Lá thư thứ ba: “Những người trẻ lạ lùng”
Minh Lê (Nha Trang)
Bạn thân mến,
Cuốn sách mình sắp giới thiệu với bạn là một cuốn đặc biệt trong bộ tùy bút của Bs Đỗ Hồng Ngọc. Vì sao lại đặc biệt? Vì nó rất… lãng mạn.
Trong bài hát “Một cõi đi về” của Trịnh Công Sơn, bạn còn nhớ câu: “con tinh yêu thương vô tình chợt gọi”? “Con tinh” ở đây hẳn là “con yêu tinh” – từ người thân hay bạn bè mắng yêu các cô gái nhỏ lém lỉnh, hay chọc ghẹo người ta. Ừ, cái “con tinh yêu thương” tinh quái và nghịch ngợm ấy, nếu hôm nào đó “vô tình chợt gọi” thì bạn sẽ thế nào?
Bạn sẽ thấy tim mình bỗng đập dồn dập như một thưở nào xa lắc, rồi tự nhiên mà rung động cùng “những lời tán tỉnh, những nỗi giận hờn, những niềm tiếc nhớ” (tr. 18) dù bạn đang ở tuổi nào đi nữa. Nhưng bạn yên tâm, bởi đó là lúc “lại thấy trong ta hiện bóng con người”, bởi “con người vẫn cần có con người”, con người cần yêu và được yêu. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc sẽ cho ta thấy cái sự “yêu” này nó tạo nên những người trẻ lạ lùng ra sao…
Tình yêu cứ bàng bạc trong các bài viết đăng trong sách, nhất là khi tác giả viết về những người nổi tiếng ông có dịp tiếp xúc gần gũi như Giáo sư Trần Văn Khê, nhà văn Võ Hồng, hay ký giả – nhà văn – nhà thơ Nguiễn Ngu Í, người cậu thân yêu của ông.
Bạn biết không, mình đặc biệt thích câu chuyện về Giáo sư Trần Văn Khê với chuyện tình thơ mộng của ông. Một chuyện tình đẹp như vầng trăng, tuy là “trăng khuyết vành chờ đợi” nhưng không “hao gầy” giữa một giáo sư nhạc sĩ nổi tiếng và một thiếu phụ – học trò học nhạc với ông, kém ông nhiều tuổi. Mối tình nồng nàn và tha thiết ấy còn ở mãi trong tim Giáo sư, sưởi ấm những tháng ngày làm việc không mệt mỏi của ông.
Rồi chuyện tình của ông tổ ngành Y nước Việt: Hải Thượng Lãn Ông. Lúc đó Lãn Ông đã thành danh, là thầy thuốc được Vua tín nhiệm và người người kính trọng, nhưng vẫn choáng váng và bối rối khi gặp lại người xưa. Ông tự trách mình: “Vô tâm nên nỗi lụy người ta, trông mặt nhau đây luống xót xa…” (tr. 128) Chuyện rồi kết thúc ra sao? Bạn đọc là biết ha.
Ngoài Hải Thượng Lãn Ông, những người còn lại tác giả đều có giao tình gần gũi nên có thể nhìn thấu tính cách và tâm hồn họ. Họ đều là người tài giỏi, được nhiều người ngưỡng mộ, nhưng ít người biết họ cũng yêu, cũng buồn đau, cũng tiếc nuối như bất cứ ai. Tâm hồn họ nhân hậu và tràn đầy yêu thương nên họ sống một đời trẻ trung đến lạ lùng!
Chưa hết, tác giả viết một bài hấp dẫn phân tích cách yêu của “tây” và “ta”. “Real Romantic!” kể chuyện phong trào “yêu kiểu mới” trong giới trẻ Âu Mỹ: “họ nhớ tiếc và muốn thực hiện cách sống yêu thương lãng mạn của cha ông ở một thời xa xưa.” (tr. 48) Tác giả so sánh một cách dí dỏm tài liệu “101 cách làm tình mà không làm… vậy” của Mỹ với cách của thơ ca Việt Nam, rồi bình luận: “nếu họ mà phát hiện thêm các kiểu… yêu của ta chắc họ sẽ có “một ngàn lẻ một cách làm tình” tuyệt diệu hơn nữa!”.
Cách gì vậy? “Đón trước cổng trường/ làm đuôi/ leo lên cây khắc tên tùm lum/ giấu thư tình dưới hộc bàn/ cắt đứt dây chuông (Lan và Điệp)/ “giết người trong mộng”/ hay lén… hôn lên áo phơi ngoài giậu/ còn siêu nữa là “xếp tàn y lại để dành hơi””… (tr. 50) Thiệt là lãng mạn và dễ thương hết sức! Yêu chỉ để… yêu thôi, dù tình đơn phương thì vẫn đẹp vô cùng, “tây” nào theo cho kịp!
