Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Tập hợp các bài viết của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Ghi chép lang thang
  • Nhận bài mới qua email

Lõm Bõm: “Luân hồi sanh tử”

11/05/2012 By Bac Si Do Hong Ngoc 19 Bình luận

“Luân hồi sanh tử”

Luân hồi hình như luôn đi với sanh tử. Luân hồi sanh tử. Nghe cứ rờn rợn. Có cách nào “giải thoát” không? Có đó. Đi tu! Đi tu để giải thoát luân hồi sanh tử. Nghe nói vậy. Làm như tu thì không còn sanh tử nữa, không còn luân hồi nữa, tu thì sống đời đời kiếp kiếp vậy! Nhưng… không còn sanh tử, không còn luân hồi nữa, sống đời đời kiếp kiếp thì… chán chết! Không luân hồi sanh tử nữa thì mọi thứ khựng lại. Trái đất chẳng buồn quay. Chẳng còn xuân hạ thu đông. Chẳng sáng trưa chiều tối. Chẳng vô thường. Chẳng đổi thay. Chán chết! Cho nên luân cứ phải hồi, sanh cứ phải tử. Và bởi vì sanh cứ phải tử nên tử cứ phải sanh. Phải luẩn quẩn loanh quanh vậy mới công bằng, mới phải điệu. Ba cõi sáu đường phải thênh thang rộng mở cho chúng sanh lũ lượt vào ra!

Nhưng, chỉ có ba cõi sáu đường thôi ư? Chỉ có “Thiên, nhân, atula, ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục”… thôi ư? Chắc còn nhiều thứ “cao tốc” nữa. Vô số vô lượng vô biên nẽo đường cho phù hợp với vô số vô lượng vô biên chúng sanh chứ? Nhưng chỉ tượng trưng vậy là đủ cho các thứ bệnh “tham, sân, si, nghi, kiến, mạn”… của cõi người!
Được làm người thật khó! Một con rùa mù lờ quờ bơi giữa biển khơi, mỗi trăm năm trồi đầu lên một lần giữa mênh mông sóng nước, vậy mà làm thế nào lại đội trúng chóc ngay khúc gỗ mục, giữa bộng cây, đang trôi giạt bềnh bồng trên biển. Đâu có dễ phải không? Đó là một hình ảnh đầy biểu tượng sinh học, mang tính nghệ thuật vẫn được điêu khắc trên các đền đá từ ngàn xưa của linga với yoni ! Cho nên cha mẹ mà không bồng bềnh gặp nhau thì ta là ai? Ông bà mà không bồng bềnh gặp nhau thì ta là ai? Phải có cái nhân, cái duyên, cái nghiệp, cái báo gì đó chứ?

Muôn sự tại tham. Không tham thì đã không sinh sự. Mà tham thì không đáy. Y như cái bao tử, vốn là một cái túi không đáy vậy! Tham thì lúc nào cũng thấy thiếu, cũng đói, cũng khát. Khát đủ thứ, đói đủ thứ. Không chỉ cõi người đâu. Cá lớn nuốt cá bé. Bọ hung hùng hục đánh nhau giành giựt cục phân. Thiêu thân tranh nhau lao vào lửa. Dã tràng miệt mài se cát biển đông… Tham quá thì thành… ngạ quỹ. Đói khát triền miên. Sân (giận) thực ra chỉ là một sản phẩm của tham. Tham mà không được mới sân, mới bị thiêu đốt đủ kiểu ở chín tầng địa ngục. Sân sinh địa ngục. Địa ngục chẳng đâu xa. Nó ở ngay trong ta và luôn háo hức chờ đợi. Nhưng cái gốc của tham, sân là từ “ngu muội” (Si) mà ra! “Súc sanh” quá đi chớ. Còn cãi gì nữa! Lâu lâu nhìn lại mình mà coi: “Đồ súc sanh! Đáng đời! Đáng kiếp!”…

