già chồng chất và thế hệ mình rồi cũng hết xài như những chiếc xuồng nằm phơi nắng phơi sương bốn mùa; nên tôi ngồi xuồng viết một bài về thân phận những chiếc xuồng bị bỏ quên lăn lóc giữa nắng mưa bên lề đường với cái tựa “Lời tự sự của những chiếc xuồng cũ mục”. Vậy mà rồi, viết rồi, tôi cũng chẳng muốn gởi cho ai đọc và đọc những lời tự sự của kiếp đời tàn tạ ấy “để làm gì?”
Hoặc như mấy tháng trước trong năm nay, người ta ùn ùn kéo nhau coi chiếc cầu Vàm Cống đã bắc qua hai bờ con sông Hậu Giang khúc Lấp Vò và Thốt Nốt, tôi định viết một bài về “Nỗi niềm của bến bắc Vàm Cống”. Vậy mà rồi, tôi đã viết về một bến bắc có mặt nơi một khúc sông có gần 95 năm (từ 1925-2019) đưa rước khách qua sông, nay bến bắc ấy chỉ còn là hoài niệm của những người già mỗi lần họ có dịp đứng nơi bờ sông bên này nhìn qua bớ sông bên kia với những chiếc bắc 10, bắc 20 nay đã thui thủi dời đến một bến sông nào khác rồi! Biết đường đâu mà mò!
Hoặc như, lúc đầu năm nay, tôi dự định sẽ viêt thêm vài mùa cũ nữa rồi gộp vô các mùa trước đó đã in thành sách đâu chừng trên ba mươi mấy mùa để tái bản cuốn Mùa Màng Ngày Cũ in lại hồi 2017 mà lần đó Bác sĩ có viết lời giới thiệu, nay sách đã hết rồi; nhưng rồi tự dưng cũng thấy lòng mình bớt hăng hái về việc in lại Mùa Màng Ngày Cũ nữa rồi! Chắc cũng tại ông André Maurois nhắc cái ý nghĩ “Để làm gì?” của người già!
Hoặc như, sắp nhỏ tôi nhắc: “Ba muốn in sách gì thêm thì chuẩn bị rồi tụi con lo in, để vài ba năm nữa Ba sẽ quên!” Tôi mới coi lại còn bản thảo cuốn Người Đọc & Người Viết Quyển III, dày khoảng 600 trang, lúc đầu rồi cũng muốn in; lúc trước có hai cuốn I và II rồi, nay in cuốn III cho vui, nhưng nghĩ đi nghĩ lại rồi tôi lại thôi, không cần in thêm sách nữa và mình nghĩ in sách ra cho nhiều “để làm gì?”
Hoặc như, hôm tháng 7-2019, vợ chồng tôi có dịp theo con cháu về Boston tìm lại cái nôi lúc các cháu mới qua đây bắt đầu lại những ngày đi học từ những năm mà Bác sĩ cũng có mặt nơi thành phố Boston này để tu nghiệp về Y Tế Công Cộng tại Harvard (Boston, 1993)). Tôi cũng ghé qua phố Tàu ở Boston để tìm lại cái cảm giác “gió co ro lạnh” trong Thơ Ngắn Đỗ Nghê mà anh Tô Thẩm Huy đã nhìn ra có lúc ảnh cũng đến phố Tàu ở Boston để nghe “gió co ro lạnh” như thế nào…
Anh Tô Thẩm Huy viết: “…tôi cũng một mình lang thang ở phố Tàu Boston. Tuyết không rơi, nhưng chao ơi gió lộng, và lạnh thấu trời. Hai tai muốn rụng xuống vì mũ đội không che phủ được hai tai. Chính nhờ thế nên khi viết về bài thơ Tuyết của anh Đỗ Hồng Ngọc tôi đã rất “phê”. “Gió” mà nó còn phải “co” thì Tô Thẩm Huy này làm sao mà không “ro” được.]
Tuyết
Tuyết bay
Bay nhẹ
Phố tàu
Gió co
Ro lạnh
Phố
Đìu hiu
Theo…
(Đỗ Nghê, Boston 1993).
