BUÔNG… hổng dễ!
Không phải là buổi Ra Mắt Sách… mà chỉ là một buổi họp mặt gia đình gồm ít bà con gần gũi và ít bạn bè thân thiết của gia chủ: Kim Quy và Lê Ký Thương tại nhà hai bạn. Cũng có đậu phộng luộc, sữa đậu nành, nước cam, càphê… như thường lệ.
Họa sĩ Lê Ký Thương bệnh mấy tháng nay, phải ngồi xe lăn nên việc tổ chức “ra mắt” Buông nho nhỏ ấm cúng tại nhà là… cần thiết. Lý do: chính anh là người minh họa “độc đáo” cho cuốn sách này của mình!
Gọi là “độc đáo” vì họa sĩ LKT không biết trước ĐHN sẽ viết cái gì, về đề tài gì mà đã vẽ sẵn hai chục bức minh họa chính xác mới là lạ! Số là sau khi tập hợp 15 bài cho cuốn Buông, mình “lục soạn” trong “kho” của bạn, chọn ra các tranh phù hợp cho từng đề tài là xong. Ấy cũng nhờ thân thiết với nhau hơn 50 năm rồi mới “thần giao cách cảm” vậy!
Mình nói đôi lời rằng buổi Ra Mắt “Buông” hôm nay chủ yếu để các bạn coi hình minh họa của LKT là chính chớ không cần coi nội dung chi đâu nha. Tuy vậy, sau đó, có một buổi thảo luận chung quanh chuyện Buông dễ hay không dễ này. Có mấy cháu tuổi 30, bạn của O Mai (con gia chủ) tranh luận cũng sôi nổi.
Bất ngờ có Bác sĩ Phạm Kiêm Yến cùng dự buổi này, sau đó đã viết một bức thư cho tác giả ĐHN, mời bạn cùng xem nha.

Từ trái: Minh, Yến, Đạm, Ngọc Vân (hai bạn thiết của nữ gia chủ Kim Quy từ ngày còn thơ ở Nha Trang); ĐHN và Sơn. (Nhà LKT 2.10.2022)

hàng trước: Quýnh, Tống, Minh hàng sau: Lê Ký Thương, Thoại Uyên và các cháu bạn O Mai: Ngọc, Hà, Hiền…
Nghĩ Về BUÔNG
Thưa anh Đỗ Hồng Ngọc,
Em bắt đầu đọc sách của anh cách đây hơn 10 năm. Khởi đầu là những quyển anh viết cho tuổi già hay mấp mé già, như Già Ơi… Chào Bạn; Những Người Trẻ Lạ Lùng; Già Sao Cho Sướng? … với giọng văn nhẹ nhàng, dí dỏm và được anh bonus rất nhiều ca từ của Trịnh Công Sơn. Sau đó, em có duyên may được đọc quyển Nghĩ Từ Trái Tim anh viết về kinh Bát Nhã. Với em, đó là quyển sách làm “thay đổi cuộc đời” bởi vì nhờ quyển đó, em bắt đầu có một cái nhìn hoàn toàn khác trước đối với Phật pháp. Em tin là không chỉ với Nghĩ Từ Trái Tim, nhiều quyển sách khác của anh viết về học Phật như Thấp Thoáng Lời Kinh, Gươm Báu Trao Tay, Ngàn Cánh Sen Xanh Biếc… có thể đã giúp cho nhiều bạn trẻ khác được khai thị như em trước đây.
Buông là quyển sách mới nhất của anh mà em vừa đọc. Vì sao cần Buông? Để sống thảnh thơi, an lạc và hạnh phúc! Thật là một thông điệp quá tuyệt vời! Em đã dành hẳn một cuối tuần thong thả, đọc Buông thật chậm để có thể thấu hiểu đạt mức tốt nhất nội dung anh muốn gửi gắm. Vẫn với văn phong nhẹ nhàng, gần gũi, anh đã tâm tình, kể lể và hướng dẫn độc giả của anh, trong đó có em., tự điều trị khỏi những căn bệnh phần hồn như cách một bác sĩ chu đáo, tận tụy chỉ dẫn bệnh nhân điều trị những căn bệnh phần xác vậy.