Vậy còn thiên, nhân, atula thì từ đâu ra? Thì từ các “bệnh” nghi, kiến, mạn! Nghi thì sanh sự, tâm không lúc nào an. Nghi thì không thể Từ bi! Cho nên nghi sinh… Atula, thần không ra thần, người không ra người, thông minh quỷ quyệt, đấu đá tranh giành, đằng đằng sát khí… Còn nhân (người)? Chắc là do “Kiến” sinh ra rồi. Chỉ người mới có nhiều thứ kiến, khi tà khi chánh, khi thường khi đoạn, điên đảo mộng tưởng. Cứ quay mòng như chong chóng. Đáng mừng là người thì có cơ hội để đổi thay, để chuyển hóa. Cho nên mới bảo làm người, khó, nhưng được làm người đã là may mắn. Còn “Mạn”? Coi trời bằng vung! Kiêu căng phách lối, vỗ ngực xưng tên, nghĩ mình phước báo, ăn chơi xả láng… Thế nhưng dù là Trời vẫn có lúc rơi xuống địa ngục như chơi!
Tóm lại, sáu nẻo đường… thênh thang thì tà nhiều hơn chánh. Tà có vẻ… hấp dẫn hơn, lôi cuốn hơn. Cho nên ta mới có khuynh hướng trôi nổi, lăn lộn, mãi miết trong sáu nẻo đường… tà, không muốn thoát ra là vậy!

Luân hồi sanh tử là cần thiết, là phải vậy. Nước xuôi ra biển lại tuôn về nguồn! Bỉ cực rồi thái lai! Nếu không thì chán quá. Nếu không thì bất công quá! Xuân hạ thu đông… rồi lại Xuân. Sắc thọ tưởng hành thức rồi lại… Sắc? Vô minh, hành, thức… rồi sanh, lão tử hay ngược lại, Lão tử rồi sanh, hữu, thủ, ái… vô minh, để từ đó mà sinh sự cho sự sinh? “Vô sinh” là hết chuyện, diệt thọ tưởng, dứt ái thủ… là hết chuyện chăng? Còn lâu! Bởi “Vô vô minh diệc vô vô minh tận…”, không hề có vô minh mà cũng chẳng bao giờ hết vô minh!

Luân hồi sanh tử, nghiệp báo oan gia các thứ… ở đâu mà ra? Thì ở đâu nữa. Ở ngay trong ta thôi. Trong tứ đại ngũ uẩn. Trong các hợp chất carbon, hydro, oxy, nitrogen (C,H,O,N) và mấy chục nguyên tố đồng chì sắt kẽm, mangan, manhê, vôi vữa… các thứ đó thôi. Ôi, cát bụi tuyệt vời! Khi vẽ được bản đồ hệ gene người, các nhà khoa học bật ngữa thấy tinh tinh, chuột bọ, cải ngồng, cổ thụ… đều có những gene y như vậy với một tỷ lệ khác nhau nhiều ít. Tinh tinh có đến 99% cấu trúc gen giống hệt bộ gen người, chuột bọ thì có đến 98% gen người… Ai dám bảo hôm nào đó chẳng “luân” chẳng “hồi” một phen, cho tinh tinh thành cải ngồng, cải ngồng thành chuột bọ…? Có cái nhìn xuyên suốt ngàn năm chắc thấy biết, còn ta mắt trần (nhục nhãn) chưa thấy được đâu, đành lớ ngớ, loay hoay. Bản hoài của chư Phật muôn đời chẳng phải là muốn khai thị cho ta ngộ nhập vào cái “Thấy Biết” của Phật đó sao?

Thực ra luân hồi sanh tử không chỉ vậy! Luân hồi sanh tử còn là tiến trình tâm trong mỗi sát-na. Từ sáng đến chiều, từ trưa đến tối ta đã… lang thang sáu nẻo biết bao lần. Hết thiên, nhân lại đến atula rồi ngạ quỷ súc sanh địa ngục xà quần không ngưng nghỉ. Sáng bảnh mắt ra, người sảng khoái, lâng lâng, quần là áo lượt có thua gì… tiên nhân đâu, vậy mà trưa nghe một cú điện thoại từ đâu đó bỗng đùng đùng nổi giận, đỏ mặt tía tai, bầm gan tím ruột, lọt tõm vào địa ngục… Chỉ một thoáng thôi, đã từ thiên đàng rơi xuống địa ngục, từ thiên nhân thành Atula, ngạ quỹ… Một thoáng thôi, tiến trình tâm đã trải qua muôn ngàn kiếp rồi vậy!