Thưa bác sĩ,
Cứ tiếp tục như vậy, nhiều ý nghĩ muốn ghi lại lắm như mới đây anh Năm Hiền bên California gởi cho đọc bài viết của cô Nguyễn Thị Hậu viết về “Mùa vịt chạy đồng”; sau khi đọc xong, tôi dự định viết một bài về “mùa nuôi vịt chạy đồng” chi tiết hơn, thực tế hơn nhưng rồi lại làm biếng quá mạng, chỉ viết nửa chừng chừng năm, mười trang rồi bỏ đó và tự hỏi viết ra “để làm gì?”
Hoặc nữa, như Bác sĩ biết tính tôi là ưa nói lại cho trúng các chi tiết của bất cứ một bài viết của bất cứ tác giả nào mỗi khi họ viết về đời sống ở nhà quê mà tôi có dịp được đọc, tôi thấy chưa đúng là tôi sữa lại liền, để không khéo người đọc chưa sống ở nhà quê, họ tưởng các tác giả viết như vậy là đúng rồi, rồi từ đó cứ nghĩ lầm rằng nhổ bông súng là phải lặn xuống nước nhổ từng cọng, từng cọng; hoặc cá rô cam tích là cá rô tôm tích; hoặc một giạ là 20 lít như có các tác giả đã giải thích trong bài viết như vậy!
Thực sự thì nhổ bông súng chỉ ngồi trên xuồng đang nằm giữa cánh đồng đầy bông súng nỏ, người ta chỉ vói bàn tay cầm bông súng rồi nhổ mạnh lên thôi, không cần phải lặn hụp gì ráo trọi! Còn cá rô lúc nhỏ ở nhà quê hay gọi là cá rô non; chúng ăn bông cỏ cùng các loại phiêu sinh vật trên mặt nước làm cái bụng no óc nóc giống như trẻ nhỏ mắc bịnh cam tích; từ đó dân quê mới đặt tên cho loại cá rô non này là “cá rô cam tích” chứ hổng có “cá rô tôm tích” gì ráo trọi nhe Bác sĩ! Còn cái vụ “một giạ mà 20 lít”, nếu mình tin như tác giả bài viết này giải thích thì chắc dân quê tụi tôi bán lúa giống là cái chắc! Dốt gì thì dốt, dân quê tụi tôi dưới này từ xưa tới nay cứ theo qui định một giạ là 40 lít nhe Bác sĩ! Nửa giạ hoặc một thùng, hoặc một táo mới 20 lít.
Và còn nhiều cái trật tương tự như vậy nhiều lắm nhe Bác sĩ! Nhưng rồi, tôi lại tự hỏi mình viết ra mấy cái chưa trúng ấy “để làm gì?” Và rồi tôi lại bỏ dỡ những bài viết về những chi tiết không chính xác của nhiều tác giả mà tôi đã có dịp đọc qua như vừa kể…
Thưa Bác sĩ,
Trong thư vừa kể, Bác sĩ có nhắc Hai Trầu:
“Gởi “meo” cho anh Hai Trầu, người bạn hơi già của tôi hỏi sao lâu nay im re, anh nói già sao nhanh quá anh ơi, chả muốn làm gì cả. Thì ra, tuổi già, đúng là “Chả cần gì! Chỉ cần già!” là vậy.”
Thì ra, qua những lời tâm sự vừa rồi với Bác sĩ, nay tôi thấy mình như Bác sĩ gợi ý là “Chả cần gì! Chỉ cần già!”. Và qua một vài ý nghĩ về việc “để làm gì” ấy mà tôi muốn chi xớt cùng Bác sĩ chẳng những đó là một chọn lựa không mang một chút chán nản nào trong đời sống của tôi trong hiện tại, mà ở đó nó còn thể hiện là một nếp sống rất thiết thực, yêu đời với những công việc thân thiết mỗi ngày mà tôi đang bận rộn như làm vườn, trồng cây, nuôi cá, và đưa rước các cháu đi học mỗi ngày… Vui lắm nhe Bác sĩ!
Cá nhân tôi, xin chân thành cảm ơn tấm thạnh tình mà bác sĩ lúc nào cũng nhớ và nhắc Hai Trầu, nhiều lắm!
Thân kính,
Hai Trầu
Để lại một bình luận