Quyển Buông có 15 bài viết. Khởi đầu là bài thơ Biết Rồi Còn Hỏi! Đó là một bài thơ tự sự, trong đó mối liên hệ của anh với Phật là mối quan hệ gần gũi, như Cha, như bạn, như tri kỷ… khiến em rất cảm động. Anh viết:
“Tôi ngồi trước tượng Phật
Viết lăng nhăng mỗi ngày
Để khi nào bí thì hỏi”
Trời ơi, phải thân thiết cỡ nào mới “khi nào bí thì hỏi…” được chứ! Phật với anh không là tượng đài trên cao để kính bái, để vọng ngưỡng; mà Phật chính là một người bạn thâm giao, người đồng hành, người hướng dẫn của anh. Anh thật là hạnh phúc!
Anh tỉ tê:
“Đâu cần trốn ra khỏi cổng thành
Xóm nghèo nơi tôi ở
Bên phải là nhà bảo sanh
Bên trái là bệnh viện
Đằng kia lớp dưỡng sinh
Đằng nọ nhà quàn vô lượng thọ…”
Sinh, lão, bệnh, tử… vòng đau khổ của kiếp người hiện tiền trước mắt anh mỗi ngày trong chính ngay khu phố anh đang cư ngụ, đâu cần phải vượt cổng thành mới thấy như ngày xưa thái tử Tất Đạt Đa từng làm! Này tiếng khóc oe oe của em bé mới chào đời trong nhà bảo sanh đồng thanh với tiếng rên rỉ vì bệnh hoạn của bệnh nhân trong một bệnh viện gần đó. Từ phòng tập dưỡng sinh dành cho người cao tuổi, con đường đi đến nhà quàn vô lượng thọ cũng chẳng mấy xa. Anh “quán” hết lẽ nhân sinh và lòng anh từ bi biết mấy, khi anh sợ Phật buồn.
“Tôi nhắc Phật đừng buồn
Không được quạu quọ, không được cau có
Không được nhăn nhó…”
Dĩ nhiên Phật phải “thấy biết” rồi, nên
“Phật cười
Phải! Nó vậy đó.”
Anh Nguyễn Tường Bách từng viết trong quyển Mùi Hương Trầm một câu em rất tâm đắc, có lẽ vì nó thể hiện đúng tâm tình của em. Đại ý là “Con đường đến với Phật của người bình dân rất dễ dàng vì họ có Phật trong tim. Xảy ra bất cứ khó khăn bất trắc nào họ đều niệm Phật vì danh Phật ở sẵn trên môi họ! Còn với người khoa học, điều gì họ cũng muốn được thực chứng, được thấy, được biết, nên Phật luôn cách xa họ.” Giờ thì em biết, điều đó chỉ đúng với nhà khoa học nào đó thôi chứ với người “đại ngộ” như anh thì… không kể!
Vì Buông là quyển sách dạy… buông, mà buông quan trọng nhất là buông suy nghĩ, nên anh dành nhiều bài cho Thiền và hướng dẫn cách thở bụng. Khi Thiền mọi người sẽ chỉ nên làm mỗi một việc là “dõi theo” hơi thở, dõi theo chứ không phải theo dõi nha. Khi đó thân lo thở, tâm lo dõi theo hơi thở vào ra nhịp nhàng và suy tưởng về hơi thở ấy thì trí còn rảnh rang đâu mà nghĩ chuyện lung tung, ngoài chuyện phải “thôi đi” những “đảo điên mộng tưởng”. Thế là buông!
Anh cũng kể lại một kỷ niệm thú vị với thầy Thích Thanh Từ và chữ BUÔNG mà thầy đã cho anh sau buổi nói chuyện, cùng việc phân tích bài thơ Mộng của thầy:
“Gá thân mộng,
Dạo cảnh mộng.
Mộng tan rồi,
Cười vỡ mộng.
Ghi lời mộng,
Nhắn khách mộng.
Biết được mộng,
Tỉnh cơn mộng.”
Sau tất cả những thứ là mộng, là tạm bợ, là huyễn hoặc kia, anh kết luận:
“Tỉnh cơn mộng chính là BUÔNG đó vậy!”