Biết rõ “cơ chế” bệnh sinh thì điều trị không khó. Có khi chỉ cần chữa triệu chứng. Có khi phải điều trị căn nguyên để không còn tái phát. Cái gì làm ta xà quần trôi nổi trong cõi luân hồi sanh tử? Cái gì có vẻ như mãi cợt đùa không mệt mỏi với ta đó vậy? Chính cái “Ta” đó. Nó đó. Cho nên chỉ có “ta” mới cứu được “ta” thôi, “duy ngã độc tôn” mà! Cho nên phải quay lại với mình, phải phản quan tự kỷ, phải nương tựa chính mình thôi, còn tìm kiếm đâu xa nữa? Gia trung hữu bảo hưu tầm mích (Trần Nhân Tông). Khi nhận ra “không phải của ta/ không phải là ta/ không phải là tự ngã của ta” thì có lẽ đã có một nụ cười thanh thản, tự tại, an nhiên.

Bậc Y vương đã bày biện sẵn thuốc men cả đó thôi. Nói đi nói lại mấy ngàn năm rồi. Lẽ nào ta chẳng nghe ra ? Nào Tứ diệu đế, nào Bát chánh đạo, nào Lục độ, Bát Nhã, Pháp Hoa… các thứ. Sắc cho khéo để hoà nhập vào nhau, tương tác lẫn nhau ba chén sáu phân thành một thứ « dược vương » trị bệnh cho kiếp người.
Nói năng, đi đứng, cái ăn, cái ở… cách nào đây cho nó thôi đừng sanh sự, đừng tạo nghiệp? Thì đã có Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng. Còn Chánh niệm, Chánh định lại là những thứ thuốc đặc trị để có được Chánh kiến, Chánh tư duy. Cho nên, Giới Định Tuệ là đủ để chấm dứt những nẻo đi về địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Giải thoát và Giải thoát tri kiến là đủ để… chấm dứt những lang thang trôi nổi quẩn quanh còn lại ?
Rõ ràng để « giải thoát luân hồi sanh tử » chỉ có mỗi một cách là phải « tu ». Nghĩa là phải « sửa » mình. Phải dứt đi cái nghiệp cái duyên, cái sinh cái sự. Một khi « sự sự vô ngại » rồi thì thong dong ba cõi sáu đường không còn dính mắc, nơi nào cũng trở nên an lành mát mẻ, bởi đã cùng chung dưới một mái nhà. Mái nhà Như Lai.

Đỗ Hồng Ngọc
(5 / 2012)

Thuộc chủ đề:Góc nhìn - nhận định, Lõm bõm học Phật, Nghĩ từ trái tim

Bình luận

  1. Bacsinhaque viết

    12/05/2012 lúc 9:14 sáng

    Dạ thưa bác, cháu xin phép đăng lại bài của bác trên Diễn đàn y khoa để mọi người cùng đọc.
    (Bacsinhaque)
    http://diendanykhoa.com/showthread.php?p=70003#post70003

  2. Bac Si Do Hong Ngoc viết

    14/05/2012 lúc 7:31 sáng

    Cảm ơn cháu. Cứ tự nhiên. Lâu quá không gặp.

  3. Hung viết

    16/05/2012 lúc 2:47 chiều

    Sinh lão bệnh tử là chuyện bình thường như trong phần đầu một bài viết khôngbiết của ai viết ….. nhưng đọc thấy có lý quá chừng

    ” Chiều chiều dắt ra bờ sông …

    Hồi còn nhỏ, tôi đã nghe người ta hát: “… Bà già lấy le ông già, chiều chiều dắt ra bờ sông, hai người nói chuyện tâm tình …” Đó là bài hát nhại của một khúc hát quen thuộc thời đó, nhưng càng lớn tuổi thì tôi càng nghiệm thấy điều này hình như rất… đúng. Lấy le, “prendre des aires” (tiếng Pháp) được Việt hoá thành một từ rất dân gian là làm điệu, làm bộ, ve vãn… Thường người ta nói cậu thanh niên này lấy le trước mấy cô con gái, còn ờ đây bà già lại lấy le ông già mới là kỳ! …..”