Đi cùng “tình yêu” tất nhiên phải có những dòng văn chương lãng mạn thật đẹp tả tình, tả cảnh tinh tế và tình tứ.
Bài “Nhớ tiếng thu giữa Boston” ĐHN viết: “Họ không gọi Autumn – mùa Thu, mà gọi Fall – mùa Rụng, bởi vì chỉ có lúc lá rụng bời bời như vậy người ta mới thấy hết được nỗi vui mừng, nỗi xót đau, nỗi buốt nhớ… không rõ vì đâu.” (tr. 30) Trong không gian thu đầy lá rơi và những cành cây khô giữa trời thu bâng khuâng, tác giả thả bước dưới vòm cây, “nghe tiếng mùa yêu và fall in love. Với ai, vì sao nên nỗi? Có phải cái tiếng thổn thức, cái tiếng rạo rực của ai kia đã một hôm thu làm cho chàng thi sĩ trẻ tuổi (LTL) trở thành một con nai, lang thang dẫm ngập lá vàng, hẫng bước đi mà chẳng biết về đâu…” (tr. 31)
Hay bài “Trang của một thời”: “Thời trang không dừng lại ở nếp lụa là, nhung gấm – thời trang… và hơn thế nữa – là cái khỏe khoắn, cái hồn hậu nhu mì, cái đằm thắm dịu dàng, cái chín chắn tinh hoa của trí tuệ ở đằng sau kia, ở bên trong kia.” (tr. 58). “Chính ở cái tuổi chông chênh đó của người phụ nữ, cái tuổi có những cột mốc thì thầm, tuổi chuyển mùa như lá trên cành, từ cái bồng bột sôi nổi sang cái nền nã, dịu dàng, giản dị mà sang trọng, người ta đã nhìn ngắm vào bên trong bản thân mình hơn là nhìn người qua phố, và như vậy người ta đã góp phần làm cho cuộc sống thăng hoa.” (tr. 57)
“Những người trẻ lạ lùng” kết thúc bằng bài thơ “Xin cám ơn, cám ơn” tác giả viết khi tỉnh lại sau cuộc mổ cấp cứu vì cơn tai biến mạch máu não tưởng sẽ… đi luôn vào cuối năm 1997. Nghe tiếng chim hót, nhìn ánh nắng ban mai, ông bừng tỉnh nhận ra giây phút hiện tại quý giá đến nhường nào và cảm thấy tình yêu đích thực:
“Tình yêu
Đã giúp ta tìm lại chính mình
Đã giúp ta vượt thoát!” (tr. 139)
Đọc sách xong, mình cũng muốn lặng lẽ gởi một lời cám ơn đến tác giả. Cám ơn tác giả đã chỉ cho mình thấy tình yêu quan trọng như thế nào trong cuộc đời một người, có thể giúp tâm hồn mình trẻ trung mãi ra sao. Tình yêu càng rộng lớn thì người ta lại càng trẻ…
Đúng là “yêu để trẻ” và “trẻ để yêu”!
(Minh Lê)
* Các trích dẫn từ sách Những người trẻ lạ lùng, Đỗ Hồng Ngọc, Nhà XB TP HCM 2001.
hai trầu viết
Kính chào tác giả Minh Lê (Nha Trang)
Xin cảm ơn nhà văn Minh Lê (Nha Trang) có Lá thư thứ Ba sau lá thư thứ nhất, thứ hai; đang chờ đọc tiếp lá thư thứ tư, thứ năm và nhiều lá thư kế tiếp nữa của tác giả viết về các tác phẩm của Bs Đỗ Hồng Ngọc: vừa cô đọng, súc tích mà văn chương, chừng mực, rõ ràng, mạch lạc.
Trân trọng,
hai trầu
Minh Le viết
Kính Anh Hai Trầu,
Dạ ML không phải nhà văn chi đâu anh, chỉ là một fan hâm mộ đã lâu của BS Đỗ Hồng Ngọc thôi. Lời khen của Anh khiến ML rất cảm động và khuyến khích ML rất nhiều. Cảm ơn Anh đã bỏ thời gian đọc bài và động viên ML.
ML mong Anh sẽ bỏ thời gian góp ý thêm cho ML về những bài viết trong tương lai. ML cám ơn Anh rất nhiều.
Kính mong Anh và Gia quyến luôn an lạc.
Minh Lê (Nha Trang)