Như cách anh thường tâm tình, trong Buông, anh tâm sự về chuyến Về thăm đất Phật ở Nepal. Anh được viếng Việt Nam Phật Quốc tự của thầy Huyền Diệu ở Lâm Tỳ Ni. Em cũng được đọc quyển Khi Hồng Hạc Bay Về, thầy Huyền Diệu kể về thời kỳ đầu xây dựng chùa với nhiều khó khăn, nên em vui được nghe về Việt Nam Phật Quốc tự như nghe tin của một người thân quen. Ở Lâm Tỳ Ni còn gốc cây Bồ đề, nơi hoàng hậu sinh hạ thái tử Tất Đạt Đa. Qua miêu tả kiểu “bệnh nghề nghiệp” của anh, đó là một cuộc chuyển dạ do động thai, được thực hiện mổ lấy thai Cesarien đường hông trong điều kiện không đảm bảo tiệt trùng, nên hoàng hậu bị nhiễm khuẩn hậu sản và một tuần sau Người qua đời, để lại thái tử Tất Đạt Đa cho em gái, là dì ruột của thái tử, chăm sóc. Lâm Tì Ny là một trong “tứ động tâm” mà Phật tử nào cũng muốn một lần trong đời được đến viếng: Phật đản sanh, Phật thành đạo, Phật chuyển pháp luân và Phật nhập Niết bàn. Nhưng hôm ấy, vườn Lâm Tì Ny nơi Phật đản sinh mà anh đến viếng, anh chỉ thấy… náo nhiệt do nhiều khách hành hương thăm viếng chứ không thấy động tâm. Chỉ đến khi bắt gặp chiếc lá bồ đề khô rơi lẻ loi trên đụn gạch xưa, vốn là di tích những nấm mồ của các đệ tử Phật từ vài ngàn năm trước, anh mới rưng rưng xúc động! Suy đến cùng, mọi vật chất trên thế gian này đều trở về cát bụi, về cùng đất và lại là đất ngàn năm trường cửu. Em cũng rưng rưng đồng cảm cùng anh khi nhận ra lẽ vô thường trong điều vĩnh cửu ấy. Bao nhiêu chiếc lá đã rụng xuống quanh cội bồ đề này, bao nhiêu lớp đất đã trôi đi rồi đã lại tích tụ ở đây, để ngày hôm đó anh được đặt bàn chân mình trên lớp đất ngàn năm ấy, cầm trên tay mình chiếc lá được nuôi dưỡng từ thân cây ấy. Cũng như những đám mây trên bầu trời kia không còn là mây của ngàn xưa, những con sóng vỗ trên đại dương bao la kia đâu còn là con sóng thủa hồng hoang nữa, nhưng mây sóng ấy, nước ấy vẫn luôn tồn tại. Vô thường cũng đó mà hằng thường cũng đó mà thôi!
Tản mạn trong Buông, anh kể về chuyến du lịch Úc châu, nơi anh đến thăm một Bệnh viện ung bướu ở Melbourne. Ở đó anh không thể phân biệt được ai là bác sĩ, ai là điều dưỡng hay bệnh nhân vì tất cả mọi người đều ăn mặc như nhau, không áo blouse, không khẩu trang, không bảng tên, mũ mão. Đúng là bài học Thường Bất Khinh sống động đúng với tinh thần tôn trọng và không phân biệt. Em lại nghĩ đến tăng đoàn của Phật, ai cũng một y, một bát và bình đẳng như nhau với mái đầu đã cùng xuống tóc, không còn vết tích gì để phân biệt các giai tầng xã hội khác nhau trong một xã hội phân biệt giai cấp như Ấn độ thời ấy. Mới thấy, dù ở thời đại nào, không gian nào, tôn giáo nào, người ta cũng đều tìm được cách thể hiện sự tôn trọng và bình đẳng, nếu người ta muốn!
Anh có đề cập đến việc độc cư, “biết sống một mình”. Em rất tâm đắc với chủ đề này, vì từ lâu em cũng quen sống và thích sống một mình. Kham nhẫn (kham là chịu; nhẫn là nhịn) cũng là một chủ đề hay, mà hay nhất là câu hỏi của anh dành cho độc giả: “Kham nhẫn với giận với hờn còn dễ hơn kham nhẫn với nhớ với thương, phải không?”. Câu hỏi chính nó đã là một câu trả lời rồi, phải không anh? Thiểu dục tri túc cũng là một cách Buông vì biết đủ là biết sống không cầu thị quá nhiều vật chất và những thứ ngoại lai không cần thiết.