  4. Hung viết

    16/05/2012 lúc 2:55 chiều

    Tôi xém quên mất có một bài cũng hay lắm

    PHIÊN PHIẾN TUỔI GIÀ của TRÀM CÀ MAU viết

    chắc còn ở đâu đó trên mạng đọc cũng vui vui
    “…nghe nói cũng thấy xuôi tai, đúng hết…”

  5. Bac Si Do Hong Ngoc viết

    16/05/2012 lúc 4:33 chiều

    Cảm ơn Hưng. Đây là bài viết của tôi, “Chiều chiều dắt ra bờ sông” đã in trong cuốn NHỮNG NGƯỜI TRẺ LẠ LÙNG, (trg 19, Nxb Tp.HCM, 2006). Không biết bạn đọc ở đâu mà không ghi tên tác giả? Thân mến,

  6. Hung viết

    16/05/2012 lúc 6:16 chiều

    Ah ! Vậy là tôi múa rìu qua mắt thợ, vẻ bùa trước cửa Lỗ Bang ! Làm cái chuyện chở củi về rừng !
    Vô tình hay là …. cố ý !
    BS viết bài này hình như khá lâu rồi thì phải ? Tôi mới đọc những bài này từ …. tháng rồi !
    Trên mạng, có đề rõ là bài của BS ! Tam sao thất bản ! Tôi mới sao lại có một lần mà đã làm mất… tên tác giả rồi 😉
    Như vậy là “Nhất sao thất bản” chớ không phải là “Tam sao thất bản”
    Thật tình mà nói tôi không có ý tìm mà lại đọc được bài “Chiều chiều dắt ra bờ sông …” trên một trang Web.
    Có người góp ý sau bài PHIÊN PHIẾN TUỔI GIÀ của TRÀM CÀ MAU bằng cách trích luôn nguyên bài “Chiều chiều dắt ra bờ sông …”

    Hưng

  7. Hongctb viết

    22/05/2012 lúc 3:02 chiều

    Cháu cám ơn bác sĩ. Một bài viết ngắn gọn, nhưng giảng giải được bao nhiêu điều giáo lý nhà Phật mà không phải ai cũng có cơ duyên được đọc, được nghe và được hiểu.

  8. Phạm Văn Á viết

    26/05/2012 lúc 10:05 sáng

    😀
    Tu là sửa.

  9. Từ Lương viết

    01/06/2012 lúc 9:47 chiều

    con kính chào Bác,
    Tình cờ con được người bạn gửi cho bài viết của Bác. Con kính xin có vài lời chia sẻ.
    Bài viết rất bình dị, dân dã và gần gũi vốn như văn phong và con người của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc mà con đã từng được nghe qua (con chưa từng được đọc những bài viết của Bác – nhưng vợ của con học về Y nên vẫn hay thường nhắc đến Bác).
    Một bài viết ngắn nhưng giới thiệu rất nhiều điểm tinh yếu của Phật Pháp, từ luân hồi sinh tử, tam giới lục đạo, tham-sân-si, mạn nghi biên kiến cho đến nhân duyên, vô ngã.
    Nhưng ở trên Bác nói là “luân hồi sinh tử là cần thiết, là phải vậy”, đến phần kết luận là “rõ ràng để giải thoát luân hồi sanh tử chỉ có mỗi một cách là phải tu, nghĩa là phải sửa mình” thì con nghĩ rằng sẽ gây khó hiểu và phân vân cho người đọc.
    Con xin thêm một thiển ý nhỏ : bài này của Bác thiếu một từ, chỉ một từ nhỏ thôi, nhưng đối với con, nó cũng giống như một rắc muối trong nồi chè, nếu thiếu thì dù có ngon ngọt cỡ nào đi nữa, cũng mất đi tính đậm đà, đó là từ : KHỔ ! Luân hồi sinh tử mà không khổ thì ước muốn giải thoát làm chi phải không Bác ? Vì thế Đức Phật mới dạy khổ-tập-diệt-đạo.
    Vài dòng kính xin chia sẻ với Bác trong tình đồng tu. Con kính chúc Bác cùng gia quyến luôn được mạnh khỏe, an lành.
    Kính mến,
    con Từ Lương

  10. Bac Si Do Hong Ngoc viết

    02/06/2012 lúc 10:43 sáng

    Rất cảm ơn Từ Lương.

  11. lê thi song hai viết

    07/06/2012 lúc 5:34 chiều

    Con xin chào Thầy, chào Bác (SĨ). Cả hai cũng đúng: bác vừa tri bệnh, vừa dạy học , vừa là nhà văn… Hôm con gặp bác tai phòng khám xạ trị. Mến mộ bác rất lâu về tài hoa, về đạo đức nghề y, về sách bác viết, về những gì bác làm cho cộng đồng, xã hội ngày nay được bác giúp đỡ rất nhiều .Chúc bác và cô sức khỏe chống chọi căn bệnh cuộc đời vốn dĩ vô thường này ạ

  12. Bac Si Do Hong Ngoc viết

    08/06/2012 lúc 6:00 sáng

    Cảm ơn em. Có phải em công tác ở BVCR đó không? Người nhà của em thế nào rồi?

  13. Michel D viết

    14/06/2012 lúc 11:57 chiều

    Chân thành cám ơn BS về bài viết hay quá. Cháu đọc và suy nghĩ, lại thấy được đường đi…kính chúc BS an khang. Cháu còn ‘ nợ’ BS một lần chỉ đường để thoát khỏi chốn đoạn trường. Tri ơn BS. Michel

  14. Bac Si Do Hong Ngoc viết

    15/06/2012 lúc 8:45 chiều

    Cảm ơn Michel D. Lâu quá không tin tức. Chỉ nên xưng bằng em thôi nhé. Cháu bé có dịch tác phẩm nào mới không?

  15. Michel D viết

    17/06/2012 lúc 10:23 sáng

    Dạ, em lúc này khoẻ lắm. Bỏ ‘phố’ ra ngoại ô, sống thanh thản và làm việc điều độ. Như một cuộn chỉ mà Bác sĩ đã chỉ dùm được cái mối, niềm vui, sự thanh thản, sự sáng láng trong suy nghĩ… Tất cả cứ tuần tự đến từng ngày…
    Cháu T. Vẫn dịch sách.
    Mong sớm có dịp được gặp lại Bác Sĩ. Em sẽ mừng lắm.

  16. Nguyen thi Phuong Chi viết

    30/06/2012 lúc 6:26 chiều

    Cam on BS DHN, cam on rat nhiều. Những cuốn sách, những tản văn của Bác viết đã dem lại cho em nhiều suy ngẫm hữu ích. Em mong Bác luôn an vui và viết thật nhiều.

  17. Bac Si Do Hong Ngoc viết

    01/07/2012 lúc 1:04 chiều

    Cảm ơn em đã chịu khó đọc và… suy ngẫm!

  18. Minh Thùy viết

    23/08/2012 lúc 8:14 chiều

    Bác Ngọc kính mến,

    Con quả thật may mắn vì đã được gặp gỡ, nghe bác nói chuyện hôm nay. Nó thật sự có ý nghĩa với con về nhiều mặt.

    Ba mẹ con ở nhà cũng rất chuyên tâm tu tập, vì đã trải qua nhiều sóng gió nên ít nhiều đã ngộ ra quy luật vô thường. Con ăn chay mỗi ngày nhưng lại hay cho mình nhiều lý do để ‘quên’ tu tập và tìm hiểu đạo pháp. Nghe bác nói chuyện, con thấy mình vững tin hơn vào đạo Phật và có thêm nhiều động lực để tinh tấn giũa rèn.

    Cám ơn bác vì sự giản dị chân thành trong mỗi lời văn, tiếng nói.