Thật ra BUÔNG không phải là quyển sách dễ đọc và dễ hiểu, ít nhất là với một người hiểu biết cạn cợt như em. Có lẽ qua thời gian, việc tu học của anh đã ngày càng tinh tấn, nên các điển tích anh nhắc đến và thâm ý sâu sắc trong các bài viết của anh đã nâng tầm cao hơn các quyển sách khác em từng đọc trước đây. Có những bài em đọc đi đọc lại, mà không hiểu, chưa hiểu. Hi vọng sau một thời gian, em có thể đọc lại lần nữa và sẽ thấy vỡ òa nhiều điều mới. Còn bây giờ, sau khi khép lại quyển Buông, em lại nhớ lời anh dặn dò trong Nghĩ Từ Trái Tim, hãy “hành thâm Bát Nhã ba đa mật…” Phật là một nhà giáo dục, một bậc y vương, Phật đã chẩn bệnh cho chúng ta, kê toa cho chúng ta. Nhưng chính chúng ta phải biết quay về nương tựa chính mình, biết thực hành lời Phật dạy, phải “tu” thì mới mong “thấy biết”, mới mong có “chánh trí Bát nhã”, đúng không anh?
Cảm ơn anh vì quyển Buông, cũng như quyển Nghĩ Từ Trái Tim và các quyển sách khác của anh mà em đã có cơ duyên đọc. Những quyển sách này như “mưa lâu thấm đất” đã từng chút một gột rửa lớp bồ hóng bụi bẩn bám lâu ngày trong tâm hồn còn nhiều chấp kiến, nhiều tham sân si của em. Em hi vọng em sẽ có cơ hội được tham vấn anh nhiều hơn để được nghe anh giải thích về bao điều em còn thắc mắc, trong một lá thư khác. Em chúc anh nhiều sức khỏe và giữ vững phong độ phát hành sách, bởi vì như em thấy, viết sách là cách anh tâm tình với độc giả cũng như anh thủ thỉ với Phật mỗi ngày, phải không anh?
Hậu bối của anh,
Phạm Kiêm Yến.
………………………………………………
Chú thích: Phạm Kiêm Yến là bác sĩ đã về hưu, chưa buông.
Kính Bác!
Thật ra mà nói thì cháu chưa bao giờ đọc quá một trang sách Bác viết, nhưng cháu có vài tâm tình gởi các Bác như sau:
Nếu đã “ngộ” mà còn viết sách thì y hệt như đưa thuốc độc cho con cháu đời sau uống. Đó là cho là các Bác có tâm tốt muốn đem chỗ sáng của mình chỉ cho người đời sau. Còn nếu các Bác muốn khoe kiến thức Phật Pháp thì các Bác đang ôm tảng đá nhảy xuống sông vậy!
Vì sao? Vì đã “ngộ” mà còn nói ra được thì vẫn còn kiến giải, còn có chỗ để nói. Cái này chính xác gọi là Khẩu đầu thiền!!!
Nếu còn thấy ngồi thiền, theo dõi hoặc là dõi theo hơi thở thì ngoài kia chắc trâu bò ruồi muỗi cũng ngộ tuốt luốt!!!!
Cháu nói thế các Bác đồng ý không? Nếu không đồng ý với cháu thì các Bác buông đi! Đời là vô thường thì cớ sao không buông?
Nhưng nếu nói buông thì cái mớ giấy lộn kia sao các Bác chẳng chịu buông mà cứ cầm lên thì nhau ngửi rồi khen thơm? Bó tay vậy!!!! 🙂
Con kính các Bác!!!!
Rất cảm ơn Trung,
ĐHN
Thứ nhất là bạn trung cm sân si quá, bạn viết với cái tâm mạn lớn, nóng lòng thể hiện bản thân nên viết vội ” Đó là cho là…”, giọng bạn thì như bề trên.
Thứ 2 nếu bạn chưa đọc thì bạn không nên lên tiếng, giống như không thấy đầu bếp, không ngửi không nếm món ăn mà đã khen ngon hay dở vậy.
Thứ 3 Đức phật ngộ rồi nhưng vẫn chia sẻ cái ngộ của ngài, giống như nhiều bậc giác ngộ khác. Bạn dựa vào đâu bảo bác ngọc là thể hiện mà không muốn chia sẻ, và những ai đã được ích lợi từ việc chia sẻ của bác liệu bạn có để tâm không.Bạn dựa vào đau mà nói bác khoe kiến thức, khi chưa gặp bác, chưa đọc bài bác viết. Hay bạn dựa vào cái mạn của mình thích phán xét người khác để thỏa mãn chút hư vinh.
Giống tên bạn mà hơi buồn với thái độ lồi lõm này