  19. Bac Si Do Hong Ngoc viết

    23/08/2012 lúc 9:13 chiều

    Cảm ơn con. Giữ sức khỏe và cố gắng học hỏi thêm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Thư đi Tin lại

  • Lịch “Trò chuyện, giao lưu…”
  • Lại đính chính: “SAIGON BÂY GIỜ”
  • ĐÍNH CHÍNH: BSNGOC không phải là BS ĐỖ HỒNG NGỌC
  • Đính chính: BS NGỌC không phải là Bs Đỗ Hồng Ngọc
  • bsngoc đã lên tiếng đính chính
  • Thư cảm ơn và Đính chính về FACEBOOK Bác sĩ NGỌC
  • ĐÍNH CHÍNH: Bài viết "TÀN NHẪN" không phải của Bs Đỗ Hồng Ngọc

PHẬT HỌC & ĐỜI SỐNG

Từ góc nhìn “Phê bình sinh thái” về bài thơ “Rùng mình” của Đỗ Hồng Ngọc

MỘT NGÀY KIA…ĐẾN BỜ V2

MỘT NGÀY KIA…ĐẾN BỜ

Bản dịch Anh ngữ của Nguyên Giác: “NƯƠNG TỰA CHÍNH MÌNH” (ĐHN)

Thư gởi bạn xa xôi III

Thư gởi bạn xa xôi II

Thư gởi bạn xa xôi: Tôi Học Phật (tóm tắt)

Hội quán Các Bà Mẹ: Giao lưu với Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc về cuốn “Bông Hồng Cho Mẹ & Những Cảm Nhận Học Phật”

Dương Mình Trí: cảm nghĩ nhân đọc “Bông hồng cho Mẹ & Những cảm nhận học Phật”

Đỗ Hồng Ngọc với “Bông hồng cho mẹ và những cảm nhận học Phật”

Xem thêm >>

Chuyên mục

  • Một chút tôi
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy

Bài viết mới nhất!

  • Thư gởi bạn xa xôi (Tháng 11, tiếp theo)
  • Vài cảm nghĩ nhân chuyến đi Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang)
  • Tuệ Sỹ: “Chén trà lão Triệu mà chưng hoa ngàn”
  • Đỗ Hồng Ngọc: Thi Sĩ và Hơi Thở “Pranasati”
  • Thư gởi bạn xa xôi (9.2023 tiếp)

Bài viết theo tháng

Ý kiến bạn đọc!

  • hai trầu trong Vài cảm nghĩ nhân chuyến đi Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang)
  • hai trầu trong Vài cảm nghĩ nhân chuyến đi Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang)
  • Duc Hoang trong Trong một nhà giữ lão ở Montréal
  • Giới Thiệu “Một ngày kia… đến bờ” của Đỗ Hồng Ngọc | Vũ Thất trong MỘT NGÀY KIA…ĐẾN BỜ V2
  • Phạm Yến trong Tuệ Sỹ: “Chén trà lão Triệu mà chưng hoa ngàn”
  • Đỗ Thành Trung trong BUÔNG… hổng dễ!
  • Pháp Fl trong Lịch “Trò chuyện, giao lưu…”
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Lại đính chính: “SAIGON BÂY GIỜ”
  • TRẦN THỊ TÂM trong Lại đính chính: “SAIGON BÂY GIỜ”
  • P2 Who wants to Eat Chè Bột Khoai? - mlefood.com trong Ghi chép lang thang

Cùng một tác giả

  • 0
  • 1
  • 1
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6

Thống kê

Nhà tài trợ

biệt thự vũng tàu
biệt thự vũng tàu cho thuê | biệt thự vũng tàu cho thuê theo ngày giá rẻ | cho thuê biệt thự vũng tàu có hồ bơi
© 2009 - 2016 Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Phát triển & Hỗ trợ kỹ thuật bởi SGC.
Trích dịch nội dung để dùng trong nghiên cứu, học tập hay dùng cho cá nhân đều được tự do nhưng cần phải chú thích rõ nguồn tài liệu và đối với các trích dịch với mục đích khác, cần phải liên lạc với tác giả.
  • Một chút tôi
    ?
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    ?
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    ?
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    ?
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    ?
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy
  • Nhận bài mới qua email